Doanh nhân xứng đáng được xã hội tôn vinh và văn học - nghệ thuật cất tiếng

Doanh nhân xứng đáng được xã hội tôn vinh và văn học - nghệ thuật cất tiếng

Thứ Sáu, 23/06/2023 - 06:03

  Thấu hiểu giá trị của doanh nhân trong việc tạo dựng hạnh phúc cho nhiều người, cũng như sứ mệnh của họ đối với sự phát triển đất nước và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, doanh nhân thời nào cũng khó khăn, nhất là trong giai đoạn hiện nay, vậy nên sự chia sẻ trước hết là “hãy thấu hiểu, cảm thông, tôn vinh và trọng thị họ”.

Lời tòa soạn:

Lịch sử đất nước dù thăng trầm, biến đổi không ngừng nhưng thời nào, giai đoạn nào dân tộc Việt Nam cũng sản sinh ra những doanh nhân vươn lên làm sự nghiệp lớn. Qua thời gian, đội ngũ doanh nhân có những bước phát triển đáng ghi nhận, hình thành những tên tuổi lớn, kiến tạo những thương hiệu quốc gia. Trong hành trình phát triển, từ những thăng - trầm, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã bộc lộ bản lĩnh và khát vọng, cống hiến và đồng hành cùng vận nước. 

Khi đất nước phải căng mình ứng phó với hệ quả của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn kiên cường ở mặt trận kinh tế; đồng hành cùng đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn. Họ cũng là những người tiên phong đang giải bài toán hậu Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - những người truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất về câu chuyện vượt khó, làm giàu và sống có trách nhiệm - đã có nhiều đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội và tạo nên những thay đổi tích cực cho cộng đồng. 

Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: "Nguồn lực phát triển cho giai đoạn tới là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất". Để hiện thực hoá khát vọng Việt Nam sẽ trở thành quốc gia hùng cường vào năm 2045, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt chính là rường cột cho công cuộc kiến tạo tương lai thịnh vượng, với vai trò dẫn dắt và truyền cảm hứng trên hành trình thực hiện sứ mệnh và trách nhiệm xã hội của mình. 

Trân trọng và tự hào trước tinh thần phụng sự đất nước của cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân Việt, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) thực hiện chuyên đề: Doanh nghiệp, doanh nhân và trách nhiệm xã hội. 

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

"Ngoài giá trị đồng tiền, các doanh nhân còn gìn giữ những giá trị của văn hóa, của lẽ sống và khát vọng"

PV: Trò chuyện về doanh nhân, nhưng lại với một người làm văn hóa - nghệ thuật, có lẽ xin bắt đầu từ lĩnh vực ông đam mê. Tôi nhớ ông đã từng nói: “Thi ca không làm ra lúa vàng, gạo trắng... nhưng chính thi ca làm ra những giấc mơ cho con người. Một dân tộc làm ra phẩm giá con người thì các giá trị khác mới có giá trị và trở nên ý nghĩa”.

Tôi chợt nghĩ đến những giấc mơ, khát vọng của doanh nhân, không thể đẹp đẽ và đi đến kết quả tốt đẹp nếu bỏ qua yếu tố tưởng như vô hình nhưng lại rất cần thiết như văn hóa?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Người làng Chùa tôi có câu: “Không có ăn không thể bước đi, không có chữ không thấy đường”. Nghĩa là nếu không có một đời sống đảm bảo, chúng ta không thể tồn tại, cũng khó làm điều tốt đẹp khi đang phải vật lộn kiếm từng miếng ăn. Nhưng khi có ăn rồi mà không có chữ, tức là văn hóa, thì chúng ta chỉ có thể luẩn quẩn trong bóng tối mà thôi. Những điều này người Việt Nam đã nói, các triết gia, các dân tộc trên thế giới cũng đã nói. Vậy nên văn hóa là một điều vô cùng hệ trọng. Chỉ có văn hóa mới giúp con người chạm vào hạnh phúc và những giá trị sống đích thực. Một dân tộc vừa phát triển được kinh tế, vừa bảo vệ và giữ gìn văn hóa thì tôi cho đấy là một Dân tộc hạnh phúc.

