Kiến tạo giá trị đẳng cấp và khác biệt
Trao đổi với Reatimes, PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, suốt một thời gian dài vừa qua, chúng ta thiếu định hướng chiến lược phát triển du lịch hướng tới đẳng cấp cao một cách rõ rệt. Việc duy trì mô thức phát triển du lịch định hướng “sản lượng khách” quá lâu, kéo theo nhiều hệ lụy phát triển khác.
Ngoài ra, chúng ta chưa nhận thức đầy đủ thế mạnh của du lịch Việt Nam như một tổng thể liên kết thương hiệu để định vị Việt Nam là một địa chỉ du lịch khác biệt và đẳng cấp. Phát triển du lịch diễn ra theo lối truyền thống “mạnh ai nấy làm”, cạnh tranh “gà nhà”, “ăn xổi” và “cùng xuống đáy”. Phân tán, manh mún, địa phương chủ nghĩa nên tranh chấp lợi ích, kiềm chế nhau ở tất cả các cấp độ…
“Để thực hiện một Chiến lược phát triển du lịch ở Việt Nam thì yếu tố tài nguyên là rất cơ bản. Ta có tài nguyên du lịch tốt, có thể nói rất tốt. Nhưng đây là nguồn lực có hạn, và cũng chỉ mới bảo đảm điều kiện "cần". Bao nhiêu năm vẫn tài nguyên đó nhưng du lịch của ta có phát triển được đâu. Cho nên, cần có thêm các nguồn lực "động", có thêm động lực. Và định hướng phát triển du lịch phải khác, phải hướng tới hai tiêu chuẩn, một là đẳng cấp, hai là sự khác biệt.
Tôi cho rằng BĐS du lịch, nghỉ dưỡng là một trục rất quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khi phân khúc này tạo ra đẳng cấp và khác biệt cho du lịch Việt Nam”, PGS. TS. Trần Đình Thiên nhận định.
Thông thường, các nhà đầu tư sẽ lựa chọn những nơi có địa thế đẹp, giàu tài nguyên thiên nhiên, gần hoặc thuộc vùng di sản để phát triển các sản phẩm BĐS du lịch, nghỉ dưỡng. Đây cũng được coi là điều kiện tiền đề để tạo ra các sản phẩm đẳng cấp. Theo các chuyên gia kinh tế, việc phát triển này là xu hướng tất yếu. Nếu vẫn giữ nguyên tư duy bảo tồn là "đóng cửa để đấy", manh mún và tạm bợ thì Việt Nam thật khó có được những sản phẩm du lịch đẳng cấp thế giới.
Ngay trong câu chuyện Sơn Trà, KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng: Để “báu vật” này trở thành lợi thế cho TP. Đà Nẵng tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội thì việc cấp phép đầu tư cho các dự án làm du lịch là cần thiết. Nhất là đối với các dự án du lịch sinh thái thì cần được khuyến khích và ưu đãi. Chúng ta có thể phát triển Sơn Trà nhưng không thể chấp nhận các dự án xâm hại thô bạo đến thiên nhiên, môi trường.
Ông Nguyễn Tấn Vạn cho biết thêm, kinh nghiệm xây dựng các khu du lịch sinh thái hài hoà với cảnh quan, thân thiện với môi trường cũng có rất nhiều ở nước ta. Nhiều nhà đầu tư thông minh đã chọn hình thức kiến trúc xây dựng "ẩn vào trong không gian rừng"; đầu tư xây dựng tại khu vực vùng lõm; mở các tuyến đường nhỏ thân thiện môi trường, hạn chế các trục giao thông cơ giới...
Bằng chứng là nhờ những tư duy đột phá và cách làm có trách nhiệm của chủ đầu tư khi áp dụng phương châm nhiều nước trên thế giới vẫn làm là “không chặt một cây, không san một chỗ”, Việt Nam đã có những thương hiệu nổi danh thế giới như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort. Dự án này vừa lần thứ 4 liên tiếp được World Travel Awards khu vực Châu Á và Châu Đại Dương vinh danh với 4 hạng mục giải thưởng cao quý bậc nhất trong ngành du lịch khách sạn gồm: Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất khu vực Châu Á 2017; Khu nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam 2017; Nhà hàng sang trọng nhất khu vực Châu Á 2017; Khu Villa sang trọng nhất khu vực Châu Á 2017.
