Doanh nhân Ngô Chí Dũng và khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng
Ẩn sau những bước tiến nhảy vọt của VPBank trong suốt hơn 10 năm qua là hình ảnh của một doanh nhân “kín tiếng” Ngô Chí Dũng, người đã quyết định đổi tên từ Ngân hàng Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (private) Việt Nam sang Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (prosper) ngay từ những ngày đầu mới nhậm chức Chủ tịch VPBank hồi tháng 3/2010.
Thoạt nghe thì có thể thấy đây là động thái bình thường của một tổ chức theo tập quán “tân quan tân chính sách”, nhưng với ông Ngô Chí Dũng lại khác hẳn, đây là tầm nhìn, là chiến lược, là sự sống còn của một tổ chức tín dụng như VPBank. Bởi lẽ, nếu cái tên Ngân hàng Các Doanh nghiệp ngoài quốc doanh (private) mới chỉ thể hiện đươc định hướng của một giới, phục vụ cho một bộ phận dân chúng thì Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (prosper) đã thể hiện được tâm thế, ý chí của cả một dân tộc, một khát vọng vươn lên của cả một quốc gia.
Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, kinh tế Việt Nam mặc dù đã bước vào công cuộc đổi mới được dăm năm nhưng vẫn cực kỳ khó khăn, mà đặc biệt là sự trì trệ của hệ thống lưu thông - phân phối quan liêu bao cấp. Lạm phát ở mức 3 con số, lương thực và nhiều mặt hàng thiết yếu phải nhập khẩu, doanh nghiệp quốc doanh đông cứng...
Ngay từ những năm ấy, Lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã nhìn ra một trong những con đường có thể cứu vãn tình thế, đó là nền kinh tế thị trường và phát triển doanh nghiệp tư nhân. Trong bối cảnh đó, năm 1992, Hội đồng trung ương lâm thời Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh ra đời với sự phê chuẩn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, do ông Hoàng Minh Thắng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại được điều sang làm Chủ tịch.
Hồi đó, cụm từ “tư nhân” rất nhạy cảm nên từ trên xuống dưới đều dùng cụm từ “ngoài quốc doanh” thay thế. Hội đồng ra quyết định thành lập 3 đơn vị trực thuộc mới, đó là báo Doanh Nghiệp, Trung tâm đào tạo và hỗ trợ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và Ngân hàng Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam (có tên tắt là VPBank).
Nhưng chắc là vận của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chưa tới, tổ chức Hội đồng trung ương lâm thời Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh bị đổi thành Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, thành lập vào tháng 1/1993, điều lệ thay đổi, đối tượng thay đổi, mục tiêu chính trị thay đổi...
May mắn thay khi đó, VPBank vẫn giữ nguyên được tên gọi ban đầu.
Thế nhưng lận đận đến 10 năm sau, khi kinh tế quốc doanh ngày càng chứng minh sự cạnh tranh kém cỏi của mình trong công cuộc hội nhập, khi vai trò các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ngày càng khẳng định mình trong nền kinh tế đất nước thì ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 đã ra đời, đánh dấu chấm hết cho cuộc đời “con rơi con vãi” của các doanh nghiệp tư nhân. Trong suốt những năm đó, VPBank vẫn âm thầm thực thi sứ mệnh của mình bên cạnh biết bao thăng trầm.
Đến bây giờ, mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020 (mà trong đó có lẽ trên 90% là doanh nghiệp tư nhân) của Thủ tướng Chính phủ đã chứng minh rằng, sứ mệnh lớn lao của VPBank đặt ra cách đây hơn 28 năm đã thành hiện thực.
Và VPBank giờ cũng đã khác xa thời ấy. Đầu tháng 2/2021, Brand Finance - tổ chức định giá thương hiệu hàng đầu thế giới công bố danh sách 500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới, đáng chú ý, VPBank đã tăng 38 bậc, vượt lên vị trí thứ 243 toàn cầu và trở thành ngân hàng tư nhân có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam.
