Aa

Đổi đời từ cây dổi

Thứ Hai, 12/11/2018 - 06:40

Mùa này, đến với Lạc Sơn (Hòa Bình), đi giữa những tán dổi cao xanh, người ta thấy sự ấm no đến mức hết sức trù phú. Sau mỗi mùa dổi qua đi, Lạc Sơn lại có thêm nhiều triệu phú, tỷ phú từ nghề trồng cây dổi để thu hoạch này.

Cây rừng nức tiếng

 

Trong các xã hiện có của Lạc Sơn hôm nay, nói về dổi cũng như thế mạnh của cây này cùng sự giầu lên nhanh chóng của không ít các hộ dân thì miền đất xã Chí Đạo luôn được nhắc đến. Và trong sự nhắc tên đầy tự hào về thế mạnh của thứ cây rừng đem lại thu nhập cao này thì ông nông dân người Mường có tên Bùi Văn Giang ở thôn Be Trên được nói đến nhiều hơn cả.

Dẫn chúng tôi theo những con đường đất đỏ, mịn mát vừa khô sương đêm, đưa bàn tay chai sạm của người chăm lao động, chỉ lên những thân cây thẳng tắp, ông Giang tự hào: Tiền cả đấy! Cứ mỗi mùa dổi qua đi, nhà tôi với những hộ dân trên này lại có thêm những khoản thu. Từ nghèo khó, nhờ cây dổi, chúng tôi đã qua đi cữ đói ăn và bắt đầu có cái bỏ ra từ loài cây đặc sản này. Dổi đang là sự cứu cánh của người Mường trên đất Chí Đạo đấy!

Theo nhịp bước chân, ông Giang đưa chúng tôi về thời gian trước, ngày cây dổi chưa phát huy được giá trị cùng với đói no các ngày trong tháng. Theo ông Giang, sở dĩ từ thời xa xưa các cụ già người Mường trên đây đã biết lấy hạt dổi sau các vụ về phơi khô để làm gia vị. Hạt dổi làm thuốc ho, giã cho vào nước tắm xông như một thần dược để chữa cảm cúm. Hạt dổi nghiền ra cho vào các món nêm như cá nướng, cá hấp, chấm thịt gà…

Có giá trị là vậy, nhưng theo ông Giang, một thời cây dổi chỉ gói gọn mình trong các thôn bản của người Mường nên sản lượng cũng không dùng hết. Dư thừa, kém giá là thực trạng chung của lâm sản trong đó có cây dổi. Vì vậy, cây dổi cứ mai một dần, thậm chí bị đốn tỉa không thương tiếc và dần khuất bóng trên các non xanh của rừng núi xứ Mường.

Thế rồi cũng may, đúng lúc dổi cạn kiệt nhất thì giá trị của nó được phát huy. Thấy người ta tìm lên hỏi mua, biết giá trị cây dổi bắt đầu được đánh thức, may mắn trên đồi sát nhà ông Giang còn sót lại 1 cây vài chục tuổi. Không bỏ sót cơ hội, sau mỗi mùa quả, ông nhặt hạt và lao tâm khổ tứ ươm trồng. Quay đi quay lại, hiện nay nhà ông đã có cả trăm cây dổi được mệnh danh là lâu năm nhất trong xã. Trung bình giờ đây, mỗi cây dổi cho thu 10 – 15kg/cây, cá biệt có cây cho thu đến gần 30kg hạt sau mỗi vụ với giá bán 1 – 1,2 triệu/kg nhà ông đã có nguồn thu đến hơn trăm triệu đồng mỗi vụ.

Nói về dổi và nguồn thu từ dổi, ông Giang cho biết, nếu so với các cây khác thì khó có cây nào cho thu nhập như vậy. Bởi dổi là cây tự nhiên, không phải chăm sóc và ít bị sâu bệnh phá hoại nên người nông dân hầu như không phải đầu tư gì. Cái quan trọng nhất chỉ mất công ươm hạt, rồi có đất để trồng và mất công chăm sóc trong vài ba năm đầu khi cây còn bé.

Xóa nghèo cho miền đất khó

Vào những ngày này, cây dổi ở Lạc Sơn nói chung và cây dổi ở xã Chí Đạo nói riêng bắt đầu vào vụ. Từ sáng sớm đến lúc chưa đứng bóng, khắp các ngả rừng, sườn đồi của đất Chí Đạo râm ran tiếng nói cười của thôn nữ và thanh niên vâm chắc tìm vào rừng để trèo và hái hạt dổi đổi công cho nhau. Để rồi sau đó, theo các bước chân, hạt dổi theo về, tãi ra sân phơi nắng để sau đó là cân đong và những sấp tiền xanh đỏ với mệnh giá cao được đếm chia và cất vào các ngăn tủ.     

Chí Đạo những ngày này đang bắt đầu đỉnh điểm của mùa thu hái hạt dổi. Niềm vui này cũng đang đến với gia đình ông Bùi Văn Nhạn. Hiện ông Nhạn đang sở hữu vườn dổi gần một trăm cây, trong đó có 40 cây dổi trên 20 năm tuổi. Tãi đều những hạt dổi óng vàng do tụi con cháu vừa hái cữ sáng trên sân, ông Nhạn cho biết, mỗi năm gia đình thu trên 100 triệu đồng từ tiền bán hạt dổi và ươm cây giống. Có năm hạt dổi được giá, với mức bán trên 1,7 triệu đồng/kg, gia đình ông thu hoạch đến gần 200 triệu.

Nhờ cây dổi mà không ai có thể mường tượng ra sự nghèo khó trước đây của gia đình ông Nhạn. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm được thị trường chú ý, với việc giữ cây và nhân trồng, gia đình ông đã có sự thay đổi gần như là hết sức nhanh chóng. Trước một mùa dổi – mùa tiền đang đến, ông Nhạn bảo, thú thực người dân ở đây cũng như gia đình tôi, nếu không có cây dổi thì không biết đến lúc nào mới thoát được nghèo khó.

Theo lãnh đạo xã Chí Đạo, hiện với trên 600 hộ và khoảng 2.800 nhân khẩu, cây dổi đang được xác định là cây xóa đói giảm nghèo cho người Chí Đạo và nhiều vùng khác của Lạc Sơn. Để phát huy thế mạnh này, cùng với chủ trương, hỗ trợ và khuyến khích nên cả xã đã có vài vạn cây dổi được trồng trong đó có trên 1 vạn cây đang cho thu hoạch. Trung bình hiện nay, mỗi hộ gia đình đã có 15 cây cho thu hoạch, nhiều nhất phải kể đến xóm Be Trong và Be Ngoài với 100% các hộ dân tham gia trồng dổi.

Có lên Lạc Sơn và Chí Đạo, có tận mắt chứng kiến người dân thu hái và bán dổi cùng với đó là sự tấp nập tìm đến hỏi mua của tiểu thương các vùng miền mới lý giải được cây dổi và giá trị của nó trên đất này. Riêng xã Chí Đạo, theo thống kê, niên vụ vừa qua xã đã có khoảng 100 tấn hạt dổi được xuất đi với hàng trăm tỷ được thu về.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top