Doanh nhân Trần Đình Long - Ngược dòng thành… “Vua thép”!

Doanh nhân Trần Đình Long - Ngược dòng thành… “Vua thép”!

Thứ Sáu, 04/03/2022 - 06:09

Ông Trần Đình Long chia sẻ: “Tôi luôn nghĩ mình phải vươn lên thành nhóm công ty đứng đầu về sản xuất thép ở khu vực Đông Nam Á, châu Á, thậm chí thế giới...".  

LTS: Ngày 13/10/1945, trong bức thư động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của các doanh nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi các doanh nghiệp và doanh nhân cùng chung sức phát triển nền kinh tế đất nước, từ đó tạo được lòng tin và những làn sóng tích cực cho phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gần 8 thập kỷ đã trôi qua, những khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đang tiếp tục nỗ lực thực hiện lời căn dặn này của Người.

Sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp và doanh nhân. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có lực lượng doanh nhân hùng hậu, trong đó có nhiều doanh nhân đã trở thành niềm kiêu hãnh, phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm với dân tộc. Đó là nền tảng vô cùng quan trọng để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Trên tinh thần đồng hành cùng các doanh nhân, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào hành trình xây dựng đất nước, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Doanh nhân và khát vọng Việt Nam khởi nghiệp".

Bài 2: Doanh nhân Trần Đình Long - Ngược dòng thành... "Vua thép"!

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Tập đoàn Hòa Phát dưới sự chèo lái của doanh nhân Trần Đình Long đã thành danh từ nhiều năm nay, trở thành thương hiệu tự hào của Việt Nam và giờ đây vẫn đang tiếp tục chinh phục những cột mốc mới. Để cảm nhận được sự thành công của doanh nhân Trần Đình Long trong những năm tháng Covid-19 đầy trắc trở này, ta hãy nhìn những con số thống kê khô khan nhưng lấp lánh đầy ánh vàng và vô cùng hấp dẫn: Lũy kế năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu 150.800 tỷ đồng, tăng 65% so với 2020. Lợi nhuận sau thuế lần đầu cán mốc 34.520 tỷ đồng, vượt 92% kế hoạch năm và tăng 1,56 lần với năm trước.

Theo các nhà phân tích, năm 2021 là một năm thành công của “vua thép” Trần Đình Long. Giá trị cổ phiếu chung của ngành thép đã đẩy giá cổ phiếu Hòa Phát (HPG) tăng gấp rưỡi so với đầu năm. Trong năm, có thời điểm giá trị vốn hóa của Hòa Phát đạt mức hơn 11 tỷ USD và lọt top 15 công ty thép có vốn hóa lớn nhất thế giới.

Thử hỏi trên đất nước Việt Nam mình, rồi thậm chí trên toàn thế giới này, có bao nhiêu doanh nghiệp đạt được sự tăng trưởng như vậy trong một năm quá nhiều sóng gió vì dịch bệnh?

Tuy nhiên, đấy mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm thể hiện tài năng lãnh đạo doanh nghiệp của người doanh nhân người Hải Dương sinh năm 1961 - Trần Đình Long.

TIẾP NỐI LO "BÁNH MÌ" CHO SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA

Nếu ai từng dõi theo sự nghiệp công nghiệp hóa của đất nước sẽ dễ dàng nhận ra những bước thăng trầm và những bài học quý báu. Trước thời kỳ đổi mới, Việt Nam có khoảng 25 năm tiến hành công nghiệp hóa theo 2 giai đoạn: Từ 1960 đến 1975 công nghiệp hóa ở miền Bắc và từ 1975 - 1985 công nghiệp hóa trên phạm vi cả nước. Hai giai đoạn này có mục tiêu, phương hướng rõ rệt, đó là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, kết hợp chặt chẽ phát triển công nghiệp nhẹ với phát triển nông nghiệp.

Các nhà kinh tế đã nhiều lần khẳng định, muốn phát triển công nghiệp thì trước hết phải phát triển ngành công nghiệp luyện kim và chế biến kim loại, một ngành quan trọng đến mức các học giả đã từng coi là “bánh mì của sự nghiệp công nghiệp hóa” của mỗi quốc gia. Và đầu tàu của ngành luyện kim Việt Nam khi ấy không đâu khác ngoài Khu liên hợp Gang thép Thái Nguyên.

