Dòng sông là cội nguồn tạo ra một thành phố!

Dòng sông là cội nguồn tạo ra một thành phố!

Nguyễn Thành Công
Nguyễn Thành Công Congnguyenthanhyb@gmail.com
Thứ Ba, 15/09/2020 - 11:00

Đó là những dòng sông vô giá trời ban cho Thủ đô Hà Nội – niềm mơ ước của nhiều thành phố khác trên thế giới. Xuôi theo dòng chảy của dòng sông là cội nguồn của lịch sử, văn hóa, là những nét độc đáo của kiến trúc, hội họa và thi ca. Xuôi theo dòng chảy của dòng sông là những đô thị rực rỡ, nơi hình thành, biến chuyển các hình thái kinh tế, nơi tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần lớn hơn bất cứ nơi nào.

KTS. Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục phát triển đô thị, hiện là Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã thốt lên rằng: Không có một Thủ đô nào lại quay lưng vào một dòng sông. Trước đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ còn nhấn mạnh: Từ trên máy bay nhìn xuống hay đi tàu bè nhìn qua, thấy hai bên bờ sông Hồng như hiện nay thì Thủ đô làm sao phát triển được!

Chúng ta, đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội để phát triển đô thị hai bên bờ sông Hồng. Mọi sự chậm trễ đều phải trả giá. Và cái giá phải trả khi bỏ lỡ cơ hội là quá đắt. Khi hai bên bờ sông Hồng đoạn qua trung tâm của Hà Nội đến giờ gần như đã được phủ lấp bởi những công trình xây dựng và xâm lấn tự phát. Quỹ đất còn quá ít ỏi. Nếu như mười ba năm về trước, để triển khai được dự án, đã phải gỡ một mớ bòng bong, khi vấp phải sự phản đối của nhiều cư dân đang sinh sống hai bên bờ sông thì đến giờ, câu chuyện đã phức tạp hơn gấp nhiều lần. Vậy là đã hết cơ hội rồi chăng?

Hình như cơ hội vẫn còn nguyên, nhưng là ở chỗ khác! Trực giác mách bảo tôi rằng, sông Hồng đâu phải chỉ có đoạn chảy qua trung tâm Hà Nội?

Và khi bắt đầu cuộc trò chuyện sâu hơn, Giáo sư sử học Lê Văn Lan, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, cố vấn kinh tế cho nhiều Thủ tướng, và ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam đã minh định cho linh cảm đó.


Câu chuyện “đánh thức” dòng sông trong lòng thành phố mở đầu với những tâm huyết của TS. Lê Xuân Nghĩa - cố vấn cho nhiều Thủ tướng để hoạch định chính sách vĩ mô. Ông có không ít cơ hội tham khảo kinh nghiệm, khuyến nghị từ những nước phát triển nhất trên thế giới, “mắt thấy tai nghe” việc họ coi trọng, quy hoạch và phát triển hiệu quả những dòng sông qua phố...

Có một điều thú vị là, đô thị lớn và văn minh ở các nước phát triển trên thế giới đều nằm ở ven sông. Chẳng có một thành phố lớn nào mà không nằm bên một dòng sông. Nói cách khác, dòng sông là cội nguồn tạo ra một thành phố. Các cụ xưa đã nói, “nhất cận thị – nhị cận giang – tam cận lộ” – không có sông, không có nguồn nước thì không thể có thành phố. Sông là nơi quan trọng nhất để cấp nước, thoát nước – điều kiện tiên quyết của một đô thị. Thậm chí, các thành phố như New York (Mỹ), Melbourne, Sydney (Úc)… còn có cơ quan chuyên trách nhằm kiểm soát tài nguyên đất đai, tài sản, tài chính… để thực hiện dự án phát triển và quy hoạch đô thị ven sông.

Như chúng ta đã biết, các nền văn minh rực rỡ trên thế giới đều được hình thành và phát triển tại lưu vực các con sông lớn như văn minh Ai Cập – sông Nil, Ấn Độ – sông Hằng, Trung Hoa – sông Hoàng Hà… bởi tận dụng được nguồn nước mát lành cho các hoạt động giao thương và canh tác. Chính nhờ các dòng sông giao thương đã hình thành nên những đô thị, tiểu đô thị trù phú, sầm uất ven sông.

