Aa

Doanh nghiệp sắp hết thời điều chỉnh được quy hoạch?

Thứ Tư, 05/04/2017 - 20:05

Theo Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch Đầu tư Đặng Huy Đông, thị trường BĐS đã từng diễn ra tình trạng doanh nghiệp đua nhau xin điều chỉnh quy hoạch dự án, khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, việc xin điều chỉnh quy hoạch dự án tràn lan sắp tới sẽ gặp khó, một khi Luật quy hoạch được thông qua.

Ông Đặng Huy Đông đã phát biểu như vậy tại Hội thảo về dự thảo Luật Quy hoạch được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 4/4.

Vì sao cần luật quy hoạch?

Theo ông Vũ Quang Các - Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Dự thảo Luật Quy hoạch đã được xin ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV và dự kiến sẽ được xin biểu quyết và thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 5 tới.

Nói về lý do soạn thảo Luật Quy hoạch, ông Vũ Quang Các cho rằng bắt nguồn từ những bất cập trong công tác quy hoạch. Cụ thể, thời gian qua, công tác quy hoạch đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, song bên cạnh đó, công tác quy hoạch cũng còn bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có tới 95 luật và 85 nghị định có phạm vi điều chỉnh liên quan đến công tác quy hoạch, trong đó, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội có 2 nghị định điều chỉnh; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm có 73 văn bản luật và 59 nghị định điều chỉnh; quy hoạch xây dựng (bao gồm cả quy hoạch đô thị) có 3 văn bản luật và 8 nghị định điều chỉnh; quy hoạch sử dụng đất có 1 văn bản luật và 1 nghị định điều chỉnh; quản lý theo quy hoạch có 18 luật và 15 nghị định điều chỉnh.

Cùng với số lượng các văn bản quy phạm pháp luật, số lượng các loại quy hoạch được lập ra cũng rất lớn. Hiện có 19.285 quy hoạch đã được xây dựng, các văn bản quy hoạch này từ cấp quốc gia, cho đến cấp vùng, tỉnh, huyện, xã.

Có rất nhiều địa phương, vùng lãnh thổ được điều chỉnh bởi nhiều loại quy hoạch khác nhau, gây lãng phí nguồn lực lập quy hoạch và khó khăn cho công tác triển khai, thực hiện quy hoạch. Điển hình như tỉnh Phú Yên, có đến 200 bản quy hoạch khác nhau.

PGS.TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội, cho rằng cách thức lập quy hoạch ở Việt Nam không giống với bất cứ nơi nào trên thế giới. Ở đây, mỗi bộ ngành và địa phương làm một quy hoạch. Hệ quả tất yếu là sự chồng chéo không đáng có.

PGS. TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội

PGS. TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội

“Hơn 20 bộ là 20 chính phủ, cũng như 63 tỉnh là 63 quốc gia. Ai làm quy hoạch thì rất thích. Nhưng người dân không chịu nổi nữa. Có quá nhiều quy hoạch không biết làm thế nào. Không cải cách sẽ chết” – PGS.TS Trần Trọng Hanh nói.

Theo quan điểm của PGS.TS Trần Trọng Hanh, việc ban hành Luật Quy hoạch không còn là việc nên làm mà đã trở đã trở thành việc cấp thiết. Ông cho rằng quy hoạch xây dựng ra đời ở nước ta từ những năm 1990 nhằm phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, ở đó Nhà nước phải quy hoạch chi tiết tới từng khu đất, ngôi nhà. Nhưng cách làm ấy không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện tại.

Thực tế hiện nay đòi hỏi một quy hoạch thống nhất cho cả nước. Phương pháp tích hợp đa ngành được coi là chìa khóa để giải quyết vấn đề chồng chéo quy hoạch. Một cách đơn giản có thể hiểu đó như việc xếp chồng các quy hoạch lên nhau nếu có những điểm không trùng khớp thì phải tiến hành sửa chữa ngay trên giấy, tránh xây dựng rồi điều chỉnh và đập bỏ.

Luật quy hoạch sẽ tác động nhiều đến DN BĐS

Thứ trưởng Bộ Kế Hoạch Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, cả nước hiện nay có đến 19.200 bản quy hoạch. Rất nhiều quy hoạch trong đó là quy hoạch ngành. Do có quá nhiều quy hoạch nên đã diễn ra tình trạng quy hoạch chồng quy hoạch.

