Aa

"Giữ khư khư" để bảo tồn, những mỹ từ về du lịch Việt Nam sẽ chỉ nằm trên giấy?

Mai Dương
Mai Dương dohongvan115@gmail.com
Thứ Năm, 01/06/2017 - 06:00

Theo các chuyên gia, việc phát triển BĐS du lịch - nghỉ dưỡng ở những nơi được xem là "vùng cấm", vùng phải bảo tồn là xu hướng tất yếu. Nếu vẫn giữ nguyên tư duy bảo tồn là "đóng cửa để đấy", du lịch theo kiểu "lều chõng" thì Việt Nam không khác gì 200 năm hay 1000 năm trước.

Ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Với mục tiêu này, cả nước đang hứng khởi bắt tay vào thực hiện chương trình hành động, biến những mỹ từ đẹp của ngành du lịch thành giấc mơ có thật.

Việt Nam có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, nhiều khu rừng nguyên sinh với thảm thực vật phong phú, cùng bờ biển trải dài hơn 3000km. Lợi thế là vậy nhưng ứng xử thế nào với những tài nguyên thiên nhiên vô giá, làm gì để biến những giá trị vô hình thành hữu hình? Trong khi BĐS du lịch - nghỉ dưỡng đang được coi là điểm sáng, là đòn bẩy tạo đà cho du lịch tăng trưởng thì câu chuyện phát triển và bảo tồn ở những “vùng cấm”, những nơi vốn được xem là “bất khả xâm phạm”, cần phải bảo tồn trở thành vấn đề nóng.

“Nàng công chúa không thể cứ ngủ để hoàng tử đi cày cuốc”

Theo PGS.TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nếu không khai thác cái đặc thù của vùng thì sẽ không thể nào tạo ra tính riêng có của sản phẩm du lịch. Việc khai thác những lợi thế tự nhiên là điều tất yếu, bởi nếu cứ du lịch theo kiểu “lều chõng” thì hiện tại sẽ khác gì với 200 năm hay 1000 năm trước?

PGS. TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

PGS. TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

“Nếu muốn tạo ra giá trị thì không thể khai thác theo kiểu nàng công chúa cứ ngủ còn hoàng tử cứ đi cày cuốc” - PGS.TS Trần Kim Chung nói về mối tương quan giữa bảo tồn di sản, tài nguyên thiên nhiên và phát triển BĐS du lịch – nghỉ dưỡng.

Trước những mục tiêu lớn lao và cả áp lực "đè nặng" lên ngành du lịch thì câu chuyên bảo tồn và phát triển cần phải được nhìn nhận dưới góc nhìn mới. Bảo tồn không phải là đóng cửa để đấy.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, cho rằng, phát triển du lịch, đặc biệt phát triển BĐS du lịch – nghỉ dưỡng ở những vùng đặc thù là việc đương nhiên phải làm. Việt Nam đang trong giai đoạn "bùng nổ" du lịch với tốc độ tăng trưởng cao, vì thế cần tư duy cởi mở và đột phá. Nếu không tạo điều kiện, chính sách, cơ chế để phát triển thì tức là đi ngược xu thế. 

Ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội

Ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội

Ông Điệp lấy dẫn chứng: “Rõ ràng, việc được đặt chân đến Sơn Đoòng là ước mơ của hàng triệu người, vì sao lại “ngăn cản” ước mơ đó. Theo tôi, việc làm một hệ thống cáp treo đến Sơn Đoòng sẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến khu vực ấy, ngược lại, giúp cho nhiều người đến được với Sơn Đoòng hơn. Nếu chúng ta cứ giữ nguyên như hiện tại, một năm sẽ có bao nhiêu người có thể đến được đây, nơi này sẽ tạo ra được giá trị gì cho người dân và cho chính địa phương này?”.

Theo ông Điệp, việc “giữ khư khư” một kỳ quan thiên nhiên như Sơn Đoòng không khác gì đóng cánh cửa phát triển du lịch và kinh tế của Quảng Bình.

Nhìn lại câu chuyện phát triển BĐS du lịch - nghỉ dưỡng ở Việt Nam, có những dự án khi xây dựng gây ra nhiều tranh cãi, nhưng thời gian chính là câu trả lời tốt nhất cho những giá trị mà nó đem lại.

Câu chuyện làm cáp treo lên Fansipan là một ví dụ điển hình. Khi hệ thống cáp treo ba dây “dài nhất, cao nhất, phức tạp nhất thế giới” này được xây dựng, không ít ý kiến cho rằng, dự án phá hỏng sự kỳ vĩ của Fansipan, những người thích chinh phục và đủ sức khoẻ thì đưa ra quan điểm, việc lên được "nóc nhà Đông Dương" là phần thưởng chỉ dành cho những người dám mạo hiểm và đủ bản lĩnh, thể lực.

Khi dự án hoàn thành đã được khách du lịch đón nhận nồng nhiệt. Giấc mơ được đặt chân đến nóc nhà Đông Dương thu lại gần hơn với nhiều người. Nhìn những em nhỏ, những phụ nữ “chân yếu tay mềm”, những người trung tuổi hạnh phúc cầm trên tay lá cờ đỏ sao vàng, cười rạng rỡ trong lớp sương mờ giữa núi non trùng điệp đủ để thấy giá trị mà dự án này đem lại. Du khách nườm nượp kéo nhau lên Sapa để đến Fansipan. Và điều đó trở thành chất xúc tác cho Sapa đang “thay da đổi thịt”.

