Doanh nhân Lương Ngọc Anh và dự án hồi sinh ký ức Melia Ba Vi Mountain Retreat
Nhắc đến Ba Vì, nhà sử học Dương Trung Quốc tin rằng, dù đỉnh núi nơi này chỉ cao chưa đầy một ngàn ba trăm thước, nhưng trong tâm tưởng người Việt luôn “Nhất cao là núi Ba Vì”. Bởi lẽ, trú ngụ trong danh xưng ấy là cả một kho huyền tích về một vùng đất thiêng gắn với Đức Thánh Tản Viên, một đấng thượng đẳng thần trong quan niệm “tứ bất tử” về bốn vị thần uy linh nhất bảo trợ cho dân tộc ta.
Trong kho tàng tri thức và trí nhớ của vị chuyên gia sử học này thì Ba Vì là đỉnh kết nối chốn “kinh sư muôn đời” Thăng Long - Hà Nội với ngọn Nghĩa Lĩnh; cùng Tam Đảo làm cánh tay vững chãi cho Đất Tổ của các Vua Hùng. Cũng từ Ba Vì nhìn tới dòng Sông Đà hùng vĩ và thơ mộng tạo nên cảnh quan sinh thái, là nơi sinh sống của cộng đồng cư dân Kinh, Mường, Dao qua ngàn đời lao động. Nơi đây cũng là cái căn cốt của Văn minh Sông Hồng qua biểu tượng “Núi Tản - Sông Đà”.
Nhiều giá trị lịch sử, văn hoá nhưng từ lâu, Ba Vì vẫn được ví như nàng công chúa ngủ trong rừng. Cho đến khi ông Lương Ngọc Anh, Giám đốc công ty Phát Triển Công Nghệ (CFTD) tìm cách phục dựng ký ức Ba Vì thông qua dự án Melia Ba Vi Mountain Retreat thì nàng công chúa mới thực sự được đánh thức.
Với nhiều người, khi lên núi Ba Vì, nhìn thấy những móng nhà trơ chọi, những bức tường đá hay gạch sạm đen cũng không gây cho họ nhiều cảm xúc, đơn giản đó là những thứ bỏ đi. Nhưng ông Lương Ngọc Anh lại nhìn thấy cơ hội từ hoang tàn và nếu phục dựng thành công sẽ làm sống lại di sản giá trị.
Ký ức của vị doanh nhân này bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi lần đầu tiên đặt chân lên núi Ba Vì, chính sự hoang sơ vùng vĩ của núi rừng, sự linh thiêng của đỉnh thiêng Đất Việt đã chạm vào trái tim ông Lương Ngọc Anh, cuốn hút và thôi thúc ông cần phải làm gì đó cho mảnh đất này.
Như một mối cơ duyên, sau nhiều lần tìm hiểu, ngỏ ý, tới năm 2008, ông chính thức trở thành người quản lý, bảo vệ rừng và phát triển du lịch sinh thái trên diện tích 60ha Vườn Quốc Gia Ba Vì.
“Rừng Quốc gia Ba Vì không chỉ đẹp, đắc địa mà còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, cần được phát triển để bảo tồn. Tôi đã tham khảo rất nhiều chuyên gia, nhà văn hóa, lịch sử có uy tín với mong muốn có được một sản phẩm hoàn hảo phục vụ cho cộng đồng tạ Ba Vì. Đó thực sự là cơ duyên và là điều may mắn nhất của chúng tôi”, ông Lương Ngọc Anh nhớ lại.
Có lẽ ông Lương Ngọc Anh cũng đã hình hình dung ra những khó khăn, thách thức lớn nhỏ, những vướng mắc sẽ xuất hiện trong quá trình thực hiện hồi sinh kỳ ức này. Cái khó đối với doanh nghiệp Việt đôi khi không phải là vốn bởi thiếu tiền có thể dùng đòn bẩy tài chính là ngân hàng. Cũng không phải thiếu kiến trúc sư tài hoa, kỹ sư, nhân công có kỹ thuật,... đó là những việc có thể giải quyết trong tích tắc. Khó ở những chuyện rất khó nói ra.
“Là nhà đầu tư có rất nhiều áp lực. Chúng tôi ký hợp đồng từ năm 2008 trách nhiệm là nhà đầu tư cũng phải làm cái gì đó. Nếu không triển khai thì có thể trở thành nhà đầu tư "ma" không có thực lực”, ông Lương Ngọc Anh giãi bày.