Chẳng có một thành phố lớn nào mà không nằm bên một dòng sông. Nói cách khác, dòng sông là cội nguồn tạo ra một thành phố.

Điều đặc biệt là, các cư dân thượng lưu ở những nước phát triển thường chọn cách sinh sống tại các đô thị ven sông, đơn cử như: New York phồn thịnh của Mỹ bên dòng Hudson, kinh đô ánh sáng Paris của Pháp bên dòng sông Seine thơ mộng, thành phố Melbourn xinh đẹp của Úc bên dòng Yarra… Ở châu Á, có thể kể đến mô hình đô thị hóa sinh thái khu vực ven sông Hàn ở Seoul (Hàn Quốc). Khi đến Seoul, không nên bỏ lỡ việc khám phá Công viên Yeouido Hangang bên dòng sông Hàn.

Một điểm đáng lưu ý khác là, giá nhà hạng sang và siêu sang tại các đô thị lớn này luôn tăng lên. Một nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, giá bất động sản ven sông tại các thành phố lớn trên thế giới thường cao hơn ít nhất khoảng 30% so với khu xa sông. Cụ thể, tại London, Paris Thượng Hải và Sydney khoảng 35 - 40%.

Trước đây, các nhà đầu tư lớn của Mỹ hay Hàn Quốc cũng có những ý tưởng về việc phát triển đô thị cho Hà Nội bằng cách đầu tư hàng trăm tỷ USD vào hai bờ ven sông Hồng. Lúc bấy giờ, phần vì chưa có tầm nhìn lớn, phần cảm thấy quá choáng ngợp, thậm chí còn những quan điểm lo lắng về yếu tố nơi thượng nguồn nên ta đã từ chối. Vì thế nên chưa thể khai thác được những giá trị vô giá của dòng sông trong lòng thành phố. Trong một thành phố, chẳng có nơi nào đẹp hơn hai bên bờ một dòng sông.

Điều đáng bàn là, chúng ta cần những công trình có điểm nhấn, những nhà đầu tư có tầm nhìn để đánh thức những dòng sông chảy qua Thủ đô, tạo nên di sản cho thế hệ tương lai kế thừa.

Tôi cho rằng, một dự án ven sông Hồng, sông Đáy cần hội tụ được ba yếu tố: Thưởng thức di sản, trải nghiệm, khám phá và nghỉ dưỡng.

Ở các nước châu Âu, có rất nhiều di sản, văn hóa từ thời Trung Cổ, thời Phục Hưng. Những di sản này chủ yếu dưới các dạng như kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc. Ngược lại, ở Mỹ không có nhiều di sản như châu Âu, không có những công trình cổ điển, nên họ xây dựng rất nhiều bảo tàng để một mặt, tích cóp những đồ cổ từ châu Âu, châu Á về. Mặt khác, họ có bảo tàng hội họa, điêu khắc, kỹ thuật hiện đại về vũ trụ, biển… Đó là hình thức vừa có di sản, vừa có khám phá, phù hợp với thực tại nước Mỹ và thu hút khách ghê gớm. Khách du lịch tới Mỹ chủ yếu là đi thăm bảo tàng.

Trong khi đó, ở vùng Trung cận Đông, chủ yếu cũng là đi tham quan các di sản cổ đại. Ở Trung Nam châu Âu, có du lịch leo núi, khám phá hang động…

Ở Việt Nam, trên một địa bàn tiềm năng, một vùng đất trù phú là nơi giao thoa giữa sông Hồng, sông Đáy, có thể phát triển một đại đô thị kết hợp thưởng thức các di sản văn hóa, các công trình du lịch có tính trải nghiệm, như canh nông, ẩm thực, đánh bắt cá, làng nghề… Đây là những hoạt động rất thu hút khách quốc tế.

Để có thể tạo ra nhu cầu lớn về trải nghiệm và khám phá, cần tạo ra công viên di sản nối tiếp di sản, mới có thể kết hợp được cả ba yếu tố: Thưởng thức di sản, trải nghiệm, khám phá và nghỉ dưỡng.

Đó có thể là nơi hội tụ những kiến trúc theo kiểu Địa Trung Hải, nơi khiến người ta liên tưởng tới cuộc sống trong vắt, thanh bình với nắng và gió. Marcia Codinachs – kiến trúc sư nổi tiếng thế giới đã từng nói rằng: “Địa Trung Hải ư - Kiến trúc nơi đây đã nâng tầm thành nghệ thuật rồi”.