Lửa thử vàng, gian nan thử uy tín nhà đầu tư

Nhìn nhận khách quan, để phát triển BĐS du lịch – nghỉ dưỡng ở những vùng đặc thù chắc chắn sẽ phải có sự hy sinh, đánh đổi. Điều quan trọng là các nhà quản lý đặt lên bàn cân để so sánh cái được và cái mất.

Phân tích về vấn đề này, PGS.TS Trần Kim Chung nhìn nhận: “Cái được đầu tiên và trực tiếp nhất chính là đem đến sản phẩm du lịch cho xã hội văn minh. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho nhiều người được đến với các danh lam thắng cảnh, các vùng di sản hơn. Thay vì trước đây đến Nha Trang, người ta chỉ có thể tắm biển Trần Phú, thì nay nói đến Nha Trang là nói đến Vinpearl. Hay Nhơn Hội trước đây chỉ là vùng cát bay thì nay đến đây đã có thể nghỉ dưỡng ở một khu resort sang trọng. Nếu giờ đi du lịch, đến một nơi vẫn còn lo muỗi dĩn, vẫn còn lo thiếu chỗ ăn ở thì còn ai dám đến nữa”.

Vinpeal trở thành một thương hiệu của Nha Trang

Vinpearl trở thành một thương hiệu của Nha Trang

Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, cái được thứ hai trong phát triển BĐS du lịch - nghỉ dưỡng ở những vùng đặc thù là tác động đến kinh tế - xã hội địa phương, tạo ra sự lan toả và kích thích phát triển. Dẫn chứng tiêu biểu là Bà Nà Hill. Xét trên góc độ kinh tế, dự án này được đánh giá là rất tốt vì góp phần cân bằng kinh tế biển cho Đà Nẵng. Thay vì nhắc đến địa phương này, người ta chỉ nhắc đến biển thì nay còn nổi tiếng với núi. Bà Nà Hill trở thành điểm du lịch không thể thiếu trong hành trình đến với Đà Nẵng. Và rõ ràng, hàng loạt khách sạn, resort được xây dựng ở Đà Nẵng nhưng vẫn tiêu thụ hết, chứng tỏ nó cũng tạo ra sự lan toả. Cũng theo ông Chung chiến lược phát triển kinh tế biển là vô cùng quan trọng.

Cái được tiếp theo, chuyên gia này phân tích chính là tạo ra hình ảnh một Việt Nam đẹp hơn, lung linh hơn trên bản đồ thế giới.

“Ngày xưa, nói đến Bali hay Pattaya, người ta thấy ngưỡng mộ vì nó đẹp vô cùng, xa hoa vô cùng. Nhưng nếu bây giờ nhìn từ trên cao xuống, các resort của Việt Nam đâu kém gì so với thế giới. Ngay như dọc bờ biển Đà Nẵng, nếu những nơi này hoạt động được hết công suất, sẽ thu được một lượng tiền khổng lồ”.

Tuy nhiên PGS. TS Trần Kim Chung cũng cảnh báo, cái mất lớn nhất trong việc phát triển BĐS Du lịch – nghỉ dưỡng ở những vùng đặc thù là, nếu không khai thác cẩn thận, nhà đầu tư sẽ phá huỷ vốn tự nhiên, tính riêng có của nơi này.

“Nếu khai thác mà để mất đi tính đặc hữu, mất đi hệ cân bằng sinh thái thì coi như mất hết. Bởi khi đó, khu du lịch này cũng không còn phát huy được giá trị của mình”.

Chính vì thế theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, câu chuyện quy hoạch và xây dựng BĐS Du lịch – nghỉ dưỡng ở những vùng đặc thù vô cùng quan trọng. Phát triển BĐS ở đây không phải là “cạo trọc” đi để xây dựng lại một thứ hoàn toàn mới, cái tài của người xây dựng là phải phát triển nương theo tự nhiên. 

“Làm BĐS du lịch nghỉ dưỡng ở vùng đặc thù, không có nghĩa anh đem cuốc, xẻng đến san bằng tất cả, rồi khu resort nào cũng giống nhau với vài cây cau, vài cây dừa. Nếu làm thế, chính là anh đang chôn vùi cái đặc thù, cái vốn quý của địa phương này. Chúng ta không bảo tồn theo kiểu "đóng cửa" nhưng khi phát triển, phải dựa vào đó, nương theo nó để làm.

Đầu tiên phải tránh xa vùng lõi. Sau đó phải bảo tồn, duy tu, duy trì được tính đặc hữu của khu vực. Khai thác nhưng không làm thay đổi về chất. Nói đến Cát Bà, người ta vẫn thấy rừng nguyên sinh, đến voọc; nói đến Vịnh Hạ Long người ta vẫn còn thấy một Bãi Cháy chứ không còn chỉ là “cái ao nước". Những dự án nào phát triển nhưng vẫn giữ nguyên được hiện trạng mới là dự án thành công. Và đó mới là cái làm nên tên tuổi, thương hiệu của nhà phát triển BĐS”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top