Trong nhiều năm, nhiều nguồn lực của đất nước đã dành ưu tiên cho việc phát triển lĩnh vực này, từ việc mở mỏ sắt Trại Cau đến việc khẩn trương xây dựng và đưa vào sản xuất các mỏ như: Mỏ đá Núi Voi (Thái Nguyên), mỏ đất chịu lửa Tuyên Quang, mỏ quắczít Phú Thọ, mỏ đôlômit Thanh Hóa, mỏ mănggan Cao Bằng...

Nói sơ qua như vậy để thấy, muốn đầu tư vào lĩnh vực luyện kim và chế biến kim loại và trở thành “vua thép”, một doanh nghiệp phải lường trước những thách thức lớn như thế nào?

Vậy mà chỉ sau chưa đầy 15 năm bước chân vào ngành sản xuất thép, Tập đoàn Hòa Phát được gây dựng bởi Trần Đình Long đã soán “ngôi vua” của Gang thép Thái Nguyên, tiếp nối sự nghiệp đầu tàu cho công cuộc công nghiệp hóa của đất nước với những con số đầy ấn tượng.

Các khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương, Dung Quất - Quảng Ngãi, Hưng Yên thường xuyên hoạt động hết công suất để tiếp tục giữ thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng, ống thép, lần lượt là 32,6% và 24,7%. Tôn Hòa Phát nằm trong Top 5 nhà sản xuất lớn nhất với 8%. Hòa Phát cũng là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất được thép cuộn cán nóng (HRC).

Năm 2021, Tập đoàn đã cung cấp cho thị trường tổng cộng 8,8 triệu tấn thép, bao gồm phôi, thép xây dựng, thép HRC, ống thép và tôn mạ, tăng 35%; hoạt động xuất khẩu đóng góp quan trọng cho sản lượng năm 2021 với 2,6 triệu tấn sản phẩm các loại, gấp đôi so với cùng kỳ.

Cho đến nay, Hòa Phát đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 30.000 lao động và đóng góp ngân sách Nhà nước tại 25 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước 12.400 tỷ đồng, tăng gần 70% so với năm 2020.

Chắc hẳn sau này, khi nói đến thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước, sử sách sẽ không quên những gương mặt sáng giá như Trần Đình Long.

CHUYÊN GIA "NGƯỢC DÒNG" TRẦN ĐÌNH LONG

Lần theo thời gian con đường phát triển của Tập đoàn Hòa Phát trong lĩnh vực luyện kim và chế biến kim loại thì có thể dễ dàng nhận thấy một điều khá lạ kỳ là Trần Đình Long luôn có những quyết định “ngược dòng” với xu thế của thị trường, thậm chí là “ngược dòng” luôn với những định hướng sự nghiệp ban đầu của chính mình.

Hồi cùng bạn bè thành lập Công ty Hòa Phát tháng 8/1992, lĩnh vực kinh doanh mà Trần Đình Long tâm huyết là buôn bán các loại máy xây dựng. Sau đấy là kinh doanh nội thất chuyên nhập hàng từ các nhà cung cấp đến từ Đài Loan, Malaysia đến Singapore, tiếp nữa là nhập ống thép về làm giàn giáo…

Kinh doanh thương mại thì dễ dàng hơn nhiều so với đầu tư sản xuất, chỉ cần có thị trường đầu ra, đầu vào là có thể bắt tay vào làm, nếu có sai lầm thì cũng chỉ phải trả giá cho từng lô hàng. Còn đầu tư vào sản xuất thì hãy dè chừng, nhất là đối với lĩnh vực “nặng vốn” như luyện kim, mà tình cảnh “đắp chiếu” cả chục năm của Gang thép Thái Nguyên là một bài học điển hình.

Thế nhưng Trần Đình Long vẫn tự tin bước chân vào mảnh đất đầy gai góc này. Năm 2007, Tập đoàn Hòa Phát đã quyết định đầu tư Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Hải Dương bao gồm một tổ hợp khép kín từ Nhà máy chế biến nguyên liệu, Nhà máy than coke và nhiệt điện, Nhà máy luyện gang, Nhà máy luyện thép, Nhà máy cán thép có công suất 2 triệu tấn/năm trên tổng diện tích lên tới 132ha. Khu liên hợp chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2010.

