Aa

Doanh nghiệp xây dựng cần gì để “vượt bão”?

Hải Thu
Hải Thu thutrinhk96lhp@gmail.com
Thứ Bảy, 29/04/2023 - 15:29

Bên cạnh việc tự thân vận động, những giải pháp hỗ trợ từ phía nhà quản lý được xem là vô cùng cần thiết để tiếp thêm sinh lực cho các doanh nghiệp xây dựng để vượt qua tình cảnh khó khăn hiện nay.

LTS: Kể từ cuối năm 2022, thị trường bất động sản đi xuống, nhiều dự án bị đình trệ dẫn tới chuyện các doanh nghiệp ngành xây dựng bắt đầu bị giam vốn. Tới quý I năm nay, nhiều nhà thầu chính, thầu phụ đều đã "ngấm đòn" vì những khoản nợ ngày càng phình to, họ phải sa thải bớt lao động, thắt chặt chi tiêu, nhưng vẫn "thiếu trước hụt sau". Theo Bộ Xây dựng, hết quý I/2023, ngành xây dựng tăng trưởng âm 3%, nguyên nhân chủ yếu do không có đơn hàng mới, giá nguyên vật liệu tăng cao.

Sự sụt giảm quá mạnh của ngành xây dựng không chỉ dẫn tới hệ lụy trước mắt là kéo giảm sự đóng góp vào tăng trưởng GDP 2023, mà nếu hàng loạt doanh nghiệp ở lĩnh vực này phá sản thì sẽ gây ra ảnh hưởng lâu dài tới an sinh xã hội khi hàng vạn lao động mất việc làm, nợ xấu tăng cao cũng tác động tiêu cực tới các tổ chức tín dụng và nền kinh tế.

Đó là lý do Reatimes đăng tải loạt bài viết "Đi tìm giải pháp đưa ngành xây dựng thoát khỏi cơn khốn cùng".

Bài 3: Doanh nghiệp xây dựng cần gì để “vượt bão”?

Trân trọng gửi tới quý độc giả! 

Cần có cơ chế giải quyết vấn đề công nợ

Công nợ phải thu vốn dĩ là đặc thù của ngành xây dựng: nhà thầu ứng trước để thi công, chủ đầu tư nghiệm thu khối lượng và thanh toán sau đó với độ trễ thường là vài tháng. Tuy nhiên, những năm gần đây, công nợ phải thu đã trở thành nỗi ám ảnh đối với các doanh nghiệp xây dựng, bởi tình trạng chậm trả trở nên phổ biến, thời gian chậm trả ngày càng kéo dài, xuất hiện ngày càng nhiều hơn việc trả nợ bằng hiện vật/tài sản hoặc tồi tệ hơn là… không trả được.

Mặc dù ở khía cạnh nào đó, có thể nói rằng tình trạng nêu trên có nguyên nhân khách quan, như: thị trường kém thanh khoản, tín dụng bị hạn chế và tình hình tài chính của chủ đầu tư nguy ngập, nhưng ở phương diện chủ quan, không thể phủ nhận rằng luật pháp hiện nay đang thiếu vắng một cơ chế đảm bảo quyền lợi cho các nhà thầu. Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP. Invest, các nhà thầu đã nhiều lần kêu cứu lên phía trên, mong muốn có cơ chế bảo vệ họ và được khuyên nên dùng Luật Dân sự để tranh tụng. "Tuy nhiên, Luật Dân sự là vô hiệu trong trường hợp này", ông Hiệp thở dài. 

Chia sẻ với PV Reatimes, Tổng giám đốc FECON, ông Nguyễn Văn Thanh, cho rằng đã tới lúc chính quyền cần xem xét thiết lập một cơ chế thu hồi công nợ cho doanh nghiệp xây dựng.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Hiệp gợi ý cần một cơ chế bảo lãnh thanh toán. Ông cho biết với những dự án ngoài ngân sách, bảo lãnh về thanh toán là không hề tồn tại. Điều này dẫn tới 90% công trình bị tắc nghẽn thanh toán ở 30% giá trị cuối cùng. “Trong bối cảnh lãi suất cao như hiện nay, điều này khiến nhà thầu… chết chắc”, ông Hiệp nói.

Thực tế cho thấy, các nhà thầu hiện hầu như chỉ có một cách đòi nợ là khởi kiện. Ghi nhận của PV, có tập đoàn xây dựng rất lớn trong thời gian qua đã khởi kiện hàng chục vụ. Với bằng chứng rõ rệt, tỷ lệ thắng kiện của tập đoàn này là 100%. Nhưng vấn đề của việc khởi kiện là thắng rồi mà vẫn không lấy được tiền, vì chủ đầu tư có tiền đâu mà trả!

