Dự buổi đối thoại có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng; Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nicolas Audier...
Đây là hội nghị lần thứ 4 của Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng với doanh nghiệp. Hội nghị hôm nay có sự tham dự của nhiều đại biểu là lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu, đại diện bộ, ban, ngành để cùng thảo luận về những thách thức đối với hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cũng như các giải pháp cải cách TTHC thuận lợi cho nhà đầu tư quốc tế tại Việt Nam.
Cắt giảm thực chất, "cởi trói" cho doanh nghiệp
Theo ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam, hội nghị đối thoại cho thấy Chính phủ Việt Nam đang rất nghiêm túc trong việc xây môi trường đầu tư và thương mại hấp dẫn và cởi mở, ghi nhận những ý tưởng và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.
Cũng theo Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam, cuộc đối thoại này là một tín hiệu tích cực tại thời điểm quan trọng trong quá trình phê chuẩn Hiệp định Thương mai Tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA). Việc thể hiện rằng Việt Nam sẵn sàng mở cửa và hỗ trợ giải quyết những thách thức mà các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam đang đối mặt là rất quan trọng trong bối cảnh Nghị viện châu Âu dự kiến sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu vào đầu năm tới.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Việt Nam là một nền kinh tế tăng trưởng nhanh với hơn 90 triệu người tiêu dùng, lực lượng lao động trẻ, năng động, sáng tạo. Theo công bố của Diễn đàn kinh tế thế giới tháng 9 vừa qua, chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Việt Nam tăng 10 bậc, từ vị trí thứ 77 lên thứ 67/141 nền kinh tế và xếp thứ 7 trong khu vực ASEAN.
Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội đất nước, trong đó, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Đối với cắt giảm điều kiện kinh doanh, năm 2019, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư, trong đó có đề xuất bãi bỏ, sửa đổi và bổ sung một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện để bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Chính phủ cũng đã ban hành 3 Nghị định để tiếp tục cắt giảm thêm 106 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2018 đến nay lên tới 3.451/6.191 điều kiện kinh doanh.
Theo tính toán, việc cắt giảm này giúp tiết kiệm hơn gần 6 triệu ngày công, tương đương hơn 893,9 tỷ đồng mỗi năm.
Về cải cách kiểm tra chuyên ngành, Chính phủ đã chính thức cắt giảm 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành, giúp tiết kiệm hơn 12 triệu ngày công, tương đương trên 5.440 tỷ đồng/năm .
Trong năm 2019, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành phải đánh giá độc lập kết quả cắt giảm điều kiện kinh doanh từ năm 2018 và tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi và công bố đầy đủ các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, đơn giản hóa.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, để hoạt động cắt giảm điều kiện kinh doanh thực chất hơn và thật sự đi vào cuộc sống, “cởi trói” cho doanh nghiệp, Chính phủ sẽ căn cứ trên những tiêu chí rõ ràng để đánh giá các điều kiện kinh doanh và tính toán việc cắt giảm, đơn giản hóa. Từ tiêu chí đó, các bộ, ngành có phương án cắt giảm phù hợp và cũng là cơ sở để kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh trên thực tế, bảo đảm việc cắt giảm điều kiện kinh doanh mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.
Để tiếp tục cải cách toàn diện, thực chất hơn hoạt động kiểm tra chuyên ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cải cách mạnh mẽ thủ tục hải quan theo hướng điện tử hóa, hướng tới hải quan điện tử, phù hợp chuẩn mực quốc tế; thống nhất một đầu mối là cơ quan hải quan là thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.
Đối với phát triển chính phủ điện tử, thời gian qua, Việt Nam đã có những thành tựu bước đầu nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ đối với các cơ quan hành chính nhà nước mà còn giúp thay đổi căn bản mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cởi mở, thẳng thắn để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, các hội nghị đối thoại doanh nghiệp mà Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC tiến hành là một trong những nội dung nhằm triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để cải cách các cơ chế, chính sách, TTHC nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ các rào cản, khó khăn vướng mắc trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cắt giảm chi phí, gia tăng hiệu quả hoạt động.
Chính vì vậy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP mong rằng, tại hội nghị các đại biểu sẽ trao đổi cởi mở, thẳng thắn, cầu thị và đồng lòng đề xuất những giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Bộ trưởng đề nghị các đại biểu nêu cụ thể các khó khăn vướng mắc đang là cản trở lớn với phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, các rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Về phía lãnh đạo các bộ, cơ quan sẽ lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, trao đổi trực tiếp vào từng vấn đề với tinh thần thẳng thắn, không né tránh.
Từ những đối thoại này, VPCP và các cơ quan liên quan sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét những điều chỉnh hợp lý trong thời gian tới.
Cuộc đối thoại thường niên này là hoạt động mới nhất trong chuỗi các hoạt động giữa cộng đồng doanh nghiệp châu Âu với Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng và VPCP.