Ga Nha Trang tọa lạc trên đường Thái Nguyên (phường Phước Tân, TP. Nha Trang). Công trình xây dựng năm 1935, đến nay vẫn giữ được nét kiến trúc thời Pháp, với kiểu dáng độc đáo, hài hòa, khoáng đạt.
Không chỉ là một công trình hạ tầng giao thông quan trọng, ga Nha Trang còn là một di tích lịch sử, là nơi chứng kiến quân và dân Khánh Hòa anh dũng nổ súng tấn công thực dân Pháp xâm lược, mở đầu mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa trong suốt 101 ngày đêm (ngày 23/10/1945 - 2/2/1946).
Áp lực giao thông
Những năm gần đây, tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực trung tâm TP. Nha Trang ngày càng nghiêm trọng. Trong đó, mỗi khi tàu ra - vào ga, gác chắn trên đường Lê Hồng Phong hạ xuống thì khu vực này và quanh nút giao thông Mã Vòng thường xuyên ùn tắc kéo dài. Theo Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang, thời điểm trước dịch Covid-19, bình quân mỗi ngày có hơn 30 chuyến tàu ra vào ga Nha Trang, trong đó khoảng 20 chuyến tàu khách, còn lại tàu hàng. Dịp lễ, Tết có khoảng 45 - 50 chuyến tàu ra vào ga Nha Trang mỗi ngày.
Lãnh đạo UBND phường Phước Tân cho biết, tuyến đường sắt chạy theo “hình bóng đèn” chiếm khoảng 1/3 diện tích của phường, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Hiện dân số của phường khoảng 15.000 người. Do đường sắt cắt đôi khu Đông và Tây của phường nên hàng chục năm qua đã xuất hiện rất nhiều đường dân sinh tự phát, tiềm ẩn nguy hiểm.
Từ nhiều năm trước, tại các buổi làm việc với đoàn công tác Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã có kiến nghị xem xét di dời ga Nha Trang, vì lượng tàu ra vào ga với tần suất lớn, thường xuyên gây ùn tắc, mất an toàn giao thông.
Mới đây, Thường trực Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đã có buổi làm việc với các đơn vị tư vấn gồm Viện Quy hoạch đô thị, nông thôn quốc gia - VIUP và Công ty McKinsey & Company Việt Nam về việc lập điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040. Thường trực Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đề nghị các đơn vị tư vấn nghiên cứu, tính toán quy hoạch khoa học, hợp lý mạng lưới giao thông theo hướng đô thị thông minh, bảo đảm thông suốt, thuận lợi cho sự phát triển của TP. Nha Trang trong tương lai. Trong đó, thống nhất việc đề xuất di dời ga Nha Trang ra khỏi nội thành để thực hiện việc quy hoạch và xây dựng phương án bảo tồn, sử dụng ga sau khi di dời đảm bảo hợp lý và phát huy hiệu quả.
Khai thác quỹ đất phải phù hợp quy hoạch
Đến nay, việc khai thác, sử dụng quỹ đất ga Nha Trang sau khi di dời vẫn chưa có phương án cụ thể. Theo tìm hiểu của PV Reatimes, đầu năm 2020, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi UBND tỉnh liên quan đến các phương án đề xuất di dời ga Nha Trang của Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung (gọi tắt là Công ty Tuấn Dung, trụ sở tại Hà Nội).
Theo đó, Công ty Tuấn Dung đề xuất 2 phương án cải tạo đường sắt khu vực ga Nha Trang. Phương án 1, cải tạo ga Nha Trang thành ga khách, xây dựng mới cầu quay đầu máy để bỏ đường vòng. Xây dựng ga Vĩnh Trung mới (xã Vĩnh Trung, ngoại thành Nha Trang) là ga hàng hóa; xây dựng đường vòng trạm tại khu vực nút giao thông Ngọc Hội để tránh tàu hàng đi vào trung tâm thành phố. Ý tưởng quy hoạch sử dụng đất khu vực ga Nha Trang diện tích khoảng 36.450m2, bố trí gồm: Chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ.