Những con số thống kê cho hay, VPBank hiện là ngân hàng có số vốn điều lệ lớn thứ 8 Việt Nam, và là ngân hàng tư nhân có vốn điều lớn thứ 3 Việt Nam với số vốn 25.300 tỷ đồng.
VPBank cũng là ngân hàng có vốn hóa lớn thứ 5 Việt Nam, và là ngân hàng tư nhân có vốn hóa lớn thứ 2 trên sàn chứng khoán Việt Nam với vốn hóa 169.000 tỷ đồng (7,5 tỷ USD, tính tại ngày 9/7/2021).
Doanh thu (TOI) hợp nhất cả năm 2020 của VPBank đạt hơn 39 nghìn tỷ, tăng trưởng 7,4% so với năm trước và gấp gần 30 lần so với năm 2010 (1.309 tỷ đồng); Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2020 đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 127,5% kế hoạch đề ra đầu năm, tăng trưởng 26,1% so với năm 2019 và tăng gấp 30 lần so với năm 2010; trong đó, lợi nhuận tại ngân hàng riêng lẻ đóng góp tới 71% vào lợi nhuận hợp nhất.
Chỉ tính trong vòng 5 năm qua giai đoạn 2016 – 2020, VPBank đã nộp thuế gần 12.000 tỷ đồng cho ngân sách, trong đó, riêng ngân hàng mẹ nộp thuế gần 6.200 tỷ đồng, luôn đứng trong top các doanh nghiệp nộp thuế cao nhất nước, xếp thứ tự 18, đứng thứ 3 trong số các doanh nghiệp có vốn tư nhân.
Ẩn sau những bước tiến nhảy vọt như thế của VPBank là hình ảnh của một doanh nhân thành đạt Ngô Chí Dũng, người đã quyết định đổi tên từ Ngân hàng Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (private) sang Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (prosper) ngay từ những ngày đầu mới nhậm chức Chủ tịch VPBank hồi tháng 3/2010.
Thoạt nghe thì có thể thấy đây là việc làm bình thường của một tổ chức theo tập quán “tân quan tân chính sách”, nhưng với ông Ngô Chí Dũng lại khác hẳn, đây là tầm nhìn, là chiến lược của một tổ chức tín dụng như VPBank. Bởi lẽ, với cái tên Ngân hàng ngoài quốc doanh (private) thì mới chỉ thể hiện đươc ý chí của một giới, phục vụ cho một bộ phận dân chúng; còn nếu là Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (prosper) thì thể hiện ý chí của cả một dân tộc, một khát vọng vươn lên của cả một quốc gia.
Và rồi, VPBank đã thực sự bứt phá được trong giai đoạn vừa qua, cũng chính từ quyết định đặt sứ mệnh phục vụ của mình cùng với sứ mệnh lớn lao của cả một dân tộc. Chỉ khi nhận lấy cho mình một sứ mệnh lớn lao, VPBank mới trở nên vỹ đại hơn!
Nghĩ đến đây, mới thấy một câu phương ngôn đâu đó: “Hãy làm việc đúng trước khi làm đúng các việc” quả thật thấm thía!
Theo thông tin trong các văn bản được công bố, sau khi học xong phổ thông tại Hà Nội, ông Ngô Chí Dũng học dự bị đại học, trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Vào năm 1987, khi mới 19 tuổi như bao thế hệ học sinh hồi đó, ông qua Liên Xô du học và lấy bằng Tiến sĩ kinh tế, Kỹ sư địa chất công trình.
