Chuyển đổi số để tồn tại
Là người làm công việc văn phòng bận rộn, chị Thu Quỳnh, nhân viên một tập đoàn truyền thông tại Hà Nội thường xuyên giao dịch mua hàng và thanh toán trực tuyến. "Hơn một năm nay tôi rất ít dùng tiền mặt, từ những giao dịch nhỏ như đặt mua đồ ăn, thanh toán tiền điện, Internet, phí dịch vụ căn hộ chung cư hay thanh toán món hàng lớn hàng chục triệu đồng…, hiện đều thông qua các ứng dụng trực tuyến và ví điện tử vì rất tiện dụng. Thậm chí ngay cả việc chuyển tiền tôi cũng qua ví điện tử thay vì phải đến ngân hàng như trước", chị Thu Quỳnh chia sẻ.
"Nhiều ví điện tử hiện còn trở thành "siêu ứng dụng", cung cấp các dịch vụ, sản phẩm liên kết như mua vé xem phim, mua vé xe, đặt đồ ăn…. Nếu thực hiện thanh toán hóa đơn qua ví điện tử còn được ưu đãi hơn so với việc thanh toán tiền mặt trực tiếp. Hoặc thanh toán qua QR Code thay vì quẹt thẻ ATM; gửi – chuyển tiền rất nhanh chóng và an toàn, không cần đến ngân hàng mất thời gian chờ đợi, đi lại", chị Mai Hoa, trưởng phòng nhân sự một công ty thực phẩm tại TP.HCM nói.
Thực tế cho thấy, vài năm trở lại đây, trong làn sóng phát triển của công nghệ Fintech (công nghệ trong tài chính), hàng loạt ví điện tử như MoMo, Ngân lượng, VinaPay, Payoo, Mobivi, ZaloPay… (hay thậm chí là những cái tên đến từ Trung Quốc như Alipay, Wechat Pay đang từng bước thâm nhập vào Việt Nam) cung cấp vô số tiện ích và nhanh chóng thu hút người dùng. Sự xuất hiện của các ứng dụng Fintech đã khiến cho nhiều người dù hàng ngày vẫn giao dịch trực tuyến nhưng gần như không phải tìm đến các dịch vụ của ngân hàng, khiến ngân hàng mất đi lượng khách hàng không nhỏ.
Nhằm đón xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều ngân hàng tại Việt Nam đang có sự chuyển mình mạnh trong việc ứng dụng công nghệ mới vào cung cấp sản phẩm, dịch vụ và hoạt động, cạnh tranh với các đối thủ. Các công nghệ như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, xác thực sinh trắc học, Blockchain... được nhiều ngân hàng trong nước như TPBank, VietcomBank, VPBank, Vietinbank, MBBank… ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng trải nghiệm khách hàng. Có thể kể đến TPBank triển khai ngân hàng tự động LiveBank, cho phép khách hàng giao dịch trực tuyến 24/7 kể cả ngày nghỉ và ngoài giờ hành chính, rút tiền mặt không cần thẻ ATM nhờ công nghệ sinh trắc học xác thực…
LienVietPostBank cung cấp nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt cho phép gửi tiết kiệm online, vay cầm cố tiền gửi… qua mobile; MB Bank ứng dụng trợ lý ảo chatbot giải đáp, tư vấn thông tin cho khách hàng trên mạng xã hội; Sacombank cho phép khách hàng thanh toán, rút tiền bằng QR Code… Nhiều ngân hàng khác còn áp dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo để thực hiện đánh giá hành vi khách hàng, dự đoán nhu cầu thị trường cũng như cảnh báo rủi ro tiềm ẩn. Theo kết quả khảo sát được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra cuối năm 2018, có 94% ngân hàng trong nước đang tiến hành chuyển đổi số, trong đó khoảng 42% tổ chức tín dụng coi ngân hàng số là chiến lược kinh doanh. Khảo sát của Vietnam Report cũng cho thấy, có 93% ngân hàng hiện đang đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển kênh bán hàng qua công nghệ số (Internet Banking, Mobile Banking…); 80% đang số hóa các nghiệp vụ lõi của ngân hàng và thu hút lao động trong lĩnh vực công nghệ cao, CNTT.
Chính sách phải theo kịp sự phát triển
Trong nỗ lực thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước quý III/2019 phải báo cáo phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại, các tổ chức trung gian thanh toán áp dụng tiêu chuẩn cơ sở QR Code để đảm bảo khả năng tương thích giữa các giải pháp thanh toán trên nền QR Code. Qua đó sẽ góp phần thúc đẩy các ngân hàng mạnh dạn hơn nữa trong chuyển đổi số, tạo ra cuộc cạnh tranh sòng phẳng giữa doanh nghiệp Fintech và các ngân hàng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong quá trình chuyển đổi số, các ngân hàng cần cẩn trọng kẻo "sai một li đi một dặm".
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, khi tiến hành chuyển đổi số, các ngân hàng phải đối mặt với hàng loạt rủi ro về chiến lược, rủi ro trong quá trình vận hành và chuyển đổi, rủi ro về mặt công nghệ do chọn sai công nghệ, rủi ro về nhân sự do chuyên môn hạn chế… Chính vì thế, Bưu điện Liên Việt đã phải đặt ra hàng loạt câu hỏi như: mục tiêu số hóa là gì, chuyển đổi như thế nào, đáp ứng khách hàng và theo chuẩn thế giới ra sao?… Và trong việc chọn lựa công nghệ, có giải pháp sẽ phải "đi tắt đón đầu", có giải pháp kế thừa để đảm bảo dịch vụ không bị gián đoạn.
Các ngân hàng trước sự đe dọa của làn sóng Fintech không còn con đường nào khác ngoài đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để thay đổi mô hình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ…
Bên cạnh đó, các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng – tài chính cũng cho rằng, để tận dụng triệt để những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần có khung pháp lý vững chắc, đầy đủ để thúc đẩy các ngân hàng chuyển đổi số, đảm bảo an ninh mạng để hệ thống vận hành thông suốt, bảo vệ bí mật thông tin khách hàng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Thắng cũng nhấn mạnh, trong quá trình chuyển đổi số, nếu khung pháp lý không đi trước một bước, không tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh thì sẽ dễ vi phạm pháp luật. Do đó, Nhà nước phải có chính sách cởi mở, phù hợp để giúp doanh nghiệp mạnh dạn chuyển đổi số, không vi phạm pháp luật.