Aa

Động lực tăng trưởng tín dụng đến từ đâu?

Chủ Nhật, 27/06/2021 - 07:00

Diễn biến dịch bệnh phức tạp dẫn đến giãn cách xã hội tại một số địa phương năng động về kinh tế cũng góp phần làm nhu cầu vay vốn suy yếu hơn so với trước, khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng đang chậm lại đáng kể.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng đang chậm lại

Tuy chịu không ít tác động từ đợt dịch bùng phát lần thứ tư kéo dài từ cuối tháng 4 cho đến nay, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng trong tháng 5 và nửa đầu tháng 6 vẫn duy trì xu hướng đi lên. Cụ thể, các số liệu công bố cho thấy nếu thời điểm cuối tháng 4 tăng trưởng tín dụng so với đầu năm đạt 4,14%, thì đến ngày 21/5 đạt 4,67%, đến cuối tháng 5 là 4,9% và cập nhật gần nhất đến 15/6 là 5,1%.

Một số ngân hàng tuyên bố đã sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao cho năm nay, nên đang đề xuất được nới rộng hạn mức. Tuy nhiên, việc mục tiêu tăng trưởng tín dụng sớm chạm ngưỡng một phần là vì hạn mức năm nay NHNN giao cho các ngân hàng khá khiêm tốn, không chỉ cách xa con số đã thực hiện trong năm 2020 mà cũng nhỏ hơn từ 1 - 2% so với kế hoạch giao đầu năm 2020. Và cho đến thời điểm hiện tại, NHNN vẫn chưa có thông tin điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.

Cho đến giữa tháng 5/2021, các khoản cho vay dài hạn tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng tín dụng, đạt mức tăng 4,68% so với mức tăng 4,32% của cùng kỳ năm trước, cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn dựa phần lớn vào việc cho vay liên quan đến bất động sản.

Trong khi có ý kiến cho rằng tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn cuối tháng 5, đầu tháng 6 chậm lại do một số ngân hàng đã chạm trần tăng trưởng tín dụng được NHNN giao nên phải kiểm soát giải ngân chặt chẽ hơn, không thể phủ nhận rằng diễn biến dịch bệnh phức tạp dẫn đến giãn cách xã hội tại một số địa phương năng động về kinh tế cũng góp phần làm nhu cầu vay vốn suy yếu hơn so với trước, khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng đang chậm lại đáng kể.

Tín dụng bất động sản 2021

Dựa trên các số liệu được công bố, chi tiết hóa ra cho thấy, nếu như trong mức tăng 4,14% của bốn tháng đầu năm nay, riêng từ ngày 19/3 đến cuối tháng 4 (tổng số 42 ngày) đã đóng góp mức tăng 2,67%, tương đương với mức dư nợ tuyệt đối tăng thêm hơn 245.000 tỷ đồng, thì tính từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 6 (tổng số 46 ngày), dư nợ tín dụng chỉ tăng thêm 0,96%, tương ứng với số tăng thêm tuyệt đối là hơn 88.000 tỷ đồng, chỉ bằng 36% của giai đoạn trước đó. Trong khi đó, về cơ bản, hoạt động cho vay thường nhanh hơn từ đầu quý 2 sau khi đã trì trệ trong quý đầu năm, đặc biệt là luôn tăng tốc trong tháng 6 trước thời điểm sơ kết nửa đầu năm.

Thực tế diễn biến này có lẽ cũng nằm trong dự kiến của nhà điều hành. Được biết NHNN đã xây dựng ba kịch bản tăng trưởng tín dụng cho năm 2021. Ở kịch bản 1, nếu việc tiêm chủng vaccin ngừa Covid-19 được tổ chức đại trà và dịch Covid-19 được khống chế, tín dụng sẽ tăng 12 - 13%, có thể đạt 14%. Kịch bản 2, dịch kéo dài đến hết tháng 6, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được thực hiện, thời gian tiêm vaccin kéo dài, tín dụng có thể tăng từ 10 - 12%. Kịch bản 3, dịch kéo dài đến hết năm, mức tăng của  tín dụng còn khoảng 7 - 8%.

Với tình hình hiện nay, kịch bản 1 dù là kỳ vọng lớn nhất của nhà điều hành nhưng sẽ khó có thể xảy ra, nhất là khi nguồn cung vaccine vẫn bị hạn chế. Kịch bản 2 có xác suất thấp khi tình hình dịch đang cho thấy khó kết thúc trước cuối tháng 6 này. Trong khi kịch bản còn lại, dù không mong muốn xảy ra, nhưng có vẻ như diễn biến đang đi theo hướng đó.

Không có nhiều động lực

Dòng vốn vẫn có xu hướng chảy vào các kênh đầu tư và thị trường tài sản, đang gây ra những lo ngại về bất ổn trong tương lai.