Phương án 2, cải tạo ga Nha Trang thành bảo tàng du lịch. Dỡ bỏ ga Nha Trang và đường bóng đèn hiện tại, cải tạo tuyến đường sắt chính tuyến từ Km1312+500 đến Km1318+300, đường sắt không vào trung tâm TP. Nha Trang. Xây dựng ga Vĩnh Trung mới, là ga kỹ thuật hỗn hợp khách hàng có khu chỉnh thiết bị đầu máy toa xe. Ý tưởng quy hoạch sử dụng đất khu vực ga Nha Trang với diện tích khoảng hơn 114.287m2, bố trí gồm: Bảo tàng ga, chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở xã hội, nhà liên kế, nhà ở kết hợp thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ.
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, ga Nha Trang là ga kỹ thuật hỗn hợp khách - hàng. Ga được bố trí nằm trọn trong đường vòng hình “bóng đèn” (đường ray chạy bao quanh hình bóng đèn) với 5 đường đón gửi, kể cả 2 đường chính tuyến và 3 đường xếp dỡ hàng hóa. Tổng diện tích đất khu vực đường vòng “bóng đèn” là 14,8ha. Theo quy hoạch đã được các cấp phê duyệt thì ga Nha Trang sẽ được cải tạo, chỉ còn chức năng tác nghiệp hành khách và diện tích dành cho ga khách là 4,8ha. Cùng đó làm cầu quay đầu máy mới để bỏ đường vòng như hiện nay. Như vậy, quỹ đất còn lại là 10ha. Tuy nhiên, trong khu vực đường vòng hiện có nhiều cư dân sinh sống xen kẽ, sẽ rất khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng để lấy lại quỹ đất, khai thác.
Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hòa cho biết, theo chủ trương quy hoạch là sẽ di dời ga Nha Trang ra ngoại thành. Tuy nhiên, ga Nha Trang là hạ tầng quốc gia quản lý nên tỉnh còn chờ quyết định của Trung ương mới có những phương án cụ thể. Về 2 phương án của Công ty Tuấn Dung, ông Dần cho biết, đây chỉ là “phương án ý tưởng”, chưa phải là hồ sơ đề xuất thực hiện dự án chính thức theo quy định.
Vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có văn bản thông báo kết luận về đề xuất của Công ty Tuấn Dung. Theo đó, công ty cùng các đơn vị tư vấn cần tiếp thu các ý kiến tham gia của các sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề xuất thực hiện dự án bảo đảm tính khả thi, trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét theo đúng quy định. UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát quy hoạch xây dựng; xem xét hồ sơ đề xuất ban đầu của Công ty Tuấn Dung để báo cáo, tham mưu về tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan; cơ cấu sử dụng đất; giải pháp hạ tầng kỹ thuật đô thị đối với khu đất ga Nha Trang sau khi di dời đảm bảo phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, quy hoạch được duyệt. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra thực tế, rà soát quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đối với khu vực ga Nha Trang hiện hữu và khu vực dự kiến di dời ga Nha Trang đến; tham mưu việc quản lý, sử dụng đất theo quy định.
Nói về việc di dời ga Nha Trang, kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa, bày tỏ: “Nha Trang là thành phố có diện tích nhỏ, nhà ga hiện tại nằm ngay khu vực trung tâm nên cũng phát sinh những bất cập. Nếu di dời ga lên xã Vĩnh Trung thì cũng chỉ cách trung tâm TP. Nha Trang khoảng 5km, trong khi các tuyến đường khu vực phía Tây thành phố cũng đã được đầu tư, mở rộng nên đi lại thuận tiện. Tuy nhiên, việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời ga cần phải đảm bảo phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và quy hoạch được duyệt; chú trọng tổ chức không gian, cảnh quan phải gắn liền với việc phục vụ cộng đồng”.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, quan điểm của tỉnh là đối với công trình kiến trúc ga Nha Trang thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh nên phải được giữ nguyên trạng để tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan phục vụ công cộng. Riêng việc khai thác quỹ đất phải phù hợp quy hoạch phát triển đô thị hiện đại, xứng tầm với vị trí Nha Trang là đô thị hạt nhân trong tiến trình Khánh Hòa là đô thị trực thuộc Trung ương sau năm 2030./.