Tại Diễn đàn Doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế diễn ra tại Hà Nội mới đây, GS. TS Nguyễn Mại khẳng định, không thể phủ nhận rằng Việt Nam ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân có năng lực thực hiện các dự án lớn.
GS.TS Nguyễn Mại nêu ví dụ, Tập đoàn Đèo Cả đã thi công nhiều dự án giao thông trọng điểm của đất nước hay Tập đoàn Vingroup gần đây đang tập trung cho công nghiệp ô tô, điện thoại bên cạnh phát triển bất động sản, để xuất khẩu các sản phẩm công nghệ ra thế giới.
Về hàng không, VietJet là hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam phát triển theo mô hình hàng không thế hệ mới. TH True Milk phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa, trở thành tập đoàn kinh doanh đa ngành, đầu tư cả vào giáo dục. Trong khi đó, Tập đoàn FPT từ nền tảng công ty phần mềm đã phát triển thành tập đoàn kinh doanh đa ngành. Thaco cũng từ doanh nghiệp nhỏ trở thành tập đoàn sản xuất và kinh doanh ô tô lớn của đất nước.
Tại diễn đàn, bà Nga, Chủ tịch BRG mạnh dạn đề xuất “coi khu vực kinh tế tư nhân là một trong những trụ cột của nền kinh tế, để gánh vác và góp sức mạnh mẽ hơn nữa”.
Theo bà Nga, hiện nay ở Việt Nam, kinh tế tư nhân đang chiếm 40% GDP, còn tại các nước phát triển tỷ lệ này chiếm đến 85%, trở thành nền tảng đảm bảo ổn định kinh tế quốc gia. Bởi vậy mà bà Nga mong muốn cần phải đảm bảo cạnh tranh công bằng cho kinh tế tư nhân phát triển.
"Chúng tôi đề nghị Chính phủ ban hành đường lối, chính sách thích hợp để các thành phần kinh tế phát triển công bằng. Doanh nghiệp Nhà nước, FDI vẫn cần có ưu đãi nhưng không nên nhận được quá nhiều so với kinh tế tư nhân. Thậm chí, với những trường hợp nhất định, Chính phủ có thể tăng cường biện pháp bảo hộ cho doanh nghiệp tư nhân trong những lĩnh vực trọng điểm, tạo nên ngành kinh tế mũi nhọn cạnh tranh với quốc tế", bà Nga nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nữ Chủ tịch Tập đoàn BRG cũng kiến nghị Nhà nước cho phép doanh nghiệp tư nhân được tham gia vào các lĩnh vực mà hiện nay Nhà nước vẫn độc quyền như: Đường sắt, truyền tải điện và hạ tầng hàng không… Theo bà Nga, những lĩnh vực này dù doanh nghiệp tư nhân đã bắt đầu có tham gia song sự hiện hữu vẫn chưa phổ biến. Doanh nghiệp tư nhân Việt đã có đủ kinh nghiệm, thế mạnh, nguồn lực dồi dào, có thể vận hành linh hoạt để phát triển các dự án lớn. Việc triển khai này có thể mang lại lợi ích cho đất nước, giúp Chính phủ hạn chế nợ công, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút FDI và tận dụng nguồn vốn tư nhân.
“Chính phủ nên có các ưu đãi cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có nhiều đóng góp cho nền kinh tế, tạo nhiều công ăn việc làm. Hơn hết, Chính phủ cần đẩy mạnh đơn giản hóa tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, điều này cũng nhằm tránh các tiêu cực, nhũng nhiễu”, bà Nga nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Tổng Giám đốc Trung Nguyên International, nhà sáng lập thương hiệu King Coffee chia sẻ, trong quá trình đất nước phát triển cần sự đóng góp không nhỏ của doanh nhân. Tuy nhiên, bà cho rằng, muốn doanh nghiệp tư nhân phát triển thì nền tảng pháp luật phải nghiêm minh.
“Thương trường vất vả, các doanh nhân phải ngày đêm chiến đấu, nỗ lực để phát triển doanh nghiệp, làm giàu cho gia đình cũng là làm giàu cho đất nước. Sự nghiêm minh của pháp luật giúp các doanh nghiệp yên tâm phát triển”, bà Thảo nói.
Tổng Giám đốc Trung Nguyên International cũng cho rằng, một doanh nghiệp bất kể lớn hay nhỏ đều phải cố gắng để phụng sự trở lại cho cộng đồng. Để làm được điều đó, bà nhấn mạnh: “Mong Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là tăng cường sự nghiêm minh của pháp luật để bảo vệ cho doanh nghiệp yên tâm phát triển trong nước cũng như vươn tầm quốc tế".