Ngoài ra, việc triển khai lập 19.200 bản quy hoạch rất tốn kém, nhưng giá trị của các quy hoạch trên đóng góp cho đất nước rất hạn chế, thậm chí cản trở sự phát triển của đất nước. Vì vậy, luật quy hoạch ra đời sẽ điều chỉnh tất cả các hạn chế và bất cập liên quan đến vấn đề quy hoạch hiện nay.

Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ bỏ Quy hoạch Kinh tế - Xã hội 5 năm hiện tại khi Luật Quy hoạch được thông qua. Trong vòng 2 năm sau khi được ban hành bản Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ được công bố công khai.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng phủ nhận việc tranh giành lợi ích trong quản lý quy hoạch. Theo đó, việc Bộ này soạn thảo Luật Quy hoạch là ý kiến của Chính phủ.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo. Không có quyền lực một phía. Luật được soạn thảo không nhằm giành quyền lợi về bên nào” – Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói.

Ông Đặng Huy Đông cho biết ban soạn thảo dự thảo Luật Quy hoạch gồm thành viên của các bộ ngành và chuyên gia độc lập. Tập dự thảo đã trình lên UBTV Quốc hội là thành quả của nhiều người, trong đó phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đóng góp 1 tiếng nói.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Ở lĩnh vực BĐS, Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định: Luật Quy hoạch chưa đụng đến từng dự án cụ thể, nhưng sẽ ảnh hưởng đến các hành vi của các dự án. Cụ thể, việc điều chỉnh dự án, vấn đề khiến dư luận thời gian qua bức xúc sẽ rất khó thực hiện. Hạn chế điều chỉnh dự án, nhưng với những dự án mới, ông Đông cho biết, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều thuận lợi.

Ông Đông lấy dẫn chứng trước kia các chủ đầu tư, nhất là doanh nghiệp tư nhân xin được làm chủ đầu tư dự án đã rất khó, nhưng đến khi làm quy hoạch xây dựng còn khó hơn. Tuy nhiên, Luật Quy hoạch mới đã tích hợp cả việc quy hoạch sử dụng đất lẫn quy hoạch xây dựng, nên doanh nghiệp không phải mất nhiều thời gian công sức.

Nên tích hợp quy hoạch?

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng thì Việt Nam đã đổi mới từ năm 1986, nhưng thói quen quản lý vẫn theo kiểu bao cấp, muốn chi phối thị trường, nên làm gì cũng theo quy hoạch và kế hoạch.

Ngoài ra, mỗi bộ ngành, lĩnh vực đều có quy hoạch riêng, không được tích hợp dẫn đến quy hoạch chồng chéo, lãng phí và gây bức xúc.

Ông Liêm lấy dẫn chứng do chưa có tích hợp quy hoạch ngành nên nhiều quy hoạch cảng biển hiện nay, nhưng lại không có đường sắt. Hay như việc ngành điện, nước, giao thông, mỗi ngành đều có quy hoạch riêng, dẫn đến đào bới lung tung vì chưa có tích hợp quy hoạch hạ tầng chung…

Tại Hội thảo, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng, với công nghệ hiện nay, cho phép làm quy hoạch tích hợp chính xác đến từng centimét lãnh thổ nên việc tích hợp quy hoạch như Luật quy hoạch hướng đến là rất cần thiết.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay theo ông Võ là mỗi bộ hiện nay đều muốn có quyền lực cao nhất, mỗi địa phương cũng có quyền lực cao nhất, lo Luật Quy hoạch được ban hành thì sẽ… mất việc làm.

“Vì vậy nhiều bộ ngành, địa phương hiện nay vẫn muốn giữ nguyên các quy định cũ, không muốn thay đổi”, ông Võ khẳng định.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo mới nhất của Luật Quy hoạch gồm 6 Chương với 69 Điều, 2 phụ lục. Nội dung dự thảo quy định hệ thống quy hoạch quốc gia, các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch, nhiệm vụ quyền hạn các cấp chính quyền trong lĩnh vưc quy hoạch, trình tự lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch, các hành vi bị cấm trong hoạt động quy hoạch cũng như nguyên tắc chế tài vi phạm quy hoạch. Trong đó, 4 điểm nhấn quan trọng của Dự thảo Luật Quy hoạch, bao gồm: Loại bỏ các quy hoạch sản phẩm; tạo ra sự đồng bộ về hệ thống pháp luật trong công tác quy hoạch; tạo ra sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ trung ương đến địa phương, tăng cường liên kết vùng; đổi mới phương pháp và nội dung quy hoạch từ cách thức truyền thống sang hiện đại theo phương pháp quy hoạch chiến lược và nội dung quy hoạch tổng hợp, đa ngành.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top