Đó còn chưa kể, tư duy “bảo tồn và phát triển” luôn như một thước đo vô hình nhưng lại có khả năng soi chiếu vào các hoạt động của doanh nghiệp. Nhất là khi làm dự án phát triển du lịch nghỉ dưỡng nếu lấn 1 ít đất, chặt một cây rừng, doanh nghiệp cũng sẽ đối mặt với chỉ trích của làn sóng dư luận. Biết khó mà vẫn làm, điều đó thể hiện sự bản lĩnh của người lãnh đạo doanh nghiệp. Hơn hết là làm như thế nào để hiệu quả đúng như kỳ vọng của doanh nghiệp, của dư luận lại là cần bộ óc tính toán và cái tâm của người lãnh đạo.
Những công trình thể hiện sự khiêm nhường trước thiên nhiên của Melia Ba Vì đang "đánh thức người đẹp ngủ giữa rừng Ba Vì". (Ảnh sưu tầm).
Năm 2008, CFTD của ông Lương Ngọc Anh đã ký hợp đồng với đại diện Vườn quốc gia là ông Đỗ Khắc Thành. Thời hạn hợp đồng là 50 năm, trong đó mỗi năm CFTD trả cho vườn 150 triệu đồng. Hợp đồng quy định rõ mục đích của liên doanh, liên kết là có các hoạt động bao gồm: Du lịch và nghỉ dưỡng, dịch vụ ăn uống...
Năm 2010 cơ quan chủ quản có quyết định phê duyệt quy hoạch chung trong đó phân khu dịch vụ hành chính là 340ha, phần cho CFTD thuê là 60ha trên núi Ba Vì. Sau khi có quy hoạch chi tiết cần phải có đánh giá tác động của dự án đến môi trường. Theo đó, ông Lương Ngọc Anh đã thuê chuyên gia hàng đầu thực hiện từ việc lập hồ sơ quy hoạch chi tiết, điện nước đi cùng với bảo vệ từng cây rừng, tấc đất, di tích, phế tích của Ba Vì.
Theo lời kể của ông Lương Ngọc Anh, doanh nghiệp của ông đã tập trung làm cảnh quan đường xá, cây cối… riêng việc trồng thêm cây cũng đã tốn chi phí rất lớn. Đặc biệt, dự án cơ bản chỉ là sửa sang những công trình cũ để thành nhà ở.
“Tôi đã đi khảo sát mòn từng mỏm núi, từng vạt rừng, nhớ vị trí của từng phế tích, nhớ tên của từng cây bản địa, xuyên rừng lội suối… với sự quyết tâm và tình yêu trân quý với thiên nhiên, chúng tôi đã gọt rũa lên một Melia Ba Vì. Hàng chục năm đã trôi qua, Melia Ba Vì Mountain Retreat đã có diện mạo hiện hữu như bây giờ”.
Cho đến nay, Melia Ba Vì Mountain Retreat của ông Lương Ngọc Anh vẫn được giới khoa học, nhà quy hoạch, kiến trúc sư đánh giá là một mô hình thành công phục dựng từ các phế tích, là dự án minh chứng rõ nét nhất về kết hợp đi đôi giữa bảo tồn và phát triển di sản. Đặc biệt, với nhiều người, Melia Ba Vì Mountain Retreat chính là nơi đánh thức và viết tiếp ký ức của lịch sử về những giấc mơ còn dang dở.
Song cũng ít người biết rằng, ông Lương Ngọc Anh là một người khá kín tiếng trong giới doanh nghiệp cũng như báo chí. Những thông tin về ông chỉ gói gọn: "Sinh năm 1962, quê quán Nam Định, là một kỹ sư Hoá, lãnh đạo một công ty về công nghệ".
Chuyên ngành không phải quy hoạch, cũng chẳng phải kiến trúc, phải chăng vì tình yêu với thiên nhiên lớn hơn tất cả mới thôi thúc ông Lương Ngọc Anh tìm đến các cộng sự để chung tay hồi sinh ký ức tại Ba Vì?
Họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ, một nhân chứng về cuộc sống nơi Suối Hoa, Ba Vì đã trải lòng: Ba Vì là ước mơ về một cuộc sống Suối Hoa đỉnh núi của gia đình chúng tôi. Chắc chắn cũng là giấc mơ của nhiều gia đình, Pháp cũng như Việt, đã làm nhà trên núi Ba Vì thời ấy.
