Gần đây tôi nghĩ rất nhiều khi phải đối thoại với con gái, về vài vấn đề thiết thực đang rùm beng trên mạng xã hội. Cháu hỏi tôi về lòng tốt, tình yêu thương, sự tử tế, với một thái độ hoang mang và sợ hãi, sau một loạt những điều mắt thấy tai nghe về mặt trái của xã hội đương thời. Một cách vô thức, tôi đưa cho cháu cuốn sách, giống như cách cha tôi đã làm từ những năm xửa năm xưa.
“Lad 2” là cuốn mà tôi chọn cho con gái, để vỗ về những xúc cảm lành mạnh, để hàn gắn vài sứt mẻ lòng tin của một đứa trẻ sống bên lề một xã hội sính dụng truyền thông.
Không giống như “Lad – câu chuyện về phẩm giá của một con chó” (Lad 1), “Lad 2” là “Những chuyện chưa kể về Lad”, gồm mười một chương, mỗi chương trọn vẹn một câu chuyện về con chó tuyệt đỉnh từng làm mê mệt lũ trẻ mùa hè năm ngoái, khi Lad 1 ra đời. Không có được lợi thế ở cốt truyện như Lad 1, nhưng Lad 2 hoàn toàn có thể khiến bạn rong chơi nhiều hơn trong những trường đoạn đầy màu sắc, mà nhân vật chính vẫn là con chó thuần chủng từ thể chất tới tâm hồn.
Bạn sẽ không đê mê rã rời khi đọc nó, thay vào đó, xúc cảm của bạn sẽ bị dẫn dắt qua nhiều cung bậc. Ví như bạn sẽ ngả nghiêng thích thú trong khung cảnh Lad chơi tên trộm đồ trang sức một vố như ma làm, hay lúc nó quay cho bốn kẻ xâm nhập tả tơi điêu đứng. Một lúc nữa, bạn sẽ xót xa cho cái kiểu luỵ tình của nó với ả chó cái đanh đá Lady. Dấn sâu thêm vài trang, bạn lại âm thầm ngưỡng mộ những hành xử vị tha của Lad với cuộc đời, hay đồng cảm với những ẩn ức cáu giận của con chó già trong vài ngày tháng cuối…
Những khi bạn muốn nương tựa vào sách, như là một công cụ để sắp xếp lại tinh thần, thì Lad 2 là lựa chọn phù hợp nhất. Bạn sẽ có thời gian để suy tưởng nhiều hơn và chiêm nghiệm nhiều hơn.
Chọn Lad 2, tôi cũng chọn cách để đứa trẻ của mình học cách tự yêu thương, tự lấp đầy những hao hụt của lòng tin, trước hiện thực cuộc sống xô bồ. Ở đó, cháu sẽ thấy một thế giới của “sự tử tế”, trong từng hành động cụ thể, từng suy tư cụ thể của một con-chó-rất-người. Vượt qua chuyện ơn đền oán trả, điều mà Lad mang đến trong hầu hết các mối quan hệ của nó với vật và người, là một hình dung về sự dịch chuyển có tính chất tích cực ở phía bên kia chiến tuyến. Nó khiến cho cảnh sát trưởng Wefers, từ kẻ chuyên rình mò giết chó, đã có cái nhìn giá trị hơn về chó; nó làm cho ả Lady lai tạp thoả mãn được vị thế trong việc bắt nạt bạn tình thuần chủng; nó biến thằng bé Ciryl từ kẻ thù thành bạn bè…
Lad luôn luôn cố gắng làm điều tử tế, để đối tác của nó trở nên tử tế hơn.
Câu chuyện cuối cùng khiến tôi suy tư nhiều nhất. Con chó yêu trẻ con, chuyện này hẳn không có gì mới mẻ. Nhưng cái cách nó bảo vệ đứa trẻ trước bạo lực gia đình, thì thật là lạ lẫm. Sonya bảy tuổi luôn bị bố ngược đãi, đến mức đánh mất ý thức tự vệ của sinh vật nói chung. Con bé rúm ró sợ sệt, sống cuộc sống phụ thuộc vào mệnh lệnh của người lớn, chỉ biết lấy tiếng khóc để diễn tả những đớn đau thể xác và tinh thần.
