Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Bản chất của kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ và hội nhập dựa trên nền tảng sở hữu tư nhân và sự phát triển của doanh nghiệp khu vực tư nhân.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2030 đã đề ra quan điểm phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế.
PV: Bộ trưởng nhận định thế nào về vai trò của kinh tế tư nhân trong cơ cấu lại nền kinh tế những năm tới?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Muốn đưa Việt Nam trở lại lộ trình phát triển tốc độ cao và hiện thực hóa những khát vọng tương lai phải gắn liền với việc thúc đẩy vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế.
Xuất phát từ vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đã đặt ra quan điểm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Trong đó, nguồn lực quan trọng là phát triển lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh dựa trên ứng dụng và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Đồng thời đề ra mục tiêu cụ thể quan trọng, phấn đấu đến hết năm 2025 đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, với khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; tối thiểu có 05 đến 10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế.
Kế hoạch đã đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy chuyển đổi số, liên doanh, liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cụ thể: Xây dựng chính sách khuyến khích và hỗ trợ hình thành các chuỗi giá trị, mạng sản xuất; Hỗ trợ để hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt ở một số ngành, lĩnh vực hoặc dẫn đầu trong chuỗi giá trị. Thực hiện hiệu quả, triển khai đồng bộ Đề án chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số… Khuyến khích hình thành và phát triển các mô hình kinh doanh mới hướng đến phát triển bền vững, như mô hình kinh doanh tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.
PV: Theo Bộ trưởng, đâu là yếu tố then chốt để việc khơi gợi nguồn lực của kinh tế tư nhân thực sự căn cơ và bền vững?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đầu tiên là việc cải cách thể chế để nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, ý chí khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, an tâm đầu tư dài hạn vào sản xuất kinh doanh. Vì vậy, chúng ta cần đổi mới cơ chế về sở hữu, hoàn thiện hệ thống quy định về bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản, các quyền, nghĩa vụ dân sự của các tổ chức, cá nhân; Thực hiện thực chất và hiệu quả các giải pháp giảm gánh nặng về rủi ro chính sách, gánh nặng chi phí tuân thủ, chi phí kinh doanh.
Để hỗ trợ nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế tư nhân, các cơ chế, chính sách cần hướng đến đảm bảo khu vực kinh tế tư nhân hoạt động trong một môi trường công bằng với các khu vực khác, đặc biệt là hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ nhằm tăng cường kết nối, khả năng tham gia mạng sản xuất chuỗi giá trị cần được tập trung xây dựng; Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Triển khai có hiệu quả quy định và chính sách về hợp tác công tư…
Ngoài ra, chúng ta cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước tạo sân chơi cho khu vực kinh tế tư nhân.
PV: Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập. Xin Bộ trưởng cho biết vai trò của Trung tâm này trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trung tâm xây dựng và triển khai những nhiệm vụ lớn trong phát triển hệ sinh thái, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo. NIC Hòa Lạc sau khi được xây dựng xong sẽ là một nơi hỗ trợ về đổi mới sáng tạo quy mô lớn nhất Việt Nam.
Hiện nay, Trung tâm đã cơ bản hoàn thiện Cơ sở hoạt động tại Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội. Đây sẽ là một hệ sinh thái thu nhỏ điển hình và là một mô hình có tính thực tiễn cao để các địa phương, doanh nghiệp tham khảo và áp dụng. Trung tâm sẽ phát triển mạnh Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ với 6 Mạng lưới thành phần.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam”. Mục tiêu chính của Đề án là nhằm đề xuất hệ thống giải pháp đổi mới toàn diện quản lý nhà nước thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.