Aa

Doanh nghiệp tư nhân – Động lực kinh tế, sứ mệnh mở đường và lan tỏa khát vọng

Thứ Hai, 22/05/2023 - 06:09

Người ta thường nhấn mạnh đến vai trò kinh tế của doanh nghiệp tư nhân; nhưng không chỉ có vậy, những doanh nhân, những tập đoàn lớn còn lãnh sứ mệnh mở đường và lan tỏa khát vọng…

LTS: Lịch sử đất nước dù thăng trầm, biến đổi không ngừng nhưng thời nào, giai đoạn nào dân tộc Việt Nam cũng sản sinh ra những doanh nhân vươn lên làm sự nghiệp lớn. Qua thời gian, đội ngũ doanh nhân có những bước phát triển đáng ghi nhận, hình thành những tên tuổi lớn, kiến tạo những thương hiệu quốc gia. Trong hành trình phát triển, từ những thăng – trầm, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã bộc lộ bản lĩnh và khát vọng, cống hiến và đồng hành cùng vận nước. 

Khi đất nước phải căng mình ứng phó với hệ quả của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn kiên cường ở mặt trận kinh tế; đồng hành cùng đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn. Họ cũng là những người tiên phong đang giải bài toán hậu Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - những người truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất về câu chuyện vượt khó, làm giàu và sống có trách nhiệm - đã có nhiều đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội và tạo nên những thay đổi tích cực cho cộng đồng. 

Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Nguồn lực phát triển cho giai đoạn tới là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Để hiện thực hoá khát vọng Việt Nam sẽ trở thành quốc gia hùng cường vào năm 2045, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt chính là rường cột cho công cuộc kiến tạo tương lai thịnh vượng, với vai trò dẫn dắt và truyền cảm hứng trên hành trình thực hiện sứ mệnh và trách nhiệm xã hội của mình. 

Trân trọng và tự hào trước tinh thần phụng sự đất nước của cộng đồng doanh nghiệp – doanh nhân Việt, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (reatimes.vn) thực hiện chuyên đề: Doanh nghiệp, doanh nhân và trách nhiệm xã hội. 

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở ra một giai đoạn mới của nền kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng. Mới đây nhất, ngày 31/3/2023, Chính phủ ra Nghị quyết số 45/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10 Hội nghị Trung ương 5 khóa XII nói trên. Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc phát triển kinh tế tư nhân và càng khẳng định vai trò to lớn và quan trọng của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế đất nước và trong đời sống xã hội.

Tiền nhân trước đây đã đúc kết bốn trụ cột để duy trì, vận hành, củng cố, phát triển xã hội, đất nước là: Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng, trong đó vai trò của doanh nhân thể hiện rõ nhất trong ở “Công” và “Thương”. Ngày nay, doanh nghiệp tư nhân không phải chỉ có “Công”, “Thương” mà còn tiếp tục lan tỏa sang “Nông” và “Trí”, khẳng định được vị thế, vai trò của mình với những tập đoàn lớn mang tính tiên phong, dẫn dắt một nền nông nghiệp hiện đại, đồng thời từng bước đặt chân vào lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cũng như nâng cao hàm lượng chất xám trong sản phẩm của mình.

Có nhiều cách nhìn nhận doanh nghiệp tư nhân dưới những góc độ khác nhau, nhưng có lẽ biểu hiện rõ nhất là ở khía cạnh kinh tế và xã hội.

Động lực quan trọng của nền kinh tế

Theo số liệu mới nhất từ Diễn đàn kinh tế tư nhân lần thứ II ngày 2/4/2023, hiện cả nước có hơn 786 nghìn doanh nghiệp tư nhân, chiếm 98% trong tổng số khoảng 800 nghìn doanh nghiệp; đóng góp trung bình 46,4% GDP mỗi năm trong giai đoạn 2016 - 2021, riêng năm 2021 đóng góp 18,5% tổng thu ngân sách.

Có thể nói, doanh nghiệp tư nhân đã chiếm lĩnh trong hầu hết các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, như công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, sản xuất và lắp ráp ô tô, vận tải, hàng không, tài chính - ngân hàng, bất động sản, công nghệ thông tin, nông nghiệp… Không khó để điểm ra những thương hiệu mạnh, những doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn cả về vốn và công nghệ cao, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như các tập đoàn Vingroup, Sun Group, Trường Hải Thaco, Hòa Phát, Masan, FPT, Vinamilk, BRG, T&T Group, Vietjet, TH… Trong đó, không hiếm những thương hiệu không những được ghi nhận ở thị trường trong nước mà ở cả thị trường khu vực và quốc tế.