PV: Có khi nào doanh nhân gắn bó nhiều hơn với những con số, những đơn hàng, những dự án, kế hoạch, chiến lược kinh doanh mà trở nên ít quan tâm đến văn hóa, nghệ thuật, thưa ông?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Có lẽ đôi khi chúng ta nghĩ như vậy, nhưng nếu bước được vào thế giới của họ, chia sẻ, trò chuyện và được quan sát họ, chúng ta sẽ thấy rằng, các doanh nhân mang một trái tim nhân văn rất đẹp đẽ. Sự cống hiến, việc mang những đồng tiền mồ hôi nước mắt đi giúp đỡ ai đó, giúp đỡ một điều gì đó là không hề đơn giản. Đôi khi chỉ vì đồng tiền mà anh em ruột thịt có thể chia rẽ, bất hòa, thậm chí thù hận nhau. Vậy thì không dễ để một người dâng hiến đồng tiền mồ hôi nước mắt, bằng sức lao động bền bỉ không mệt mỏi của mình, ủng hộ, sẻ chia với những số phận bất hạnh, những người còn nghèo khó, ủng hộ cho những hoạt động ý nghĩa về văn hóa, giáo dục, y tế… Tôi cho rằng đó chính là một hành động vô cùng lớn lao, cao cả. Và ngày càng nhiều hơn những doanh nhân Việt Nam hiểu giá trị đó, vì họ có văn hóa, cốt cách và tâm hồn.

Những con số có thể nằm trong đầu họ khi làm việc, nhưng trong trái tim doanh nhân vẫn có một vùng không gian rộng lớn dành cho cái đẹp. Họ yêu cái đẹp, biết thưởng thức tranh, âm nhạc, hội họa, văn chương và các lĩnh vực nghệ thuật khác, họ am hiểu về văn học, hội họa, âm nhạc và sống tỉnh thức, sâu sắc. Chỉ khi những doanh nhân có tình yêu với văn học nghệ thuật thì họ mới có thể am hiểu và nhiệt thành ủng hộ cho các hoạt động văn học nghệ thuật như thế.

 PV: Vâng, nhưng trong văn học nghệ thuật, hình ảnh doanh nhân liệu có đang mờ nhạt?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Có một thời, các nhà văn còn ngại ngần khi viết về doanh nhân, bởi anh ta sẽ bị cho là “viết cho người nhiều tiền”. Nhưng hiện nay, quan điểm, góc nhìn và thiện cảm đối với doanh nhân đã thay đổi rất nhiều. Cả xã hội thừa nhận và tôn vinh những doanh nhân chân chính khi họ dâng hiến tài sản, trí tuệ cho sự phát triển của đất nước.

Trong những năm tháng chiến tranh, chúng ta đã viết về người lính, thì trong những năm tháng xây dựng và phát triển đất nước, doanh nhân xuất hiện với vai trò là nhân tố quan trọng của thời đại và các nhà văn nên tập trung khắc họa chân dung họ. Để viết về một thành tựu, một khối tài sản của doanh nhân thì rất dễ nhưng để biết được con đường đi đến khối tài sản đó, đi đến hành vi, thái độ sống của các doanh nhân đó cũng là đề tài thú vị.

Có thể nói, doanh nhân là những con người đầy khát vọng, ý chí và họ đã vượt qua tất cả để làm nên những thành tựu trong lĩnh vực của họ. Giới văn nghệ hãy viết về họ một cách chân thực nhất, sống động nhất để xã hội có thể hiểu doanh nhân là một con người với đầy đủ những nỗi giày vò, khó khăn, thách thức trước cuộc sống và sứ mệnh của mình. Ngoài giá trị đồng tiền, họ còn gìn giữ những giá trị của văn hóa, lẽ sống và khát vọng. Họ xứng đáng được xã hội tôn vinh và văn học - nghệ thuật cất tiếng!