Vào thời kỳ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nền kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn khốn khó chưa từng có, lạm phát phi mã ở hàng 2 rồi 3 con số, sản xuất đình trệ, việc làm thiếu nghiêm trọng. Nhiều sinh viên học nước ngoài về không tìm được việc làm. Rồi tựa như “thời thế tạo anh hùng”, lứa sinh viên thời đó cùng học ở Nga như Phạm Nhật Vượng, Lê Viết Lam, Hồ Hùng Anh, Ngô Chí Dũng… đã ở lại nước Nga dựng nghiệp và cũng bắt đầu khởi nghiệp từ ngành sản xuất mỳ ăn liền.
Sau khi kinh doanh thành công ở nước ngoài, những người Việt đầy hoài bão này đã mang hàng trăm triệu USD về đầu tư trong nước.
Sau khi kinh qua các vị trí trong Hội đồng quản trị của một số ngân hàng, tháng 3/2010, ông Ngô Chí Dũng trở thành Chủ tịch HĐQT VPBank, và từ đây, cùng với sự thành công vượt bậc của ngân hàng màu xanh lá, tên tuổi của ông bắt đầu nổi lên như một hiện tượng trong giới tài chính.
Ghi dấu ấn đầu tiên trên hành trình đưa VPBank bứt phá chính là việc ông Dũng phát hành thành công 154 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu vào tháng 11/2010 với giá 14.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ cho VPBank từ 2.400 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Vào thời điểm đó, hầu như các kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn ngân hàng với mức giá phát hành là 10.000 đồng đã được đánh giá là khó thành công chứ chưa nói đến giá cao hơn.
Và cũng chính vị lãnh đạo này đã bỏ “tiền tươi, thóc thật” ra mua với giá cao hơn nhiều so với thị trường. Vào thời điểm đó, hành động của ông Dũng đã thuyết phục các nhà đầu tư khác cùng “xuống tiền”. Bởi họ nhận thấy rằng, nếu ông Dũng sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn để mua cổ phiếu VPBank so với giá thị trường thì cũng đồng nghĩa với việc ông sẽ đi dài, sẽ tạo ra cuộc cách mạng thay đổi vị thế của VPBank trên bản đồ ngành ngân hàng Việt Nam. Nói nhà đầu tư đặt niềm tin vào VPBank nhưng đúng hơn là họ đặt niềm tin mạnh mẽ vào ông chủ mới của VPBank là Ngô Chí Dũng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu nhớ lại, những năm 2006 - 2007, ngành ngân hàng có số lượng doanh nghiệp lớn, quy mô vốn lớn hầu hết lại chưa được niêm yết đã trở thành điểm đến của dòng tiền đầu cơ. Nhiều ngân hàng nhỏ đã tận dụng cơ hội phát hành cổ phiếu với số lượng gấp 3, 4 lần ban đầu nhưng cũng chỉ trong thời gian ngắn vẫn được thị trường mua hết với giá gấp nhiều lần mệnh giá ban đầu. Nhà đầu tư thời điểm này phong cho cổ phiếu Ngân hàng là “vua không ngai” để ví von sự hấp dẫn của cổ phiếu và ám chỉ về đặc tính chưa niêm yết của ngành này. Nhưng sau năm 2008 - 2009, chịu tác động của khủng hoảng tài chính, giá trị cổ phiếu của ngân hàng được điều chỉnh mạnh, nhiều ngân hàng đưa giá về giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu.
Do đó, câu chuyện tại VPBank khi đó như một luồng gió mới với thị trường. Sau nhiều thăng trầm, đến nay cổ phiếu ngành ngân hàng nói chung đã tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành nhóm cổ phiếu chủ chốt, dẫn dắt nhịp điệu của thị trường, là tín hiệu tốt cho thấy sự bền vững của ngành ngân hàng cũng như tiềm năng của cả nền kinh tế. Trong đó, cổ phiếu VPBank hiện đang có giá trên 70.000 đồng/cổ phiếu, tăng gấp nhiều lần so với thời điểm năm 2010.