Để có thể thấy được quyết định đầu tư này ngược dòng với thị trường như thế nào, ta hãy theo dõi phân tích của Hiệp hội Thép Việt Nam vào thời điểm năm 2007. Theo Hiệp hội, mức tiêu thụ thép cả nước năm 2006 đã đạt gần 7,2 triệu tấn, trong đó sản xuất trong nước là 4,7 triệu tấn, nhập khẩu thép thành phẩm là 3,8 triệu tấn. Như vậy, tại thị trường Việt Nam, cung đang “thừa” so với cầu là 1,3 triệu tấn. Nay, nếu thêm đầu tư của Hòa Phát 2 triệu tấn nữa thì sẽ tiêu thụ ở thị trường nào đây? Ở một công ty cổ phần như Hòa Phát với nhiều cổ đông lớn có “sỏi” trong đầu, câu hỏi như vậy không dễ trả lời.

Tiếp nữa đến năm 2016, Trần Đình Long quyết định đầu tư Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát tại Dung Quất. Dự án có quy mô gần 400ha, tổng vốn đầu tư 52.000 tỷ đồng, công suất 4 triệu tấn sản phẩm/năm. Tập đoàn Hòa Phát áp dụng công nghệ lò cao khép kín, thiết bị hiện đại được nhập khẩu từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Một trong những mục tiêu hàng đầu của dự án là làm hàng xuất khẩu.

Ta hãy xem phân tích của các chuyên gia hàng đầu thế giới về thị trường thép thời kỳ này.

Theo báo cáo do Viện Chính sách kinh tế và Công ty luật Stewart & Stewart thực hiện với sự hỗ trợ của ngành công nghiệp thép Mỹ, năm 2014, công suất thép dư thừa toàn cầu trong năm là 517 triệu tấn, tăng hơn gấp đôi so với con số dư thừa 229 triệu tấn của năm 2000. Ngoài ra, công suất dư thừa đã lên đến đỉnh điểm 579 triệu tấn vào năm 2009 do cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ thép toàn cầu. Trong khi đó, công suất thép lại tăng lên nhờ những chương trình kích thích của các quốc gia. Chỉ tính riêng trong năm 2013, ngành công nghiệp thép của Mỹ đã báo cáo lỗ ròng tới 1,2 tỷ USD…

Thế đấy, đến ngành công nghiệp thép sừng sỏ của Mỹ còn liêu xiêu như vậy, liệu có cửa nào dành cho dự án lên đến 52.000 tỷ đồng ở Dung Quất này của Trần Đình Long bán sản phẩm ra thị trường thế giới và thu hồi vốn?

TẦM NHÌN XA VÀ BƯỚC ĐI VỮNG CHẮC

Câu chuyện lo toan “bánh mì” cho sự nghiệp công nghiệp hóa của nước nhà trong khoảng hai chục năm qua đã từng được ví lênh đênh như số phận nàng Kiều trong tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du vậy.

Việt Nam có khoảng 300 mỏ quặng sắt. Mỏ có trữ lượng lớn nhất phải kể đến là mỏ Thạch Khê ở Hà Tĩnh khoảng 554 triệu tấn. Mỏ có thể được khai thác lộ thiên với chiều sâu đến 120m so với mặt nước biển. Đây là mỏ sắt xây dựng lớn nhất Đông Nam Á trữ lượng của nó chiếm đến phân nửa trữ lượng quặng sắt Việt Nam. Hàm lượng sắt trung bình cho toàn mỏ là 58%. Thế nhưng, cho đến nay, việc khai thác mỏ vẫn nằm trong tình trạng tiềm năng.

Thực ra từ năm 2008, Hà Tĩnh đã triển khai Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 14.500 tỷ đồng trên diện tích đất sử dụng 4.821ha. Nhưng mới đây, Hà Tĩnh đã quyết định “đóng cửa” dự án bởi lẽ không có nhà đầu tư xứng tầm để đáp ứng yêu cầu xử lý môi trường và hiệu quả đầu tư.

Lớn thứ hai là mỏ sắt Quý Xa ở huyện văn Bàn tỉnh Lào Cai có trữ lượng 124 triệu tấn. Mỏ được phát hiện từ lâu đời, các bản đồ địa chất giai đoạn 1870 đã đánh dấu mỏ sắt này. Từ năm 1957, các mỏ sắt Lào Cai được ngành Địa chất Việt Nam điều tra với sự cố vấn của các chuyên gia Ba Lan và Liên Xô, sau này đã từng bước được khai thác.

