Aa

Doanh nhân đang cùng dân tộc đưa đất nước trở nên hùng cường

Thứ Năm, 10/10/2019 - 16:54

Đó là nhận định của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI tại tọa đàm "Doanh nhân đồng hành cùng dân tộc",

Tại Tọa đàm "Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng Dân tộc", TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đã có những chia sẻ sự phát triển và khẳng định của giới doanh nhân. Reatimes xin trích lại lời chia sẻ này.

Doanh nhân gắn liền số phận dân tộc

"Vì sao 13/10 được chọn là ngày Doanh nhân Việt Nam. Trong đề nghị gửi Thủ tướng Phan Văn Khải thời đó, tôi đã lựa chọn và đề xuất 13/10 là ngày Doanh nhân. Đó là ngày mà Bác Hồ gửi thư cho giới Công thương.

Ngày 13/10 các Công thương gia đã tập hợp lại thành lập Công thương Vệ quốc đoàn tham gia vào Mặt trận Việt Minh. Chúng ta đang bước vào giai đoạn phải đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, tạo ra cái mới. Đó là tinh thần của thế giới hiện đại.

Tôi nghĩ doanh nhân có duyên với số phận với dân tộc. Chiều rộng của đất nước ta đã có sự chuyển đổi, trước đây kinh doanh bị coi là yếu. Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam đã có 2 câu chuyện phản ánh sâu sắc về doanh nhân nhưng đều không tốt đẹp.

Còn doanh nhân trong thời kỳ kế hoạch hóa sản xuất tập trung thì bị coi là con buôn, con phe. Nếu không có con buôn con phe thì không biết chúng ta sống thế nào. Người có nhu cầu mua thì không thể mua, người có nhu cầu bán thì không bán được. 

Trong giai đoạn cải tạo, doanh nhân lại là đối tượng của các cuộc cải tạo đó. Trong thời kỳ đất nước chuyển qua kinh tế thị trường, doanh nhân bị coi là “tiểu nhân”. 

Đất nước đang trải qua nền kinh tế thị trường, bên cạnh hình ảnh tốt đẹp thì vẫn còn nỗi đau của đội ngũ doanh nhân.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI

Chính phủ tận tâm với doanh nghiệp

Từ chiến khu Việt Bắc đến trở về Hà Nội, chuẩn bị cho ngày Quốc Khánh, Bác Hồ cũng lựa chọn ở nhà một tư sản dân tộc. Sau ngày Quốc Khánh 2 tuần, bác tiếp doanh nhân đầu tiên với tư cách quan chức chính trị. Bác đã chia sẻ tình hình đất nước với doanh nhân, kêu gọi sự hỗ trợ từ đội ngũ này. Chính quyền non trẻ không có kinh phí để hoạt động. Các doanh nhân đã có đóng góp vàng, tiền cho chính quyền. Với lòng yêu nước của doanh nhân, Chính phủ lâm thời vượt qua giai đoạn khó khăn.

Các nhà tư sản dân tộc đã trở thành ân nhân của chính quyền cách mạng trong ngày đầu tiên.

Ngày 13/10 là ngày mà giới Công thương thành lập. Lá thư của Bác Hồ cũng là tuyên ngôn đầu tiên của Đảng và Nhà nước về ngày doanh nhân.

Khi nói trách nhiệm của chính quyền, Bác Hồ đã nói, “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm với giới công thương trong công cuộc kiến thiết đất nước”. Nhưng đến nay, chúng ta chưa thực hiện lời của Bác. Chúng ta nói về Chính phủ đồng hành, Chính phủ hỗ trợ, Chính phủ thúc đẩy mà chưa nói Chính phủ tận tâm như lời Bác. Chúng ta phải thực hiện Chính phủ tận tâm với doanh nghiệp.

Sau 30 năm qua xây dựng và đổi mới, hệ thống pháp luật đã dần đầy đủ mà điển hình như năm 1990, Luật Kinh doanh ra đời.

Và tôi luôn coi ngày 13/10/2004 là ngày khai sinh ra giới doanh nhân Việt. Sau quyết định ký của Thủ tướng Phan Văn Khải, cộng đồng doanh nhân mới chính thức có tên gọi cho mình. Mỗi doanh nhân Việt Nam, có 2 ngày khai sinh, ngày khai sinh chính mình và ngày khai sinh của cộng đồng mình. Với ý nghĩa đó, các doanh nhân Việt Nam đang bước vào sinh nhật thứ 15, độ tuổi trăng tròn, độ tuổi đẹp nhất.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 09 ra đời đã tiếp tục nhấn mạnh vai trò của doanh nhân Việt Nam trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Lại nhắc lại về lời Bác nói với giới doanh nhân. Đó là lời khẳng định, "Chính phủ và tôi sẽ tận tâm xây dựng thị trường để phát triển giới doanh nhân".