Khát vọng phát triển đất nước, nâng cao vị thế dân tộc đã thôi thúc doanh nhân hành động

PV: Vâng, tôi rất đồng cảm khi ông nói “doanh nhân là một con người với đầy đủ những nỗi giày vò, khó khăn, thách thức trước cuộc sống và sứ mệnh”, nhưng có lẽ khi nhắc đến doanh nhân, người ta thường nghĩ đến sự ấm êm nhiều hơn vất vả, nhọc nhằn, nghĩ đến tiền bạc nhiều hơn khát vọng vượt lên trên vật chất của họ?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Doanh nhân là thành phần quan trọng của bất kỳ quốc gia hay nền kinh tế nào. Họ cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của xã hội, bởi chỉ khi kinh tế phát triển thì các lĩnh vực khác mới cùng phát triển được.

Những doanh nhân mà tôi biết, tôi gặp đều là những người có khát vọng làm giàu. Nhưng điều tôi nhìn thấy và cảm nhận được, trong bất kỳ lĩnh vực nào, đó đều là những khát vọng làm giàu rất trong sáng, đẹp đẽ và chân chính. Họ thấu hiểu văn hóa, có lương tri và trách nhiệm. Họ thực sự sống đầy khát vọng, quyết liệt trong hành động, nhưng cũng rất khiêm nhường và tôn trọng những giá trị xã hội.

Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, chính khát vọng đối với sự phát triển của đất nước, dân tộc đã thúc đẩy doanh nhân hành động. Họ đau đáu với câu hỏi tại sao Hàn Quốc, Nhật Bản và những nước khác có thể phát triển, mà dân tộc Việt Nam với nền văn hóa lâu đời, ý chí mạnh mẽ, cần cù, thông minh, lại được thiên nhiên ưu đãi, nhưng vẫn chưa thể sánh ngang với các dân tộc, quốc gia khác? Những doanh nhân Việt Nam thời hiện đại đang nỗ lực thực hiện điều này, tôi cho đó là khát vọng rất cao cả và đẹp đẽ.

PV: Thưa ông, trước khi nghĩ đến chuyện tiến xa hơn trong sự phát triển của doanh nghiệp, tập đoàn, xa hơn nữa là nâng tầm vị thế của đất nước, dân tộc, thì phải nghĩ đến yếu tố văn hóa, trách nhiệm xã hội. Từ góc nhìn của một người trong giới văn học - nghệ thuật, xin ông cắt nghĩa những yếu tố này?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi nghĩ là văn hóa lớn nhất không phải là văn hóa ứng xử với một con người cụ thể. Văn hóa lớn nhất của doanh nhân thể hiện qua cách họ ứng xử với môi trường kinh doanh và sử dụng đồng tiền. Họ không làm tất cả để có được đồng tiền, mà phải đảm bảo sự cân bằng của môi trường thiên nhiên, văn hóa với lợi ích kinh tế. Họ cũng phải hiểu rằng đồng tiền rất quan trọng nhưng nó luôn luôn đứng ở vị trí thứ hai. Con người trở nên ý nghĩa, quyền lực của đồng tiền trở nên có lợi ích khi trong đồng tiền chứa đựng sự tử tế và trữ lượng văn hóa nhất định. Tôi thấy đây là điểm doanh nhân Việt Nam cần lưu ý và cần một hành trình tự tỉnh thức. Nhưng tôi cũng thấy các doanh nhân, doanh nghiệp, tập đoàn từ nhỏ đến lớn đã và đang hướng tới tạo dựng văn hóa công ty, văn hóa người lao động và điều này được xã hội ngày một ủng hộ nhiều hơn.