Thời cuộc đã làm đứt gẫy giấc mơ đó, cho đến khi có những người muốn phục dựng cảnh sống Suối Hoa, đánh thức núi thiêng Ba Vì, không phải cho gia đình mình, mà cho tất cả mọi người. Trong hơn 10 năm qua, họ đã xây dựng được một mô hình của công việc ấy: Melia Ba Vi Mountain Retreat.
Với tôi, Melia Ba Vì đã đánh thức cuộc sống Suối Hoa rất xứng đáng với Non Tản linh thiêng: Nhà cửa nép mình như được núi rừng che chở; lối đi nào cũng được đặt tên hoa cỏ Ba Vì, chim thú có chỗ ở yên ổn giữa thiên nhiên, phòng ở nào cũng nhìn thấy cây lá núi rừng ngay bên cửa sổ…
Một tấm bản đồ cho du khách giữa rừng, một biển báo sắp vào nơi cư trú của chim muông, một bảng gỗ nhắc nhở du khách có thể cho muông thú ăn vào giờ nào, và đặc biệt là những chuồng gà hình tam giác, rất giống trại gà của gia đình chúng tôi sau Nhà Ba Vì thời xưa, xúc động lạ lùng.
Một vò gốm cỡ đại nghiêng mình đổ nước suối xuống hồ, những mảng tường đá xưa cũ vẫn che chắn khoảng sân mới lát lại bên hồ bơi bốn mùa. Tất cả những chi tiết ấy là hình hài của một tình yêu vô bờ của người phục dựng cuộc sống Suối Hoa. Thái độ nâng niu núi rừng rất lãng mạn ấy khiến tôi tin chắc rằng tương lai của Melia Ba Vì thực sự đã đang diễn ra rồi”.
Nằm ẩn mình dưới những bóng cây xanh mát của vùng núi Ba Vì (thuộc Vườn quốc gia Ba Vì, Hà Nội) Melia Ba Vì Mountain Retreat mở cửa đón khách từ năm 2018 với 55 phòng khách sạn, bungalow, villa có bể bơi riêng. Khu nghỉ dưỡng là sự kết hợp độc đáo giữa phong cách thuộc địa Pháp và kiến trúc Việt cổ, hòa hợp với không gian thiên nhiên.
Dụng ý thiết kế đã kết hợp hài hòa yếu tố truyền thuyết, lịch sử, tự nhiên và sang trọng với nhau, làm say lòng khách nghỉ bằng những chi tiết vừa xa hoa lại rất gọn gàng vừa phải. Đặc biệt, mặc dù chỉ là cải tạo, nâng cấp nhưng vẫn cố tình khoe ra quy hoạch bài bản mang dấu ấn Pháp. Hầu hết các công trình trong khu nghỉ dưỡng này nép mình một cách khiêm nhường vào thiên nhiên.
Có thể nói, một công trình có giá trị bền vững phải là một tác phẩm có sự kết hợp chặt chẽ, khăng khít giữa nhà đầu tư và kiến trúc sư. Đối với nhà đầu tư, trước hết phải nói đến hai từ tâm huyết, nhà đầu tư phải thực sự yêu mến, dành trọn đam mê và tình yêu của mình cho tác phẩm. Nhưng chỉ yêu thôi thì chưa đủ, nhà đầu tư cần am hiểu về thị trường, xu thế của xã hội, hiểu tính địa phương nơi mà tác phẩm của mình được dựng lên.
Bởi cũng đã có không ít đơn vị doanh nghiệp nhìn nhận sản phẩm môi trường và kiến trúc không đúng với giá trị của nó. Không ít dự án, hai giá trị này bị coi thấp hoặc bỏ đi hoàn toàn trong những lợi ích về mặt kinh tế và xây dựng.
Còn tại Melia Ba Vi Mountain Retreat, ông Lương Ngọc Anh đã thực hiện nguyên tắc bảo tồn thiên nhiên, kiến trúc kết nối từ quá khứ tới tương lai, đã mang lại hiệu quả rất lớn không những về giá trị kinh tế mà còn về giá trị môi trường, giúp phục hồi, tăng trưởng và bảo tồn chất lượng tài nguyên thiên nhiên và các hệ sinh thái.
