Aa

“Đồng phục” biển quảng cáo và chuyện tự do kinh doanh

Võ Duy Nghĩa
Võ Duy Nghĩa nhannghia.reatimes@gmail.com
Thứ Năm, 19/05/2016 - 23:02

Quỳnh Anh | Một số quan điểm cho là văn minh, trong khi một số khác lại cho là đơn điệu, “bảo thủ” và hạn chế quyền kinh doanh.

“Đồng phục” biển quảng cáo và chuyện tự do kinh doanh

Ảnh minh họa.

Tuyến đường Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) vừa được khánh thành kéo dài hơn 1,5km – được xem là tuyến đường kiểu mẫu tại Hà Nội. Tuy nhiên, việc trang trí biển hiệu quảng cáo trên cả tuyến theo cùng một mẫu với hai màu xanh, đỏ đang khiến dư luận có những quan điểm trái chiều.

Trước đó, để thực hiện, UBND quận Thanh Xuân và phường Khương Mai đã phát phiểu thăm dò, hỏi ý kiến người dân. Kết quả cho thấy, có 153 hộ thống nhất chủ trương thiết kế mặt tiền công trình được đưa ra, 6 hộ gia đình hiện không cư trú tại Hà Nội sau cuộc họp đều đã gửi phiếu thống nhất ý kiến.

Có thể nói, cơ bản là việc chỉnh trang tuyến phố nhận được sự đồng thuận của người dân.

Dù vậy, những ngày qua, trên các phương tiện thông tin truyền thông đã “rộ” những thông tin trái chiều về vấn đề này. 

Chia sẻ với Tổ Quốc, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Chính sách (VERP) cho rằng, cách làm này tạo ra sự không công bằng đối với người kinh doanh.

Người kinh doanh có quyền tự do lựa chọn biển hiệu quảng cáo phù hợp với mục đích, khả năng tài chính, quy mô cửa hàng của họ. Như vậy mới tạo nên một môi trường kinh doanh đa dạng.

Chẳng hạn, các cửa hàng có quy mô lớn, vốn lớn như VietNamAirline, Biti’s..họ có thể đầu tư hàng 500 triệu -1 tỷ đồng vào biển quảng cáo vì họ xác định quảng cáo hấp dẫn, hút khách sẽ mang lại doanh thu cho họ. Trong khi, một cửa hàng bún riêu, hay phở... lại chỉ cần một tấm biển quảng cáo giản dị trị giá vài trăm nghìn đồng bởi doanh thu từ cửa hàng bún, phở... không nhiều.

“Cách làm này khiến các doanh nghiệp lớn thiệt thòi bởi đối với họ, màu sắc của tấm biển quảng cáo liên quan đến nhận diện thương hiệu. Vậy, một khi kinh doanh thiếu hiệu quả ai sẽ là người thiệt thòi?”, ông Thành nhấn mạnh.

Dù vậy, chuyên gia này cũng khuyến nghị nên để con phố có “đồng phục” biển quảng cáo này như một thí nghiệm dù chưa biết tương lai sẽ ra sao?

Cùng quan điểm với Viện trưởng VERP, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, nên tôn trọng sự đa dạng của nền kinh tế, bởi một nền kinh tế có sự đa dạng, phong phú trong các hoạt động cạnh tranh, nhất là về hình ảnh thương hiệu thì mới có điều kiện để phát triển.

“Tôi không hiểu vì sao lại có hiện tượng này xảy ra. Việc quy định gắn biển quảng cáo đồng loạt như vậy giữa các thương hiệu lớn, nhỏ sẽ dẫn đến sự tẻ nhạt, kìm hãm phát triển của các thương hiệu kinh doanh”, ông Doanh phân tích.

Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong lại cho rằng, việc “đồng phục” biển quảng cáo tại phố Lê Trọng Tấn chỉ là thí điểm nên không vấn đề gì vì chí ít cũng đã tạo ra một diện mạo mới ngăn nắp, văn minh, đặc biệt sự thay đổi này cũng đã nhận được sự đồng thuận của người dân, của doanh nghiệp…ở đây.

“Tôi cho rằng không có gì quá dị biệt ở đây, bởi không trái pháp luật. Sự việc chỉ trở nên nhức nhối nếu biển quảng cáo ghi chữ nước ngoài hoặc in nội dung phản cảm. Hoặc sau này các doanh nghiệp họ phàn nàn về hiệu quả kinh doanh…”, ông Phong nói.

Nhiều quan điểm cũng cho rằng, sự thay đổi biển quảng cáo như vậy tạo nên sự thông thoáng cho con phố và khiến con phố trở nên văn minh, sạch sẽ…

“Quan trọng nhất vẫn là khâu quản lý. Chúng ta thử nhìn những con phố khác xem, biển quảng cáo lố nhố đủ các kích cỡ, màu sắc, đèn led nhấp nháy thái quá, tạo cảm giác nhức mắt, nội dung quảng cáo phản cảm…Nhiều biển quảng cáo quá lớn và được gắn sai quy định thậm chí gây tai nạn cho người đi đường, nhất là vào mùa mưa bão.

Vậy sao chúng ta không lựa chọn cách làm mới? Biết đâu người tiêu dùng lại ủng hộ và tới đó mua hàng thì sao?”, một chuyên gia kinh tế chia sẻ quan điểm/.

Theo Báo Tổ quốc

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top