Các doanh nhân cũng thấu hiểu sự cân bằng giữa kinh tế với chính trị, văn hóa, giáo dục… Đặc biệt, càng ngày các doanh nhân càng coi văn hóa như một tinh thần cốt lõi để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, và tôi cho rằng đây là một chiến lược đúng đắn, quan trọng. Nếu doanh nhân không thấu hiểu được văn hóa, không nhận biết được tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của nền kinh tế, thì họ sẽ gặp những khó khăn, thậm chí thất bại trong tương lai.

Tôi cũng muốn nhắc đến tinh thần sẻ chia, trách nhiệm xã hội của các doanh nhân, doanh nghiệp, những người bạn của tôi và những người mà tôi biết đến. Có rất nhiều tập đoàn, công ty đã dành một con số không nhỏ trong lợi nhuận của mình để trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn, và những hoạt động văn hóa, giáo dục của xã hội. Tôi nghĩ họ là những yếu tố quan trọng cho mỗi bước đột phá, phát triển của xã hội.

Chỉ loại trừ một số trường hợp cá biệt, còn đại đa số các doanh nhân, doanh nghiệp hiện nay đều có trách nhiệm xã hội rất lớn. Trách nhiệm trong sự phát triển của tập đoàn, công ty, trong từng sản phẩm, trong việc khai thác và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa, con người, đảm bảo phát huy sự sáng tạo của con người trong phát triển kinh tế.

Sự tử tế của doanh nhân và trữ lượng văn hóa trong đồng tiền

PV: Nhân bàn đến đồng tiền, tôi được biết, có người bạn doanh nhân đã nhiều lần nói với ông rằng: “Ngẫm lại, kiếm tiền không phải là khó nhất, mà tiêu tiền mới khó nhất”. Bà Thái Hương, người sáng lập TH true Milk, vào năm 2011, khi được Tổng thống Israel Shimon Peres dành tặng lời khen vì đã tạo ra “cuộc cách mạng sữa” đã đáp lời: “Làm kẻ chiến thắng đâu có đáng kể, giữ được cao quý trong thành công mới là hoàn hảo”. Ông có suy nghĩ gì khi nghĩ đến doanh nhân Việt Nam?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi nghĩ đến cách chúng ta định nghĩa đồng tiền và sử dụng đồng tiền có được khi thành công. Mỗi doanh nhân phải tiến đến sự tích lũy và phát triển đồng tiền của mình. Nhưng quan trọng hơn, mỗi cá nhân phải đẩy vị thế của doanh nhân lên cao hơn nữa để có thể tương tác, cạnh tranh một cách văn hóa nhất với các tập đoàn lớn trên thế giới, chứ không chỉ ở Việt Nam.

Khi doanh nhân chia sẻ lợi nhuận để giúp đỡ người khó khăn, trợ giúp cho những hoạt động văn hóa, kêu gọi bảo vệ môi trường thiên nhiên, kêu gọi bảo vệ những giá trị của lịch sử, gìn giữ và thúc đẩy nền văn hóa dân tộc thì những đồng tiền đó sẽ có ý nghĩa vô cùng. Ý nghĩa bởi phép cộng hạnh phúc của hai giá trị, là khi con người được sống đầy đủ vật chất, tiện nghi, trong một tinh thần văn hóa đậm đà. Tôi nghĩ nhiều doanh nhân Việt Nam có hành vi ứng xử với đồng tiền rất đẹp như thế. Kể cả khi chú trọng kiếm tiền thì cách kinh doanh của họ cũng song hành với thái độ trân trọng môi trường, con người và văn hóa.

PV: Vâng thưa ông, thế giới cũng có không ít tỷ phú, cuối đời hoặc không cần đợi đến cuối đời, họ đã dành phần lớn tài sản để gửi vào các quỹ từ thiện, giúp đỡ người nghèo và những đất nước khó khăn hơn. Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng doanh nhân Việt Nam cũng đang hướng tới một vòng luân chuyển tiền thật đẹp đẽ và ý nghĩa chứ không chỉ tích lũy cho riêng bản thân mình?

