Doanh nhân văn hóa - Giàu sang và trách nhiệm

Doanh nhân văn hóa - Giàu sang và trách nhiệm

Thứ Năm, 11/11/2021 - 06:06
Doanh nhân văn hóa - giàu sang và trách nhiệm

Bảy mươi sáu năm trước đây, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ núi rừng Việt Bắc về Hà Nội, đã đến ở tại gia đình ông bà Trịnh Văn Bô ở số 48 phố Hàng Ngang để soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập và chỉ đạo công tác chuẩn bị cho lễ Quốc khánh, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong điều kiện an ninh chính trị và trật tự xã hội lúc đó, việc lựa chọn một gia đình giàu có bậc nhất Hà Nội để làm trụ sở, chứng tỏ sự tin tưởng và đánh giá cao của Đảng và Bác Hồ đối với tầng lớp doanh nhân yêu nước. Và lịch sử đã chứng minh đó là một niềm tin có cơ sở vững chắc; một sự lựa chọn sáng suốt, đúng đắn, thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh đối với tầng lớp doanh nhân trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Chỉ một năm sau ngày Độc lập, giữa lúc đất nước bộn bề khó khăn, thù trong giặc ngoài điên cuồng chống phá, vận nước ngàn cân treo sợi tóc… nhưng Đảng và Chính phủ vẫn tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, khai mạc ngày 24/11/1946. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài phát biểu chỉ đạo nổi tiếng: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”!

Thực hiện huấn thị trên đây, hơn 7 thập niên vừa qua, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao vai trò của văn hóa trong kháng chiến cứu nước và xây dựng hòa bình; xác định văn hóa là nền tảng tinh thần và là động lực phát triển xã hội. Thực tiễn cách mạng Việt Nam cũng đã chứng minh truyền thống văn hóa dân tộc là nguồn sức mạnh nội sinh vô cùng to lớn để dân tộc ta vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế giành được những kết quả quan trọng.

Tròn 75 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, những ngày này, các ngành và địa phương các cấp đang tích cực chuẩn bị tiến tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, dự kiến khai mạc cuối tháng 11 này. Hội nghị nhằm đánh giá công tác triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị… của Đảng về công tác văn hóa thời gian qua; tiếp tục quán triệt nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của công tác văn hóa giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Doanh nhân văn hóa - giàu sang và trách nhiệm

Hơn lúc nào hết, đội ngũ doanh nhân Việt Nam lại được xướng danh đồng hành cùng sự nghiệp xây dựng “nền tảng tinh thần của xã hội” để đất nước tiếp tục phát triển bền vững trong thời kỳ mới, hướng tới những cột mốc tương lai gắn với những sự kiện chính trị trọng đại của dân tộc. Nói như vậy, bởi ngày nay đội ngũ doanh nhân Việt Nam được coi là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận xây dựng và phát triển kinh tế; bởi văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân - chìa khóa của thành công trong sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững - là một giá trị của văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập toàn cầu.

Văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân là những khái niệm còn hết sức mới mẻ, đến nay cách hiểu của nhiều người vẫn chưa thống nhất và đầy đủ. Ngoài ra, văn hóa nói chung và văn hóa doanh nghiệp - văn hóa doanh nhân nói riêng còn phụ thuộc vào đặc điểm văn hóa của mỗi dân tộc; đồng thời văn hóa doanh nhân và văn hóa doanh nghiệp còn là những yếu tố góp phần tạo nên bản sắc của mỗi quốc gia trong thời kỳ công nghiệp phát triển. 

Theo đó, cùng với tinh thần yêu nước như muôn mọi người dân Việt Nam thì tính chịu đựng và sự thích nghi là nét nổi bật của văn hóa doanh nhân Việt Nam. Từ khi hình thành đến nay, các thế hệ doanh nhân Việt Nam luôn có sự bền gan kiên trì đến mức “nhẫn nhục” để thích nghi với môi trường làm ăn ở một đất nước đi lên từ nền kinh tế tiểu nông, nặng đầu óc hủ nho định kiến với tầng lớp thương nhân và hoạt động buôn bán. Mặt khác, cũng cần thấy rằng đức tính ấy của họ có nguồn gốc từ truyền thống văn hóa dân tộc vốn đề cao chữ “nhẫn”; “một sự nhịn là chín sự lành”… 

Đồng thời, làm ăn có lý, có tình luôn là một đặc điểm ứng xử trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nhân Việt Nam, mang đậm dấu ấn truyền thống văn hóa dân tộc. Vì thế ở Việt Nam, quan hệ giữa ông chủ và thợ thuyền, giữa doanh nghiệp với khách hàng… ngoài sự điều tiết của quy luật và pháp luật, còn có sự điều tiết của tình người và chịu sự chi phối của nhiều mối quan hệ khác, như: Tình làng nghĩa xóm, phong tục tập quán, đồng hội đồng phường… 

Một vài đặc điểm văn hóa doanh nhân Việt Nam nêu trên có những mặt tiêu cực và mặt tích cực khá rõ. Sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước ngày nay đòi hỏi tầng lớp doanh nhân Việt Nam phải biết hạn chế những mặt tiêu cực, phát huy những mặt tích cực trong triết lý làm ăn, trong văn hóa kinh doanh của mình để không bị “hớ hênh” thua thiệt trước thiên hạ và nhất là để hoà nhập mà không hòa tan trong sân chơi kinh tế toàn cầu. Điều đó đòi hỏi tầng lớp doanh nhân Việt Nam phải không ngừng xây dựng, bồi dưỡng những phẩm chất văn hóa doanh nhân trên nền tảng văn hóa dân tộc.

Tiếng Việt có chữ giàu sang, đã giàu thì phải sang mới là doanh nhân đáng quý trọng. Giàu là vật chất, sang là tinh thần. Vật chất dồi dào phải đi cùng với tinh thần phong phú, thì cái sự giàu lúc ấy mới có giá trị thực sự. Doanh nhân giàu sang là người có văn hóa. Doanh nhân có văn hóa là người có đạo làm giàu.

Đồng thời, trong thời đại hội nhập, mỗi doanh nhân Việt Nam phải tích cực giới thiệu, quảng bá văn hóa dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế. Doanh nhân là những người quan hệ rộng, đi đây đi đó nhiều nên rất có cơ hội và điều kiện để quảng bá văn hóa dân tộc, không chỉ ở nước ngoài mà ngay cả ở trong nước. Nhất là những doanh nhân kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa hoặc những mặt hàng kết tinh nhiều giá trị văn hóa truyền thống, càng có điều kiện để quảng bá văn hóa dân tộc với bạn bè đó đây. Ý thức quảng bá phải đi liền với ý thức bảo vệ, không làm “biến dạng” những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc chỉ vì chạy theo thị hiếu thời thượng và lợi nhuận doanh thu.

Hơn thế nữa, mỗi doanh nhân thành đạt phải là một mạnh thường quân bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Hoạt động văn hoá nói chung, xưa nay vốn rất khó khăn về tài chính. Hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc lại càng khó khăn, vì bản thân “ngành” văn hóa dân tộc khó lấy thu bù chi như nhiều ngành văn hóa “thời thượng” khác. Dưới góc độ “kinh doanh” thì việc “chi” cho văn hóa là một sự đầu tư sang trọng và luôn có lãi; tuy rằng đó là sự lời lãi vô hình chưa thể đo đếm được ngay. Và mọi thứ rồi sẽ mất đi, chỉ văn hóa là còn lại mãi mãi…

doanh nhân văn hóa - giàu sang và trách nhiệm

Trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã không ngừng phát triển lớn mạnh, trở thành một lực lượng quan trọng của sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước. Nhiều doanh nhân Việt Nam đã có ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới, là những tỷ phú được quốc tế “điểm danh”. Đó là niềm tự hào của dân tộc! Giờ đây đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngoài vai trò xung kích trên mặt trận kinh tế, còn có trách nhiệm và nghĩa vụ truyền cảm hứng cho xã hội - nhất là cho thế hệ trẻ - khát vọng vươn lên, khát vọng làm giàu, khát vọng khởi nghiệp… Đó chính là thiết thực góp phần “khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu.

“Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là một khát vọng lớn của dân tộc, chất chứa tinh thần lãng mạn và niềm lạc quan cách mạng. Khát vọng ấy có cơ sở từ thực tiễn cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là từ những thành tựu to lớn của hơn 35 năm sự nghiệp Đổi mới đất nước. Sự nghiệp ấy có sự đồng tâm hợp lực hết sức quan trọng và hiệu quả của đội ngũ doanh nhân văn hóa giàu sang và trách nhiệm!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top