Tại VBF 2019, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JJCI) nêu rõ, bối cảnh nợ công của Việt Nam đã gần chạm đến giới hạn cao nhất là 65% so với GDP và Việt Nam vẫn đang tiếp tục thực hiện các biện pháp để hạn chế các khoản vay.
“Trong bối cảnh đó, chúng tôi cho rằng việc áp dụng một cách tích cực mô hình PPP là một trong những phương thức hiệu quả để sử dụng nguồn vốn tư nhân và thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng thay cho Chính phủ", ông Nobufumi Miura, Chủ tịch JJCI nêu quan điểm.
Tuy nhiên, JJCI cũng nhấn mạnh, mô hình PPP tức là doanh nghiệp tư nhân thực hiện đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng thay cho Chính phủ, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn lo ngại sự rủi ro khi tham gia hình thức này.
“Chính vì thế Chính phủ nên làm rõ sự chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ và nhà đầu tư tư nhân, hỗ trợ toàn diện cho các nhà đầu tư tư nhân để họ có thể thu hồi vốn một cách an toàn sau khi đã mạo hiểm thực hiện đầu tư”, ông Nobufumi Miura nhấn mạnh.
Đại diện JJCI cũng cho rằng, cần cho phép sử dụng trọng tài nước ngoài trong tất cả các dự án cơ sở hạ tầng bao gồm bất động sản như một điều khoản về giải quyết tranh chấp; Cho phép các nhà đầu tư và các công ty dự án được đặt ra quyền thế chấp cho quyền sử dụng đất, quyền sử dụng vận hành tài sản trên đất và thiết bị dự án; Làm rõ sự chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ và nhà đầu tư tư nhân, Chính phủ cũng sẽ gánh chịu rủi ro thông qua các loại bảo lãnh của Chính phủ trong đó có việc chuyển đổi ngoại tệ.
“Khi các doanh nghiệp nước ngoài trong đó bao gồm các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào các dự án PPP, Việt Nam cần hiểu được tầm quan trọng của việc đảm bảo chuyển đổi ngoại tệ và áp dụng "Pháp luật nước ngoài" làm luật điều chỉnh”, ông Nobufumi Miura nhấn mạnh.
Trong khi đó, báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho hay, tình trạng các công ty xây dựng Hàn Quốc (hoặc nước ngoài) không được thanh toán tiền thi công đúng thời hạn khi xây dựng các công trình hạ tầng cho cơ quan nhà nước Việt Nam đang ngày càng trở nên phổ biến.
“Trong các khoản nợ chưa thanh toán dài hạn, tính riêng chi phí thi công cũng lên tới 125 triệu USD”, KoCham cho biết.
Hiệp hội này cho rằng tình trạng nêu trên bắt nguồn từ chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc quản lý tỷ lệ nợ quốc gia (dưới 65% GDP). Thông qua biểu quyết của Quốc hội năm 2016, số tiền giải ngân vốn vay giai đoạn 2016 - 2020 sẽ được giới hạn ở mức 300.000 tỷ đồng (60.000 tỷ/năm). Điều này dẫn đến việc trì hoãn thanh toán nợ công trình.
Ngoài kiến nghị về nợ đọng xây dựng cơ bản, KoCham cũng đề xuất về việc nới số giờ làm thêm và điều chỉnh phương án tính tiền lương làm thêm giờ. Cụ thể, KoCham cho biết các doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc do giới hạn số giờ làm thêm nghiêm ngặt của Chính phủ (4 giờ/tuần, 30 giờ/tháng, 200 giờ/năm, đối với ngành nghề cần nhiều lao động như may mặc, giầy da là 300 giờ).
Đối với phương án tính tiền lương làm thêm giờ, KoCham cho rằng quy định phải chi trả tiền lương làm thêm giờ ít nhất 300% vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ hưởng lương (và tiền lương làm thêm giờ không bao gồm trong tiền lương của ngày làm việc vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ hưởng lương) đã khiến mức chi trả tiền lương thực tế lên đến 400%, dẫn tới doanh nghiệp phải chịu gánh nặng chi phí lớn.
“Nên loại trừ điều khoản này để lương làm thêm giờ của các ngày này bao gồm cả tiền lương của ngày đó giống như tiền lương làm thêm giờ vào ngày thường, ngày nghỉ theo tuần”.
Đặc biệt, Chủ tịch Hiệp hội Doanh Nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam, bà Amanda Rasmussen, phàn nàn doanh nghiệp bị quá nhiều đợt kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.
Theo đánh giá của AmCham, những tiến bộ gần đây trong lĩnh vực thuế và hải quan điện tử đã chứng minh cam kết của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế trong việc giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp ở giai đoạn kê khai.
“Khi Chính phủ đang tìm kiếm các nguồn thu, thành viên của chúng tôi phải đối diện với quá nhiều đợt kiểm toán, kiểm tra, thanh tra về thuế mà đôi lúc không phù hợp với luật thuế Việt Nam”, bà Amanda Rasmussen khẳng định.
Do đó, AmCham hi vọng Tổng cục Thuế yêu cầu các cơ quan thuế địa phương chịu trách nhiệm đảm bảo thời gian kiểm toán ứng với kỳ kế toán theo quy định và yêu cầu cán bộ dẫn chiếu các điều luật cụ thể khi thực hiện đánh giá lại nghĩa vụ thuế.
Ngoài ra, vị chủ tịch này cũng bày tỏ mong muốn Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan sớm ký kết thỏa thuận trước về xác định giá tính thuế (APA) với các đối tượng đủ điều kiện, giúp giảm thời gian và “sự bất ổn đặc trưng” của các cuộc kiểm toán thuế và hải quan.