Cuộc cách mạng tại VPBank tiếp tục bùng nổ khi ông Ngô Chí Dũng thực hiện việc rẽ lối đi riêng trong hoạt động kinh doanh tiền tệ. Thời điểm ấy, khi mà các ngân hàng trông đợi vào việc kiếm lời từ cho vay bất động sản thì VPBank đã lựa chọn một hướng đi riêng, đó là tập trung vào bán lẻ với các phân khúc doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, tiểu thương và tín dụng tiêu dùng. Đây đều là những mảng rủi ro cao nhưng cũng đầy hấp dẫn với ngân hàng. Sự thành công của VPBank cũng đến từ chiến lược “nhặt bạc cắc” này.
Nhưng đó không phải là sự liều lĩnh mà là bước tính toán trên cơ sở thực tế. Vị lãnh đạo VPBank đã nhìn thấy rằng, thời điểm đó, cả nước chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp cỡ lớn trong khi lại có quá nhiều ngân hàng nhắm đến. Đương nhiên là thay vì trông đợi vào cơ hội nhỏ nơi cuối con đường, VPBank đã sớm lựa chọn lối đi rộng lớn hơn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của Việt Nam. Năm 2013, VPBank là ngân hàng đầu tiên thành lập một đơn vị chuyên trách thiết kế sản phẩm và chăm sóc cho nhóm đối tượng này.
Trên cương vị là người lãnh đạo, ông Ngô Chí Dũng hiểu rằng, những khúc mắc về tài sản thế chấp là lý do có đến 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể tiếp cận được vốn ngân hàng. Nếu như dám mạnh dạn tháo gỡ khúc mắc này, chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Bên cạnh đó, một phân khúc mới giàu tiềm năng còn bỏ ngỏ là tín dụng tiểu thương cũng được ông Dũng quan tâm. Đối tượng phân khúc này hướng đến hộ kinh doanh, chủ tạp hóa vốn khó tiếp cận tín dụng ngân hàng dù kinh doanh hiệu quả chỉ bởi vì… không có tài sản thế chấp. Có thể nói, VPBank là ngân hàng lựa chọn phân khúc khách hàng rộng nhất, kéo dài từ tập khách hàng có mức thu nhập trung bình thấp đi lên. Năm 2020, VPBank cho biết mình phục vụ tới 16 triệu khách hàng, lớn gấp nhiều lần so với các ngân hàng ra đời cùng thời điểm.
Khoảng 3 năm sau khi về làm Chủ tịch HĐQT VPBank, ông Ngô Chí Dũng đã mời ông Nguyễn Đức Vinh về làm Tổng Giám đốc. Theo đánh giá của giới phân tích, đây là bước thành công tiếp theo của doanh nhân Ngô Chí Dũng về chiêu dụ hiền tài, bởi lẽ khi đó, ông Vinh được coi là một trong những ngôi sao sáng trên thị trường ngân hàng. Với bề dày kinh nghiệm trong thị trường tín dụng Việt Nam, họ trở thành một cặp “bài trùng” đã khiến nhiều người quan tâm đến lĩnh vực ngân hàng kiêng nể.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi Nguyễn Đức Vinh về VPBank, cặp “bài trùng” này quyết định thực hiện chiến lược mà Ngô Chí Dũng đã ấp ủ nhiều năm, đó là chinh phục phân khúc doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, tiểu thương và tín dụng tiêu dùng.
Tháng 10/2012, VPBank quyết định thành lập khối khách hàng doanh nghiệp SME. Chỉ 3 tháng tiếp theo, khối này đã tiếp nhận thành công 22.000 khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoàn thành xây dựng 5 trung tâm khách hàng doanh nghiệp SME. Mảng SME sau đó liên tục là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất của VPBank.
Năm 2013, mảng kinh doanh đạt tăng trưởng tín dụng tới 40%, tăng trưởng huy động 72%. Đến năm 2014, tăng trưởng tín dụng vẫn đạt mức khá cao 25%, trong khi huy động tăng tới 58%. Con số này năm 2015 lần lượt ở mức cao 30% và 54%. Năm 2016 và năm 2017, tăng trưởng tín dụng mảng SME của VPBank đạt 30% và 20%.