Trong bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam do Vietnam Report công bố tháng 3/2023 thì doanh nghiệp tư nhân chiếm đại đa số, tới 82,4%. Điều đáng chú ý là trong 3 năm trở lại đây, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân trong nhóm này khá ổn định (năm 2021: 82,8%, năm 2022: 84%).

Doanh nghiệp tư nhân gần như phủ kín nền kinh tế, từ quy mô lớn, đòi hỏi trình độ quản lý cao đến những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống xã hội; từ lĩnh vực đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ cao đến sản xuất thủ công hay dịch vụ đơn giản nhất; từ dàn máy bay bay trên trời đến đàn bò sữa đủng đỉnh gặm cỏ trong cánh đồng tươi tốt; từ hạt lúa củ khoai nuôi sống con người trong bữa ăn hằng ngày đến dòng vốn tài chính nuôi sống nền kinh tế… Đến mức ngày nay, ta sẽ không thể hình dung nổi nếu chỉ một ngày, thậm chí một giờ thiếu vắng khối doanh nghiệp này.

Vai trò động lực quan trọng trong nền kinh tế của doanh nghiệp tư nhân đã được xã hội thừa nhận và ngày càng khẳng định chắc chắn. Nhưng nói đến điều đó mới chỉ là đề cập đến những đóng góp vật chất, có thể cân đong đo đếm bằng những sản phẩm và số lượng cụ thể. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân còn thể hiện vai trò lớn hơn thế, bằng sứ mệnh mở đường và lan tỏa khát vọng, để trở thành động lực quan trọng không chỉ ở hiện tại mà cả trong tương lai.

vinsmart
Trong nhiều năm qua, Vingroup đã có những đóng góp vô cùng quan trọng vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ảnh: Tùng Dương

Từ sứ mệnh mở đường và lan tỏa khát vọng…

Doanh nghiệp tư nhân thể hiện vai trò to lớn trong việc tiên phong đi đầu, dấn thân khai mở những lĩnh vực và thị trường mới, không những góp phần cung cấp của cải cho xã hội, sản phẩm cho người tiêu dùng, mà quan trọng hơn còn góp phần định hướng tiêu dùng với lối sống xanh, hài hòa, thân thiện với môi trường và thể hiện trách nhiệm đối với xã hội, đất nước.

Người ta có thể nói đến Vingroup với việc kiến tạo hệ sinh thái nhà ở trung cao cấp tôn trọng tự nhiên, thân thiện với môi trường, tôn trọng con người, mở ra xu hướng ở mới, nâng cao chất lượng sống cho cư dân. Người ta sẽ còn nhắc nhiều đến thương hiệu này khi dám đón đầu làn sóng cách mạng xanh để đầu tư vào xe điện với lời giải thích mới đây của Chủ tịch tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng đã nói lên tất cả: “Nếu không có khát vọng, chỉ kinh doanh kiếm tiền thì không dại gì lao vào lĩnh vực khó khăn gian khổ thế. Dễ thì không đến lượt chúng ta làm. VinFast thể hiện trách nhiệm xã hội, lòng yêu nước của chúng tôi đối với đất nước”.  

Người ta có thể nói đến Sun Group với hệ sinh thái bất động sản du lịch đẳng cấp cao nâng tầm cho du lịch Việt. Hay ngay như trong lĩnh vực “xưa như trái đất” là nông nghiệp, doanh nhân Thái Hương vẫn có thể tạo ra thương hiệu sữa “xanh” TH True Milk, không những đưa công nghệ sữa sạch vào Việt Nam, đi ra thế giới, đưa sữa đến từng gia đình Việt, góp phần nâng cao thể trạng người Việt, mà còn là làm cuộc cách mạng xanh, hiện đại hóa nông nghiệp, phủ màu xanh lên vùng đất khô cằn phía Tây Nghệ An và làm đổi đời những người nông dân vốn một nắng hai sương bán mặt cho đất bán lưng cho trời…

Nhưng điều quan trọng không chỉ dừng lại ở đó, mà chính khát vọng của những doanh nhân tiên phong khai phá, chính những giá trị cả về vật chất và tinh thần, văn hóa lại mang tính truyền cảm hứng, thắp lên và thổi bùng ngọn lửa đam mê sáng tạo, khát khao cống hiến cho thế hệ trẻ để thôi thúc họ dấn bước, tiếp tục sản sinh ra những thế hệ mới cho doanh nhân Việt Nam.

