Aa

Doanh nghiệp là nền tảng, động lực cho sự tăng trưởng kinh tế

Chủ Nhật, 04/06/2023 - 13:59

Kinh tế xã hội của đất nước những tháng đầu năm 2023 bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận có không ít lo ngại.

Bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội cho rằng các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp cần phải có quyết tâm, tập trung theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới để có giải pháp, chính sách chủ động, kịp thời. Đặc biệt, cần chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Khó khăn của kinh tế toàn cầu là phép thử đối với sức chống chịu của kinh tế trong nước nhưng cũng là cơ hội. Đây là dịp để xem xét điều chỉnh chính sách như: Thu hút đầu tư, xác định thế mạnh xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa. Đây cũng là thời điểm để điều chỉnh giảm thời giờ làm việc và thời giờ làm thêm cho người lao động.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai).
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai).

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho rằng, trong thời gian tới, cần có những giải pháp cấp bách, thậm chí vượt tiền lệ để cứu nguy hỗ trợ cho hệ thống doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp luôn được xác định là nền tảng, là động lực cho tăng trưởng, nhưng hệ thống doanh nghiệp của nước ta đang chịu 4 nút thắt: Thiếu hụt về đơn hàng, tắc nghẽn dòng vốn, thể chế không đầy đủ, thủ tục hành chính bủa vây và những rủi ro pháp lý có thể gặp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, nhìn vào những con số có thể thấy hệ thống doanh nghiệp đang khát vốn nhưng khó tiếp cận, nếu tiếp cận được cũng khó giải ngân do điều kiện vay và thủ tục vay. 
Đánh giá cao trách nhiệm của Chính phủ khi đã sử dụng mệnh lệnh hành chính để yêu cầu giảm lãi suất cho vay và bước đầu đã có một số thay đổi. Tuy nhiên, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, việc giảm lãi suất không quan trọng bằng tiếp cận được vốn tín dụng và đưa nguồn vốn này vào sản xuất, kinh doanh.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, việc giảm lãi suất và đơn giản điều kiện vay cần thực chất để đưa vốn đến đúng và trúng doanh nghiệp thực sự đang cần. Bên cạnh vốn tín dụng cần khơi thông kênh dẫn vốn khác, đồng thời, tiếp tục rà soát để đơn giản thủ tục hành chính một cách thực chất hơn.

Đồng quan điểm này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) cho rằng, doanh nghiệp là linh hồn sống của nền kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp đã và luôn có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước, nhất là trong thời kỳ đại dịch vừa qua. Nhà nước và xã hội cần chia sẻ, chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn hết sức khó khăn này. 

“Đại biểu Quốc hội sẵn sàng làm thêm giờ, họp thêm Kỳ họp bất thường để phúc đáp yêu cầu của thực tiễn, tháo gỡ cho doanh nghiệp”, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nói.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội, Chính phủ ưu tiên thực hiện các giải pháp, đó là: Tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác cho doanh nghiệp, cho người dân. “Tôi hoàn toàn nhất trí việc giảm thuế VAT 2% sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này. Đồng thời đề nghị xem xét kéo dài sang năm 2024”, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị.

Đẩy mạnh phát triển lĩnh vực du lịch để bù đắp suy giảm về thương mại. Một số đại biểu Quốc hội cũng đánh giá cao việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Công an soạn thảo.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn).
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn).

Quyết liệt cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Theo Báo cáo PCI, tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp tăng từ mức 57,4% trong năm 2021 lên đến 71,7% trong năm 2022. Chuẩn bị phương án để giải quyết vấn đề an sinh xã hội phát sinh do khó khăn của doanh nghiệp mang lại. Xem xét, đánh giá kỹ lưỡng bối cảnh để kịp thời điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội lưu ý cần thay đổi văn hóa thái độ phụng sự doanh nghiệp, chủ động thực tâm, thực lòng đến với doanh nghiệp để gỡ khó. Những việc cần làm để hệ thống doanh nghiệp phát triển thì nên làm ngay, quyết định ngay, bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ ngành, và đến khi giải quyết được thì doanh nghiệp “đã gần đất, xa trời”.

Đối với những dự án pháp lý đầy đủ, thực hiện đúng quy trình thì các địa phương cần triển khai ngay, tránh việc cứ rà soát mãi mà cả năm không ra đời dự án nào. Trong bối cảnh khó khăn cần bớt nội dung thanh tra, kiểm tra làm khó doanh nghiệp, tránh tình trạng họ lao đao đi giải trình lên xuống.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần có các biện pháp tháo gỡ khó cho doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường trong và ngoài nước, phải đồng bộ và thống nhất các chính sách tiền tệ và tài khóa. Có chủ trương để xử lý khó cho doanh nghiệp, khó ở đâu thông ở đó, vướng ở đâu gỡ ở đó. Xử lý dứt điểm các vướng mắc về thể chế, không để gây ảnh hưởng đến dây chuyền các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; trong quản lý cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các bộ ngành, làm rõ vai trò chủ trì, chủ động xử lý, hạn chế đẩy trách nhiệm lên cấp trên, không phải nội dung gì cũng để Thủ tướng Chính phủ cũng phải ra công điện hoặc Chính phủ phải ra nghị quyết để gỡ khó./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top