Đáng chú ý, không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng tiếp cận đất, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tiếp cận khó
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, cái khó đầu tiên mà họ phải vượt qua đó là tiếp cận thông tin về quỹ đất, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương cũng như các dự án trên địa bàn.
Riêng với các doanh nghiệp phát triển về bất động sản, hiện có hai vấn đề lớn. Một là vốn và hai là khả năng tiếp cận dự án của doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT GP Invest, từ 2013 trở về trước, doanh nghiệp tiếp cận dự án rất thuận lợi, nhưng hiện nay tiếp cận dự án vô cùng khó khăn.
Ông Hiệp cho rằng, không chỉ vấn đề về vốn mà còn là nguồn thông tin dự án.
“Có thể nói trước kia, từ khoảng năm 2008 cho đến 2013, các dự án cứ đến với doanh nghiệp. Nhưng hiện nay tiếp cận dự án vô cùng khó khăn, không biết tìm dự án ở đâu. May thì gặp. Đây mới chính là vấn đề quan trọng nhất”, ông Hiệp nói.
Vị này cho rằng, các cơ quan quản lý về quy hoạch, quản lý về phát triển của các thành phố cần phải thay đổi phương thức làm việc để thông tin đến được với các doanh nghiệp theo cách kêu gọi đầu tư. Như vậy vừa có hiệu quả cho Nhà nước, đồng thời doanh nghiệp cũng có chỗ tìm.
Ông Nguyễn Tiến Lập, Công ty NHQuang và cộng sự, cho biết bất cập trong các quy định về thực thi luật đất đai hiện nay khá nhiều. Điều này tác động tiêu cực chủ yếu đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ. Còn ở nông thôn thì đối tượng là người dân bị thu hồi đất.
Tại sao lại như vậy? Theo ông Lập, đất đai là một nguồn lực để phát triển, trong đó có một cuộc đua tranh để tiếp cận nguồn lực này.
“Đấy là một cuộc cạnh tranh rất khó bình đẳng, rất khó sòng phẳng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, người dân bình thường luôn luôn yếu thế hơn so với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp siêu lớn”, ông Lập nhận định.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị, một năm tổ chức hai hội nghị lớn, gặp gỡ các nhà đầu tư để chia sẻ các thông tin về quy hoạch. Tuy nhiên, tại các hội nghị đó, rất ít doanh nghiệp, đặc biệt là khối các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia.
Cần minh bạch thông tin
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, câu chuyện cải thiện môi trường kinh doanh dù đã đạt được những thành tựu, nhưng chặng đường phía trước còn dài. Vẫn chưa có được sự công khai, minh bạch về thông tin để doanh nghiệp và người dân biết và kiểm soát. Và nếu như đâu đó vẫn còn chưa công khai, minh bạch thì tham nhũng và lợi ích nhóm vẫn có đất sống.
Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đánh giá lâu nay chúng ta vẫn nói là quy hoạch sau khi được duyệt phải công khai, nhưng trên thực tế việc này làm chưa tốt.
Nhiều thông tin nhà đầu tư cần như vị trí, ranh giới, quy mô, tính chất, đến dự án đó lớn hay nhỏ, các quy định của pháp luật với vị trí đó được làm gì, không được làm gì, được làm thì làm đến đâu, làm to hay bé, cao hay thấp… Từ những thông tin này, nhà đầu tư mới lựa chọn và đưa ra quyết định đầu tư.
Theo ông Chiến, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, cơ quan quản lý nhà nước cần sửa đổi quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án mà các chủ đầu tư phải thỏa thuận giá đền bù với dân.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất một cách công khai, minh bạch, tạo điều kiện để các doanh nghiệp bất động sản tiếp cận thị trường quyền sử dụng đất một cách bình đẳng, hạn chế cơ chế xin – cho, tham nhũng trong lĩnh vực này.
Ông Phí Văn Dực, Giám đốc chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Hải Phòng, cho rằng việc thay đổi, gỡ bỏ những bất cập liên quan đến lĩnh vực đất đai đang được đặt kỳ vọng vào Luật Đất đai sửa đổi.
Tuy nhiên, Chính phủ đã có tờ trình gửi Quốc hội đề nghị rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 do nội dung dự thảo còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn.
Nói đến nguồn lực đất đai, cần phải hiểu rằng không chỉ là nguồn lực cho doanh nghiệp phát triển mà bao hàm ý nghĩa là nguồn lực của kinh tế - xã hội.
Do vậy, để tháo gỡ điểm nghẽn, khai thác nguồn lực hiệu quả, theo ông Dực cần tạo sự công bằng trong tiếp cận, sử dụng đất đai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục liên quan đến đất đai. Trong đó, vấn đề mang tính cốt tử đó là tính minh bạch.
“Khi tất cả các thông tin, thủ tục liên quan đến đất đai được minh bạch, rõ ràng, dễ tiếp cận, dễ hiểu thì nhiều vấn đề khác theo đó sẽ được giải quyết”, ông Dực nhận định.