Chỉ mấy ngày đầu tháng 8/2003, tầng 12 một cao ốc ở trung tâm Seoul ( Hàn Quốc ) và tầng 56 của khách sạn Aston ở thủ đô Jakacta ( Indonesia ) đều chịu chung một số phận, cùng phủ lên mình một màn sương tang tóc. Hai nhà doanh nghiệp lừng danh, hai người đàn ông một thời là thần tượng của biết bao bạn trẻ, đã từ đây nhảy lầu tự vẫn. Một người là Chung Mong Hun, Chủ tịch Tập đoàn Hyundai-Asan, một trong những trụ cột của sức mạnh kinh tế Hàn Quốc, và người nữa là Manimaren, Chủ tịch Texmaco – tập đoàn dệt may lớn nhất Indonesia.
Khi những tấm ván thiên đóng lại thì những gì là thực trong cuộc đời của hai ông bắt đầu hiện ra. Chỉ cách đấy ít giờ, ai ai nghĩ đến hai ông là nghĩ đến quyền uy của những ông vua mới, trị vì những vương quốc hiện đại và kiêu hùng, đến vẻ mặt cao sang, những nụ cười lịch lãm…
Còn giờ đây, khi nhìn thấy những khối thi thể không vẹn toàn, người đời đã hiểu thêm rằng, thì ra với các nhà quản trị doanh nghiệp, sự vinh quang tột đỉnh và nỗi bất hạnh tận cùng đôi khi chỉ cách nhau một làn sương mỏng.
Điểm mặt các doanh nghiệp Việt Nam độ vài chục năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, không ít bài học cay đắng đã được rút ra từ cuộc đời của nhiều doanh gia đầy tham vọng cứ đi như bị ma ám vào bước đường cùng. Đã có giám đốc một công ty nổi tiếng nối hai cực điện 220V vào người rồi tự đóng cầu dao tự sát vì không chịu nổi những sức ép của trách nhiệm. Có giám đốc khách sạn đã thắt cổ tự vẫn bởi những bất đồng trong tổ chức. Có vị nữ Tổng giám đốc giỏi giang, thành đạt bị nhồi máu cơ tim và qua đời ngay sau một cuộc họp căng thẳng. Năm 1994, Tăng Minh Phụng khi đang trên đỉnh của vinh quang với những cuộc đầu tư hàng trăm triệu USD, với hàng chục xưởng may và gần 10.000 công nhân…, đã kể với bạn bè rằng mới đi xem bói, thầy bảo cuối đời sẽ cực kỳ khốn khó, chết không có chiếu mà chôn. Tưởng là câu chuyện vui, thế mà chỉ chưa đầy chục năm sau, sự khắc nghiệt của thương trường đã biến điều đó thành sự thật...
Loại trừ một số những kẻ rắp tâm lừa đảo phải dấn thân vào con đường tù tội, phần lớn các nhà doanh nghiệp bị khuynh gia bại sản bởi những rủi ro ngoài sự kiểm soát của mỗi cá nhân. Có người đặt câu hỏi, một khi đã có tài sản đã cả chục triệu đô-la, nếu họ chỉ cần gửi vào ngân hàng thì không những họ mà cả con cháu họ nữa, suốt đời sống trong nhung lụa, vinh hoa phú quý. Vậy họ lao vào thương trường để làm gì rồi sau đó rất có thể là sự khổ nhục hoặc thậm chí là của lưỡi hái tử thần?
Từ lâu rồi, khoa học đã chứng minh rằng hành vi cá nhân tại một thời điểm nào đó thường được quyết định bởi nhu cầu mạnh nhất của họ. Abraham Maslow đã đưa ra một hệ thống phân cấp khá thuyết phục về nhu cầu của con người. Ông cho rằng, theo bản năng sinh tồn thì nhu cầu mạnh nhất của con người là nhu cầu sinh lý. Khi chúng được thoả mãn, hoặc dù chưa được thoả mãn hoàn toàn, thì tiếp đó là nhu cầu về an toàn, rồi nữa là nhu cầu xã hội (giao tiếp), kế đến là nhu cầu được tôn trọng, cuối cùng là nhu cầu tự khẳng định mình. Cứ thứ tự như vậy, một khi nhu cầu ở bậc trên được thoả mãn thì mối quan tâm chuyển sang nhu cầu ở bậc kế tiếp theo.
Đến đây, có thể lý giải được tại sao các nhà doanh nghiệp thừa ăn thừa tiêu, được xã hội trọng vọng mà vẫn chưa thoả mãn, chính vì họ muốn tự khẳng định mình. Cũng như một nhạc sĩ là phải chơi nhạc, một vị tướng thì phải cầm quân, một giáo sư phải lên bục giảng…, và như vậy, nhà doanh nghiệp là phải bước ra thương trường.
Sau nhiều thế kỷ lần mò, đến nay, các quốc gia đã xác định rằng nếu không có một đội ngũ doanh nghiệp hùng mạnh thì không thể có một đất nước hưng thịnh.
Từ sự ra đi không thanh thản của nhiều doanh nhân, mọi người càng hiểu ra rằng quản lý doanh nghiệp là một trong những nghề cực kỳ mạo hiểm, khắc nghiệt nhất và đôi khi cũng cực kỳ bạc bẽo.
Chính vì thế, chuyên mục “Thương trường liệt truyện” có đất để ra đời trên Reatimes.vn
Độc giả đón đọc kỳ đầu: Cuộc thoát hiểm “vụ trốn thuế lớn nhất thế kỷ” sẽ ra mắt quý độc giả vào ngày mai, 24.8.2016.