Con Lad già đã nhiều lần ngăn cản người cha thô bạo, nhiều lần an ủi vỗ về đứa trẻ đáng thương. Nó không quản đến bản thân mình, đến thể chất nó đang rệu rã cần được nâng niu, đến tinh thần nó đang nhạy cảm cần được ve vuốt. Nó hành xử như là nó từng có, cho đến tận lúc chết, vì người khác. Và nỗ lực cuối cùng trong vai kẻ bảo vệ của Lad, không chỉ giúp con bé thoát khỏi tình huống nguy hiểm, mà lớn lao hơn rất nhiều. Nó ngã xuống, nhưng Sonya bảy tuổi đã biết đứng lên chiến đấu tự bảo vệ chính mình.
Tôi nghĩ về Lad, rồi lại nghĩ về người. Làm thế nào để khi từ giã thế giới, ta không chỉ nằm xuống như một người tử tế, mà điều quan trọng là ta có thể từ giã một thế giới tử tế hơn, trong đó con người được chăm lo hơn. Đọc về những con chó như LAD, tôi tin rằng trong thế giới tử tế hơn ấy, những đứa trẻ như con gái của tôi sẽ không phải hoang mang bên lề.
Đặng Việt Vân Hà - dịch giả cuốn Lad 2, như tôi biết, là một dịch giả tay ngang. Với chị, dịch và đọc như một thứ để cân bằng, trong cuộc mưu sinh vốn thừa mứa chông chênh này. Không thể ngờ được người đàn bà thép nhỏ bé ấy lại có một chất giọng nữ tính đến thế, thủ thỉ và uỷ mị, chi chút từng con chữ, cứ như một cách để hành thiền.
Tôi đến với chị bằng lòng ngờ vực của một kẻ có nghề viết lách, bằng cả niềm tin yêu tột đỉnh Ca Dăng xưa cũ của cụ Hoàng Lâm - thứ niềm tin sùng kính của những đứa trẻ 7x một thời chả có gì ngoài sách vở - khi đọc cuốn đầu tay chị dịch Kazan. Và ngay lập tức, tôi tìm thấy ở chị một Kazan khác, đủ độ hùng tráng nhưng trữ tình hơn rất nhiều. Tôi yêu Kazan của chị, ở tuổi bốn mươi, như đã từng yêu Ca Dăng của Hoàng Lâm thời mười bảy.
Bởi thế, tôi luôn lẩn mẩn thấy mình mang nợ chị, một cái nợ chữ nghĩa về Kazan, về sự phải lòng một con sói, về những cả tin vật vã với văn chương. Tôi phải trả món nợ này, để trở thành người tử tế, như Lad và lũ chó mèo của nhóm dịch giả của Kẹp Hạt Dẻ đã còng lưng kì cạch góp hạt mầm hoán cải vào thế giới già nua đầy ngờ vực của tôi.
Mùa hè này, nếu kế hoạch ra thêm sách mà Kẹp Hạt Dẻ đã thông báo được thực hiện, thì chắc chắn tôi lại mắc nợ họ thêm.
Nguyễn Thị Tú Mai, Tiến sĩ ngôn ngữ - Giảng viên khoa Văn
Đại học Sư phạm Hà nội
Các bài viết trong chuyên mục “Trải nghiệm tiêu dùng” là cảm nhận của chính các độc giả sau khi sử dụng dịch vụ, sản phẩm,... ở tất cả các lĩnh vực: Kinh tế, Văn hóa, Đời sống,.. Các bài viết trong chuyên mục này sẽ được tham gia bốc thăm trúng thưởng hàng tháng với nhiều giải thưởng hấp dẫn. Bài tham gia chuyên mục “Trải nghiệm tiêu dùng” xin vui lòng gửi về địa chỉ: trainghiem.tieudungplus@gmail.com hoặc liên hệ số điện thoại: 0932371788 |