Đó có thể là nơi hội tụ những kiến trúc theo kiểu Indochine - là tên gọi chung của những đất nước xinh đẹp phía Đông Nam châu Á. “Nụ hôn kiểu Pháp trên môi cô nàng Á Đông” là cách ví von vô cùng thi vị cho phong cách thiết kế Indochine.

Tại những quốc gia ấy, đều có truyền thống lịch sử lâu dài và văn hóa đặc trưng của vùng Á Đông. Chính những yếu tố văn hoá đã thổi hồn vào kiến trúc sự giản dị, đằm thắm riêng biệt không trộn lẫn vào đâu. Đấy cũng là ưu điểm thu hút cái nhìn và sự sáng tạo của những kiến trúc sư người Pháp. Họ kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp Tân cổ điển và cảm hứng vùng miền tạo ra phong cách Đông Dương hiện tại.

Đó còn có thể là nơi hội tụ những kiến trúc theo kiểu Thái Bình Dương, Trung Cận Đông, Mỹ… hay thưởng thức những kiến trúc văn hóa của Nga, Trung Quốc… hay đưa văn hóa châu Phi đến gần hơn với con người Việt Nam?

Trong dự án công viên di sản, các công trình cần được xây dựng theo các đặc trưng văn hóa, chủ đề của các vùng đất. Tại đây, sẽ có khu vực biểu diễn các show, các chương trình được sáng tạo để kể các câu chuyện di sản, văn hóa và vùng đất.

Đặc biệt, cần có những show biểu diễn thực cảnh, như trường hợp điển hình của Trung Quốc, họ quay lại những khoảnh khắc đáng nhớ của dân tộc, mà chỉ có dùng những cảnh quay như vậy mới phục dựng lại được. Trường hợp Ký ức Hội An cũng theo cách như vậy, và do một đạo diễn lừng danh người nước ngoài thực hiện.

Nếu xây dựng một công viên di sản, ngoài những công trình kiến trúc, trải nghiệm, các công trình phi vật thể, phải có những chương trình thực cảnh lớn như vậy mới thu hút được khách du lịch. Thực ra, khi chú ý quan sát tại những công viên dạng như này trên thế giới sẽ thấy khách nội địa và khách châu Á rất nhiều.

Có như vậy, mới góp phần cho mọi người hiểu thêm về lịch sử ngàn năm của Thăng Long – Hà Nội, nền tảng văn hóa lớn của vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, lịch sử và văn hóa của Việt Nam, văn minh lúa nước…

Nếu có một không gian đủ rộng để làm được theo hướng đó ngay tại Hà Nội thì có thể trở thành công trình văn hóa, du lịch, nghỉ dưỡng để đời của Việt Nam. Và tôi cho rằng, chắc chắn dự án sẽ có hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội rất lớn. Điều quan trọng là phải có một trình độ quản lý và vận hành bằng công nghệ hiện đại, văn minh và thật văn hóa. 

Tôi biết đã có chủ đầu tư làm theo hướng này cho dự án của mình, ở ngay điểm giao thoa sông Hồng – sông Đáy. Họ còn định “chơi lớn”, là làm các sự kiện nghệ thuật tầm cỡ quốc tế với các nghệ sĩ nổi tiếng, miễn phí cho người xem và đủ tầm để thu hút du khách trong và ngoài nước. Rồi triển khai cả các show diễn công nghệ như Hologram 7D… Nếu triển khai và quản lý tốt, đây sẽ là một hướng đi cho các dự án ven sông, ở những vùng đất giàu trầm tích văn hóa...

Lại nói về quản lý, ở Việt Nam mới có Ký ức Hội An là chương trình thực cảnh lớn nhất, còn những trường hợp như Làng Văn hóa các dân tộc thiểu số cũng chưa hiệu quả. Mấu chốt nằm ở năng lực quản lý chưa chuyên nghiệp và bài bản, nên hiệu quả kinh tế và văn hóa chưa cao.

Ngoài thưởng thức di sản, riêng khu ven Hà Nội như vùng đất Phúc Thọ trù phú ven sông Hồng, sông Đáy, rất gần trung tâm Hà Nội, có thể tạo ra những vườn thực nghiệm, không gian sinh hoạt văn hóa, địa lý, lịch sử của thanh thiếu nhi và du khách.

