Quốc hội và Chính phủ đã thông qua Nghị quyết đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cho năm 2023 là 6,5%, kiềm chế lạm phát ở mức dưới 4%. Để đạt được mục tiêu này buộc Chính phủ phải có những giải pháp cực kỳ quyết liệt, tạo đà, tạo cú hích cực mạnh về các chính sách nhằm cởi trói cho doanh nghiệp phát triển.
Thứ nhất, cần khơi thông nguồn vốn phát triển kinh tế bền vững: Bàn về môi trường đầu tư tại Việt Nam, chúng ta có thể phân định làm nhiều cột mốc để có góc nhìn khách quan hơn. Việt Nam đã trở thành quốc gia nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư nhiều lĩnh vực như hạ tầng, công nghệ cao, và công nghệ xanh phù hợp với tiến bộ của thế giới.
Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng hệ thống pháp luật của chúng ta còn nhiều bất cập, vẫn còn một số lỗ hổng trong việc ban hành các chính sách vĩ mô và các quy phạm của luật pháp dẫn đến việc đầu tư trong nước và nước ngoài chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Nếu nguồn vốn của các tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài tại Việt Nam cùng dòng tiền trong doanh nghiệp và nhân dân không được khơi thông thì mọi kế hoạch đều bị phá sản. Cho nên điều tiên quyết là phải khơi thông ngồn vốn, tạo dòng chảy thông thoáng cho lưu thông dòng tiền với tốc độ cao nhất có thể.
Thứ hai, cần có chính sách tốt nhất trong khu vực để thu hút các nhà đầu tư FDI vào Việt Nam: Thực tế cho thấy sau 30 năm đổi mới và 10 năm trở lại đây, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam nổi lên trở thành những công ty có vốn hoá hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng chủ yếu là kinh doanh bất động sản, là phát hành trái phiếu doanh nghiệp, và kinh doanh những lĩnh vực không có độ bền vững, đôi khi thiếu minh bạch dẫn đến mất niềm tin của người dân.
Muốn các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng sản xuất, tăng vốn đầu tư và dịch chuyển đầu tư từ thị trường Trung Quốc sang các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam thì mặc nhiên các thủ tục hành chính như cấp phép thành lập công ty, thuê mướn mặt bằng, nguồn nhân lực, logistic, ngân hàng… phải vượt trội so với các nước khác trong khu vực.
Thứ ba, đầu tư lớn những lĩnh vực được cho là thế mạnh của Việt Nam: Muốn đầu tư lớn của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài bằng công nghệ cao, xanh sạch cần những chính sách như đã nêu trên thì phải có nguồn tiền lớn.
Một trong những nguồn vốn lớn đó có thể xuất phát từ các Quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Khi dòng vốn được khai thông bằng các quỹ, các ngân hàng nước ngoài thì mặc nhiên luật pháp về đầu tư phải thay đổi phù hợp với xu thế chung của thế giới mà Việt Nam không có ngoại lệ.
Thứ tư, cần khôi phục lại niềm tin của thị trường: Cụ thể dòng vốn FDI đã đổ vào thị trường chứng khoán vô cùng lớn, đây là thị trường “tiền tươi - thóc thật” tác động lớn đến đầu tư và cũng tạo đà dẫn dắt thị trường chứng khoán của Việt Nam học theo cách làm mới, “minh bạch, rõ ràng”.
Đơn cử, thị trường bất động sản có mối liên quan và tương hỗ vô cùng lớn của thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán tốt sẽ tạo nguồn vốn khổng lồ cho thị trường bất động sản. Trong thời gian qua nhà đầu tư FDI tham gia vào lĩnh vực này đã tạo cho các doanh nghiệp trong nước có cơ hội học hỏi, tham gia. Mặc dù thị trường bất động sản đang khiến một số doanh nghiệp vướng vào pháp luật nhưng chủ yếu là nhà đầu tư Việt Nam.
Thứ năm, cần bảo đảm an ninh năng lượng: Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, cũng là lĩnh vực đang nóng của Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót nhiều tỷ dollar Mỹ vào thị trường này. Năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu của thế giới, là điểm đến để bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu tối đa khí thải CO2 và trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi kinh tế tuần hoàn hiện nay của thế giới mà Việt Nam đang theo đuổi.
Thứ sáu, Nhà nước hãy để cho doanh nghiệp tự có kế hoạch phát triển theo qui định của pháp luật: Nhà đầu tư họ không theo cách nghĩ chủ quan bất cứ bộ, ban, ngành nào, họ biết họ phải làm thế nào để duy trì và phát triển không trái với các quy định của pháp luật nước sở tại.
Cơ quan nhà nước chỉ cần ban hành chính sách phù hợp và giám sát chặt chẽ các qui định nhằm bảo vệ môi trường và an toàn cho người lao động… mặc nhiên doanh nghiệp sẽ phải áp dụng công nghệ thông minh thế hệ mới, phương tiện vận chuyển sử dụng năng lượng xanh, sạch nhằm giảm chi phí tăng năng suất lao động và thu được lợi nhuận cao nhất có thể./.