Đối mặt với cánh cửa
Mùa dịch, bạn và tôi đều phải đối mặt với cánh cửa ngôi nhà của mình nhiều hơn, cánh cửa ngôi nhà trở nên thật đặc biệt. Tôi hay nói chuyện với cánh cửa đơn trong nhà. Dù không phải là vận động viên thể thao từng mang tấm huy chương về cho nước nhà mới là yêu nước, mà ở nhà mùa dịch cũng là yêu nước. Đối mặt với cánh cửa, người nội trợ bình thường cũng mơ ước được ra khỏi nhà vào buổi sớm, khép cánh cửa mà không âu lo, họ không phải đưa giấy đi chợ trình diện ở chốt kiểm soát, không phải qua chốt ngõ vùng đỏ vùng xanh hay vùng cam và không có nỗi thấp thỏm của F0, F1, dịch bệnh. Sự nhỏ bé vô hình của con virus đang nhởn nhơ phía ngoài cánh cửa, trên lối đi và trong không gian thở của con người. Và cách ứng xử với không gian sống trong cánh cửa nhà mình đã trở nên vô cùng thân thiết và có ý nghĩa.
Khi đối mặt với cánh cửa, tôi đọc về núi, thấy Khải Nguyễn, người Mỹ gốc Việt có cái đích hai lần leo lên đỉnh Everest, để vượt qua chính mình và vượt qua cả sự chết của đồng loại trong hành trình leo núi và khát vọng chiếm lĩnh đỉnh cao.
Đỉnh Everest cao hơn 8.000m, nơi có một ụ tuyết nhỏ, được quấn nhiều cờ ngũ sắc Phật giáo Tây Tạng và chỉ có một tượng Nepal nhỏ. Thế mà để chinh phục được đỉnh cao, con người không chỉ có tài chính mà còn phải rèn luyện cả ý chí, kỹ năng leo núi mới chinh phục được đích của đỉnh núi. Khi con người ta có cái đích của đam mê, họ đã sống thật chất lượng. Khải Nguyễn đam mê leo núi và cái đích ấy có ý nghĩa của mỗi một phận người, với riêng anh ta, cho thấy một giá trị sống khác. Không cần có huân chương, khi leo núi, Khải Nguyễn chỉ dám thi với chính mình và vượt qua mình thôi!
Mùa dịch này, ở Sài Gòn, tôi đọc rất nhiều tin vắn, có tin ám mãi trong người, ví như gương mặt như thiên thần của sơ Maria Trần Ngọc Thảo Linh, 32 tuổi đời, từng tận hiến giúp đỡ những người mắc dịch và sơ nhiễm bệnh. Sơ đã "về đích" trước với Chúa, gửi lại dương gian một nụ cười như thiên thần và sơ Thảo Linh trong chúng ta chưa bao giờ chết. Vậy, thì cứ nhân lòng tin như thế mà sống. Cũng như tấm lòng thân ái của người làm cơm chay thiện nguyện Vũ Quốc Cường, anh đã quên mình vì đồng loại, lúc này người đời sẽ nhớ, rồi thời gian chồng lên những thông tin khác, mai này người đời nhãng quên, nhưng cái đích của con người bình dị là hãy sống vì người khác nhiều hơn vì mình... Một sơ Thảo Linh, một anh Vũ Quốc Cường, một nhân viên bảo vệ vô danh trong con hẻm Sài Gòn, chuyên mang đồ ăn cứu giúp bà con khốn khổ, anh đã ra đi để lại, vợ dại con thơ bơ vơ... Thương lắm!
Covid-19 rồi sẽ qua đi, còn tình người thì đọng lại mãi (Ảnh sưu tầm)
Người nhân ái sẽ mãi cúi xuống biết ơn cái đích của sự bao dung, tận hiến đó. Còn bao nhiêu tấm lòng thánh thiện khác nữa, họ chia sẻ miếng ăn, nước uống cho đồng bào mình. Tôi hỏi cánh cửa, Sài Gòn còn bao nhiêu hẻm sâu và ngách tận, liệu có còn ai bị bỏ sót không? Nhỡ người nghèo quá, họ không có điện thoại, có người không biết sử dụng máy tính, không ti vi, đài đóm, họ không có thông tin gì bên ngoài.