Đó chính là vai trò xã hội của doanh nghiệp tư nhân đối với đất nước.

… đến khơi dậy các nguồn lực và tôi luyện bản lĩnh

Không những thế, với tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao và linh hoạt ở cả quy mô lẫn cơ chế, doanh nghiệp tư nhân còn có vai trò quan trọng trong việc khơi dậy các nguồn lực, từ tài nguyên, tài chính đến chất xám - nguồn lực con người.

Thaco của doanh nhân Trần Bá Dương đã trở thành con đại bàng đầu đàn, cũng là “chim mồi” để thu hút các nguồn lực chất lượng cao vào Quảng Nam, biến vùng cát trắng hoang vu thành Khu kinh tế mở Chu Lai sầm uất. Sun Group biến những đỉnh núi cao hiểm trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn không chỉ với khách trong nước mà còn là điểm đến không thể thiếu trong hành trình của du khách khu vực và quốc tế như Sa Pa, Bà Nà…, mà vẫn bảo tồn gần như nguyên vẹn cảnh quan, môi trường sinh thái.

Doanh nghiệp tư nhân cũng thu hút được nguồn vốn khổng lồ thông qua cổ phiếu, trái phiếu và góp vốn đầu tư, biến đồng tiền nhàn rỗi trong dân thành tư bản để sinh ra giá trị, mang lại lợi ích cho chính người dân, cho doanh nghiệp cũng như xã hội.

Hơn nữa, theo thống kê, hiện doanh nghiệp tư nhân sử dụng khoảng 85% tổng số lao động cả nước. Các chuyên gia chỉ ra rằng, đây là nhân tố không chỉ bảo đảm cho việc duy trì tăng trưởng GDP, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, góp phần khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, mà còn là kênh chủ yếu huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

Sở dĩ doanh nghiệp tư nhân làm được như thế, đạt được những thành tựu trên, bên cạnh yếu tố khách quan là chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mở đường, khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, phải kể đến vai trò quan trọng của yếu tố tự thân, chủ quan của chính các doanh nghiệp và doanh nhân.

Đó chính là khát vọng làm giàu, khát vọng cống hiến cộng hưởng với sự năng động, nhanh nhạy, linh hoạt, sáng tạo, dám nghĩ dám làm và cả dám chịu trách nhiệm. Điều này tạo ra lợi thế cho các doanh nhân và doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường mang tính cạnh tranh khốc liệt nhưng cũng là động thúc đẩy họ vươn tới thành công.

Do tự bỏ vốn, tự kinh doanh, tự quyết định và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình theo kiểu “lời ăn lỗ chịu”, nên các doanh nghiệp tư nhân thường có tính quyết đoán cao trong các quyết định của mình, cả về đầu tư, sản phẩm cũng như nhân sự, tài chính. Vì vậy họ nắm bắt được cơ hội, đồng thời cũng linh hoạt trong chuyển đổi khi thị trường có sự biến động, hoặc đi tắt đón đầu xu hướng của thị trường và xã hội.

Ưu điểm này của doanh nghiệp tư nhân càng được phát huy cao độ khi khoa học công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Sự quyết đoán, mạnh dạn đầu tư và chuyển hướng sản xuất kinh doanh cũng như những sáng kiến, đổi mới, nhất là mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ trong cả sản xuất và điều hành, quản trị doanh nghiệp…, đã tạo ra những đột phá quan trọng, nhiều khi mang tính khai phá của khối doanh nghiệp tư nhân. Điều đó vừa khẳng định thế mạnh, vừa nâng cao vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong thời đại cách mạng 4.0.

Nói như thế không phải là ca ngợi một chiều, là thần thánh hóa, mà là để nhấn mạnh tính đặc thù của khối doanh nghiệp tư nhân. Đó là: Tính đa dạng về cả quy mô, loại hình, lĩnh vực, địa lý… nên dễ lấp đầy khoảng trống của nền kinh tế. Đồng thời, tính chịu trách nhiệm cá nhân dẫn đến sự quyết đoán cao, khiến doanh nghiệp tư nhân nhanh chóng chớp thời cơ, khai thác tối đa cơ hội, chuyển đổi và thích ứng nhanh, kể cả khi gặp bất lợi cũng có thể nhanh chóng cơ cấu lại để không những đứng vững mà còn mở ra hướng phát triển mới.

