TS. Trần Minh Tuấn: “Doanh nghiệp và nhà đầu tư gặp khó khăn vì quy định phát hành trái phiếu riêng lẻ bị bó chặt“
"Điều quan trọng là khi đã phát hiện ra những điểm bất hợp lý thì phải nhanh chóng sửa chữa không nên để kéo dài gây ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư và khiến thị trường vốn khó khăn hơn", TS. Trần Minh Tuấn nói.
*****
Chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm tài khóa 2022 và kết quả được dự đoán là sẽ rất xấu với hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là với các công ty kinh doanh bất động sản. Với tình trạng hiện nay, doanh nghiệp đã triển khai phương án “hàng đổi hàng” và phải tính đến phương án phải bán tháo tài sản trả nợ. Trong cuộc trao đổi mới nhất với Reatimes, TS. Trần Minh Tuấn - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Smart Invest nhận định, với tình hình hiện tại nhiều doanh nghiệp chưa thể thoát khỏi khó khăn vì thị trường chứng khoán lao dốc, không thể huy động vốn từ trái phiếu và room tín dụng thì hết.
Doanh nghiệp cần được chủ động linh hoạt về vốn, tránh lãng phí nguồn lực
PV: Nghị định 65/2022/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 153/2020/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt cho thị trường trái phiếu, nhưng thực tế là vẫn còn những khó khăn, thưa ông?
TS. Trần Minh Tuấn: Như chúng ta đã biết Nghị định số 65 bổ sung một số điều của Nghị định số 153 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, điều đáng nói là Nghị định 65 quy định những vấn đề tương đối khó đó là nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu phát hành riêng lẻ khác so với Nghị định 153. Cụ thể theo quy định cũ thì tài khoản giao dịch chứng khoán phải có 2 tỷ đồng tại thời điểm xác nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp, hoặc là có giá trị giao dịch chứng khoán chịu thuế thu nhập cá nhân trên 1 tỷ đồng ở năm gần nhất.
Tuy nhiên, Nghị định 65 thì lại quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp phải có tài sản là giá trị cổ phiếu trên 2 tỷ đồng liên tục 6 tháng trong tài khoản. Vấn đề là khi cổ phiếu trong tài khoản tại thời điểm mua vào trị giá 2,5 tỷ đồng nhưng trong 6 tháng liên tiếp đó giá trị cổ phiếu bị giảm xuống dưới 2 tỷ đồng thì có thể không được coi là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đó là điều vô cùng oái oăm mà nó sẽ xảy ra với rất nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là trong giai đoạn vừa qua giá trị nhiều cổ phiếu giảm sâu tới 60 - 70%.
Vướng mắc này nó khiến cho phân khúc trái phiếu riêng lẻ bị co hẹp lại. Bất cứ một thị trường nào muốn phát triển tốt thì phải thu hút được đông người tham gia, nhưng khi bị bó hẹp lại thì gây khó khăn cho các doanh nghiệp và nhà phát hành. Các nhà đầu tư có tài chính thì họ cũng không thể tham gia vì rất khó để đáp ứng được đủ điều kiện trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Vấn đề thứ hai là về sử dụng vốn, tôi cho rằng về mặt bản chất thì nên để cho doanh nghiệp thay đổi mục đích sử dụng vốn nếu được sự đồng ý của các trái chủ chứ không phải là các cổ đông, bởi vì vốn từ trái phiếu là do các trái chủ sở hữu. Nghị định 65 đã quy định phát hành trái phiếu có mấy mục đích cơ bản như: Triển khai dự án, đảo nợ.... trong đó đáng chú ý tới mục đích đầu tư dự án cần được làm rõ hơn. Đầu tư một dự án bất động sản hay đầu tư xây dựng nhà xưởng máy móc thiết bị sản xuất thì đương nhiên rồi, nhưng ngoài ra còn những hoạt động nào khác được coi là đầu tư dự án và những gì không được coi là đầu tư dự án, cần phải được quy định rõ.
Việc chưa quy định rõ khiến cho các công ty kiểm toán không xác nhận vào hồ sơ của doanh nghiệp là họ đã thực hiện đầu tư đúng mục đích hay chưa. Vốn phát hành trái phiếu thường là thu về một khoản lớn ngay lập tức, khác với khoản vay từ ngân hàng là giải ngân theo tiến độ dự án.
