Tư nhân không đứng ngoài cuộc chiến
Lao đao, đóng cửa, tê liệt… là tình cảnh chung của nhiều doanh nghiệp tư nhân (DNTN) kể từ khi đại dịch Covid-19 đổ bộ. Thiệt hại nặng nhất là các DN trong lĩnh vực du lịch, lưu trú, hàng không, vận tải, giáo dục, các ngành hàng dịch vụ…
Dù “sức khỏe” đang suy giảm nặng nề do tác động tiêu cực của Covid-19, song trong lúc cả nước “chống dịch như chống giặc”, DNTN vẫn nêu gương “xung kích” bằng tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Trong số hơn 800 tỷ đồng tiền ủng hộ và đăng ký ủng hộ qua Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (tính đến 14h ngày 8/4), có phần lớn là đóng góp của DNTN.
Ngoài của cải vật chất, rất nhiều cá nhân, tổ chức ủng hộ theo “nghìn lẻ một” cách. Nhiều khách sạn, resort tình nguyện đón khách cách ly - những thông tin này liên tục xuất hiện trên mặt báo suốt 2 tháng qua làm ấm lòng đồng bào cả nước. Tại Quảng Ninh, khách sạn 4 sao Bảo Minh Radiant (TP Hạ Long) tiên phong trở thành khu cách ly y tế cho du khách nước ngoài đến từ vùng dịch. Toàn bộ chi phí tiền phòng, tiền ăn, dịch vụ giặt là của hàng trăm khách đều được miễn phí. Không chỉ có Bảo Minh Radiant, nhiều cơ sở lưu trú khác trên địa bàn cũng đã ủng hộ khách sạn làm nơi cách ly.
Tại TP HCM, không ít cơ sở lưu trú cũng ủng hộ cơ sở vật chất giúp thành phố giải quyết tình trạng quá tải cũng như đáp ứng nhu cầu của nhiều người cách ly có điều kiện tài chính. Điển hình như resort Phương Nam, resort Cần Giờ… đã trở thành những cơ sở cách ly có trả phí (mức phí giảm khoảng 1 nửa so với bình thường).
Hay tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Du lịch, tính đến ngày 19/3, có 7 khách sạn tham gia ủng hộ phục vụ khách du lịch cách ly với 660 phòng, đáp ứng cho 1.362 khách. Riêng Tập đoàn Mường Thanh đã tài trợ phòng nghỉ tiêu chuẩn 4 sao cho toàn bộ tập thể cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viên Bạch Mai.
Suốt thời gian qua, hàng nghìn DNTN khắp cả nước đã liên tục góp sức hỗ trợ đội ngũ y, bác sỹ ở tuyến đầu. Trong lúc đất nước gồng mình chống dịch, mọi sự chung tay, góp sức bằng cơ sở vật chất, những việc làm tích cực, bằng cái tâm… của bất kỳ ai cũng đều ý nghĩa và đáng quý.
Góp sức bằng quy trình, sự tận tâm, chuyên nghiệp
Trong công cuộc xây dựng đất nước vừa qua, KTTN đã lớn mạnh ngoài sức tưởng tượng, đóng góp khoảng 42% vào GDP, tạo công ăn việc làm cho 45,2 triệu lao động (chiếm 83,3%). Không chỉ chứng minh vai trò động lực cho nền kinh tế, các DN tư nhân còn thể hiện sứ mệnh tiên phong thực hiện trách nhiệm xã hội. Trong cuộc chiến chống dịch hiện nay, các cá nhân, tổ chức không ai đứng ngoài cuộc. Nhiều DN tư nhân sẵn sàng xông pha nơi tuyến đầu, âm thầm cùng cộng đồng ngăn ngừa dịch bệnh bằng tất cả sự tận tâm, chuyên nghiệp.