Ông Lương Ngọc Anh nhấn mạnh: “Melia Ba Vi Mountain Retreat nằm giữa lòng mẹ thiên nhiên, do đó chúng tôi đề cao và coi thiên nhiên là chủ đạo, các công trình, các ngôi nhà nằm hài hòa, duyên dáng dưới các tán cây rừng, với lối kiến trúc nhà gỗ được đặt trên nền móng xây bằng đá của các công trình phế tích của người Pháp để lại cách đây gần 1 thế kỷ. Kiến trúc này còn cho thấy sự ăn ý của kiến trúc Việt truyền thống với kiến trúc Pháp”.
GS. TS. KTS. Nguyễn Quốc Thông, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định: “Không chỉ ở Ba Vì mà ở bất kỳ một vùng đất nào, khi hướng đến phát triển du lịch nghỉ dưỡng cũng cần có sự đồng ý, quản lý chặt chẽ của chính quyền, sự đồng thuận của người dân. Đặc biệt, cần chọn những doanh nghiệp có tâm, có năng lực, kinh nghiệm trong thực tế. Ví như ở Ba Vì, doanh nghiệp thực sự phải có tình yêu với thiên nhiên, với di sản, không chạy theo lợi nhuận mà phá vỡ quy hoạch mới có thể làm được một dự án thành công như vậy”.
Cũng từng có những chuyến thực tế tại dự án, KTS. Lã Thị Kim Ngân, Phó Viện trưởng thường trực Viện Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết thêm: “Trên căn bản của cấu trúc quy hoạch xưa, Melia Ba Vì Moutain Retreat phục dựng lại các công trình lưu trú như reception, spa, bể bơi ngoài trời, nhà ăn trong và ngoài trời, phòng họp, khách sạn, biệt thự… Các kiến trúc này đều sử dụng gỗ, phảng phất nét đẹp cổ điển, truyền thống, trang nhã của “các cụ nhà ta”.
Chỉ trong vài năm hoạt động, khu Nghỉ dưỡng Melia không chỉ bảo vệ rừng quốc gia Ba Vì một cách hoàn hảo mà còn gìn giữ được không gian “văn hóa Đông Dương” từng có hơi hướng được hình thành cách nay hơn 90 năm và hơn cả, nó tạo cho người dân Thủ Đô có điều kiện tiếp cận với một không gian văn hóa - nghỉ dưỡng giải trí rất sang trọng.
Với nhà đầu tư có tâm, có tầm nhìn; Người tư vấn thiết kế sắc xảo, tinh tế và Nhà quản lý chuyên nghiệp, rõ ràng Khu nghỉ dưỡng Melia Ba Vì Mountain Retreat đã biến thành một trong những địa chỉ nghỉ dưỡng hấp dẫn và có đẳng cấp của Thủ đô Hà Nội.
Đến nay, không thể phủ nhận, sự phát triển của Melia Ba Vi Mountain Retreat đã làm thay đổi diện mạo của du lịch Việt Nam, tạo sức hút lớn đối với du khách quốc tế, tạo công ăn việc làm cho người bản địa và đóng góp to lớn cho ngân sách.
Theo ghi nhận từ địa phương, trước khi có dự án, nguồn thu bán vé ở Vườn Quốc gia Ba Vì khoảng 180 triệu/năm, nhưng hiện nay, tiền bán vé vào Vườn Quốc gia Ba Vì mỗi năm đã lên tới 24 tỷ đồng mà trong đó, du khách đến Melia Ba Vì chiếm đến 1/3.
Melia Ba Vi Mountain Retreat còn vinh dự nhận một loạt các giải thưởng như: Giải thưởng Khu nghỉ dưỡng thân thiện môi trường bậc nhất của năm 2019 bởi tạp chí Robb Report Vietnam bình chọn, giải thưởng Khách sạn gia đình sang trọng nhất năm 2020 bởi Luxury Lifestyle, giải thưởng Travelers Choice bởi TripAdvisor năm 2020…
Phát huy những giá trị đã được các chuyên gia, khách du lịch đánh giá ông Lương Ngọc Anh cùng các cộng sự vẫn đang tiếp tục tìm tòi, quảng bá giá trị đặc biệt của vùng núi Ba Vì, những nét đặc sắc về văn hóa, con người, thiên nhiên nơi đây… Đó cũng là chất liệu đặc biệt tạo nên chất riêng của Melia Ba Vi Mountain Retreat trong hành trình tiếp nối ước mơ phát triển du lịch bền vững, quảng bá hình ảnh đẹp về Thiên nhiên - Văn hóa - Con Người Việt Nam.