FE Credit đã duy trì vị thế dẫn đầu trong giai đoạn 2015 - 2020, với tổng dư nợ cho vay trong giai đoạn 2015 - 2019 đạt tăng trưởng kép 34%, chiếm gần 50% thị phần giai đoạn này. Từ đó đến nay, FE Credit đã trở thành “quân át chủ bài” giúp VPBank đạt được suất sinh lời khó có ngân hàng nào của Việt Nam chạm tới được. Cũng chính vì tỷ suất lợi nhuận cao, mảng tín dụng tiêu dùng ngày càng thu hút nhiều ngân hàng cùng tham gia.
Dưới sự điều hành của ông Dũng và các cộng sự, tính đến cuối năm 2020, FE Credit đã có quy mô tổng dư nợ trên 66.000 tỷ đồng, chiếm trên 50% thị phần toàn ngành, bỏ xa các đối thủ khác, với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.700 tỷ đồng.
Hơn hết, nhiều năm trở lại đây, FE Credit luôn nắm giữ hơn 50% thị phần và luôn là “gà đẻ trứng vàng” của VPBank khi đóng góp 45 - 50% vào tổng lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng giai đoạn 2016 - 2019 nhờ việc duy trì hàng triệu hợp đồng mới/năm và kiểm soát nợ xấu ở mức hợp lý.
Có được kết quả này, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng, lộ trình số hóa của FE Credit đã góp phần giảm chi phí cho vay dài hạn và quản trị rủi ro cho khách hàng, góp phần quan trọng thay đổi thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam bằng nỗ lực cho vay có trách nhiệm hơn.
TS. Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận, chính những định hướng chiến lược của ông Ngô Chí Dũng và ông Nguyễn Đức Vinh trong 3 năm gần đây khi khuyến khích sử dụng công nghệ đã góp phần giảm chi phí cho vay và quản lý được rủi ro một cách tập trung. "Giảm chi phí cũng là cách giảm lãi suất cho vay tiêu dùng. Điều đó cũng có ý nghĩa hỗ trợ cho hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt đang được khuyến khích hiện nay. Đó cũng là cách để lôi kéo và giữ chân khách hàng tốt nhất trong bối cảnh bùng nổ thông tin và công nghệ", TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích.
Dưới sự chèo lái của ông Dũng và ban lãnh đạo đầy tài năng, chỉ trong 10 năm, VPBank từ một ngân hàng ít tiếng tăm đã trở thành hiện tượng trong khối những ngân hàng tư nhân dẫn đầu về quy mô lợi nhuận. Đơn cử như lợi nhuận trước thuế năm 2011 của VPBank là 1.064 tỷ đồng tới năm 2020 là hơn 13.000 tỷ đồng. Khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thương, hộ gia đình, cá nhân dần lựa chọn VPBank là nơi trao niềm tin và nhận lại niềm tin.
TS. Nguyễn Trí Hiếu dự báo: “Tài chính tiêu dùng vẫn là miếng bánh ngon trong mắt nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, lĩnh vực tài chính tiêu dùng phụ thuộc rất lớn vào việc nền kinh tế Việt Nam phục hồi ra sao, vì kinh tế có hồi phục thì vay tiêu dùng mới phát triển. Tôi cho rằng, sớm nhất cũng phải sau năm 2021, khi dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam được kiểm soát hoàn toàn thì tình hình kinh tế mới khả quan, tài chính tiêu dùng mới ấm trở lại”.