“Thời điểm nhận nhiệm vụ đón người từ vùng dịch trở về, trong tôi không còn sự phân định giữa "người tư nhân" hay "người nhà nước". Tôi nhận một nhiệm vụ mà đất nước giao cho mình, và lúc đó tôi chỉ còn là "người Việt Nam". Những cán bộ, nhân viên của Tập đoàn Sun Group đang làm việc tại sân bay Vân Đồn hẳn cũng đã nghĩ như thế…” Đó là lời chia sẻ thấm thía của ông Phạm Ngọc Sáu – Giám đốc CHK quốc tế Vân Đồn – một lãnh đạo đã từng là “người nhà nước” đầu quân về làm việc tại Tập đoàn Sun Group.
Gần hai tháng qua, sân bay quốc tế Vân Đồn đã trở thành nơi đón các chuyến bay đưa người Việt từ vùng dịch về nước, giảm tải áp lực cho các sân bay Nội Bài và TP HCM. Điều đáng nói, đây là sân bay trẻ tuổi nhất cả nước, do tư nhân đầu tư 100%.
Với ba “mũi nhọn”: Con người, phương tiện và quy trình, sân bay Vân Đồn đã đón 29 chuyến bay, với 4.423 hành khách về nước an toàn, đưa đi cách ly ngay lập tức, hoàn toàn chưa phát hiện trường hợp nào lây nhiễm ra cộng đồng. Có được thành tích ấn tượng đó chính là bởi người Sun Group đã xây dựng tại đây một quy trình đón khách tuyệt đối an toàn, khoa học. Đó là quy trình đón khách ngoài trời được thiết lập “thần tốc” chỉ trong vòng 2h đồng hồ. Sân bay Vân Đồn cũng là sân bay đầu tiên ngay lập tức triển khai phân luồng, kẻ vạch đảm bảo khoảng cách an toàn 2m khi khách xếp hàng, theo chủ trương “cách ly xã hội” mà Chính phủ chỉ đạo.
Giám đốc sân bay Vân Đồn Phạm Ngọc Sáu khẳng định, mọi quy trình đón khách từ trong nhà được đưa ra khu vực ngoài trời, không tiến hành ở trong nhà ga nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm là quy trình đặc biệt mà không một sân bay nào ở Việt Nam làm được. Khách làm các thủ tục xong sẽ được đưa thẳng về khu cách ly.
Để có một quy trình chuẩn chỉnh, khoa học, chuyên nghiệp như vậy là bởi tại sân bay Vân Đồn đã có một đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm, tận tâm, luôn trực chiến 24/7 để đón tiếp những chuyến bay đột ngột, có khi lịch hạ cánh chỉ báo trước…30 phút.
“Các em có biết về nguy cơ nhiễm bệnh đối với người ở tuyến đầu không? Chắc chắn có. Các em có chạnh lòng trước những ánh mắt nghi ngại của cộng đồng khi biết các em làm việc ở sân bay Vân Đồn, đón người từ vùng dịch về không? Chắc chắn có. Các em có phải nỗ lực tinh thần gấp đôi người thường, khi phải vừa động viên chính mình, vừa động viên gia đình hay không? Chắc chắn có. Các em có thấm mệt vì phải trực chiến 24/7, sẵn sàng vào việc bất kể giờ giấc, ngày đêm do đặc thù những chuyến bay gấp gáp sẽ cập bến, thậm chí chỉ biết trước một giờ đồng hồ không? Chắc chắn có. Nhưng các em có sẵn sàng không? Chắc chắn có”, ông Phạm Ngọc Sáu chia sẻ.
Đó thực sự là những đóng góp lặng thầm không thể đong đếm. Đó là sức người, là sự chuyên nghiệp và tận tụy với trách nhiệm xã hội cao nhất của những doanh nghiệp luôn hướng về cộng đồng.
Xưa nay, nếu việc gánh nhiệm vụ an sinh - xã hội, công ích là một phần lý do được các doanh nghiệp nhà nước “đổ lỗi” khi kinh doanh thua lỗ thì với nhiều doanh nghiệp tư nhân việc thực hiện trách nhiệm xã hội đang trở thành một phần tất yếu. Như thế, trong bất cứ hoàn cảnh nào, KTTN cũng đã, đang và sẽ khẳng định vai trò, vị thế tiên phong trong mọi lĩnh vực của đất nước.