Nhà thơ  Nguyễn Quang Thiều: Đúng thế! Bởi vì đồng tiền mà doanh nhân chỉ dùng để tích lũy cho bản thân thì sẽ mất đi nhiều ý nghĩa. Nếu họ làm ra một khối lượng tài sản lớn theo một cách chân chính, nhưng chỉ phục vụ cho đời sống vật chất của họ thì quá bình thường. Nếu những đồng tiền đó không được mang vào trong hoạt động từ thiện, chia sẻ và thúc đẩy phát triển văn hóa, giáo dục, thúc đẩy phát triển những giá trị tinh thần thì đó là những đồng tiền “chết”, thậm chí đôi khi, những đồng tiền đó quay lại “phản bội” và “cướp” đi niềm hạnh phúc của chính doanh nhân đó.

Thực tế đúng là chúng ta chưa có những doanh nhân dành hầu hết tài sản cho cộng đồng. Nhưng nhiều doanh nhân đã làm được những điều đáng trân trọng. Như các hoạt động thiết thực thúc đẩy văn hóa, văn học của Hội Nhà văn chúng tôi được không ít doanh nhân ủng hộ, một cách rất cụ thể, tự nguyện và đầy cảm hứng.

PV: Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những doanh nhân, về những điều tốt đẹp mà ông ấn tượng?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Phải nói rằng đó là một dãy dài nếu nhắc tên hết những doanh nhân tôi quý trọng. Họ đều là những doanh nhân làm ở doanh nghiệp, các công ty, tập đoàn lớn, bé, ở các vị trí khác nhau nhưng thực sự đã mang lại cho cá nhân tôi sự xúc động rất lớn.

Ví dụ như tập đoàn THACO Trường Hải luôn đồng hành cùng Hội Nhà văn trong những hoạt động, những dự án cao cả và nhân văn. Ông Trần Bá Dương của THACO, ông Vũ Văn Tiền của Geleximco đều là những doanh nhân luôn luôn chia sẻ, thậm chí ngỏ lời trước khi chúng tôi cần sự giúp đỡ bởi họ hiểu Hội Nhà văn hay những tổ chức văn học - nghệ thuật đang khó khăn và cần sự trợ giúp như thế nào. Hay Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Đông dược Phúc Hưng, Tập đoàn Xây dựng TSQ và nhiều doanh nghiệp khác luôn tự nguyện chia sẻ với chúng tôi.

Chúng tôi có một dự án sách miễn phí cho trẻ em vùng núi, vùng sâu, vùng xa, mỗi năm in đến 10 vạn cuốn sách và mang đến tận tay từng đứa trẻ. Khi dự án đó cất lên, chúng tôi không có công văn, không có buổi làm việc nào với các doanh nhân để xin tài trợ nhưng họ đã chủ động đến, gánh vác và bày tỏ mong muốn đồng hành dài lâu cùng chúng tôi. Ngoài ra, các doanh nhân cũng hỗ trợ chúng tôi trao những giải thưởng khơi gợi, thúc đẩy và động viên thế hệ trẻ của văn chương.

Tôi cho rằng khi tham gia dự án sách, những doanh nhân đó đã thấu hiểu ý nghĩa của việc phát triển văn hóa, tạo dựng nhân cách người Việt từ việc làm giàu đẹp tâm hồn, tri thức cho những công dân tương lai của đất nước. Và ở đó, tên tuổi của họ được lưu lại, không phải trên bảng vàng, mà trong trái tim những đứa trẻ và cộng đồng, trong trái tim những người làm văn hóa - nghệ thuật chúng tôi.

Tôi mừng là có rất nhiều đơn vị, tập đoàn như vậy mà nếu nhắc đến thì danh sách sẽ nối dài hơn nữa. Chúng ta ngày càng tôn trọng doanh nhân nhiều hơn, không chỉ vì họ làm ra giá trị vật chất cho xã hội, hay tác động mạnh mẽ và quan trọng vào sự phát triển của đất nước, mà điều lớn lao hơn cả là họ thấu hiểu văn hóa và sự cần thiết của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước. Họ cũng chia sẻ, rung cảm và đứng về phía những số phận còn khó khăn bất hạnh. Tôi cho rằng những điều đó đã tạo nên phẩm chất của doanh nhân Việt Nam trong thời đại này.