Dù vậy, xu hướng tín dụng duy trì tăng trưởng dương cũng được đánh giá là tích cực hơn so với cùng kỳ, nhất là khi quy mô của đợt bùng phát dịch lần thứ tư này nghiêm trọng hơn so với đầu năm 2020. Nhưng có thể động lực tăng trưởng tín dụng hiện nay cũng như nửa cuối năm nay sẽ không còn quá mạnh mẽ như kỳ vọng đặt ra hồi đầu năm.

Trong khi nhà điều hành luôn muốn nắn dòng vốn chảy vào khu vực sản xuất trong nền kinh tế thực, yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế, và thực tế là các ngân hàng từ đầu năm đến nay đã tung ra hàng loạt chương trình cho vay ưu đãi nhắm vào phân khúc khách hàng doanh nghiệp, nhưng kết quả có lẽ chưa đạt như kỳ vọng khi không còn nhiều doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện đặt ra. Ngoài ra, nhu cầu vay vốn của chính các doanh nghiệp cũng chậm lại do nền kinh tế bị ảnh hưởng trở lại bởi dịch bệnh.

Thay vào đó, dòng vốn vẫn có xu hướng chảy vào các kênh đầu tư và thị trường tài sản, đang gây ra những lo ngại về bất ổn trong tương lai. Theo chia sẻ của Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú gần đây, trong bốn tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng bất động sản là khoảng 4,83%, cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế là 4,14%, theo đó tỷ trọng tín dụng bất động sản cũng tăng lên 19,71%, tương ứng 1,887 triệu tỉ đồng. Đáng lưu ý là dòng vốn đang có xu hướng đổ vào các dự án nghỉ dưỡng cao cấp, dự án mang tính chất đầu cơ của các đại gia, khu du lịch bất động sản lớn.

Theo Phó thống đốc NHNN, một số ngân hàng có hiện tượng tăng tín dụng vào bất động sản rất cao và cuối tháng 4/2021, NHNN đã phải “chỉ mặt, vạch tên” những ngân hàng cho vay bất động sản quá lớn, yêu cầu dừng ngay, thậm chí có biện pháp cưỡng chế...

Trong khi đó, báo cáo từ Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng chỉ ra hạn mức tăng trưởng tín dụng ở một số ngân hàng cổ phần tư nhân đã đạt mức trần ngay sau khi kết thúc quí 1-2021, một phần là do dư nợ lĩnh vực bất động sản tăng nhỉnh hơn mức tăng chung. Cho đến giữa tháng 5-2021, các khoản cho vay dài hạn tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng tín dụng, đạt mức tăng 4,68% so với mức tăng 4,32% của cùng kỳ năm trước, cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn dựa phần lớn vào việc cho vay liên quan đến bất động sản.

Trước tình hình này, nhà điều hành có lẽ sẽ tăng cường thêm giải pháp kiểm soát chặt dòng tín dụng rót vào thị trường bất động sản, tránh để phân khúc này tăng trưởng nóng có thể gây ra những hệ lụy về lâu dài, như đã từng diễn ra trong giai đoạn 2007 - 2012 mà cho đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc van tín dụng cho bất động sản sẽ bị thắt lại, khiến hoạt động cho vay của các ngân hàng sẽ khó khăn hơn.

Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng trong tháng 5 có thể còn đến từ hoạt động tái cơ cấu nợ của các ngân hàng, khi mà Thông tư 03/2021/TT-NHNN cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ… do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được ban hành vào đầu tháng 4, có hiệu lực thi hành từ ngày 17/5/2021. Theo đó, do Thông tư 01/2020/TT-NHNN (mà Thông tư 03 nói trên vừa sửa đổi, bổ sung) hết hạn từ cuối năm 2020 nên các ngân hàng đã phải ngừng lại việc tái cơ cấu nợ cho khách hàng đáp ứng điều kiện trong bốn tháng đầu năm nay. Việc tái cơ cấu nợ được cho là đã được tập trung thực hiện sau khi Thông tư 03 có hiệu lực để bù lại.

Tuy nhiên, theo số liệu từ NHNN, tính đến ngày 31/5, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng. Con số này thấp hơn mức 357.000 tỷ đồng với 262.000 khách hàng cập nhật đến ngày 5/4/2021, cho thấy hoạt động tái cơ cấu nợ vẫn không có gì đột biến.

Dù vậy, điều này không có nghĩa là số dư nợ tái cơ cấu sẽ không thể tiếp tục tăng lên, nhất là khi nhìn vào số lượng doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng trở lại bởi dịch bệnh đang ngày càng nhiều hơn. Theo đó, trong trường hợp các ngân hàng phải tiếp tục tái cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, nhập lãi vào vốn gốc với số lượng lớn, cũng có thể tác động lên con số tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm nay./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top