Aa

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: “Doanh nghiệp và người mua nhà đều không dễ vay được vốn“

Thứ Bảy, 24/12/2022 - 06:08

Khi các ngân hàng được cấp thêm 1,5-2% chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 240 nghìn tỷ đồng, số lượng người được vay chắc chắc tăng lên, nhưng không vì thế mà thủ tục vay được nới lỏng dễ dàng hơn.

Sau những chỉ đạo của Thủ tướng, các cơ quan bộ ngành đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và các thị trường. Đơn cử, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản, thành lập ngày 17/11, tiếp tục họp bàn với doanh nghiệp để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn phù hợp. Nhiều chuyên gia nhận định, tổ công tác đã được trao quyền quyết định, sẽ có tác động nhất định đến việc “gỡ rối” cho thị trường bất động sản. Song, việc quan trọng là cần xác định đúng điểm nóng phải tháo gỡ.

Trao đổi với Reatimes, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GP. Invest), Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, giữa tháng 12, một số đại diện doanh nghiệp bất động sản lại tiếp tục họp cùng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.

“Có thể nói, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã được trao nhiều quyền quyết định, nhưng làm thế nào để “thượng phương bảo kiếm” này phát huy hiệu quả? Làm thế nào để Tổ công tác biết được đâu là những vấn đề nóng và cần tháo gỡ nhất? Chúng tôi cho rằng Tổ công tác cần sâu sát hơn, bằng cách nên đi xuống các địa phương có nhiều dự án đang vướng mắc, đưa ra phương án giải quyết thí điểm và lắng nghe doanh nghiệp xem họ đang vướng mắc cụ thể ở đâu.

Bởi vì vướng mắc của mỗi địa phương là khác nhau, nên Tổ công tác cần linh động đưa ra nhiều giải pháp, còn tháo gỡ chung chung thì không giải quyết được vấn đề. Như chúng tôi biết, có địa phương vướng giải phóng mặt bằng, nhiều năm mà một dự án vẫn chưa xong khâu này. Có địa phương lại ách tắc do điều chỉnh quy hoạch hoặc do chính quyền e ngại nên dự án vẫn tiếp tục chờ đợi. Vậy nên phải có tháo gỡ cụ thể cho từng địa phương”, ông Hiệp đề xuất.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí toàn cầu (GP Invest), Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (Ảnh: Reatimes)

Bên cạnh vướng mắc về thủ tục hành chính là vấn đề "nghẽn" vốn tín dụng, hầu hết các ngân hàng đều tăng lãi suất huy động, khiến lãi suất cho vay bị đẩy lên cao.

Vào ngày 15/12 vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã kêu gọi các ngân hàng thương mại đồng thuận giảm lãi suất huy động về 9.5%/năm. Chỉ một tuần sau, cuộc đua tăng lãi suất đã hạ nhiệt, nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh lãi suất huy động, mức giảm khoảng 1% đối với từng kỳ hạn. Thí dụ như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Công Thương giảm lãi suất tiết kiệm từ 10,5% xuống mức 9,5%/năm; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bảo Việt cũng giảm xuống còn 9,4%/năm. Việc các ngân hàng giảm lãi suất tiết kiệm đồng nghĩa với việc giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Trước đó, SHB đã triển khai chương trình hỗ trợ giảm lãi suất từ 1,5% đến 2%/năm cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Đặc biệt, SHB ưu tiên hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án xanh…. Các doanh nghiệp đang cần vốn để gấp rút sản xuất các mặt hàng thiết yếu, các nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu cuối năm của người dân cũng được ngân hàng triển khai hỗ trợ.

Bên cạnh giảm lãi suất, SHB còn miễn/giảm phí trả nợ trước hạn, ưu đãi các phí dịch vụ, linh hoạt về thủ tục, hồ sơ vay vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm tạo thuận lợi, giúp khách hàng tiếp cận nhanh chóng với nguồn vốn vay ưu đãi, kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất dịp cận Tết. Đồng thời, SHB còn chủ động cung cấp các giải pháp phi tài chính, hỗ trợ kết nối thị trường đầu vào, đầu ra trong cộng đồng doanh nghiệp, thực hiện tư vấn miễn phí tài chính doanh nghiệp và tái cấu trúc doanh nghiệp, nhằm đảm bảo chiến lược phù hợp với giai đoạn hiện tại, từ đó giúp doanh nghiệp sớm phục hồi và phát triển.