Trở lại sự nghiệp của Trần Đình Long, một điều khiến nhiều người bất ngờ, đó là tất cả các nhà máy thép của Hòa Phát đều không nằm ở gần các mỏ quặng sắt, cái thì nằm giữa vùng đồng bằng Bắc bộ phì nhiêu, giàu nguồn lao động, cái thì nằm giữa miền Trung đầy nắng gió, gần cảng biển…

Khi hỏi tại sao lại chọn Dung Quất để đầu tư một dự án lớn như vậy, Trần Đình Long chia sẻ: “Dự án này có nhiều lợi thế lắm, đặc biệt về logistics. Thép có đặc điểm là giá rẻ, đồ thô, to, nên yếu tố logistics, vận tải là quan trọng hàng đầu và Dung Quất có lợi thế rất lớn về điều này. Còn xét về lợi thế tương đối, dự án này nằm ở khu vực miền Trung, nên việc điều phối 2 miền sẽ thuận lợi hơn. Chúng tôi đã mua xong cảng ở Đồng Nai, rồi mua một cảng ở phía Bắc nữa để làm hệ thống giao thông theo chu trình khép kín cho nhà máy”.

Nhiều người bất ngờ bởi lẽ trong quá khứ từng có một bài học về doanh nghiệp từng bị phá sản, cũng là sản xuất thép, cũng gần cảng biển nước sâu, cũng ở khu vực miền Trung, thuận tiện về logistics… nhưng hàng nghìn tỷ đồng vẫn đổ xuống sông xuống biển. Đó Dự án Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi do Công ty Gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư được khởi công vào năm 2008 với công suất 500.000 tấn/năm. Tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, tọa lạc trên vùng đất rộng 25,8ha tại Khu kinh tế Vũng Áng.

Sau nhiều sai lầm nội tại, Nhà máy thép Vạn Lợi nằm trong tình trạng “đắp chiếu” gần chục năm như một núi sắt thép khổng lồ bị hư hỏng, rỉ sét ngay gần cảng nước sâu Vũng Áng. Đến năm 2015, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đã phải ra quyết định chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với một số cơ quan chức năng xử lý việc thanh lý dự án, tháo dỡ máy móc, thiết bị...

Nói như thế để biết rằng, lợi thế không phải vào tay ai cũng có thể biến thành lợi nhuận! Nhưng với Trần Đình Long thì người ta tin rằng Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục gặt hái những thành công lớn, bởi ông rất xuất sắc, đặc biệt về chiến lược dài hạn, khả năng chiếm lĩnh thị trường và niềm tin của khách hàng.

Nói về Tập đoàn Hòa Phát cùng doanh nhân Trần Đình Long, ông Phạm Chí Cường - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam từng nhận xét rằng: “Hồi năm 2000, họ chuyển sang làm thép, đầu tiên là làm ống thép, sau đó đến cán thép, lò thép… làm ra thép. Lò rất nhỏ thôi, 15 - 20 tấn, nhỏ lắm! Đi từ nhỏ như vậy nên họ có kinh nghiệm, từng bước vững chắc đẩy công suất của các nhà máy lên. Đến nay, chúng ta thấy, họ có cả khu liên hợp sản xuất lớn tại Dung Quất. Giai đoạn 1 khai thác hiệu quả rồi họ mới phát triển sang giai đoạn 2…”.

GIẢN DỊ TRONG HÀO QUANG CỦA THÀNH CÔNG

Có câu chuyện về Trần Đình Long chỉ cần nghe một lần mà cứ ám ảnh mãi. Đó là vào tối ngày 6/3/2018, chỉ 10 phút sau khi Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2018, phóng viên Trí thức trẻ đã gọi điện cho Trần Đình Long đề nghị được phỏng vấn nhưng vì bận một số việc nên cuộc găp gỡ phải để đến ngày 8/3. Xin mạn phép được trích lại dưới đây để bạn đọc cùng ngẫm nghĩ thêm về con người và sự nghiệp của doanh nhân Trần Đình Long.

PV: Ông cảm thấy thế nào khi được ghi nhận vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes?

Doanh nhân Trần Đình Long: Lúc mới được thông báo là vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes, bạn hỏi về cảm giác, tôi thấy rất bình thường.

Nhưng cả ngày qua (7/3), rất nhiều bạn bè, anh em, đồng nghiệp, đối tác gọi điện nhắn tin chúc mừng, thậm chí khi tới quán cà phê cũng có người bắt tay chúc mừng thì tôi hiểu sức ảnh hưởng của sự kiện này rất lớn. Bản thân tôi đã dự trù, nhưng cũng không ngờ thông tin này lại có sức lan tỏa lớn đến vậy.

Bây giờ có lẽ tôi phải thay đổi câu trả lời với bạn rồi. Tôi vui, rất vui. Một phần vì được thế giới công nhận, phần khác, quan trọng hơn là ảnh hưởng của thông tin này đến doanh nghiệp chắc chắn sẽ rất lớn.

PV: Theo ông, giá trị tài sản 1,3 tỷ USD mà Forbes ghi nhận đã đúng chưa?

Doanh nhân Trần Đình Long: Ý bạn nói là đã đủ chưa à? Thực ra thì hằng ngày tôi làm chẳng nghĩ gì đến tiền đâu và cũng chẳng biết bản thân có bao nhiêu tiền nữa.

Không phải riêng tôi như vậy. Tôi đoán chắc rất nhiều người cũng như mình. Chúng tôi làm không phải là để cuối ngày nhìn lại những con số trên bảng chứng khoán hay trong két sắt, đúng không? Nói như vậy không phải vì khiêm tốn gì đâu, mà đó là sự thật. Cứ đến lúc giống như chúng tôi, các bạn sẽ hiểu.

PV: Trước đây, ông từng trả lời báo Trí thức trẻ rằng mình vẫn giữ thói quen cà phê, trà đá vỉa hè với bạn bè trong nhiều năm. Bây giờ thì sao?

Doanh nhân Trần Đình Long: Bây giờ cũng vẫn thế mà. Bạn cà phê của tôi, tôi rất tự hào là 20 năm rồi vẫn tồn tại, bước sang năm thứ 20 rồi đấy. Mà cũng không phải ngồi trong tủ kính tủ kiếc gì đâu nhé, mà ngày nào cũng ngồi trà đá vỉa hè ấy.

PV: Một ngày bình thường của ông diễn ra như thế nào?

Doanh nhân Trần Đình Long: Một ngày bình thường của tôi rất bình thường. Tôi là người theo chủ nghĩa không có cái gì quá cả. Từ sáng đến giờ tôi có duy nhất một cuộc điện thoại gọi đến, nhưng là người ta gọi nhầm máy. Tôi cũng chỉ có một chiếc điện thoại, không kiểu "hai tay hai máy" đâu. Nhiều người là hai tay hai điện thoại, rồi không kịp ăn sáng.

Tôi thì ăn sáng, uống cà phê rồi mới đi làm. Chiều làm xong đi tập thể thao. Tối, trừ trường hợp rất đặc biệt, còn lại tôi không đi tiếp khách, không nhậu, ăn đủ 365 bữa một năm ở nhà. Cuối tuần thì hay chơi golf. Còn một sở thích nữa là xem phim tâm lý xã hội, mấy phim hay của nước ngoài ấy.

Đấy, bạn đọc có thấy mình bị ám ảnh bởi điều gì không? Một người thành công như thế, giàu có như thế, nổi tiếng như thế mà lại có cuộc sống bình dị và một tâm cảm thanh thản đến vậy sao?

Những chia sẻ chân thành của doanh nhân Trần Đình Long thật thú vị và hẳn là sẽ mang đến nhiều bài học giá trị cho thế hệ trẻ. Cuộc sống của vị tỷ phú ngành thép giản dị như vậy và luôn tận tâm, kiên trì chinh phục những đỉnh cao phía trước, như ông từng chia sẻ: “Tôi luôn nghĩ mình phải vươn lên thành nhóm công ty đứng đầu về sản xuất thép ở khu vực Đông Nam Á, châu Á, thậm chí thế giới. Mục tiêu trước mắt là nằm trong top 50 công ty thép lớn nhất thế giới. Đó thực sự là một hoài bão. Giờ Hòa Phát trong top này rồi nhưng mà chúng tôi phải tốt hơn. Đừng quên, mình đứng lại thì sẽ có người vượt mình ngay”.

 

03/03/2022 06:09
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top