Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường chiều 17/10 cho thấy, nhiều máy xúc đang hoạt động hết công suất để nạo vét bùn đất ở suối Trâm, khu vực đầu nguồn sông Đà bị nhiễm dầu thải. Khoảng 30 công nhân dùng xẻng xúc bùn đất vào bao tải đưa đến nơi tập kết. Gần 2km bị nhiễm dầu thải ở dòng suối Trâm đã gần như được nạo vét, dọn sạch lớp bùn đen và cỏ cây dính dầu hai bên bờ. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp giải quyết tình thế, chưa xử lý tận gốc được tình trạng ô nhiễm.
Do hoạt động dọn dẹp và nạo vét của công nhân và máy xúc nên dòng nước trở nên đục ngầu. Tình trạng này phải đợi trời mưa to mới có thể chấm dứt.
Được biết, công ty nước sạch Sông Đà đã thu gom được khoảng 100 lít dầu, nước dính dầu; 7 bao tải có dính dầu khoảng 60kg được lưu giữ trong kho chứa chất thải nguy hại của nhà máy; khoảng 3-4m3 cát dính dầu được chôn lấp tạm thời trong khuôn viên nhà máy, thành và đáy hố được lót bạt dứa, trên mặt phủ đất.
Dù vậy, theo Sở TN-MT tỉnh Hòa Bình, việc chôn lấp tạm thời cát lẫn dầu thải của Nhà máy nước sông Đà không đúng quy định; yêu cầu công ty khẩn trương thu gom; xử lý cát nhiễm dầu đã chôn lấp trong khuôn viên nhà máy.
Trước đó, UBND tỉnh Hòa Bình có công văn yêu cầu Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền, đơn vị có liên quan chủ động có biện pháp thực hiện khoanh vùng bảo vệ nguồn nước sạch để cung cấp cho Nhà máy nước sông Đà và cung cấp cho người dân TP. Hà Nội theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời giao Sở TN-MT, Công an tỉnh Hòa Bình tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm việc xả thải gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là khu vực bảo vệ nguồn nước sạch của Nhà máy nước sạch sông Đà.