Aa

Doanh nghiệp Nhật ngại thủ tục đầu tư dự án bất động sản ở TP.HCM

Thứ Tư, 18/12/2019 - 06:30

Đối với các dự án phát triển bất động sản trên địa bàn TP.HCM, các nhà đầu tư Nhật Bản phản ánh rằng họ phải thực hiện nhiều thủ tục khác nhau dẫn đến dự án bị chậm trễ triển khai và tổn thất về kinh tế rất lớn.

Ông Nakagawa Motohisa, Trưởng ban Pháp luật - Lao động thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM (JCCH) chia sẻ với báo chí như trên sau khi kết thúc Hội nghị bàn tròn giữa chính quyền TP.HCM và hiệp hội này vào ngày 17/12. Hiện JCCH có hơn 1.000 thành viên.

Theo ông Nakagawa Motohisa, doanh nghiệp xứ hoa anh đào hiện rất quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Nếu có cơ hội họ sẽ tham gia đầu tư, nhưng do nhiều thông tin về thủ tục đầu tư vào lĩnh vực này trên địa bàn thành phố còn rườm rà khiến không ít nhà đầu tư e ngại, chần chừ.

Ghi nhận phản ánh của doanh nghiệp xứ hoa anh đào có dự án đầu tư trong lĩnh vực này, ông Nakagawa Motohisa cho biết, nhà đầu tư phản ánh có quá nhiều thủ tục để thực hiện một dự án bất động sản mà nhiều khi họ không biết phải đến cơ quan, sở ngành nào để hỏi hoặc hoàn thành các thủ tục đó.

Một đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM (JCCH) phát biểu tại Hội nghị bàn tròn giữa chính quyền TP.HCM với JCCH vào ngày 17/12. Ảnh: Lê Hoàng

"Đôi khi đến sở này làm thủ tục lại được chỉ sang sở khác, rất mất nhiều thời gian. Hay có trường hợp trong quá trình hoàn thiện hồ sơ dự án như đã nộp hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng và được duyệt thiết kế cơ sở (basic design approval),... nhưng nếu gặp phải việc điều chỉnh quy hoạch thì rất khó cho nhà đầu tư. Việc này dẫn đến công trình xây dựng bị chậm trễ và mỗi ngày trôi qua doanh nghiệp phải gánh chịu các khoản tổn thất về kinh tế rất lớn", ông chia sẻ.

Ông Nakagawa Motohisa cho biết vấn đề này cũng được JCCH nêu ra tại Hội nghị bàn tròn nói trên và được người chủ trì phía thành phố ghi nhận cũng như phân công rõ các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm có hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc cụ thể cho nhà đầu tư. Ông Nakagawa Motohisa tin rằng nếu các vấn đề về thủ tục đầu tư được giải quyết thuận lợi thì đầu tư Nhật Bản vào lĩnh vực bất động sản trên địa bàn thành phố sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Hội nghị bàn tròn giữa chính quyền TP.HCM với JCCH là sự kiện thường niên, được duy trì liên tục trong suốt 18 năm qua, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng.

Lãnh đạo UBND TP.HCM nhấn mạnh hội nghị được tổ chức hằng năm khẳng định quyết tâm của thành phố trong việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và luôn đánh giá Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trên nhiều lĩnh vực. Chính quyền thành phố sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và những ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản để TP.HCM tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Tại hội nghị, bà Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), cho biết hơn 40 nội dung các doanh nghiệp Nhật Bản thắc mắc, phản ánh đã được giải quyết trong các cuộc họp trù bị trước hội nghị. Các nội dung về thuế và hải quan đã được giải quyết dứt điểm trong các phiên họp trù bị và các câu trả lời đều được đánh giá tốt. Tại hội nghị chỉ còn 6 vấn đề thuộc nhóm lĩnh vực môi trường - đời sống và nhóm lĩnh vực pháp luật - lao động còn tồn đọng được nêu ra.

Ảnh minh họa.

Liên quan đến nhóm môi trường - đời sống, đề xuất của JCCH về việc thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin khẩn cấp của người nước ngoài, thành phố sẽ xây dựng lực lượng hỗ trợ khách du lịch nước ngoài tại các ki-ốt trên địa bàn, và giao nhiệm vụ này cho Thành Đoàn TP.HCM thực hiện.

Với nhóm pháp luật - lao động có 3 nội dung được đưa ra thảo luận. Đối với những vấn đề còn vướng thủ tục, UBND TP sẽ trực tiếp chỉ đạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư và kinh doanh.

Và để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, lãnh đạo UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông, ITPC phối hợp Văn phòng UBND TP đăng ký kênh hỏi đáp (gồm hệ thống các câu hỏi đáp sẵn có) trên hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia - Dịch vụ công trực tuyến (dichvucong.gov.vn) vừa khai trương ngày 9/12/2019 để phục vụ cho đối tượng doanh nghiệp. Với quan điểm công khai, minh bạch, Cổng Dịch vụ công quốc gia cung cấp thông tin về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ thực hiện, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc.

Lãnh đạo thành phố cũng đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia Hệ thống đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền thành phố do ITPC quản lý. Hệ thống này hiện có 42 cơ quan nhà nước tham gia, có thể thực hiện đối thoại trực tuyến thông qua trang thông tin điện tử doithoaidn.hochiminhcity.gov.vn.

Thông qua hội nghị này, lãnh đạo thành phố khẳng định luôn hỗ trợ các doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động tại thành phố. Do đó, những thắc mắc, câu hỏi tiếp theo của các doanh nghiệp liên quan đến môi trường đầu tư sau hội nghị cũng sẽ được thành phố lắng nghe, giải quyết trong thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết một cách sớm nhất.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top