Bình quân mỗi tháng có 17.600 doanh nghiệp ra khỏi thị trường
Báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2023 cho biết, cả nước có 55.200 doanh nghiệp đang tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước; khoảng 25.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động và chờ làm thủ tục giải thể, tăng 34,1%; 7.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,5% so với cùng kỳ.
Riêng trong tháng 5, hơn 5.360 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giảm 25,1% so với tháng trước, tăng 8,1% so với năm trước. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động, chờ làm thủ tục giải thể là hơn 4.700 doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp đã phá sản là hơn 1.200 cơ sở, giảm 19% so với tháng trước và giảm 8,7% so với cùng kỳ.
Như vậy, chỉ trong 5 tháng qua, cả nước có khoảng 88.000 doanh nghiệp đóng cửa, bình quân mỗi tháng có 17.600 doanh nghiệp ra khỏi thị trường.
Ở chiều ngược lại, trong 5 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập chỉ hơn 61.900, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số vốn đăng ký là khoảng 568,7 ngàn tỷ đồng, giảm 25,3% về số vốn đăng ký.
Tình hình kém lạc quan này cũng được phản ánh trong kết quả khảo sát 9.556 doanh nghiệp của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) gửi tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây.
Theo Ban IV, có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 10,9%; dự kiến tạm ngừng kinh doanh 12,4%; dự kiến giảm mạnh quy mô là 38,5% và dự kiến giảm nhẹ quy mô là 20,5%.
Niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh này đặc biệt thấp. Theo Ban IV, có đến 81,4% doanh nghiệp được khảo sát có đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023.
Các đánh giá rất tích cực/tích cực chỉ chiếm 4,2% các doanh nghiệp được khảo sát. Tương tự, có đến 83,7% doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế ngành năm 2023 là tiêu cực/rất tiêu cực, trong đó có 29,6% là rất tiêu cực.
Và trong bức tranh chung đầy "tối màu" đó thì doanh nghiệp ngành xây dựng, các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước và doanh nghiệp tại TP.HCM thể hiện mức độ đánh giá tiêu cực hơn.
84% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả điều hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương kém hiệu quả
Lý giải nguyên nhân về thực trạng niềm tin doanh nghiệp giảm sút, nhu cầu rút khỏi thị trường tăng cao, Ban IV đã đưa 4 nhóm khó khăn, thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Đứng đầu là khó khăn về đơn hàng (59,2%). Thứ hai là khó khăn trong tiếp cận vốn vay (51,1%). Thứ ba là thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật (45,3%). Cuối cùng là nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (31,1%).
Theo nhiều chuyên gia, khó khăn về đơn hàng chiếm tỷ trọng cao nhất là điều dễ hiểu bởi tình hình kinh tế thế giới đang suy giảm và nhiều biến động, trong khi đó Việt Nam là quốc gia có độ mở kinh tế lớn.
Tuy nhiên, ở ba nhóm khó khăn còn lại thì cần phải suy ngẫm và tìm ra nguyên do. Bởi đây là những khó khăn xuất phát từ nội tại trong nước.
Chia sẻ với Reatimes, TS. Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, Giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) cho rằng, khó khăn trong tiếp cận vốn vay, thực hiện thủ tục hành chính hay nguy cơ hình sự hoá các quan hệ giao dịch là những khó khăn chủ quan. Mà đã là khó khăn chủ quan thì chúng ta có thể khắc phục được.
"Chúng ta cứ đổi cho bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm khiến tình hình các doanh nghiệp trong nước không mấy khả quan nhưng hãy nhìn vào thực tế để thấy, đây chỉ là một phần nguyên nhân. Một phần nguyên nhân rất lớn khác là nằm ở cách điều hành chính sách, thực thi chính sách của nước ta; nằm ở các quy định pháp lý nhiều mâu thuẫn, chồng chéo giữa luật này với luật kia; là hình sự hoá vấn đề khiến tâm lý thị trường bất ổn…", TS. Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia, chính bối cảnh này đã khiến phần lớn chính quyền các cấp hiện nay sợ sai mà né tránh trách nhiệm, không dám làm, không dám ký. Vì vậy, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp mãi không được giải quyết. Đến một thời điểm, khả năng chờ đợi và chống chịu không còn thì mặc nhiên, doanh nghiệp sẽ phải rút khỏi thị trường.
Phân tích về thực tế này, báo cáo của Ban IV cũng đã chỉ ra, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong bối cảnh khó khăn như hiện tại chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khi có đến 84% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương hiện nay đang ở mức kém hiệu quả.
"Vấn đề đặt ra ở đây là khâu triển khai chính sách, truyền thông chính sách và hiệu quả thực thi chưa tương xứng với quyết tâm và hành động của Chính phủ và Thủ tướng. Đây là lý do dù hoạt động điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thời gian qua được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận là rất quyết liệt, kịp thời, bám sát những khó khăn của doanh nghiệp, của nền kinh tế, nhưng nhiều khó khăn của doanh nghiệp chưa được giải quyết dứt điểm", Ban IV nêu rõ tại báo cáo.
Vì vậy, cơ quan này đề xuất cần có những giải pháp cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới để nỗ lực của Chính phủ và hệ thống hành chính thực sự đem lại giá trị cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Doanh nghiệp là "xương sống"
của nền kinh tế
Tại phiên họp Quốc hội sáng ngày 31/5 (thuộc chương trình kỳ họp Quốc hội thứ 5), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã nhấn mạnh vai trò "xương sống" của doanh nghiệp đối với nền kinh tế.
Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, doanh nghiệp phát triển thì kinh tế phát triển, đất nước hưng thịnh còn doanh nghiệp suy yếu thì nền kinh tế khó khăn, đất nước khó khăn.
"Doanh nghiệp phải sống thật khỏe, cường tráng thì đất nước mới cường thịnh", đại biểu Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh.
Thực tế, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp đã được khẳng định suốt nhiều năm qua khi là lực lượng đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của nền kinh tế cả nước. Tuy nhiên, những khó khăn của hiện tại đang khiến lực lượng nòng cốt này kiệt sức và dần rời bỏ thị trường.
Sự suy yếu của cộng đồng doanh nghiệp nếu không có những giải pháp kịp thời tháo gỡ, cải thiện sẽ dễ kéo theo nhiều sự suy yếu, đổ vỡ khác. Tình trạng này còn kéo dài ngày nào, sức khoẻ của đất nước còn nhiều đáng lo ngày đó.
"Khi và chỉ khi chúng ta thực sự quyết liệt tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp mới có cơ may phục hồi và phát triển. Do đó, đất nước cũng như các địa phương mới có cơ sở để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng", đại biểu Hoàng Đức Thắng khẳng định.
Cụ thể, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề xuất Chính phủ cần chọn khâu đột phá trong thời gian tới là tập trung mọi nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để phục hồi, vực dậy, phát triển doanh nghiệp.
Trước hết là cần rà soát, tháo gỡ ngay những rào cản về thể chế, về các quy định cứng nhắc, siết chặt quá mức; hạn chế tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp. Bên cạnh đó là khơi thông dòng vốn tín dụng, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp.
Còn theo đại biểu Ma Thị Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, biện pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và doanh nghiệp dễ hấp thụ nhất trong lúc này chính là dùng công cụ tài khóa để hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp như giảm lãi suất ngân hàng, giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm, giãn, miễn lãi suất, miễn lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội.../.