Theo báo cáo của Công ty CP Thủy điện miền Trung - chủ đầu tư thủy điện A Lưới gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công thương); UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và các cơ quan liên quan, khoảng 8h40 ngày 1/1/2021 nhà máy thủy điện A Lưới đang vận phát điện với công suất 20MW (2 tổ máy, mỗi tổ 10MW) thì xuất hiện sự cố “xuất lộ nước” từ đường hầm tại cơ 177 trên mái chính diện nhà máy, nước chảy tràn xuống nhà máy làm ngập sân nhà máy khoảng 30cm, kéo theo bùn đất và đá (nước chưa tràn vào các sàn của nhà máy). Lưu lượng nước xuất lộ ra tại cơ 177 khoảng 9m3/s.
Ngay khi phát hiện sự cố, nhà máy đã thông báo đến điều độ, thực hiện dừng máy và cắt điện khẩn cấp. Nhà máy thủy điện A Lưới đã điều động đội xung kích, máy móc thiết bị tại nhà máy xử lý ngăn không để nước chảy vào các sàn và tổ máy, giảm thải tối đa thiệt hại; cảnh báo không cho người và phương tiện đến gần vị trí sự cố; thông báo đến tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công đến hiện trường kiểm tra để đưa ra giải pháp xử lý khi điều kiện kiểm tra hầm cho phép…
Qua kiểm tra đường hầm lót thép khu vực nhà máy, phát hiện vết nứt khoảng 3/4 chu vi đường ống tại vị trí hàn nối ống (đường kính ống 3,2m), khoảng hở lớn nhất giữa hai đốt hầm khoảng 20mm. Các vị trí đã xử lý năm 2018 không có gì bất thường. Phần đường hầm có bê tông áo và không áo không có gì bất thường.
Liên quan đến 60 trận động đất?
Theo báo cáo của chủ đầu tư thủy điện A Lưới, sự cố nói trên không gây thiệt hại về người, nhưng gây sạt một vài khu vực ở mái chính diện nhà máy và tụ thủy bờ phải. Cùng với đó, hiện công trình cũng phải tạm dừng phát điện. Dự kiến đóng điện đường dây và máy biến áp trước 10/01/2021, phát điện tháng 2/2021. Sự cố rò nước ở công trình thủy điện này cũng đã khiến hàng chục hộ dân sống gần công trình bỏ chạy vì lo lắng, nhưng không lâu sau đó đã quay trở lại nhà.
Hiện Công ty CP Thủy điện miền Trung đang phối hợp với tư vấn và các nhà thầu thi công để xác định nguyên nhân của sự cố. Qua đó ban đầu nhận định đoạn hầm áp lực dưới từ chân giếng đứng 2 đến nhà máy đi qua vùng phân bố đá granitdiorit phức hệ Quế Sơn và đá cát bột kết, đá phiến sét hệ tầng Long Đại. Các vị trí bị sự cố đều nằm trong vùng phân bố đá phiến sét hệ tầng Long Đại. Tại vị trí km11+331,8 nằm cách đứt gãy bậc 4 về phía hạ lưu là 41m và cách đứt gãy bậc 5 về phía thượng lưu là 25m.
Trong quá trình vận hành từ năm 2012 đến nay, trong khu vực công trình đã ghi nhận được hơn 60 lần rung chấn và động đất, trong đó, trận động lớn nhất vào ngày 15/5/2014 có cường độ 4,7 độ richter, tâm chấn cách nhà máy 4,9km về hướng Bắc - Đông Bắc, tọa độ tâm chấn 16,32 độ vĩ Bắc, 107,37 độ kinh Đông. Gần đây nhất xuất hiện trận rung chấn vào ngày 25/12/2020. Ngoài ra, tại khu vực này ghi nhận có sự dịch chuyển của các khối đất đá do nhiều lần rung chấn này có ảnh hưởng đến sự ổn định của liên kết hàn đường ống áp lực.
Ngay sau sự cố nói trên, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức theo dõi sát diễn biến, khảo sát đánh giá nguyên nhân để xây dựng kế hoạch khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn; rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du, đặc biệt trong trường hợp xảy ra mưa lũ bất thường; tổ chức trực ban nghiêm túc, tổng hợp kết quả đánh giá, kế hoạch xử lý sự cố báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.