Doanh nhân Việt Nam và nguồn cảm hứng dựng xây thịnh vượng
Trước những khó khăn nội tại đang cần phải vượt qua, chúng ta lại càng trông đợi nhiều hơn vào đội ngũ doanh nhân - những người kiến tạo tương lai đất nước, trong hành trình phát triển mới, với vai trò dẫn dắt và truyền cảm hứng cho công cuộc phát triển trước thời cơ hiện nay…
******
Lời toà soạn:
Lịch sử đất nước dù thăng trầm, biến đổi không ngừng nhưng thời nào, giai đoạn nào dân tộc Việt Nam cũng sản sinh ra những doanh nhân vươn lên làm sự nghiệp lớn. Qua thời gian, đội ngũ doanh nhân có những bước phát triển đáng ghi nhận, hình thành những tên tuổi lớn, kiến tạo những thương hiệu quốc gia. Trong hành trình phát triển, từ những thăng – trầm, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã bộc lộ bản lĩnh và khát vọng, cống hiến và đồng hành cùng vận nước.
Khi đất nước phải căng mình ứng phó với hệ quả của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn kiên cường ở mặt trận kinh tế; đồng hành cùng đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn. Họ cũng là những người tiên phong đang giải bài toán hậu Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - những người truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất về câu chuyện vượt khó, làm giàu và sống có trách nhiệm - đã có nhiều đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội và tạo nên những thay đổi tích cực cho cộng đồng.
Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Nguồn lực phát triển cho giai đoạn tới là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Để hiện thực hoá khát vọng Việt Nam sẽ trở thành quốc gia hùng cường vào năm 2045, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt chính là rường cột cho công cuộc kiến tạo tương lai thịnh vượng, với vai trò dẫn dắt và truyền cảm hứng trên hành trình thực hiện sứ mệnh và trách nhiệm xã hội của mình.
Trân trọng và tự hào trước tinh thần phụng sự đất nước của cộng đồng doanh nghiệp – doanh nhân Việt, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (reatimes.vn) thực hiện chuyên đề: Doanh nghiệp, doanh nhân và trách nhiệm xã hội.
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!
Đầu tháng 5/2023, Tổ chức Y tế thế giới (WTO) đã chính thức tuyên bố: Đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Ngay trước đó, WTO cũng đã công bố chiến lược mới, trong đó khuyến nghị các quốc gia cần có các phương cách thích hợp để chuyển từ cơ chế ứng phó khẩn cấp sang chiến lược phòng ngừa và kiểm soát lâu dài, bền vững đối với đại dịch này. Động thái này được coi như một dấu mốc ghi nhận: Nhân loại đã đi qua cơn đại dịch lịch sử mang tên Covid-19.
Đại dịch này đã gây ra những thiệt hại lớn lao về tính mạng và sức khỏe của con người trên toàn thế giới. Cùng với đó là những di chứng rất nặng nề, còn lâu mới có thể khắc phục được hoàn toàn, trên bình diện phát triển kinh tế và xã hội toàn cầu. Việt Nam nằm trong số những quốc gia bị ảnh hưởng tiêu cực rất lớn của đại dịch. Tuy nhiên, chúng ta cũng được ghi nhận là một đất nước đã sớm trở lại bình thường, kinh tế có nhiều dấu hiệu phục hồi và đang bắt đầu phát triển năng động trở lại.
Các doanh nghiệp Việt chung tay vì cộng đồng trong đại dịch Covid-19.
Trong thời gian diễn ra đại dịch từ đầu năm 2020 đến nay, cả đất nước chung một tinh thần đoàn kết, đã dấy lên phong trào chia sẻ để vượt qua đại dịch. Các doanh nhân đã đóng góp lớn và tham gia vào nhiều công đoạn phòng chống đại dịch. Những hình ảnh biểu tượng, như nhà máy dừng sản xuất ô tô để lắp ráp dây chuyền làm máy thở, bệnh viện dã chiến được dựng lên, các thiết bị, vật tư y tế, vaccine… đã được huy động từ đóng góp rất lớn của các tập đoàn kinh tế, các chủ thể doanh nghiệp, đã tạo nên ấn tượng đẹp đẽ về một đội ngũ doanh nhân mới. Họ chính là một nguồn lực lớn lao đóng góp vào sức mạnh quốc gia để đất nước đương đầu và đi qua biến cố mang tính chất toàn cầu. Đó là biểu tượng của lòng yêu nước, ý thức xã hội và trách nhiệm với cộng đồng của doanh nhân. Đi qua đại dịch cũng là một trải nghiệm bản lĩnh của doanh nhân. Những ngày chững lại vì đại dịch cũng là lúc vươn tầm nhìn xa hơn, vượt lên, để đón đợi những cơ hội sẽ đến.
Trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, trước những khó khăn nội tại cần phải vượt qua, nhiều công trình được thi công trở lại, nhiều con đường tiếp tục mở ra, các hoạt động du lịch, thương mại và dịch vụ đang nhộn dịp dần lên ở trên khắp đất nước ta, chúng ta lại càng trông đợi nhiều hơn vào đội ngũ doanh nhân của chúng ta - những người kiến tạo tương lai đất nước, trong hành trình phát triển mới, với vai trò dẫn dắt và truyền cảm hứng mới cho công cuộc phát triển trước thời cơ hiện nay…
***
Qua gần 40 năm gần đây, tính từ thời điểm bắt đầu thực hiện Đường lối Đổi mới năm 1986, đến chủ trương tăng cường phát triển kinh tế tư nhân để trở thành động lực quan trọng của công cuộc phát triển hiện nay, chúng ta đã tạo dựng nên nhiều thành quả lớn, làm thay đổi và ghi dấu ấn vượt trội trong lịch sử phát triển của đất nước. Những thay đổi làm cho chúng ta càng vững tin vào nội lực của mình. Một đội ngũ doanh nhân mới đã được hình thành đông đảo, là rường cột cho công cuộc kiến tạo tương lai thịnh vượng.
Tầng lớp thương nhân Việt Nam bắt đầu xuất hiện vào thời nhà Lý, khi Lý Công Uẩn rời đô từ vùng núi Hoa Lư ra miền đồng bằng Đại La để xây kinh thành mới. Công cuộc vĩ đại này bắt đầu từ việc hình thành các làng nghề sản xuất và phường hội buôn bán, giao thương, dần dần dựng nên một kinh đô Thăng Long rực rỡ. Thời kỳ nhà Trần tiếp nối, tầng lớp thương nhân tiếp tục phát triển để mở ra một thời kỳ phát triển phồn thịnh của quốc gia Đại Việt. Thương cảng Vân Đồn, được đánh thức từ thời vua Lý Anh Tông, vào thời nhà Trần, đã trở thành một trung tâm giao thương của cả một khu vực quốc tế rộng lớn, các thuyền buôn từ nhiều quốc gia lân cận đã cùng nhộn nhịp tụ về đây để buôn bán, trao đổi hàng hóa.
Đến thời nhà Nguyễn, hệ thống thương cảng lại được mở thêm ra theo dọc dài lãnh địa biển để mở rộng giao thương hơn với nhiều quốc gia trong châu lục và thế giới. Ở Việt Nam thời kỳ này đã hình thành nên một tầng lớp doanh gia đông đảo. Cho đến đầu thế kỷ 20, trong các doanh gia Việt Nam, đã nổi lên nhiều nhà tư sản dân tộc, được người ngoài nước biết đến, và họ đã vươn lên cạnh tranh sòng phẳng với nước ngoài.
Sau khi thống nhất đất nước, trải qua thời kỳ bao cấp khó khăn và khủng hoảng kinh tế, với tư duy “tự cởi trói”, quyết tâm “vượt rào”, với những phẩm chất truyền đời cộng với những chủ trương, chính sách ngày càng tiếp cận quy luật phát triển, nhiều nhân tố mới đã xuất hiện, có bản lĩnh đi qua thách thức, vượt thoát trói buộc, mở ra đường hướng mới, chuẩn bị cho công cuộc phát triển đất nước, là tiền đề cho việc hình thành đội ngũ doanh nhân hiện nay.
Doanh nhân Việt Nam thời hiện đại xuất hiện trong xu thế phát triển và hợp tác toàn cầu. Họ mang trong mình những phẩm chất là kết tinh của các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, những giá trị văn minh mới, đồng thời tiếp nối những giá trị truyền thống từ mơ ước thịnh vượng, hùng cường của dân tộc từng kinh qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc, qua những cuộc canh tân khai mở trong quá khứ. Họ đã được bồi đắp để hình thành bản lĩnh, thích ứng những đòi hòi của thời kỳ phát triển mới.
Ngay trong thời đại mới, từ khi bắt đầu hình thành đội ngũ doanh nhân hiện nay, cũng có bao nhiêu tấm gương về bản lĩnh và kiên định trong vượt thoát định kiến và trói buộc, để mở đường làm ăn. Nhiều doanh nhân thậm chí sa cả vào vòng lao lý vẫn bền chí kinh doanh. Với họ, vượt qua thử thách ngặt nghèo để bắt đầu, hay bắt đầu lại con đường làm ăn, không bao giờ là muộn cả.
Trải qua nhiều thăng trầm, nhân vật doanh nhân thời nay là đã dần hiện lên như một hình ảnh đáng ngưỡng vọng. Nhiều doanh nhân Việt Nam được xếp hạng tỷ phú thế giới. Đấy là những doanh nhân rất bản lĩnh, có phẩm chất và năng lực nền tảng, có hoài bão và kiên định. Họ là nguồn cảm hứng, là tấm gương dẫn dắt ước vọng dựng xây thịnh vượng.