“Phải có một quy hoạch tổng thể để hạn chế, giảm thiểu xung đột lợi ích, tăng cường sức mạnh liên kết, phối hợp"
Trên thực tế, để phát triển BĐS du lịch, nghỉ dưỡng ở những vùng đặc thù chắc chắn sẽ gặp những trở ngại nhất định. Khi phát triển chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến bảo tồn. Đây là cả một nghệ thuật xử lý trong từng tình huống.
“Tôi cho rằng, chúng ta nên học các nước đi trước xem họ bảo tồn và phát triển như thế nào. Ở Nhật Bản, những gì thật sự là báu vật quốc gia đáng bảo tồn như những ngôi chùa phật thì họ làm rất cẩn thận. Họ có quy hoạch đàng hoàng và có tầm nhìn xa, hướng tới đánh thức tự hào xã hội, tự hào dân tộc cho di sản đó để mọi người cùng chung sức vào bảo tồn, phát triển”, PGS. TS. Trần Đình Thiên nói.
Cũng theo nhận định của Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trường hợp bảo tồn và phát triển Sơn Trà chắc chắn là có xung đột nhưng có vẻ như, tranh luận này dựa trên nền tảng khác biệt là lợi ích nhóm. Mà lợi ích nhóm thì bên nào cũng bám vào đấy. Bên phát triển thì phá vỡ bảo tồn. Bên nào muốn giữ truyền thống cho tương lai thì tránh phát triển. Lập trường ở đây là quan hệ lợi ích đó phải xử lý theo hướng nào?
Chúng ta có thể phát triển nhưng phải bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Phải biết bảo vệ nhưng phải biết hưởng thụ vì mục đích cho mọi người, chứ không phải cứ cảnh quan thiên nhiên là cấm không được xây dựng, là giữ yên. KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam.
PGS. TS. Trần Đình Thiên cho rằng: “Các vấn đề phát triển nên được đưa ra tranh luận xã hội một cách công khai, minh bạch cho rõ ràng thì tốt hơn. Ở nước ta, ít có tranh luận xã hội. Trước đây, trường hợp Đồi Vọng Cảnh (Thừa Thiên - Huế) được đưa ra tranh luận, báo chí làm thì lập tức các chuyên gia, nhà khoa học sẽ lên tiếng và có được một kết luận.
Tôi muốn nói thêm một điểm rất quan trọng. Bảo tồn thường gắn với hai thứ, một là tài nguyên thiên nhiên, hai là những di sản lịch sử, văn hóa. Có một công cụ rất tốt để chúng ta can dự vào bảo tồn mà vẫn phát triển được, đó là công nghệ cao. Cần phải đặc biệt chú trọng điều này và nếu chúng ta coi nó là vô giá thì việc sử dụng công nghệ cao để mà bảo tồn thì phải mạnh dạn chứ nếu không, nhiều khi rụt rè, sợ tốn kém quá mức sẽ không thể làm được".
Một giải pháp khác để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển được PGS. TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh: “Phải có một quy hoạch tổng thể với độ hợp lý và đúng đắn tối ưu được bảo đảm để hạn chế, giảm thiểu xung đột lợi ích; tăng cường sức mạnh liên kết, phối hợp. Tức là quy hoạch đó phải được thiết lập rất tốt và phải được bảo vệ, thực thi một cách nghiêm túc, đừng để lợi ích nhóm chi phối.
Khi bản quy hoạch đã nhận được sự đóng góp và công nhận của xã hội thì bản thân Nhà nước và xã hội phải bảo vệ quy hoạch đó. Nếu không, để lợi ích nhóm can dự vào lại giống như thời kỳ vừa rồi, quy hoạch thường xuyên bị phá vỡ bởi những dự án đầu tư khổng lồ nhưng nhằm mục tiêu phục vụ chủ yếu một vài nhóm lợi ích lớn có sức mạnh thao túng thì không nên.
Đừng có lấy danh nghĩa là vốn đầu tư khan hiếm, phải triển khai khi có cơ hội để phải chấp nhận các điều kiện "gây áp lực" của nhà đầu tư. Việc đó sẽ gây tổn hại cho lợi ích chung lâu dài, không thể chấp nhận được. Đây là nguyên tắc cơ bản của việc huy động nguồn lực cho phát triển”./.