Hãy thấu hiểu, cảm thông, tôn vinh và trọng thị doanh nhân, vì họ xứng đáng! 

PV: Nhắc đến ông Trần Bá Dương THACO, một tỷ phú thế giới, người kiến tạo nên diện mạo mới cho nhiều vùng đất, người làm nên giấc mơ ô tô Việt, kinh doanh rất đa ngành mà sẽ rất dài nếu liệt kê ra hết… THACO đã làm được nhiều điều, dưới sự dẫn dắt của một doanh nhân rất đặc biệt?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Nhắc đến ông Trần Bá Dương, tôi nghĩ đến một con người với giấc mơ đẹp đẽ, khát vọng chân chính, ý chí vững vàng, đã tiên phong khai phá những vùng đất mới, hồi sinh những vùng đất chết, thay đổi số phận của biết bao con người, gắn khát vọng làm giàu của cá nhân với trách nhiệm xã hội lớn lao.

Chu Lai từ lâu đã không còn sót lại dấu vết nào của một mảnh đất khi xưa nổi tiếng là sỏi đá, mà người có công lớn không ai khác là ông Trần Bá Dương. Không chỉ vậy, THACO đang thực hiện dự án THAGRICO, một dự án nông nghiệp tầm cỡ khu vực cao nguyên ba nước Đông Dương và trục hành lang kinh tế Đông - Tây. Một vùng cao nguyên đã có những cánh rừng, thảo nguyên “chết” nay dần hồi sinh, không chỉ nhờ công nghệ, tài chính và chiến lược bài bản mà còn vì khát vọng nhân văn khi THACO tự đặt lên vai mình trách nhiệm góp phần thay đổi, phát triển và nâng tầm nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng hữu cơ, hiện đại.

THACO cũng là tập đoàn kinh doanh đa ngành bậc nhất Việt Nam, mà lĩnh vực nếu kể ra thì cũng rất dài. Hơn thế, ông Trần Bá Dương đã mang đến niềm tin lớn lao rằng chỉ cần có ước mơ lớn lao, có khát vọng chân chính và ý chí sắt đá, chúng ta có thể làm được những điều phi thường, như biểu tượng “xương rồng nở hoa” mà THACO đã dựng lên trên vùng đất Chu Lai.

PV: Có lẽ phải cần nhiều thời gian hơn nữa để chúng ta có thể nói hết về những doanh nhân Việt Nam mà thành tựu họ đạt được trong đời đã mang lại những giá trị to lớn cho cộng đồng, đất nước. Theo ông, sự chia sẻ lớn nhất mà xã hội dành cho doanh nhân, doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện tại là gì?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Không chỉ giai đoạn này doanh nhân mới gặp khó khăn, mà thời điểm nào cũng thế, doanh nhân luôn phải đối mặt với những thách thức. Tôi có thể làm nhiều việc nhưng riêng kinh doanh thì không. Đó là công việc đòi hỏi sự hao tâm tổn khí rất nhiều. Mà chúng ta đều hiểu sứ mệnh của doanh nhân đối với sự phát triển của đất nước và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như tạo dựng hạnh phúc cho nhiều người. Vậy nên sự chia sẻ trước hết là hãy thấu hiểu, cảm thông, tôn vinh và trọng thị họ.

Về phía Nhà nước và Chính phủ, cần tạo ra những cơ chế tốt nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp. Còn những người thuộc giới văn học - nghệ thuật chúng tôi, hãy viết về họ, tôn vinh họ, vì họ xứng đáng!

PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện đầy cảm xúc này!

06/23/2023 06:03
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top