Một ngân hàng khác là ABBank triển khai chương trình “Hưởng vay ưu đãi – Vững lái Kinh doanh” có thời hạn đến 31/12/2023 với tổng hạn mức 350 tỷ đồng, áp dụng đối với đối tượng Khách hàng là Doanh nghiệp, Hộ kinh doanh cá thể, Hợp tác xã,… phát sinh hợp đồng vay vốn ngắn hạn bằng VND với mục đích vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hay TPBank cũng công bố thông tin triển khai gói tín dụng 5000 tỷ đồng với lãi suất đặc biệt ưu đãi, trong đó dành tới 2.000 tỷ đồng hạn mức ưu tiên cho doanh nghiệp phát triển xanh, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ từ chương trình WSME. Mức ưu đãi lãi suất tùy thuộc sẽ được giảm 1,5% - 2% so với lãi suất thông thường, đặc biệt với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ sẽ giảm thêm 0,2% so với mức ưu đãi trên.

Song song với việc hạ lãi suất huy động, nhiều ngân hàng cũng công bố giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc giảm lãi suất chỉ diễn ra đơn lẻ ở một số ngân hàng nhất định. Do chính sách cấp thêm hạn mức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước có sự chọn lọc, nên mỗi ngân hàng sẽ có một phương án cho vay và hạ lãi suất khác nhau.

Bởi vậy, câu chuyện dòng vốn đối với doanh nghiệp bất động sản vẫn rất nan giải. Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo và yêu cầu các ngân hàng thương mại chia sẻ với doanh nghiệp. Thế nhưng, con đường tiếp cận được nguồn vốn thực sự với doanh nghiệp bất động sản vẫn rất gian nan.

“Dưới góc độ của doanh nghiệp bất động sản, chúng tôi thấy thủ tục vay vốn rất chặt chẽ. Dĩ nhiên khả năng chi trả của người vay là yếu tố ngân hàng phải xem xét kỹ để bảo vệ mình. Nhưng đúng là cả doanh nghiệp và người mua nhà đều không dễ vay được vốn. Khi các ngân hàng được cấp thêm 1,5-2% chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 240 nghìn tỷ đồng, số lượng người được vay chắc chắn sẽ tăng lên, nhưng không vì thế mà thủ tục vay được nới lỏng hay dễ dàng hơn”, ông Hiệp nhận xét.

Đề cập đến giải pháp, ông Nguyễn Quốc Hiệp nêu quan điểm: “Đối với vốn huy động từ trái phiếu, sau những sự việc tiêu cực trên thị trường thì chúng tôi coi như không tính đến. Chúng tôi vẫn tìm cách tiếp cận với các quỹ nước ngoài. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với quỹ đầu tư của Mỹ vừa rồi cho thấy, mặc dù lãi suất thấp nhưng quả thật doanh nghiệp khó lòng đáp ứng được các điều kiện vay vốn của họ. Ở trong nước, room tín dụng đã nới nhưng chúng tôi cũng chưa thấy tác động cụ thể bởi việc chọn lọc dự án để cấp vốn được xét rất kỹ. Chúng tôi đồng tình việc xét đến uy tín cũng như lịch sử vay nợ của chủ đầu tư. Tuy nhiên, tôi cho rằng, chỉ cần quy định dự án khả thi là được vay vốn thì sẽ tốt hơn”.

Phát biểu tại diễn đàn Phát triển bền vững thị trường bất động sản, diễn ra ngày 15/12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Hiện nhiều dự án đầu tư vướng thủ tục pháp lý chưa triển khai thực hiện hoặc dừng thi công khiến nguồn cung giảm. Đến hết quý 3/2022, cả nước có 104 dự án đang triển khai (bằng 51% cùng kỳ so với cùng kỳ) và 63 dự án nhà ở thương mại hoàn thành. 

Trong đó, nhiều dự án bất động sản dừng thi công do doanh nghiệp khó khăn tiếp cận vốn tín dụng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá nguyên vật liệu tăng cũng tác động đến doanh nghiệp đầu tư bất động sản, khiến một số doanh nghiệp thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giảm lao động, các nhà thầu thi công phải dừng thi công.

Cùng với đó là những vướng mắc liên quan đến các quy định pháp luật chồng chéo và việc thực thi pháp luật chưa nghiêm ở một số địa phương, dự án. Ngoài ra, mặc dù chính quyền tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng vẫn còn tồn tại vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, định giá đất, quy hoạch sử dụng đất...

Trước những khó khăn trên, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt với tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong tháng 11/2022, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác với sự tham gia của các bộ ngành nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Thời gian qua, Tổ công tác đã làm việc một số địa phương, doanh nghiệp và ghi nhận một số nhóm vấn đề vướng mắc và đang tập trung tháo gỡ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top