Aa

Đối tác mới của VinSmart tại Mỹ “sừng sỏ” cỡ nào?

Thứ Tư, 21/10/2020 - 10:43

Là nhà mạng số hai thế giới và một trong 50 công ty góp phần thay đổi thế giới, AT&T được gọi là “phép màu của thế kỷ 19”.

AT&T, cùng với Graham Bell - người khai sinh ra đế chế viễn thông này đã mang đến cho nhân loại “phép màu”, giúp con người có thể nghe được tiếng nói của nhau với khoảng cách hàng chục ngàn km.

AT&T thay đổi cách thức giao tiếp của con người

Vừa qua, thông tin hé lộ từ Uỷ ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) và hãng tin Bloomberg cho biết, VinSmart đã sản xuất điện thoại và xuất khẩu sang Mỹ cho nhà mạng AT&T. Đây được đánh giá là bước đi mang tính bước ngoặt của VinSmart khi “tấn công” vào thị trường khó tính nhất thế giới, với bảo chứng mang tên AT&T.

Vậy AT&T lớn tới mức nào?

Theo xếp hạng 150 nhà mạng có giá trị lớn nhất thế giới 2020 (Telecoms 150) của Brand Finance,  AT&T là một trong hai hãng viễn thông lớn nhất thế giới, chỉ sau Verizon (Mỹ).

Được thành lập năm 1877, chặng đường 143 năm phát triển đã qua của AT&T cũng phản ánh chân thực nhất từng bước phát triển của ngành viễn thông thế giới. AT&T từng là công ty điện thoại lớn nhất thế giới, nhà điều hành mạng truyền hình cáp lớn nhất thế giới, cũng như từng là một công ty độc quyền được Chính phủ Mỹ bảo hộ.

AT&T là nhà mạng lớn thứ 2 thế giới, một trong 50 công ty góp phần thay đổi thế giới.

Theo Howard Rothman, tác giả cuốn sách 50 Công ty làm thay đổi thế giới, AT&T luôn đi tiên phong trong mọi bước phát triển của ngành - từ sự ra đời của chiếc điện thoại đầu tiên do Alexander Graham Bell sáng chế vào cuối thế kỷ 19 đã thay đổi cách thức giao tiếp của con người, cho đến lúc phải xây dựng lại từ đầu dưới áp lực từ phía chính phủ vào giai đoạn gần cuối thế kỷ 20. Và công ty đang tái cấu trúc một lần nữa để chuẩn bị tiền đề nhằm tạo thêm một dấu ấn mới cho riêng mình trong thế kỷ 21: Hoạt động đa lĩnh vực.

Với hơn 160 triệu thuê bao hiện tại, doanh thu 181,19 tỷ USD (2019), AT&T có ảnh hưởng toàn cầu. AT&T đã vượt ra khỏi biên giới nước Mỹ, vươn ra thế giới, xây dựng đế chế cho riêng mình ở hàng loạt thị trường giàu tiềm năng tại châu Mỹ. Gã khổng lồ làng viễn thông với hơn 200 tỷ USD giá trị vốn hoá cũng nổi tiếng với các thương vụ M&A đình đám: Mua lại tổ hợp truyền thông hàng đầu thế giới Time Warner Inc với giá trị hợp đồng là 85,4 tỷ USD; Chi tới 49 tỷ USD để thâu tóm DirecTV để trở thành nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền lớn nhất nước Mỹ…

Nhà mạng của những bài test “khó hơn lên trời”

AT&T đang là một trong những đơn vị phân phối nhiều điện thoại nhất ra thị trường Mỹ. Phần đông người dân xứ cờ hoa vẫn có thói quen mua điện thoại kèm với gói cước thuê bao trả hàng tháng, vì thế AT&T được xem là kênh kết nối nhanh nhất cho điện thoại Vsmart đến với thị trường màu mỡ này.

Tuy nhiên, tiêu chuẩn vào thị trường Mỹ được cho là khó bậc nhất thế giới. Các hàng rào kĩ thuật vô cùng khắc nghiệt, với những chứng chỉ đồ sộ về thu phát sóng, âm thanh, an toàn theo tiêu chuẩn khắt khe nhất so với các thị trường khác.

Chưa hết, để vào được thị trường Mỹ đã khó, “qua cửa” AT&T còn khó hơn. Bởi AT&T là nhà mạng có yêu cầu nghiêm ngặt nhất về chất lượng, với bài test "khét tiếng" 10776 đòi hỏi điện thoại phải vượt qua các bài kiểm thử khốc liệt về cơ khí như thả rơi, lồng xoay, test với hóa chất, nhiệt độ, sương muối... ở mức độ cực cao. Ngoài ra còn các bài test về độ ổn định, đòi hỏi điện thoại phải hoạt động liên tục, vượt qua được tối thiểu 95% các kịch bản với thời gian lũy kế 400h, 800h trong tình trạng bộ nhớ luôn đầy 95%,... từng hạ gục vô số hãng điện thoại nuôi tham vọng tấn công thị trường Mỹ.

Theo thông tin từ Bloomberg, VinSmart đã ký hợp đồng thiết kế, sản xuất điện thoại cho AT&T để bán tại Mỹ.

Không những thế, bất kì chiếc điện thoại nào muốn được nằm trên kệ của AT&T còn phải “chiến đấu” với hơn 2.000 bài kiểm thử trong phòng Lab và ngoài điều kiện thường, đảm bảo các tính năng của điện thoại hoạt động hoàn hảo nhất theo tiêu chuẩn hàng đầu.

Vượt qua tất cả những bài test khó nhằn này, có thể nói VinSmart đã chinh phục thành công thị trường khó tính và giàu tiềm năng bậc nhất thế giới, bước đầu hiện thực hóa mục tiêu như lời Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã nói tại Đại hội cổ đông vào tháng 5/2020. Đây cũng có thể là bước ngoặt đưa VinSmart trở thành một ODM thực sự với năng lực phát triển và sản xuất điện thoại thông minh số lượng lớn cho các đối tác trên thế giới, đưa sản phẩm công nghệ Việt ra toàn cầu.

Nhà mạng lớn thứ hai thế giới AT&T là đối tác toàn cầu mới nhất của VinSmart. Hãng điện thoại Việt đã bắt tay với hãng sản xuất chipset hàng đầu thế giới Qualcomm (Mỹ) và Fujitsu (Nhật Bản) để phát triển điện thoại thông minh 5G. Đồng thời, VinSmart hợp tác nhà thiết kế nổi tiếng Italia Pininfarina để xây dựng ngôn ngữ thiết kế đặc trưng cho các dòng điện thoại Vsmart thế hệ mới, bao gồm hình thức thân vỏ, cách thức hiển thị và ngôn ngữ vận hành.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top