Chia sẻ với Reatimes dịp đầu năm mới 2023, TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đã đưa ra những đánh giá tương đối tích cực về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt khi Chính phủ có những chính sách điều hành kinh tế hợp lý, bối cảnh các yếu tố vĩ mô thế giới không quá biến động cùng việc Trung Quốc chấm dứt chính sách Zero Covid thì khả năng đạt được chỉ tiêu tăng trưởng như Quốc hội đề ra là rất lớn.
Những gam màu sáng - tối trong bức tranh kinh tế Việt Nam 2022
PV: Nhiều ý kiến cho rằng bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2022 có những gam màu sáng nhưng cũng không ít khoảng tối. Ông có đồng ý với quan điểm trên? Theo ông, đâu là điểm sáng và đâu là điểm tối trong bức tranh năm 2022?
TS. Nguyễn Hữu Huân: Đúng vậy, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2022 có những điểm sáng nhưng cũng có những khoảng tối. Điểm sáng ở đây là chúng ta đã thành công trong việc phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19 với mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong vòng 10 năm qua và lạm phát được giữ ở mức thấp trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp rất nhiều khó khăn, thử thách bởi tác động tiêu cực từ cuộc chiến Nga - Ukraine cũng như việc đứt gãy chuỗi cung ứng. Có thể nói, đây là một sự phục hồi thần kỳ của kinh tế Việt Nam so với phần còn lại của thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, kinh tế Việt Nam trong năm 2022 cũng đã bắt đầu bộc lộ những điểm yếu nội tại như việc thao túng làm giá trên thị trường chứng khoán, một số vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên thị trường chứng khoán và bất động sản bị phanh phui hay các kẽ hở trong việc phát hành trái phiếu. Cùng với đó là ảnh hưởng từ việc thắt chặt tiền tệ đến thanh khoản của toàn bộ nền kinh tế, lãi suất tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây cũng như đồng nội tệ mất giá tương đối cao bởi tác động của việc FED tăng lãi suất.
Hệ quả là thị trường tài chính và bất động sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kèm theo đó là các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, thậm chí một số doanh nghiệp còn gặp khó khăn nhiều hơn cả trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
PV: Trước bối cảnh đó, ông đánh giá như thế nào về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ?
TS. Nguyễn Hữu Huân: Tôi cho rằng, Chính phủ đã làm rất tốt trong việc chèo lái con thuyền kinh tế Việt Nam “đón sóng vượt bão” trong năm 2022. Khi chúng ta phải đối mặt với quá nhiều khó khăn và thử thách, thì Chính phủ và các bộ ngành đã bám rất sát diễn biến thị trường để đưa ra những chỉ đạo và quyết định kịp thời. Nhờ vậy mà chúng ta vẫn bảo toàn được thành quả tăng trưởng trong năm, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất những tác động xấu từ bên ngoài như việc FED tăng lãi suất, vấn đề về cuộc chiến Nga - Ukraine hay việc Trung Quốc thực thi chính sách Zero Covid.
Khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra là 80%
PV: Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 mới đây, nhiều chuyên gia nhận định, bước sang năm 2023, nền kinh tế nước ta sẽ đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đến từ nền kinh tế toàn cầu. Ông có thể cho biết những thách thức, khó khăn ở đây là gì?
TS. Nguyễn Hữu Huân: Khi chúng ta đang sống trong thời kỳ bất định, có nghĩa rằng rất khó có thể dự đoán được những gì sẽ xảy ra trong thời gian tới bởi có quá nhiều biến số không lường trước được thì chắc chắn, chúng ta vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Và theo tôi, nền kinh tế nước ta vẫn sẽ đối mặt với hai thách thức chính.
Một là thách thức từ bên ngoài: Diễn biến và kết cục của cuộc xung đột Nga - Ukraine và Trung Quốc có dần mở cửa lại hay không. Hai yếu tố này sẽ chi phối toàn bộ tình hình kinh tế vĩ mô thế giới trong năm 2023 và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.
