Ổn định thị trường tiền tệ
Sáng 21/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức họp báo thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, định hướng điều hành 6 tháng cuối năm 2021.
Chia sẻ tại họp báo, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, trong quý II/2021, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn được điều hành theo định hướng chủ đạo hỗ trợ đà phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ “vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế”, đảm bảo vận hành thông suốt và ổn định thị trường tiền tệ.
Cụ thể, điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, duy trì thanh khoản hệ thống; đồng bộ các giải pháp tiền tệ, tín dụng, thanh khoản góp phần ổn định thị trường và phục hồi tăng trưởng trước các tác động khó lường của dịch Covid-19. Tính đến ngày 15/6/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,96% so với cuối năm 2020.
Về điều hành lãi suất, trong 6 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tháng 4/2021 giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12/2020. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3,0 - 6,0%/năm.
Tiếp tục hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Về hoạt động tín dụng, ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân.
Đến ngày 15/6/2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,26%).
Đặc biệt, để tiếp tục hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Theo đó, những quy định tại Thông tư 03 đã hỗ trợ được nhiều khách hàng (doanh nghiệp) hơn trong việc cơ cấu lại dòng tiền, phục hồi sản xuất - kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập của các ngân hàng thương mại, từ đó ngân hàng thương mại có điều kiện đồng hành cùng doanh nghiệp khắc phục các khó khăn do tác động của dịch Covid-19, theo đó, các tổ chức tín dụng sẽ đưa ra phương án hỗ trợ khách hàng cụ thể, kịp thời hơn.
Cũng theo thông tin chia sẻ từ ông Nguyễn Tuấn Anh, với sự triển khai tích cực của các tổ chức tín dụng, đến ngày 31/5/2021, các tổ chức tín dụng đã thực hiện: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng; Miễn, giảm, hạ lãi suất cho 676.690 khách hàng với dư nợ 1.277.831 tỷ đồng; Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 3.508.415 tỷ đồng cho 480.839 khách hàng.
Ngoài ra, tính đến hết tháng 5/2021, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho 174.871 khách hàng với dư nợ 4.363 tỷ đồng, cho vay mới đối với 3.052.262 khách hàng với số tiền 111.256 tỷ đồng.