Trong bối cảnh này, ông Ngô Chí Dũng đã cùng với các cộng sự định ra hướng đi mới cho tương lai của FE Credit cũng như VPBank. Không ngừng thay đổi có lẽ là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển của VPBank. Nếu muốn tiếp tục vượt qua các đối thủ cạnh tranh khác, ông Dũng hiểu rằng ông sẽ phải giữ cho mình luôn ở trạng thái chủ động trước những diễn biến của nền kinh tế thị trường. Những đối thủ của VPBank có thể cũng chọn hướng đi như VPBank nhưng họ không thể sao chép tính chủ động, con người, và kể cả văn hoá của VPBank.
Theo đó, đầu tháng 5/2021, VPBank thông báo đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMBC) để bán 49% vốn điều lệ FE Credit. Với mức định giá là 2,8 tỷ USD, VPBank thu về gần 1,4 tỷ USD. Với khoản thu này, giới chuyên gia đánh giá, khối ngân hàng thương mại tư nhân Việt Nam đã có những ứng viên của “Câu lạc bộ tỷ USD” lợi nhuận, quan trọng hơn là đã có thể so sánh ngang ngửa với các “ông lớn” ngân hàng thương mại Nhà nước. Đặc biệt, khi sức mạnh của VPBank cộng với một số ngân hàng tư nhân khác thì lần đầu tiên trong lịch sử hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, khoảng cách tiềm lực vốn giữa các khối đã bị xóa mờ, khối “Big 4” không còn nắm ưu thế áp đảo như suốt chiều dài lịch sử.
Đáng chú ý, tại ĐHĐCĐ vừa qua, ông Ngô Chí Dũng cho biết việc bán vốn này không phải là VPBank bỏ đi “con gà đẻ trứng vàng” mà là tìm kiếm đối tác. VPBank sẽ có thêm nguồn vốn để phát triển các mảng kinh doanh khác. Bên cạnh đó, VPBank đang mong muốn “miếng bánh” cho vay tiêu dùng phát triển hơn nhiều.
Ông Dũng chia sẻ thêm: “Ban đầu, chúng tôi có 2 phương án, một là IPO xong bán vốn, hai là tìm nhà đầu tư chiến lược bán vốn trước. Nếu theo phương án thứ nhất, chúng tôi có thể bán với giá cao hơn khoảng 1 tỷ USD. Tuy nhiên, sau khi đàm phán, chúng tôi quyết định hợp tác với SMBC, là một công ty lâu đời, top đầu Nhật Bản. Việc lựa chọn đối tác rất quan trọng, chúng tôi kỳ vọng có thể đưa FE Credit lên tầm cao mới”.
Với chiến lược của ông Dũng có thể nhận thấy, bên cạnh đặc điểm và câu chuyện riêng lẻ của mỗi ngân hàng thương mại, mô hình cổ phần hóa với tự chủ của khối tư nhân đã và đang thay đổi sự linh hoạt, năng động hơn và chủ động hơn trong cạnh tranh.
Thực tế, một công ty tài chính tiêu dùng được các ngân hàng ban đầu “nuôi”, nhưng sau đó phải tự huy động vốn. Nếu tìm được nhà đầu tư chiến lược thì những công ty này sẽ có nguồn vốn dồi dào, áp lực huy động vốn giảm. Cùng với đó, công ty tập trung xử lý nợ xấu, thu hồi các khoản đã cho vay và tiếp tục cho vay thêm. Phía sau thương vụ M&A này, chúng ta có thể dự đoán rằng, FE Credit sẽ được hưởng lợi từ sức mạnh tổng hợp với SMBC.
Khả năng cao là FE Credit sẽ tận dụng cơ hội để huy động mới hoặc cơ cấu lại nguồn vốn huy động hiện tại nhằm có được nguồn vốn rẻ từ Nhật Bản, giúp cải thiện chi phí vốn và lợi nhuận, trong khi không cần phải theo đuổi các sản phẩm hoặc phân khúc khách hàng quá rủi ro. Điều này có thể nhìn thấy rõ qua các chỉ số tài chính và hoạt động của các công ty tài chính có vốn đầu tư của Nhật Bản tại thị trường Việt Nam như HD Saison, MCredit, JACCS.