Hai là việc xử lý những vấn đề trong nội tại nền kinh tế, đặc biệt là thị trường trái phiếu, cổ phiếu và bất động sản. Nếu chúng ta quyết liệt xử lý sớm và triệt để thì tình hình sẽ tốt hơn rất nhiều.
PV: Đối mặt với không ít thách thức và bất định như vậy, liệu Việt Nam có khả năng đạt được mục tiêu Quốc hội đã đề ra cho năm 2023 là tăng trưởng kinh tế 6,5% và tốc độ tăng CPI khoảng 4,5% không, thưa ông?
TS. Nguyễn Hữu Huân: Mặc dù nền kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ ẩn chứa nhiều biến số vĩ mô khó có thể lường trước được nhưng theo mô hình dự báo dựa trên trí tuệ nhân tạo mà chúng tôi đã xây dựng, xác suất để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu mà Quốc hội đề ra là khá cao, khoảng hơn 80%. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó khoảng 20% khả năng chúng ta không đạt được mục tiêu. Điều này sẽ xảy ra khi các yếu tố vĩ mô thế giới biến động quá mạnh và vượt ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam, cũng như dự trữ ngoại hối không đủ để đối phó với các tác động tiêu cực đó.
PV: Trong "nguy" có lẽ sẽ vẫn có "cơ", vậy nền kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ xuất hiện những động lực tăng trưởng mới nào, thưa ông?
"Động lực tăng trưởng kinh tế 2023 sẽ xuất hiện nếu chúng ta giải quyết tốt vấn đề của thị trường trái phiếu, cổ phiếu và bất động sản. Tốt ở đây là xử lý nhanh, đứt điểm và lấy lại niềm tin của người dân càng sớm càng tốt".
TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng Bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM
TS. Nguyễn Hữu Huân: Theo tôi, động lực tăng trưởng sẽ xuất hiện nếu chúng ta giải quyết tốt vấn đề của thị trường trái phiếu, cổ phiếu và bất động sản. Tốt ở đây là xử lý nhanh, đứt điểm và lấy lại niềm tin của người dân càng sớm càng tốt.
Thứ hai là giải quyết vấn đề thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, cũng như truyền cho thị trường tín hiệu để lựa chọn thời cơ phù hợp giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.
Thứ ba, chúng ta có thể kỳ vọng về tình hình địa chính trị và vĩ mô thế giới sẽ chuyển biến theo chiều hướng tích cực hơn trong năm 2023. Những yếu tố này chính là động lực tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Trung Quốc dần nới lỏng chính sách Zero Covid là lợi thế cho Việt Nam
PV: Từ ngày 5/12, nhiều thành phố ở Trung Quốc đã nới lỏng chính sách Zero Covid sau thời gian dài duy trì. Theo ông, điều này có tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam trong thời gian tới?
TS. Nguyễn Hữu Huân: Đây là tín hiệu đáng mừng với Việt Nam vì Trung Quốc là đối tác thương mại dịch vụ lớn nhất của nước ta. Việc Trung Quốc dần mở cửa trở lại sẽ tác động tích cực lên thương mại, xuất nhập khẩu cũng như du lịch của Việt Nam trong thời gian tới. Điều cần làm hiện nay là chúng ta phải chuẩn bị tinh thần và kế hoạch để tận dụng được yếu tố này, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước trong năm 2023, đặc biệt là du lịch.
PV: Với thị trường bất động sản, loạt động thái hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ đã và đang được triển khai thực hiện. Điều này có ảnh hưởng như thế nào đến khả năng hồi phục của thị trường địa ốc trong năm 2023?
TS. Nguyễn Hữu Huân: Nếu chúng ta có những giải pháp kịp thời và hiệu quả thì tôi tin rằng thị trường tài chính và thị trường bất động sản sẽ phục hồi trong năm 2023. Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn cần có thời gian và ít nhất phải đến quý II, thậm chí quý III năm 2023 chúng ta mới có thể ghi nhận được những tín hiệu tích cực từ sự phục hồi này. Đó là nếu như những giải pháp được thực thi quyết liệt và triệt để, còn không thì sẽ rất khó để thị trường bất động sản có thể hồi phục trong ngắn hạn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!