Aa

Đổi ký ức thành bún cháo!

Thứ Năm, 21/09/2017 - 01:28

Cổ phần và xã hội hóa văn hóa, văn học, nghệ thuật là xu hướng tất yếu, nhưng cái đầu tiên không phải là câu chuyện kim tiền, mà mục tiêu là bảo tồn và phát huy, làm phong phú ký ức về văn hóa. Làm được thế, thì văn hóa sẽ lại sinh lời về kinh tế.

LTS: Mạn phép nhà văn Nguyễn Thành Phong, có lẽ cần phải thêm từ “vàng” vào sau từ “ký ức”, bởi lẽ cứ nghĩ đến “phim truyện Việt Nam” là những gương mặt thân thương, quý mến, thán phục lại hiện lên, nào Thế Anh, Trà Giang, Lê Vân, rồi Như Quỳnh, Bùi Bài Bình, Vũ Đình Thân… Đấy là chưa kể đến hàng chục bộ phim truyện Việt Nam đã khiến hàng triệu triệu trái tim phải rung động. Vậy mà có những kẻ nào đó lại biến những giá trị vô giá ấy thành con số O khủng khiếp!

Câu chuyện cổ phần Hãng phim truyện Việt Nam không thành công mà gặp nhiều rắc rối, trở thành đề tài nóng trong xã hội, chẳng có gì ngạc nhiên. Nó đã được cảnh báo từ nhiều ý kiến của các nghệ sỹ lão làng ngay trước khi tiến hành. Trong quá trình tiến hành, cũng đã có nhiều ý kiến băn khoăn, càng ngày càng băn khoăn. Cho đến thời điểm này, tôi đoánchắc là phi vụ cổ phần, mười phần thì đã có đến chín phần rưỡi, sẽ đổ vỡ. Không đổ vỡ mới lạ!

Điện ảnh Việt Nam, ngay trong giai đoạn đất nước nghèo khó, khói lửa, với sự hình thành của đơn vị nghệ thuật đầu đàn này, đã cho chúng ta niềm tự hào. Bao nhiêu bộ phim đã đi vào lòng người, làm giàu thêm ký ức của chúng ta. Bao nhiêu bộ phim đã đi ra thế giới, giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam, giới thiệu phẩm giá và bản lĩnh Việt Nam sáng lên trong đau thương và lam lũ. Bao nhiêu năm chúng ta thấy mình còn kém cỏi nhiều mặt, nhưng điện ảnh đã làm cho chúng ta ngẩng đầu. Không cần kể lại tên những bộ phim của những đạo diễn và các nghệ sỹ dấu ấn của thời đã qua mà nhiều người đã kể, dù biết nó còn nhiều khiếm khuyết và ấu trĩ, thì cũng đã là một ký ức đẹp đẽ.

Hãng phim truyện Việt Nam tại số 1 Thụy Khuê

Hãng phim truyện Việt Nam. Nguồn ảnh: Internet

Nhìn sang nước láng giềng, Trung Hoa không phải đứng đầu là cường quốc kinh tế, nhưng điện ảnh Trung Hoa đã là cường quốc. Những bộ phim của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, dù lấy bối cảnh xưa cũ, bối cảnh những sự kiện bi kịch lớn lao của thời hiện đại hay khung cảnh một làng xã tít trên miền núi cao, vẫn mang đến cho thế giới nhiều giá trị nhân văn, khiến người Trung Hoa tự hào. Rồi bao nhiêu cái tên phim khác, của các đạo diễn, như Lý An, Ngô Vũ Sâm, Trần Khải Ca, Phùng Tiểu Cương, Vương Gia Vệ, cái thì hoành tráng đầu tư, cái thì giản dị từ bối cảnh đến diễn viên lần đầu tiên từ đời bước vào thủ vai, lên màn ảnh.

Sự bình đẳng, trên bình diện thế giới, về kinh tế và tiến bộ xã hội, còn lâu mới đạt tới. Nhưng về tâm hồn và văn hóa, không mấy dân tộc tự ti. Nghệ thuật của tâm hồn, cảm xúc của một dân tộc Việt văn hiến đã cho ta cái cảm giác bình đẳng, sẽ dẫn dắt ta vươn lên, bình đẳng về mọi vị thế khác.