Về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân, Bác Hồ nói, xây dựng nền kinh tế là trách nhiệm của doanh nhân. Nền kinh tế quốc doanh thịnh vượng đến từ doanh nghiệp thịnh vượng.

Giữa Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp có sự tương đồng, vị khách đầu tiên của Bác ở Phủ Chủ tịch là doanh nhân, còn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trước lúc ra đi, bức thư cuối để lại là cho giới doanh nhân. Đại tướng đã căn dặn doanh nhân , “Doanh nhân là nhạc trưởng tiên phong trong quá trình phát triển dân tộc, đất nước. Doanh nhân là lực lượng chủ lực của nền kinh tế". Giới phương tây cho rằng doanh nhận là người kiến tạo ra nền kinh tế quốc gia chứ không phải người lãnh đạo. Gần đây, Thủ tướng cũng đã nói, doanh nhân là người định hình tương lai của đất nước.

Toàn cảnh tọa đàm Doanh nhân đồng hành cùng dân tộc.

Đến nay, vị thế của doanh nhân đã được xác định. Khuôn khổ pháp lý dành cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đang hình thành. Sự phát triển mạnh mẽ của giới doanh nghiệp, doanh nhân nhân đã vươn vai trong thời gian vừa qua là một trong trong thành quả lớn nhất. Có hơn 700.000 doanh nghiệp, có trên 5 triệu hộ kinh doanh, về bản chất là tương đương 5 triệu doanh nhân. Điều này có nghĩa đất nước này  đang có hàng triệu doanh nhân. 

Doanh nhân cần đổi mới, sáng tạo

30 năm qua, doanh nhân đã đưa Việt Nam tiên phong đóng góp xóa nghèo. Đội ngũ doanh nhân đang đồng hành cùng Chính phủ hoàn thành mục tiêu thoát khỏi bẫy thu nhập, đưa đất nước trở nên hùng cường, doanh nhân là động lực chủ đạo xây dựng nền kinh tế. Doanh nhân đang tiên phong đóng góp vào thành quả vĩ đại đó. Doanh nhân đang cùng dân tộc đưa đất nước trở nên hùng cường. Trách nhiệm đó đang đặt lên vai doanh nhân Việt Nam.

Có thể nói thế hệ doanh nhân thứ nhất là thế hệ dũng cảm, như ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch VNREA nói, doanh nhân Việt Nam vất vả rất nhiều, ngoài những thách thức thương trường thì còn đối phó thách thức ở thể chế, sự thiếu minh bạch, bất ổn. Doanh nhân phải gồng mình lên để vượt qua. Đến nay, lớp doanh nhân đầu tiên đã trụ được, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Đó là thế hệ doanh nhân dũng cảm.

Giờ đây, ngoài thế hệ doanh nhân dũng cảm, chúng ta cần thêm đội ngũ đổi mới, sáng tạo. Luôn phải hiểu và định hướng rằng doanh nhân phải kinh doanh một cách có trách nhiệm, nhân văn và sáng tạo. Đó chính là mệnh lệnh của trái tim và khối óc đối với doanh nhân. Đó là phát triển bền vững, là chuyển đổi số. Đó là 2 vấn đề quan trọng trong thời gian tới. Đây chính là động lực quan trọng trong quá trình phát triển.

Phát triển bền vững là giấy thông hành cho doanh nhân Việt Nam phát triển. Thế hệ doanh nhân dũng cảm, nhân văn nhưng phải rất sáng tạo. Để tạo điều kiện cần thể chế, hệ sinh thái để đội ngũ doanh nhân phát triển.

Các doanh nhân mới bắt đầu, hay đang hoạt động cũng cần phải đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp mãi mãi là khởi nghiệp. Ngay cả doanh nghiệp 100 năm cũng cần trong tinh thần khởi nghiệp. Để thúc đẩy hệ sinh thái cho đội ngũ doanh nhân, cần có làn sóng đổi mới. Một làn sóng đổi mới xây dựng nhà nước kiến tạo. 

Doanh nghiệp Việt đã trải qua 30 năm đổi mới, giai đoạn của Chính phủ tập trung giải phóng khó khăn, tạo điều kiện. Giờ là giai đoạn dẫn dắt, thúc đẩy, yểm trợ cho sự phát triển cho doanh nhân doanh nghiệp, cải cách thể chế và nâng cấp phát triển doanh nghiệp. Đó cũng là yêu cầu thúc đẩy sự sáng tạo của doanh nghiệp, là hành trình cải cách thể chế và phát triển mô hình doanh nghiệp ở Việt Nam.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top