Bên cạnh đó, FE Credit sẽ học hỏi được kinh nghiệm quản trị rủi ro và phát triển sản phẩm mới trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng từ SMBC, vì đơn vị này đã có các công ty tài chính tiêu dùng ở cả Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan…
TS. Hiếu cũng chia sẻ: “Ngân hàng VPBank lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài để thoái vốn FE Credit trước hết có thể là vì nguồn vốn nước ngoài huy động tốt hơn. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào có thể cơ cấu lại vấn đề tài chính với những sản phẩm, cách quản trị mới có thể đưa ngành tài chính, ngành bán lẻ lên một mức độ cao hơn, chất lượng tốt hơn. Doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể học hỏi kinh nghiệm để có bước đi tốt hơn trong những lĩnh vực tiếp theo”.
Với bước tính toán của mình, ông Dũng dường như hiểu rằng, bán một phần vốn của “gà đẻ trứng vàng” là quyết định đúng nếu ngân hàng của ông muốn tiến xa hơn trong lĩnh vực này. Đằng sau thương vụ, chúng ta có thể tin rằng, ông Dũng đang chuẩn bị tiềm lực để song song hai nhiệm vụ phát triển bền vững những chiến lược cốt lõi ông đã đặt ra và tiếp tục thăng hoa cho những lĩnh vực mới. Và khâu đầu tiên chính là chọn đối tác đồng hành và củng cố nguồn vốn cho ngân hàng.
Có một nét chung đáng trân trọng ở những con người vượt trội như ông Dũng, ông Lam, ông Vượng, đó là khát vọng làm giàu không chỉ cho cá nhân mình. Với khối tài sản mà các ông đang sở hữu, có thể thấy việc miệt mài nỗ lực để tổ chức mà các ông dẫn dắt vẫn tiếp tục đi lên mỗi ngày không chỉ dừng lại ở thỏa mãn cá nhân nữa, mà chính là để mang lại sự thịnh vượng chung cho Việt Nam.
Mới đây, VPBank vừa ra “tuyên ngôn” mới cho chặng đường sắp tới của ngân hàng này, đó là “Vì một Việt Nam thịnh vượng”, với mong muốn mang đến sự thịnh vượng toàn diện cả về tài chính, về tinh thần, về thể chất và thịnh vượng cho cộng đồng thông qua hàng loạt các dự án trọng điểm, với tổng ngân sách lên đến 300 tỷ đồng trong 5 năm. Tính riêng từ khi dịch bệnh Covid 19 bắt đầu xâm nhập Việt Nam, VPBank là một trong những ngân hàng tiên phong và năng động nhất trong việc hỗ trợ khách hàng, cộng đồng và xã hội, cả về vật chất lẫn tinh thần, với tổng đóng góp lên đến gần 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khát vọng “thịnh vượng” này không phải mới được VPBank nghĩ đến, nó đã được thành hình từ trước đó, qua các sản phẩm tài chính được may đo chuyên dụng, qua các chương trình thể thao được cộng đồng ngóng đợi, qua các chương trình nghệ thuật với dấu ấn riêng và qua các chương trình thiện nguyện đầy tâm huyết.
Trong cảm nhận của TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng đã chứng kiến trọn vẹn hành trình "thịnh vượng" của VPBank, khát vọng “Vì một Việt Nam thịnh vượng” mà VPBank đang hướng tới không chỉ dừng lại ở những con số, mà đó còn là sự thay đổi về tư duy và những nỗ lực vươn lên không ngừng để khẳng định vị thế của hệ thống ngân hàng tư nhân Việt Nam, góp phần xây dựng hệ thống tài chính minh bạch và bền vững.