Bao nhiêu năm gần đây, điện ảnh Việt Nam nhọc nhằn, đầy bươn chải, nhưng vẫn có những đóng góp, dù đóng góp có xu hướng ít đi. Tại sao vậy? Tại chưa có nhiều người nghệ sỹ tài trí và tâm huyết, tại chưa có tầm nhìn và chiến lược phát triển xứng đáng? Tại chưa tìm ra vốn đầu tư xã hội hóa xứng đáng cho việc lớn? Thì phải chờ đợi, phải tiếp tục tìm tòi, đổi mới…

Nhưng tìm tòi, đổi mới để biến đất vàng và địa chỉ đỏ điện ảnh thành nơi cho thuê, mở quán ăn với bún cháo và chân gà nướng, thì thật đáng phẫn nộ. Tính quẩn để đổi ký ức thành bún cháo, thì hết diều phải bàn rồi.

Điện ảnh cần vốn lớn, lại gặp đối tác không đủ tiền trả lương, tính chuyện thu hẹp, làm mỗi năm một đầu phim lấy lệ, việc đầu tiên là tính đến chia ô cho thuê lấy tiền đắp đổi rau cháo, thì đúng là vừa bi vừa hài. Tiền thì đã có rất ít, tâm huyết và chiến lược chấn hưng điện ảnh lại càng xa vời và xa xỉ. Rồi liên tài, gợi mở tài năng và cảm hứng sáng tạo nữa…

Bây giờ, nói luôn cho nhanh, nếu không có gì sáng ra đột biến để hy vọng, thì nên ngay lập tức vô hiệu hóa cái vụ cổ phần hóa hãng phim này. Cát sỏi vận chuyển về với cát sỏi vận chuyển. Tiền có chút bỏ ra coi như học phí cho cuộc chơi nghệ thuật. Hãng phim tiếp tục tìm và chờ đối tác có tâm, có tài, có tầm, có tiềm lực phù hợp, để hướng đến tương lai phát triển điện ảnh nói riêng, góp phần vào văn hóa nói chung.

Cổ phần và xã hội hóa văn hóa, văn học, nghệ thuật là xu hướng tất yếu, nhưng cái đầu tiên không phải là câu chuyện kim tiền, mà mục tiêu là bảo tồn và phát huy, làm phong phú ký ức về văn hóa. Làm được thế, thì văn hóa sẽ lại sinh lời về kinh tế. Đây sẽ là bài học rất ý nghĩa cho việc cổ phần và xã hội hóa các địa chỉ, các đơn vị văn hóa nghệ thuật đã thành ký ức, như xuất bản và phát hành sách, các viện bảo tàng, các nhà hát, rạp hát… Điều ấy thì Bộ VHTTDL, cơ quan quản lý và tham mưu cho Chính phủ về lĩnh vực này, phải lấy đây làm bài học kinh nghiệm hết sức sâu sắc.

Tôi vừa nghe được một thông tin rất vui. Một tập đoàn kinh tế lớn, có văn hóa cao, đã quyết định đầu tư, xây dựng và duy trì một dàn nhạc giao hưởng cổ điển và xây tặng Hà Nội một Nhà hát nhạc cổ điển có tầm cỡ. Để thiết kế nhà hát này, tập đoàn kỳ công hơn cả “tam cố thảo lư” trong chuyện Lưu Bị vời Khổng Minh mưu nghiệp lớn, đã tìm và mời bằng được vị kiến trúc sư đã thiết kế một số nhà hát cổ điển, trở thành một ấn tượng văn hóa của nhiều quốc gia, để vị này thiết kế. Vị kiến trúc sư đã hơn tám mươi tuổi đã nhận lời. Và có lẽ đây sẽ là tác phẩm kiến trúc lớn nhất cuối cùng của tác giả để lại cho nhân loại.

Để hợp tác, cổ phần và xã hội hóa nhằm phát triển văn hóa, cần phải có những đối tác, nhà đầu tư tầm cỡ và tâm huyết như tập đoàn nói trên. Mà muốn thế, thì cần phải có thời gian, sự đồng cảm, thiện ý, chân thành và cao hơn cả, là phải có văn hóa rất cao.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top