Đã có một cụm danh từ mới là “Doanh nhân dân tộc” để xưng gọi những doanh nhân tiêu biểu này. Nhà bác học Lê Quý Đôn, khi bàn luận về liên kết vai trò của bốn thành phần làm thành rường cột phát triển đất nước, đã viết: “Phi nông bất ổn/Phi công bất phú/Phi thương bất hoạt/Phi trí bất hưng”. Doanh nhân ngày nay là “4 trong 1”. Họ là nông dân, công nhân, thương nhân và trí thức gộp lại trong một con người, với những hàm nghĩa rộng mở và hiện đại. Doanh nhân vừa tổ chức sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, vừa tạo nên thương hiệu và phát triển thị trường. Nhiều doanh nhân ngày nay là những trí thức lớn hoặc là những người trẻ có học thức cao, được đào tạo kỹ càng từ các trường học danh tiếng. Có lẽ, thành tựu lớn nhất trong các thành tựu của đất nước ta trong mấy thập niên vừa qua chính là việc đã hình thành nên được một đội ngũ doanh nhân đông đảo với những phẩm chất tốt đẹp để trở thành một nhân vật trung tâm trên đường phát triển.
***
Từ sau khi đất nước thống nhất đến nay, với biết bao nhiêu vấn đề hậu chiến, bao nhiêu xung đột trên bình diện khu vực và toàn cầu, tương lai đất nước đã càng ngày càng hiện ra hoàn thiện với những nhận thức và hoạch định mới. Những nhận thức và hoạch định ấy được hình thành nên cả từ những bài học về thất bại, những trải nghiệm sai lầm, duy y chí hay những lột xác từ chấn chỉnh đội ngũ sau những phẫu thuật đau đớn với tha hóa, cá nhân chủ nghĩa và suy thoái. Tất cả những điều ấy cũng là những chuẩn bị cho việc đón lấy thời cơ phát triển đất nước hiện nay.
Bây giờ, sau những trải nghiệm và lập lại ổn định để vượt qua đại dịch, sau những chuẩn bị và kinh nghiệm quốc gia mấy chục năm vừa qua, thì cũng chính là đã đến thời điểm đi nhanh tới cao trào phát triển đất nước. Một công cuộc canh tân, phát triển nhằm tới thịnh vượng quốc gia hội tụ cả thiên thời, địa lợi và nhân hòa…
Thiên thời đã hiện ra. Thế giới, sau bao nhiêu biến chuyển, dù đang diễn biến phức tạp, nhưng hợp tác và thông thương vẫn là dòng chủ lưu. Các nền kinh tế từ khép kín với nhiều rào cản đã trở nên mở rộng luật chơi, đầy cạnh tranh, nhưng rất sòng phẳng. Mọi quốc gia, từ lợi thế và năng lực của mình, có thể tham gia vào những chuỗi cung ứng toàn cầu, không phân biệt những thể chế khác nhau, miễn là tôn trọng những giá trị chung. Mọi nền kinh tế quốc gia bây giờ đã đều trở nên bình đẳng và có thể đàng hoàng tham gia mọi “cuộc chơi” toàn cầu.
Địa lợi cũng đã sẵn sàng. Từ một vị thế bị phân biệt, thậm chí kỳ thị, Việt Nam đã trở nên có vị thế bình đẳng chính trị trong khu vực và trên toàn thế giới. Việt Nam đã tham gia và có tiếng nói uy tín trên mọi diễn đàn, từ khu vực, châu lục tới Đại hội đồng Liên hiệp quốc. Đất nước Việt Nam hiền hòa, ở vào vị trí địa chính trị quan trọng, có nguồn nhân lực dồi dào, có nguồn tài nguyên phong phú, có nền tảng để xây dựng những nền sản xuất lớn với đa dạng sản phẩm hữu ích cho con người và nhân loại.
Nhân hòa đang vun đắp. Cả dân tộc đều nóng lòng cho phát triển. Đồng thuận và yên bình là mong đợi của mọi người dân. Người Việt, không chỉ ở trong nước, mà tứ tán sau bao nhiêu binh lửa ở khắp nơi trên thế giới, đều mong muốn bước trên con đường trở về cố quốc. Bao nhiêu mong ước dường như đang như tụ về…
Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Nguồn lực phát triển cho giai đoạn tới là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”.
Chưa bao giờ đất nước có vị thế và hội tụ để hướng tới phát triển như hiện nay. Việt Nam, một quốc gia cường thịnh, sẽ không chỉ mãi là giấc mơ của ngàn đời nay nữa, mà đang hiện thực hóa dần trước mọi cố gắng của mỗi người chúng ta, trong đó có vai trò quan trọng nhất là đội ngũ doanh nhân đông đảo, với tâm thế nắm lấy và tận dụng triệt để thời cơ để đi nhanh tới cái đích quyến rũ đang vẫy gọi phía trước./.