Chôn vốn tại dự án vướng rà soát kéo dài
Mới đây, Tập đoàn Novaland đã gửi đơn thư cầu cứu khẩn cấp đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng để được xem xét, hỗ trợ tháo gỡ cho doanh nghiệp được tiếp tục triển khai dự án Dự án Khu Dân cư Bình Khánh (diện tích 30,224 ha tại P.Bình Khánh, Q.2, TP.HCM) do Công Ty TNHH Phát Triển Quốc Tế Thế Kỷ 21 - là công ty thành viên của Tập đoàn Novaland - làm chủ đầu tư.
Theo Tập đoàn Novaland, dự án Khu Dân cư Bình Khánh đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 với hơn 506 căn hộ tái định cư và đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng kỹ thuật toàn khu và đang tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng giai đoạn 2. Trước đây, đại diện thành phố là Ban quản lý Khu quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu Đô thị mới Thủ Thiêm (“Ban quản lý Thủ Thiêm”) thỏa thuận với chủ đầu tư mua lại các căn hộ tái định cư thuộc dự án. Tuy nhiên, do ngân sách thành phố khó khăn nên được thống nhất thực hiện phương án hoàn tất giai đoạn 1, không đầu tư xây dựng giai đoạn 2 và dùng quỹ đất giai đoạn 2 để tạo vốn thanh toán cho giai đoạn 1.
Do đó UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định chủ trương đầu tư số 3990/QĐ-UBND, chấp thuận cho chủ đầu tư dự án Bình Khánh tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 là căn hộ thương mại, do không còn nhu cầu sử dụng cho tái định cư. Mặc dù vậy, trong quá trình rà soát chung của Thủ Thiêm, dự án này cũng như các dự án bất động sản khác bị rà soát kéo dài, dẫn đến việc chậm triển khai và phát sinh chi phí vốn cho đầu tư, xây dựng…
Tập đoàn Novaland cho biết đã cùng các nhà đầu tư nước ngoài rót vào dự án này khoảng gần 6.000 tỉ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa thể tiếp tục triển khai. Việc đình trệ đã và đang ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh chung của tập đoàn, ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư trong và ngoài nước, từ đó cũng ảnh hưởng đến môi trường đầu tư chung của TP.HCM.
Được biết, trước đó Novaland cũng đã gửi đơn thư giải trình, kêu cứu đến Chính phủ & Bộ ban ngành liên quan để xem xét, hỗ trợ tháo gỡ cho đoanh nghiệp được tiếp tục triển khai trong thời gian sớm nhất nhằm giúp ổn định môi trường kinh doanh và tạo sự tin tưởng hơn nữa cho môi trường đầu tư. Tuy nhiên, những khó khăn của doanh nghiệp đến nay vẫn chưa được tháo gỡ.
Nguy cơ kiệt quệ doanh nghiệp, gia tăng nợ xấu
Trường hợp dự án trên đây của Novaland chỉ là một điển hình về việc bế tắc thủ tục. Đây không còn là vấn đề của một vài doanh nghiệp mà đã trở thành vấn đề chung, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là khoảng 2 năm trở lại đây.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong năm qua hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc tự thoát khỏi thị trường. Toàn thành phố bị sụt giảm mạnh về quy mô, về nguồn cung dự án nhà ở cũng như nguồn cung sản phẩm nhà ở.
Thống kê tại TP.HCM, từ tháng 10/2015 đến hết năm 2018, có đến 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng và 158 dự án bất động sản có nguồn gốc quỹ đất thuộc Nhà nước quản lý phải rà soát lại thủ tục pháp lý. Cả năm 2019 toàn thành phố chỉ có 1 “dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở” được “chấp thuận chủ trương đầu tư”, giảm 12 dự án, giảm 92%.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, từ 2 năm qua, Hiệp hội liên tục lên tiếng và tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp khó khăn, thị trường cũng khó khăn, người mua nhà cũng không có sản phẩm hợp lý để mua sẽ gây hệ luỵ rất lớn cho xã hội.
Bên cạnh doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng trực tiếp, tăng chi phí lãi vay, mất uy tín với khách hàng, đối tác thì các ngành liên quan đến bất động sản như: Xây dựng, vật liệu xây dựng… cũng bị ảnh hưởng theo. Mặt khác, việc rà soát thủ tục nhiều dự án cũng như hiệu lực các văn bản đã ban hành trước đây cũng gây tác động xấu đến môi trường đầu tư trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Chung quan điểm, ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa cũng nhận định, những ách tắc trong quá trình cấp phép, phê duyệt thủ tục hành chính sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp bởi đa phần doanh nghiệp đều phải đi vay, doanh nghiệp càng lớn thì lượng vốn đi vay càng lớn. Khi dự án ách tắc không thể triển khai thì ngân hàng cũng chịu tác động không nhỏ do lượng nợ xấu tăng lên.
Do đó, theo ông Quang để giải quyết điều này thì việc thứ nhất là ngân hàng cần giãn thời gian vay để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Song song đó, Nhà nước cũng cần cân nhắc đến việc điều chỉnh chính sách, rút ngắn thời gian cấp phép, không nên đùn đẩy trách nhiệm. Bởi trong vấn đề này doanh nghiệp vốn vô can. Họ không thể biết đúng sai mà quan trọng là Nhà nước phải có sự điều chỉnh hợp lý.
“Doanh nghiệp chỉ biết nộp hồ sơ xin giấy phép, còn đúng sai thì họ phải chờ Nhà nước phân định. Doanh nghiệp vốn dĩ vô can. Trong 2 năm ở thành phố không có dự án nào mới cho thấy thủ tục cấp phép chính là mấu chốt của vấn đề. Đây là câu chuyện giữa Nhà nước và Nhà nước, chứ không phải Doanh nghiệp và Nhà nước. Nên muốn thay đổi thì Nhà nước cần sớm tìm ra phương án phù hợp”, ông Quang nêu quan điểm.