Trong một bài viết, không thể lột tả hết chân dung của một doanh nhân thành đạt như Ngô Chí Dũng, nhưng ít nhất nó cũng tựa như một bức ký họa để bạn đọc có thể nhận biết được ở họ, sự khát khao vươn lên để khẳng định mình trong sự nghiệp mà mình đã lựa chọn như thế nào, rồi cùng với đó để làm giầu cho gia đình mình và góp phần làm giầu cho đất nước, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn vạn người lao động. Chỉ với vậy thôi, họ đã đáng được xã hội tôn vinh rồi!
Những con số tăng trưởng còn ấn tượng và đáng tự hào hơn nữa nếu nhìn vào bức tranh 10 năm khi quy mô tổng thu nhập hoạt động tăng gấp gần 30 lần (thu nhập hoạt động từ 1.309 tỷ đồng năm 2010 đã đạt 39.033 tỷ đồng vào năm 2020), lợi nhuận trước thuế (PBT) tăng 20 lần lên 13.019 tỷ năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của VPBank được giữ dưới mức 3% theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và tại ngân hàng riêng lẻ là 1,98%.
Về kết quả đóng góp với ngân sách nhà nước: Theo kết quả xếp hạng của Tổng cục Thuế, trong danh sách 1.000 người nộp thuế lớn nhất cả nước năm 2019 thì VPBank (công ty mẹ) được xếp thứ tự 18, đứng thứ 3 trong số các doanh nghiệp có vốn tư nhân. Trong khi đó, Công ty tài chính VPBank với thương hiệu FE Credit (công ty con của VPBank) cũng được xếp thứ tự 24 (đứng thứ 6 trong số doanh nghiệp có vốn tư nhân).
Chỉ tính trong 5 năm qua, VPBank đã nộp thuế gần 12.000 tỷ đồng cho ngân sách, trong đó riêng ngân hàng mẹ nộp thuế gần 6.200 tỷ đồng. Nhờ kinh doanh hiệu quả, nhiều năm liền, ngân hàng này luôn nằm trong tốp các doanh nghiệp dẫn đầu về nộp ngân sách.
Giai đoạn phát triển mới trong các nhiệm kỳ 5 năm, 10 năm tới đang mở ra nhiều thách thức và vận hội mới cho nền kinh tế, cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có VPBank. Đón chào những định hướng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khát vọng đưa Việt Nam trở nên hùng cường… được đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trước những diễn biến phức tạp của thị trường và dịch bệnh Covid-19, VPBank sẽ có được những cơ hội mới bên cạnh những rủi ro phải đối mặt. Chúng tôi tin tưởng rằng, Hội đồng quản trị sẽ luôn theo sát diễn biến thực tiễn, đưa ra định hướng kịp thời và chỉ đạo quyết liệt để Ban điều hành triển khai kế hoạch hành động nhằm giảm thiểu các yếu tổ rủi ro ảnh hưởng đến kinh doanh, tận dụng tối đa các nỗ lực cộng hưởng từ tất cả các đơn vị kinh doanh trực thuộc nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tối đa hóa lợi nhuận cho ngân hàng cũng như hiện thực hóa tầm nhìn đưa VPBank đạt được mục tiêu đã đề ra.
Với góc nhìn của một nhà quản lý thuế có cơ hội nắm bắt thông tin từ hệ thống các ngân hàng thương mại đang hoạt động tại Việt Nam, cùng với góc nhìn của một khách hàng về những gì họ đã làm được, tôi tin tưởng rằng khát vọng của VPBank mang lại sự thịnh vượng cho khách hàng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước sẽ trở thành hiện thực. Một khi HĐQT, Ban lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ, nhân viên của VPBank cùng có chung một chí hướng, khát vọng, cùng xác định rõ mục tiêu chiến lược với sự đồng hành và gắn bó của cổ đông, khách hàng thì VPBank sẽ vượt qua mọi thử thách để tiếp tục cải thiện, giữ vững vị trí là một trong những ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam.