Doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới: Mấu chốt là nắm bắt được chữ "thời"
Trong thời kỳ đổi mới, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã đóng một vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Họ không chỉ là những người dẫn dắt mà còn là những người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất và mở rộng thị trường. Đặc biệt, đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ mới lại được định hướng, hỗ trợ tích cực bằng chủ trương, đường lối đúng đắn, sáng tạo, linh hoạt của Đảng và những chiến lược, chính sách kịp thời, hiệu quả của Nhà nước.
***
Ở thời điểm hiện tại, chúng ta đã có hai nghị quyết về doanh nhân; điều này cho thấy Đảng ta rất quyết tâm, kiên định trong việc phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp nước nhà. Lần đầu tiên vào ngày 9/12/2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Nghị quyết 09 tạo bước tiến rất lớn cho sự phát triển của doanh nhân, doanh nghiệp Việt; trong đó, môi trường chính sách có nhiều thay đổi. Và lần thứ hai vào ngày 10/10/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Nếu nói Nghị quyết 09 là hướng tới những doanh nhân, doanh nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thì Nghị quyết 41 xác định vai trò của doanh nhân trong giai đoạn đất nước hướng tới mục tiêu trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Theo đó, Nghị quyết 41 đã một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ doanh nhân và những đóng góp của đội ngũ này trong công cuộc xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, trở thành nước phát triển. Trong đó, mục tiêu tổng quát là phát triển đội ngũ doanh nhân Việt - bao gồm cả những người công tác trong doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân - lớn mạnh, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với lãnh đạo các tập đoàn tư nhân bên lề Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước sáng 21/9. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Đánh giá một cách công bằng và khách quan, trong nhiều năm qua, đội ngũ doanh nghiệp tư nhân, mà chúng ta hay gọi là doanh nhân của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, đã có những đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Sự đóng góp ở đây không chỉ là tạo ra sản phẩm, giá trị cho xã hội, mà quan trọng là tạo công ăn việc làm và tạo thu nhập cho người lao động, từ đó thúc đẩy xã hội phát triển mạnh mẽ và ổn định hơn.
Cần nhìn nhận rằng, nếu không có đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp thì chúng ta sẽ không thể có được tốc độ tăng trưởng GDP 6%. Rất nhiều người Việt Nam xa Tổ quốc đã lâu đến bây giờ trở lại đều ngỡ ngàng trước sự phát triển nhanh chóng của đất nước với rất nhiều đổi thay tích cực trên khắp mọi miền Tổ quốc. Bộ mặt của từng vùng miền, từng địa phương thay đổi, đời sống của nhân dân càng thay đổi, sung túc, khấm khá hơn nhiều so với trước đây. Người dân có được thu nhập như ngày hôm nay có công sức lớn của các doanh nghiệp. Hiện 60% việc làm của xã hội là do khu vực doanh nghiệp tư nhân tạo ra. Phần đánh giá tình hình thực tế trong Nghị quyết 41 cũng đã ghi nhận rất rõ ràng những đóng góp của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước.
Song vẫn còn một số điểm yếu của đội ngũ doanh nghiệp tư nhân hiện nay, đó là đông mà chưa mạnh. Chủ yếu đến nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ và hộ kinh doanh gia đình. Quy mô doanh nghiệp nhỏ, ít vốn, dẫn đến hệ quả là công nghệ thấp, chậm hoặc không đầu tư đổi mới, quản trị doanh nghiệp theo quy mô doanh nghiệp gia đình.
Trong khi đó đến thời điểm hiện tại, bối cảnh phát triển kinh tế, xu thế của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư ở cả trong nước và trên thế giới đã giúp hình thành môi trường, điều kiện rất tốt để khởi nghiệp cũng như phát triển doanh nghiệp. Nghị quyết 41 cũng đã tạo ra nền tảng, định hướng để từng bước hình thành, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh. Vấn đề then chốt còn lại là ở khâu tổ chức thực hiện, trong đó gồm cả ý thức, khát vọng, ý chí, quyết tâm tự thân của mỗi doanh nghiệp và vai trò của Nhà nước trong việc kết nối, tạo môi trường pháp lý mang tính kiến tạo cao, hỗ trợ cả về cơ chế và chính sách tài chính... để giúp doanh nghiệp khởi nghiệp và liên doanh, liên kết tạo sức mạnh phát triển. Chẳng hạn, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp cần tập hợp những doanh nghiệp Việt trong cùng ngành sản xuất để hình thành một sản phẩm "Make in Việt Nam". Còn nếu vẫn giữ và duy trì tư duy quản lý nhà nước theo cách "quản là chính" như hiện nay, chúng ta sẽ khó có thể có những sản phẩm khẳng định thương hiệu quốc tế xuất phát từ Việt Nam.
Nhìn lại các doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng trên thế giới có thể thấy, trong quá trình hình thành và phát triển của họ, nhà nước giữ vai trò là người dẫn dắt và tạo lập thị trường, luôn sát cánh cùng doanh nghiệp để tạo dựng nên những doanh nghiệp mang thương hiệu quốc gia. Vấn đề là chúng ta rút ra được những điều gì từ đó để vận dụng vào thực tiễn Việt Nam, mang lại hiệu quả và nhất là rút ngắn được quá trình mà các nước khác đã từng trải qua trước đây.
Nghị quyết 41-NQ/TW xác định cần có chính sách đột phá để hình thành, phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn với vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện có khả năng để làm được việc đó. Song điểm mấu chốt ở đây là doanh nghiệp cần phải có tinh thần chịu trách nhiệm và có đủ kiến thức về khoa học kỹ thuật, công nghệ, năng lực quản trị và sự am hiểu thị trường…
Sau cùng, Nhà nước cần định hướng, hướng dẫn doanh nghiệp trong việc lựa chọn công nghệ, đưa ra dự báo xu hướng của thị trường. Thực tế hiện nay, mặc dù Nhà nước tạo nhiều cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, nhưng mới chỉ dừng lại ở cơ chế đầu vào chứ chưa có nhiều cơ chế đầu ra. Vấn đề còn thiếu trong quản lý nhà nước của chúng ta có lẽ là nằm ở đó. Cái khó của doanh nghiệp Việt Nam hiện cũng đang nằm ở đó.
Cần nhấn mạnh rằng, Nhà nước cần phải xuất hiện với tư cách, vai trò là người dẫn dắt thị trường và định hướng "cuộc chơi". Trong khi trên thực tế, từ tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, đường hướng, mục tiêu trong nghị quyết đến việc thể chế hóa qua các văn bản pháp quy để từ đó áp dụng vào thực tiễn còn là một khoảng thời gian tương đối dài. Chính vì vậy đã làm mất đi tính thời điểm trong kinh doanh, cũng đồng nghĩa với việc đánh mất thời cơ, cơ hội. Đã nói đến doanh nhân, doanh nghiệp thì phải nói đến thời điểm kinh doanh; nếu để mất đi thời điểm kinh doanh thì mọi hỗ trợ của Nhà nước lúc đó hầu như không còn ý nghĩa.
Thời gian qua, đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều sự đổi mới để bắt kịp xu thế chung, nhưng điều quan trọng nhất là hợp tác cùng phát triển lại chưa mạnh. Thực tế hiện nay có không ít doanh nghiệp trong nước hạ giá sản phẩm của mình để giành thị trường của doanh nghiệp khác. Vấn đề ở đây là, chúng ta đã có các hiệp hội ngành nghề, vậy tại sao các doanh nghiệp không ngồi lại với nhau để đưa ra một mức giá sàn, liên kết với nhau để cùng phát triển, từ đó sẽ đảm bảo được lợi nhuận cho các bên, cũng là bảo đảm tính ổn định của thị trường.
Hệ quả là số lượng thương hiệu toàn cầu của Việt Nam còn khá khiêm tốn so với các nước phát triển, phần lớn doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, sự kết nối giữa các doanh nghiệp còn khá lỏng lẻo, sức mạnh cộng đồng của đội ngũ doanh nhân chưa cao... Bởi vậy, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cần phát huy tính dân tộc và sự đoàn kết một cách mạnh mẽ hơn nữa.
Hiện nay, cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn nhưng đang có xu hướng giảm dần. Trong khi đó, thách thức dù đang ở mức độ vừa phải nhưng lại có xu hướng tăng lên. Như vậy, việc nắm bắt thời cơ, tận dụng cơ hội là điều rất quan trọng. Nếu không nắm bắt được thời cơ trong vòng 2 - 3 năm tới thì có thể nói, không ít doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó vươn xa và thoát khỏi vị trí của doanh nghiệp gia công.
Ngoài ra, một bộ phận doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa đủ lớn, chưa đủ dũng cảm, bản lĩnh để tự nhìn lại mình và vượt lên chính mình. Cũng như một bộ phận trong đội ngũ doanh nhân Việt Nam đang bộc lộ một số hạn chế, bất cập, nhất là về kiến thức chuyên môn trong sản xuất, kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, sự am hiểu pháp luật và năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản trị; khả năng cạnh tranh và hội nhập còn yếu, chưa theo kịp quá trình phát triển nhanh chóng của nền kinh tế. Đây có lẽ chính là điều đáng quan ngại nhất.
Dư địa phát triển là rất lớn nhưng sẽ không ai có thể làm thay các doanh nhân, doanh nghiệp. Do đó, để xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân lớn mạnh hơn nữa thì đồng thời với việc Nhà nước tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, vấn đề quan trọng mang tính quyết định nằm ở chính các doanh nhân, doanh nghiệp. Thời cơ đến nhưng rồi cũng sẽ trôi đi, nếu không thể nắm bắt thời cơ để hành động kịp thời, thời cơ sẽ một đi không trở lại, và đó mới chính là sự lãng phí vô cùng lớn, không gì bù đắp được. Tầm quan trọng của việc nắm bắt được chữ "thời" đối với doanh nhân, và cả đối với nhà quản lý cũng chính là ở chỗ đó./.