Hay Tập đoàn Delta làm dự án Trung tâm thương mại Artemis (Hà Nội) xong xuôi và đưa vào sử dụng nhiều năm nay nhưng chủ đầu tư không nghiệm thu. Doanh nghiệp đi kiện bằng Luật Dân sự nhưng không giải quyết được, khiến khoản nợ kéo dài 7 -8 năm nay. 

Còn một nhà thầu lớn khác thi công một đại dự án nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng, xong xuôi mấy năm nay nhưng chủ đầu tư không  thanh toán, thành ra khoản nợ đọng hơn 800 tỷ đồng không biết ngày nào mới thu hồi được. 

Những giải pháp hỗ trợ từ phía nhà quản lý được xem là vô cùng cần thiết để “giảm đau” cho thị trường, tiếp thêm sinh lực cho các doanh nghiệp. (Ảnh minh hoạ: Hải Thu)

Một hệ lụy tất yếu của tình trạng công nợ khó đòi là các nhà thầu bị thiếu hụt dòng tiền hoạt động. Việc vay mượn để duy trì sản xuất, kinh doanh được ví như uống nước biển giải khát, càng làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Thanh bày tỏ sự trông mong vào việc nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ, để doanh nghiệp xây dựng có thể tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Song song với đó, ông cũng kỳ vọng chính sách giãn hoãn nợ, khoanh nhóm nợ được thực thi một cách thực chất hơn, để giúp doanh nghiệp xây dựng vượt qua nghịch cảnh hiện tại.

Đầu tư công không dễ ăn

Đứng về phía cung, giải pháp được cho là hữu hiệu với các doanh nghiệp xây dựng là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Về điều này, Chủ tịch GP.Invest Nguyễn Quốc Hiệp thừa nhận rằng kể từ khi thị trường bất động sản khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp xây dựng nhờ chuyển đổi sang đầu tư công mà có công ăn việc làm.

“Năm 2022, Chính phủ dự tính có tới 470.000 tỷ đồng đầu tư công, nên công ăn việc làm cho ngành xây dựng hạ tầng kỹ thuật tương đối phát triển”, ông Hiệp cho biết.

Tuy nhiên, miếng bánh đầu tư công không chia đều cho tất cả. Mặt khác, đó cũng chưa hẳn là miếng bánh ngon. CEO FECON Nguyễn Văn Thanh cho hay cách tính giá của các dự án đầu tư công đang tồn tại vấn đề là giá quá thấp. “Một số dự án đã có dự toán từ cách đây 5 – 7 năm, trong khi đó giá nguyên vật liệu xây dựng mấy năm qua tăng nhanh quá. Chúng ta biết rằng 70% doanh thu của doanh nghiệp xây dựng trong năm là tới từ backlog. Vậy khi giá nguyên vật liệu tăng lên mà chủ đầu tư không điều chỉnh giá thì doanh nghiệp xây dựng chịu chết”, ông Thanh cho biết. 

Bởi vậy, ông Thanh kiến nghị nhà nước cần xem xét lại cách tính giá để doanh nghiệp xây dựng có cơ hội được tham gia vào các dự án này, ngõ hầu có thêm một nguồn việc trong tình cảnh khó khăn.

Cần đẩy mạnh nhà ở xã hội

Cũng đưa ra giải pháp từ phía cung, ông Tống Văn Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đương kim thành viên HĐQT độc lập của Coteccons, nói với PV Reatimes rằng cần đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội. Khi có nhiều dự án, công việc cho nhà thầu nhiều hơn thì các vấn đề khó khăn sẽ được giải quyết.

Theo ông Nga, chính sách vĩ mô trong những năm qua có điều sơ suất là phát triển nhà ở không đúng hướng: nhà ở xã hội thiếu vắng, nhà ở công nhân rất ít người làm trong khi nhà ở thương mại cao cấp thừa cung. Điều này ảnh hưởng lớn tới cả ngành bất động sản lẫn ngành xây dựng.

“Chúng tôi kiến nghị trước tiên, nhà nước phải đưa vào hoạt động nghiêm túc ban chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội từ trung ương tới địa phương, phải tập trung xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thì mới giải thoát được thị trường bất động sản”, ông Nga nói và nhấn mạnh “Không ai thích dành đất cho nhà ở xã hội, điều đó rất nguy hiểm, nên ta phải quy hoạch song song, vừa quy hoạch khu công nghiệp vừa quy hoạch khu đô thị liền kề. Chúng tôi đã có kiến nghị lên Thủ tướng rồi”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top