Đối với quy định doanh nghiệp không được thay đổi mục đích sử dụng khoản vốn phát hành trái phiếu có thể dẫn tới lãng phí nguồn lực, tính linh hoạt sử dụng vốn kém đi. Ban đầu, doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mục đích đầu tư vào dự án A, nhưng trong quá trình triển khai có thể thay đổi hoặc thấy một cơ hội đầu tư khác tốt hơn. Vậy nên chăng cho phép doanh nghiệp tổ chức đại hội cổ đông xin ý kiến các trái chủ. Nếu biểu quyết mà các trái chủ đồng ý thì thực hiện chuyển đổi và báo cáo cơ quan chức năng, còn nếu các trái chủ không đồng ý thì phải thực hiện theo dự án cũ.
Khi tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai vấn đề này thì hoàn toàn có thể đặt ra một số quy định bắt buộc để doanh nghiệp phải thực hiện đảm bảo thông tin công khai minh bạch đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư trái phiếu.
Mặc dù còn những tồn tại như vậy, nhưng tôi cho rằng cũng không có gì đáng phải chê trách bởi vì việc xây dựng chính sách có tính thời điểm, ở giai đoạn đó cơ quan quản lý tính toán như vậy là hợp lý nhưng khi triển khai mới phát hiện ra những điểm bất hợp lý thì phải điều chỉnh lại cho phù hợp. Điều quan trọng là khi đã phát hiện ra những điểm bất hợp lý thì phải nhanh chóng sửa chữa không nên để kéo dài gây ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư và khiến thị trường vốn khó khăn hơn.
PV: Chất lượng trái phiếu là vấn đề vô cùng quan trọng với nhà đầu tư và thị trường, vậy theo ông cần có quy định ra sao với các tổ chức phát hành?
TS. Trần Minh Tuấn: Tôi cho rằng khi nghiên cứu xem xét việc điều chỉnh lại các quy định trong Nghị định 65 thì nên quan tâm tới việc siết chặt đối với các nhà phát hành thay vì việc siết với nhà đầu tư. Khi siết tổ chức phát hành thì có tác dụng dẫn đến chất lượng của trái phiếu tốt hơn. Thí dụ doanh nghiệp phải đạt được các điều kiện như: Kết quả kinh doanh có lãi thể hiện rõ trên báo cáo tài chính và phải được kiểm toán; tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu an toàn; đặc biệt là phải có đánh giá xếp hạng đối với các đơn vị phát hành.
Khi đạt được những yêu cầu như vậy thì mới được phép phát hành. Và căn cứ trên các tiêu chí như vậy thì sẽ phân loại các đơn vị phát hành ở hạnh A, B, C và tương ứng ở khung lãi suất khác nhau. Như vậy nhà đầu tư tham gia mua trái phiếu thì họ sẽ biết ngay khi anh xếp hạng C mà lãi suất ở mức rất cao thì cũng có nghĩa là nguy cơ rủi ro lớn.
Lãi suất sẽ biến động theo thị trường hoặc cố định, tuỳ theo cách triển khai của tổ chức phát hành, nhưng điều quan trọng là khi áp dụng đầy đủ các quy định đánh giá xếp hạng thì sẽ phân loại được đơn vị phát hành và lãi suất rất rõ ràng, nhà đầu tư dễ dàng nhìn nhận và đánh giá trước khi đưa ra quyết định. Trên cơ sở đó cũng sẽ giảm được rất nhiều những nguy cơ dẫn tới tranh chấp hoặc khiếu kiện phức tạp sau này.
Cần xem xét nới room tín dụng, không thể siết tất cả các dự án
bất động sản
PV: Gần đây thì nhiều người nói tới niềm tin của nhà đầu tư suy giảm mạnh thậm chí "rơi tự do". Ông nghĩ sao về điều này?
TS. Trần Minh Tuấn: Sau khi các cơ quan chức năng tiến hành xử lý với những người đứng đầu các tổ chức, doanh nghiệp, mặc dù đó là việc rất cần thiết nhưng trên thực tế tâm lý của nhà đầu tư bị ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi. Tôi khẳng định rằng việc áp dụng các biện pháp cần thiết xử lý nghiêm minh với những trường hợp sai phạm là rất cần thiết, bởi vì những hành vi cố ý vi phạm pháp luật gây thiệt hại lớn trước mắt và lâu dài cho thị trường. Hơn nữa nếu không xử lý dứt điểm thì sẽ gây hiệu ứng xấu là nhiều cá nhân, tổ chức khác cũng làm những điều sai trái. Hậu quả lúc ấy sẽ khủng khiếp hơn rất nhiều, đó sẽ thực sự là những quả bom, khi nó phát nổ ở nhiều nơi, ở nhiều ngành thì vô cùng khó khăn để xử lý, ví như khi chữa cháy chỉ ở một điểm trong tòa nhà thì phải dập ngay, còn nếu để lan ra cả tòa nhà thì hậu quả vô cùng lớn.
