Không chỉ là con số đổi 105 ha đất lấy 1,9 km đường. Không thể sau “rà soát” rồi giảm còn 24,18ha. Không những ở Quảng Nam hay tính toán, điều chỉnh lại là xong. Vì sau đó còn rất nhiều nguyên nhân A,B,C, B và góc khuất X,Y,Z…
Đến giờ này, toàn Quảng Nam mới có 4 dự án BT nhưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho biết sau khi rà soát, 3/4 dự án đều giảm diện tích giao đất! Trong đó, chỉ riêng dự án đầu tư tuyến đường dài 1,9 km của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bách Đạt (nay là Công ty CP Bách Đạt An) trước đây tỉnh giao 105ha đất, giờ điều chỉnh lại còn 24,18ha!
Không thể bảo rằng tính toán chưa sát hay đây là một phát hiện mới. Đừng vội kết luận kiểm tra đấy làm lợi cho tỉnh, bớt tốn kém cho công sản. Phải làm cho rõ vì sao chênh lệch hơn 80ha như thế. Phải chỉ cho được đâu là nguyên nhân của chuyện không nên có này. Ai, đơn vị hay tổ chức, cơ quan nào lại “sơ suất” đáng kinh ngạc như thế.
Nhưng nhìn vào thông tin này thì chúng ta còn cay đắng hơn “đến nay đã quá thời hạn nhưng công trình vẫn còn dở dang, nguyên nhân được cho là do địa phương chưa hoàn thành bàn giao mặt bằng một số đoạn cho nhà đầu tư. Dù vậy, Công ty Bách Đạt An đã thực hiện phân lô bán nền tại một số khu vực tỉnh Quảng Nam dự kiến giao cho doanh nghiệp này, thu về số tiền khủng".
Điều ấy đồng nghĩa là đường chưa làm xong nhưng đất đã được giao để phân lô bán nền. Chuyện trên khó có thể hiểu khác rằng đất giao rất nhanh, đường làm quá chậm còn nguyên nhân thì chỉ có Bách Đạt An và ai đó “thấu hiểu, lắng nghe, chia sẻ” cùng nhau. Nhưng có phải chỉ Quảng Nam và 4 dự án BT trên?
Đây là “câu trả lời” từ Phó Tổng kiểm toán Nguyễn Quang Thành: “Kết quả kiểm toán tại 35 dự án, kiến nghị xử lý tài chính 7.453 tỷ đồng (có dự án tỷ lệ xử lý tài chính chiếm 27% giá trị được kiểm toán), việc thực hiện các dự án BT theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng còn thiếu chặt chẽ và minh bạch, chưa thật sự rõ ràng nên dễ tạo lỗ hổng thất thoát ngân sách và tài sản công”.
Còn Phó GS. TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu quốc hội khóa XIV, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nói thẳng: “Thực hiện dự án BT thời gian qua đã làm hỏng đi chính sách tốt của Nhà nước. Đáng ra chính sách này là nhằm để đỡ gánh nặng nhà nước, nhằm tạo công trình phục vụ lợi ích công cộng thì giờ trở thành phục vụ lợi ích của một nhóm người với lợi ích riêng nào đó”.
Một chính sách tốt nhưng người thực hiện xấu, một chủ trương đáng làm nhưng lại bị biến tướng thành lợi ích nhóm, một viễn cảnh đẹp bỗng nhiên trở thành “ di căn” khó chữa… Dân không đồng tình, lãnh đạo không chấp nhận và quốc gia không thể dung dưỡng cho những kẻ lợi dụng công sản để làm giàu và chia chác. Dấu hiệu sai phạm có thể rất mờ, cây kim phạm pháp có thể được giấu kỹ. Nhưng trước hay sau, lâu hoặc muộn sẽ bị soi xét, phá tung.
Bất kể thời đại hay giai đoạn này, đất đai luôn là tài nguyên lớn và quý nhất của quốc gia. Để phung phí làm thất thoát dù nhân danh cái gì và ai đều phải chặn đứng và trừng trị. Trong đất ấy không chỉ là những căn nhà, lô giá tỷ này tiền kia mà có cả mồ hôi, nước mắt, có khi cả máu của nhiều thế hệ. Lãng quên và phí phạm có thể gọi bằng từ gì hơn là “đồng lõa” và “ăn cắp”?