Aa

"Đóng góp của doanh nghiệp với phát triển đất nước chưa xứng với tiềm năng"

Thứ Hai, 23/12/2019 - 15:00

Báo cáo Thủ tướng tại Hội nghị "Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững" sáng 23/12, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khái quát nhiều điểm sáng quan trọng của khu vực doanh nghiệp thời gian qua.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp - Ảnh: Quang Phúc.

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hạn chế

Tinh thần khởi khiệp kinh doanh ngày càng mạnh mẽ, số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao trong 5 năm qua, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên khoảng 760 nghìn doanh nghiệp.

Niềm tin, kỳ vọng của các doanh nghiệp và nhà đầu tư đã có mức tăng đáng kể, trong đó, 76% tổng số doanh nghiệp có kế hoạch tăng đầu tư, mở rộng thị trường trong năm 2020, 49% lãnh đạo doanh nghiệp APEC tại Việt Nam bày tỏ "rất lạc quan" về tăng trưởng doanh thu, cao hơn mức trung bình trong khối APEC là 34%.

Trong những năm gần đây, tỷ trọng doanh nghiệp quy mô vừa tăng từ 2,5% lên 3,5% tổng số doanh nghiệp, tỷ trọng nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ giảm từ 70% xuống 63%. Điều này cho thấy, vị thế và tiềm lực kinh tế của các doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện đáng kể; đã xuất hiện một số tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân có quy mô, tiềm lực lớn.

Chỉ số mức độ năng động trong kinh doanh là một trong ba trụ cột có cải tiến lớn nhất, năm 2019 tăng 12 bậc về thứ hạng so với năm 2018; chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 3 bậc so với năm 2018 và tăng 17 bậc so với năm 2016, lên vị trí 42 và đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, chỉ sau Singapore và Malaysia.

"Tuy nhiên, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, sự phát triển và đóng góp của doanh nghiệp đối với sự nghiệp phát triển đất nước là chưa tương xứng với tiềm năng, doanh nghiệp vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, nhất là các điểm nghẽn trong phát triển. Tất cả cần phải được tập trung làm rõ các nguyên nhân, xây dựng và thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp cũng phải trăn trở cùng Chính phủ

Từ thực tiễn đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất gợi mở chính sách, định hướng để giải quyết các vấn đề căn cơ.

Thứ nhất, cần có cơ chế chính sách tập trung phát triển doanh nghiệp nhằm hình thành lực lượng doanh nghiệp có quy lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia. Các doanh nghiệp lớn này cần có một sợi dây, một cơ chế liên kết lại với nhau để tạo ra sức mạnh tổng hợp; trở thành cơ chế đóng góp và xây dựng chính sách; đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia các sân chơi lớn tầm quốc tế.

Chính lực lượng doanh nghiệp này sẽ đóng vai trò đầu tầu dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia và các mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng, đưa doanh nghiệp Việt Nam lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ hai, cần đẩy mạnh cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến chế tạo là trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc cách mạnh lần thứ 4 để tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng bền vững, sáng tạo.

Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề giỏi, kiến thức chuyên môn sâu, trình độ quốc tế và kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp. Cần tiếp tục tận dụng nhiều hơn nữa mạng lưới tri thức cao người Việt trong và ngoài nước, đang sống và làm việc ở rất nhiều nước phát triển trên thế giới, tạo thành cơ chế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều cấp bậc.

Thứ tư, cần tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là việc đảm bảo quyền đối với nhà đầu tư cần tiếp tục được tăng cường để ngày càng khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh, không hình sự hóa các hoạt động kinh tế nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Và cuối cùng, chính cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; chuẩn hóa sản xuất kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của các thị trường quốc tế.

"Các doanh nghiệp cũng cần có những suy nghĩ trăn trở cùng với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tìm các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước, vươn ra thị trường thế giới, tạo lập và khẳng định thương hiệu của chính doanh nghiệp, từ đó, xây dựng thương hiệu quốc gia", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top