Bên cạnh đó, cần phải nghiên cứu tiến tới việc xử lý hậu khủng hoảng, thí dụ như khi xử lý sai phạm đối với người đứng đầu doanh nghiệp thì cần phải triển khai đồng thời tất cả những việc hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nhà đầu tư và thị trường, bởi vì nó dẫn tới những hệ lụy sâu rộng như bây giờ, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay chưa có sự chuẩn hoá quy định đủ minh bạch các thông tin, nhà đầu tư họ có nhiều kênh tìm hiểu và bây giờ cứ liên quan tới đất đai là lo ngại, bởi vì đây là lĩnh vực rất nhạy cảm. Có thể ngay bây giờ không có vấn đề gì, nhưng vài tháng sau lại có sự cố thì nhà đầu tư dễ thiệt hại. Tôi chỉ lấy thí dụ doanh nghiệp đang triển khai 3 dự án, họ chỉ sai phạm ở 1 dự án và bị truy tố tạm giam phục vụ điều tra, như vậy là toàn bộ 3 dự án bị đình trệ và khi xảy ra như vậy thì gần như toàn bộ nhân viên bên dưới tháo chạy, không có mấy người tiếp tục ở lại doanh nghiệp đó.
Đó là một thực tế và không chỉ mất nhân sự không ai muốn tiếp tục công việc tại doanh nghiệp ấy mà ngay cả những đơn vị kiểm toán họ cũng từ chối kiểm toán đối với đơn vị ấy vào trường hợp của FLC là một thí dụ điển hình, bởi vì họ lo ngại lỡ có điều gì đó thì sẽ bị quy trách nhiệm. Và khi doanh nghiệp niêm yết mà không thực hiện kiểm toán được thì hoàn toàn có thể bị dừng giao dịch mà điều này thì gây thiệt hại rất lớn cho cả các nhà đầu tư vào thị trường. Đấy là thực tế hiện nay và vì thế các cơ quan quản lý có lẽ cần phải tìm ra giải pháp để tháo gỡ căn cơ lâu dài.
PV: Rõ ràng những tồn tại thực tế mà ông vừa nêu đang ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư và dẫn tới việc các doanh nghiệp không phát hành được trái phiếu để đảo nợ cũng như triển khai dự án. Và không chỉ có doanh nghiệp, nhà đầu tư, thị trường cũng chịu ảnh hưởng, thưa ông?
TS. Trần Minh Tuấn: Đây là tâm lý không thể tránh khỏi trong các hoạt động đầu tư với bất kỳ thị trường nào khi có sự cố xảy ra với những doanh nghiệp lớn có ảnh hưởng rất rộng liên quan tới nhiều hoạt động của thị trường. Trong thời gian vừa rồi thì cơ quan quản lý đã loay hoay tìm cách sửa Nghị định 153, nhưng rồi khi ban hành Nghị định 65 thì vẫn còn những khó khăn cho các hoạt động phát hành trái phiếu cũng như là hoạt động của nhà đầu tư và tiếp tục phải nghiên cứu điều chỉnh. Tôi mong rằng, các cơ quan quản lý cần phải hành động nhanh hơn nữa, bởi vì Nghị định 65 ban hành đã gần 3 tháng rồi, càng kéo dài càng gây ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và càng gây khó khăn cho doanh nghiệp vì họ không biết tìm đâu ra vốn.
Thực tế còn nhiều doanh nghiệp vẫn đang kinh doanh ổn định nhưng trong lúc thị trường chung đi xuống thì tâm lý của nhà đầu tư rất lo lắng và họ phải cân nhắc rất kỹ, đa phần sẽ giữ tiền và tiếp tục chờ đợi và càng kéo dài thì doanh nghiệp càng khó khăn, gây ảnh hưởng chung đến thị trường cũng như là tốc độ phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt là đối với các dự án được triển khai ở mảng bất động sản hoặc xây dựng hạ tầng có liên quan đến hoạt động đầu tư công thì nhà đầu tư họ có lý do để băn khoăn bởi vì họ không biết rằng rồi đây lãnh đạo của những doanh nghiệp này có vướng vào sai phạm gì không.