Người Sài Gòn vốn sống thoáng, ít lo ăn hôm nay dành dụm bữa mai, cũng có cảnh nghèo khó đến nỗi không có gì dự trữ. Có thể lắm, giãn cách dài và họ có thể đứt bữa. Phía sau cánh cửa ấy, liệu có bao người bị bỏ sót? Nào ai mà tính được. Cánh cửa nhà dân nghèo, có nhà không có cánh cửa thì làm sao lên tiếng đây? Tôi hay tự nói chuyện với cánh cửa như vậy. Tôi hay độc thoại với cánh cửa như vậy.
Giờ đây, muốn sống được, muốn thanh thản đầu óc trong những năm tháng này, phải cắm cổ mà chạy cho nhanh nếu có việc ra ngõ khi nhận síp hàng. Khốn nạn nhất thời dịch, phiếu đi chợ không đúng tên cũng mời đứng ngoài cổng chợ. Mấy nhà trong phố chợ đóng hờ nửa cánh cửa, để ai gọi thì bán thịt bán rau, bán trứng. Giá thành đội lên cấp số nhân và ai ai cũng mua cốt cho xong chuyện để về nhà tránh dịch.
Nhiều người khôn ngoan hơn họ đi chợ siêu thị những ngày đầu giãn cách giá cả bình ổn hơn nhiều. Nhưng khôn ngoan cũng không lại với giời. Năm nay chợ tết Trung thu không tồn tại ở phố Hàng Mã, hàng Lược, Lương Van Can. Cái thú vui của các ông bố công kênh con trẻ trên vai, không còn dạo chợ nữa rồi, nhất là mọi năm thanh bình, bố bố con con lượn khắp phố hàng, nào đèn kéo quân, đèn ông sao hay đèn vịt giời.
Trống ếch nữa cứ thập thùng văng vẳng ngõ phố, màu sắc của đèn giấy bóng đỏ, vàng xanh trắng xanh cứ chập chờn trong cánh cửa và ngoài cánh cửa. Năm nay trăng sáng mà cô quạnh lắm, nhất là những đứa trẻ mồ côi và vành trăng ở vùng đỏ cũng mồ côi. Những giọt nước mắt lưng tròng, những tiếng gọi và những gương mặt thất thần còn lâu mới dịu được sự mất mát trong tâm hồn non nớt mọi đứa trẻ.
Đối mặt với cánh cửa, lòng người dân bỗng vui hân hoan khi được biết ý tưởng của ông Trương Gia Bình sẽ chung tay xây trường nuôi dưỡng 1.000 trẻ em mồ côi, rồi chắc chắn Sài Gòn nay mai ngớt dịch, sẽ có những bàn tay của doanh nhân, mạnh thường quân, chia sẻ gánh vác với số phận các em mồ côi ấy. Những cái đích của lương thiện xuất phát tại tâm thường không có huân chương, không có bằng khen giấy khen treo tường và sự vỗ tay.
Đối mặt với cánh cửa, tôi ước gì cánh cửa của nhà dân ở Sài Gòn, dần bớt đi gánh nặng hàng cứu trợ, mà mở ra cánh cửa cứu trợ khác, là người người được tiêm vắc-xin, họ được trang bị kiến thức về y học, hiểu sâu hơn về vy rút, tự biết bảo vệ mình, để được tự do đi lại, được tiêm chủng diện rộng… những kẻ công bộc của dân không mạt sát và không ăn trên nước mắt mồ hôi của dân.
Đời sống bình thường mà chưa thể bình thường, việc đi lại tự do là giấc mơ của người sống trong mùa dịch, đi qua mùa dịch và tồn tại sống chung với dịch trong tương lai, rất cần nhiều cánh cửa ngôi nhà. Trong mỗi gia đình rất cần an yên. An yên trong nhà mới an yên bên ngoài. Đối mặt với cánh cửa, cũng là đối mặt với dịch, mỗi người cần biết tự bảo vệ hơi thở của mình và người xung quanh bạn, đó cũng là cách tồn tại với thời gian, phải không cánh cửa?/.