Nói như thế không phải là doanh nghiệp tư nhân chỉ toàn có thành công, mà là muốn nhấn mạnh đến sự chọn lọc. Thực tế có hàng trăm doanh nghiệp khởi nghiệp mới có một doanh nghiệp thành công nên có thể nói, sự thành công của những doanh nghiệp đã khẳng định được tên tuổi là kết quả của sự tôi luyện cả năng lực và khát vọng, cả bản lĩnh và kinh nghiệm. Đó là hành trình trải qua đủ các cung bậc của thương trường, nên nó vừa là sự chọn lọc khắt khe, thậm chí nghiệt ngã, vừa là sự rèn rũa, hun đúc công phu, tạo nền móng cho sự phát triển bền vững.

thủ tướng phạm minh chính
Các chuyên gia của Tập đoàn TH báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc ứng dụng công nghệ cao vào cánh đồng và trang trại chăn nuôi bò sữa. Ảnh: TH

Cần một môi trường kiến tạo

Tuy nhiên, con đường phát triển của doanh nghiệp tư nhân không phải chỉ có toàn thuận lợi. Theo các chuyên gia, những trở ngại khách quan ngăn cản doanh nghiệp tăng trưởng cũng như nâng cao năng suất, hiệu quả… thì có nhiều, như do môi trường kinh doanh vẫn thiếu thuận lợi; gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai, vốn, thị trường, khách hàng và các bất lợi về thuế, hải quan; sự thay đổi chính sách và pháp luật kinh doanh dẫn đến các doanh nghiệp không kịp nắm bắt và thích nghi… Nhưng tựu trung lại, theo đại diện các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, khó khăn lớn nhất đối với khu vực kinh tế tư nhân vẫn là môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, nhiều quy định chưa đầy đủ, rõ ràng, thiếu nhất quán và chồng chéo. Vì vậy, điều mà các doanh nghiệp tư nhân cần không phải là sự hỗ trợ, ưu đãi đặc biệt, mà là hệ thống pháp luật kinh doanh minh bạch, công bằng và lành mạnh với các thủ tục hành chính, thủ tục tiếp cận đất đai, nguồn lực tài chính đơn giản và thuận tiện.  

Theo Nghị quyết 45 ngày 31/3/2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10 khóa XII của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp, đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 55% GDP vào năm 2025 và 60 - 65% GDP năm 2030. Năng suất lao động tăng khoảng 5%/năm; hằng năm, khoảng 35 - 40% số doanh nghiệp tư nhân có hoạt động đổi mới sáng tạo…

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, cần sự nỗ lực phấn đấu to lớn của các doanh nghiệp tư nhân. Nhưng chỉ riêng nỗ lực của doanh nghiệp là chưa đủ mà cần có sự hỗ trợ hiệu quả hơn của nhà nước, đặc biệt là tháo gỡ về pháp lý và bằng cơ chế phù hợp, hiệu quả. Ngay trong Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023, Chính phủ cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp cấp bách cần triển khai trong ngắn hạn, đầu tiên là khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, cần một Chính phủ kiến tạo để tạo điều kiện cho cái mới, cho những nhân tố tích cực nảy nở và phát triển. Cái mới ở đây bao gồm cả sản phẩm, mô hình, phương thức và con người. Cái mới sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ của cái cũ, nên nếu không thay đổi kịp thời, sẽ đánh mất cơ hội và kìm hãm sự phát triển. Do đó, phải nhanh chóng nhận thức được cái mới, thẩm định, nếu thấy mang tính tích cực thì phải nhanh chóng thay đổi cái cũ, từ nhận thức đến hành động, từ tư duy đến pháp lý và cần thể hiện bằng những cơ chế, chính sách phù hợp.

Tóm lại, doanh nghiệp tư nhân đã và ngày càng khẳng định vai trò to lớn trong nền kinh tế và cả trong đời sống xã hội. Nhưng để kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, rất cần Chính phủ thể hiện mạnh mẽ hơn trong vài trò kiến tạo, linh hoạt và phù hợp trong từng bối cảnh, nhanh chóng xử lý dứt điểm những vướng mắc pháp lý là nền tảng cho sự minh bạch, phát triển ổn định, bền vững. Tất cả đều vì dân giàu, nước mạnh, xây dựng Việt Nam thịnh vượng, hùng cường./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top