PV: Với những diễn biến hiện nay, ông có dự báo gì về thị trường năm 2023 cũng như khuyến nghị với cơ quan quản lý?
TS. Trần Minh Tuấn: Về mặt kỹ thuật, sau một giai đoạn phát triển thị trường chứng khoán đi xuống và như năm 2022 thì không hỗ trợ được cho doanh nghiệp. Trong giai đoạn này các kênh huy động vốn khác lại cũng gặp khó khăn nên kết quả kinh doanh kém, dẫn tới sức khỏe của doanh nghiệp tiếp tục suy giảm. Những diễn biến hiện nay cho thấy thị trường bất động sản năm 2023 vẫn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ là vấn đề dòng vốn với doanh nghiệp mà cả ở phía người mua khi khi room tín dụng bị khống chế và siết chặt. Đặc biệt đáng chú ý là sẽ có khoảng 58 nghìn tỷ đồng trái phiếu đến hạn phải thanh toán vào cuối năm 2022 cũng tạo áp lực cho nhiều doanh nghiệp bất động sản. Có nhiều giải pháp mà doanh nghiệp đã tính đến như: Hàng đổi hàng, giãn nợ và trả một phần... Tóm lại là việc giải quyết các khoản trái phiếu đến hạn thanh toán là điều đương nhiên doanh nghiệp sẽ phải thỏa thuận với các trái chủ nhằm tránh đổ vỡ lớn hơn.
Một số nhà đầu tư có đặt ra câu hỏi với tôi rằng liệu các cơ quan quản lý có triển khai biện pháp nào đó giải cứu bất động sản không? Tôi cho là không! Chính sách điều hành vĩ mô là sửa đổi và điều chỉnh các quy định cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thị trường, tạo sự thuận lợi cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư, tạo sự thông thoáng cho hoạt động phát hành trái phiếu và tín dụng, bởi vì quy mô của thị trường trái phiếu và cổ phiếu hiện rất lớn, khi mà hai thị trường gặp khó khăn như giai đoạn này thì gánh nặng sẽ đổ dồn vào tín dụng.
Mặc dù không thể phủ nhận ngành bất động sản đã và đang đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế, nhưng thực tế là giai đoạn vừa qua dòng vốn cũng đã đổ nhiều vào các dự án nghỉ dưỡng, du lịch, căn hộ cao cấp... và khi thị trường đi xuống thì không thể bán được hàng, khó khăn về đáo hạn vốn sẽ ập đến. Điều này kéo dài sẽ gây ra sự mất cân bằng về dòng vốn, vì thế chắc chắn là cơ quan quản lý sẽ siết chặt, các ngân hàng sẽ không bơm vốn vào những dự án như thế này ở giai đoạn tới.
Theo tôi thì việc siết tín dụng đối với kinh doanh bất động sản cao cấp hay đất nền là cần thiết, vì chúng ta thấy được tính đầu cơ rất cao và đẩy giá vọt lên nhanh như thời gian qua, gây nhiễu loạn thị trường. Đối với nhóm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp chắc chắn sẽ được quan tâm và phát triển trong giai đoạn tới và đây cũng là mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra và đang kiên trì để thực hiện. Nó có liên quan chặt chẽ tới vấn đề an sinh xã hội là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội lâu dài. Nhưng có một vấn đề hiện nay tồn tại cần được tháo gỡ đó là không nên đánh đồng tất cả các dự án bất động sản, đối với các dự án nhà ở thì nên phân loại để có chính sách thông thoáng tạo điều kiện cho người dân. Nếu vẫn cứ siết chặt thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân có nhu cầu ở thật. Nguồn cung kém thì sẽ đẩy giá nhà ở tăng cao.
Vấn đề cuối cùng, chúng tôi cho rằng khi đã giao cho các ngân hàng một tỷ lệ tín dụng nhất định hàng năm thì hãy để cho các ngân hàng được chủ động đối với các hoạt động của họ chứ không nên chia nhỏ, cắt khúc ra đối với các nhóm khác nhau và lại điều chỉnh ở từng cái giai đoạn mà chúng ta quen gọi là “giật cục”. Như vậy thì rất là khó cho hoạt động của các ngân hàng và có thể dẫn tới tình trạng khó khăn trong tiếp cận vốn của các doanh nghiệp.
Trân trọng cảm ơn TS.Trần Minh Tuấn trả lời phỏng vấn của Reatimes!