Aa

Đồng bộ biển quảng cáo: Hà Nội đang ép doanh nghiệp sai luật?

Võ Duy Nghĩa
Võ Duy Nghĩa nhannghia.reatimes@gmail.com
Thứ Năm, 19/05/2016 - 23:02

Nguyễn Tuân | “Qua rồi cái thời cả xã hội đồng phục áo trắng quần xanh, Hà Nội nên phát huy những ưu điểm của tuyến phố, chính quyền hạn chế quyền của DN hẹp hơn quy định của Luật quảng...

Đồng bộ biển quảng cáo: Hà Nội đang ép doanh nghiệp sai luật?

Ảnh minh họa.

Dư luận Thủ đô Hà Nội mấy ngày gần đây không khỏi ngỡ ngàng khi bắt gặp hình ảnh toàn bộ các bảng, biển quảng cáo của các hộ dân, doanh nghiệp dọc tuyến phố Lê Trọng Tấn mới mở rộng đều được lắp đặt theo quy chuẩn "đồng phục".

Chính thức thông xe và đưa vào hoạt động kể từ ngày 07/05/2016. Đường Lê Trọng Tấn mở rộng có chiều dài 1.511m, điểm đầu giao với đường Tôn Thất Tùng, điểm cuối giao với tuyến đường phía đông sông Lừ, mặt cắt ngang từ 27 đến 30m, chiều rộng mặt đường 15m, gấp 3 so với con đường cũ. Toàn bộ vật liệu lát hè, bó vỉa, đan rãnh hai bên tuyến đường dùng đá tự nhiên. Hè phố chạy dọc tường rào quân đội rộng 7,5m được thiết kế những bồn trồng hoa đẹp mắt.

Điểm nhấn đáng chú ý là toàn bộ các bảng, biển quảng cáo của các hộ dân, doanh nghiệp dọc tuyến phố đều được lắp đặt theo quy chuẩn do chính quyền quy định. Đó là cùng một kích thước và chỉ có hai màu đỏ và xanh da trời.

Ngoài ra, dọc con phố còn được lắp camera an ninh kết nối trực tiếp với công an phường. Đường Lê Trọng Tấn được coi là đường đô thị kiểu mẫu đầu tiên của thành phố được sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Mô hình xây dựng con đường này sẽ được nhân rộng nhằm đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị, đồng bộ trên các tuyến phố.

Ngay khi đưa vào sử dụng, nhiều người tỏ ra thích thú với vẻ ngoài ngăn nắp, trật tự của con phố, nó mang một diện mạo khác hẳn với vẻ nhếch nhác của nhiều tuyến phố ở Hà Nội hay các đô thị lớn.

Tuy nhiên, có không ít những ý kiến không đồng tình quy định “đồng phục” cho biển quảng cáo.

Trao đổi với PV, PGS – TS. Võ Trí Hảo, Phó Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng ý tưởng của UBND thành phố Hà Nội là rất tốt và đáng hoan nghênh, nhưng việc không hiểu rõ pháp luật dân sự đã dẫn đến việc vi phạm các quy định về Luật Sở hữu trí tuệ đối với nhận diện thương hiệu (trade mark), logo của doanh nghiệp.

Cụ thể, Điều 72, Luật Sở hữu trí tuệ quy định: Điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ Nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện như: Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc.

Như vậy, màu sắc đã là một thành tố của nhãn hiệu, việc quy định biển quảng cáo chỉ sử dụng hai màu xanh đỏ chắc chắn sẽ buộc các doanh nghiệp như Cà phê Trung Nguyên, Vietcombank, Cà phê Passio, hay Thế giới Di động… nếu muốn treo biển quảng cáo tại tuyến đường này không thể giữ màu sắc thương hiệu đã đăng ký nhãn hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ. Nếu tuân thủ quy định 2 màu của Hà Nội, họ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính khi logo, biển quảng cáo dùng màu mới không giống như trong đăng ký với Cục sở hữu trí tuệ, với Sở Thông tin Truyền thông.

“Nói cách khác, quy định này đã đẩy doanh nghiệp vào tình trạng buộc vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ, hoặc doanh nghiệp bị cưỡng bức thay đổi trade mark khi muốn in đúng logo, nhận diện thương hiệu khi muốn treo biển quảng cáo kinh doanh trên phố Lê Trọng Tấn,” PGS-TS. Võ Trí Hảo nói.

Theo ông Võ Trí Hảo, không chỉ vi phạm về sở hữu trí tuệ, quy định này của Hà Nội còn vi phạm quyền tự do kinh doanh và quyền sở hữu của doanh nghiệp đối với nhãn hiệu.

“Đã qua rồi cái thời cả xã hội mặc đồng phục áo trắng quần xanh, Hà Nội nên phát huy những ưu điểm của tuyến phố này như vỉa hè rộng rãi, chính quyền hạn chế quyền của DN hẹp hơn quy định của Luật quảng cáo là không nên,” PGS-TS. Võ Trí Hảo nói.

 

Theo Infonet

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top