Sẽ có tiềm năng rất lớn nếu như đầu tư một khu trải nghiệp nông nghiệp sạch "Farm House" ngay trong lòng đô thị an cư sinh thái nội đô. Mỗi khách hàng có thể sở hữu một mảnh vườn riêng để tự canh tác.

Khu trải nghiệm nông nghiệp sạch sẽ trở thành: Điểm đến picnic cuối tuần của mỗi gia đình; Điểm tham quan dành cho trẻ nhỏ thỏa sức khám phá thiên nhiên với các hoạt động trải nghiệm thực tế: trồng rau, hái dâu… và thưởng thức ngay thành phẩm thu lượm được tại nông trại; Nơi cư dân có thể tự mình canh tác, chăm bón cho mảnh vườn riêng của mình dưới sự hướng dẫn và trợ giúp từ đội ngũ kỹ sư nông nghiệp bài bản.

Có thể thấy, mô hình này cũng chính là xu hướng sống sinh thái ngay tại nội đô của giới tinh hoa tại các nước đang phát triển như Singapore, Mỹ hay châu Âu…, như trang trại trồng hoa quả, trồng nho, làm rượu nho. Gọi là làm nông nghiệp nhưng tương đối lý thú và sạch sẽ, nhất là ở châu Âu. Tuy nhiên, điểm bất lợi thế là ở những nước này, trải nghiệm nông nghiệp chỉ có thời vụ, và thường tập trung vào mùa hè, còn mùa đông băng tuyết, không thể khai thác hết. Còn ở những khu vực như Ba Vì, mùa nào thức nấy, nên trải nghiệm được quanh năm.

Bên cạnh đó, ở Việt Nam, quy trình trải nghiệm sẽ mang tính tự nhiên nhiều hơn, nên dễ gắn với ẩm thực. Đặc biệt là những trải nghiệm về làng nghề - khách có thể tự tạo ra sản phẩm thực sự để làm lưu niệm, như vẽ tranh, làm khăn lụa, làm gốm… Có thể thấy, đây là vùng đất phong phú, nhất là về các làng nghề và thủ công mỹ nghệ. Có vô số thứ du khách có thể trải nghiệm, ví dụ có thể làm bức tranh sơn mài, in một bức tranh hàng Trống, làng Hồ, làm đồ gốm…

Điều đó cũng cho thấy, cần một điểm nhấn quan trọng, đó là nơi để trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống, có cơ hội quảng bá, kinh doanh cho khách du lịch.

Ngoài ý nghĩa du lịch, các công trình như thế còn rất có ích trong việc ươm mầm, giáo dục trẻ nhỏ. Được sống, trải nghiệm trong không gian như thế, chúng sẽ hiểu và giữ gìn được tinh hoa di sản của cha ông.

Thực tế quanh Hà Nội chưa có công trình điểm nhấn nào như vậy nên triển vọng và dư địa khai thác còn rất lớn. Nếu phát triển tốt, nơi này có thể tổ chức thành một vùng kinh tế ban đêm, khiến khách nước ngoài "ngày ngủ, đêm chơi". Đó phải là sự kết hợp hoàn hảo giữa kinh tế ban đêm, kinh tế đường phố…

Phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ở tổ hợp đại đô thị như vậy sẽ thu hút khách, nhất là khách quốc tế, khách hạng sang ở các tỉnh về Hà Nội…

Tóm lại, chiến lược phát triển du lịch và đô thị ven sông Hồng, sông Đáy là hoàn toàn đúng đắn. Điều quan trọng là cần những công trình, tổ hợp kết hợp được các yếu tố: Di sản, văn hóa, khám phá – trải nghiệm, tiện ích và hiện đại.

Sau những tâm huyết của TS. Lê Xuân Nghĩa, tôi lại được nghe những trăn trở của ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về văn hóa, phong thủy và xây dựng, về câu chuyện liên kết và kết nối những đô thị ven sông…

- Hà Nội (theo nghĩa rộng bao gồm cả vùng mở rộng) có rất nhiều di sản, đặc biệt là ven các dòng sông như sông Hồng, sông Đáy… Tuy nhiên, có vẻ như việc khai thác và thưởng thức các giá trị di sản còn nhiều hạn chế. Thưa ông, ông đánh giá ra sao về xu hướng tạo lập các công trình kiến trúc biểu tượng kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố nghỉ dưỡng hoàn hảo và trải nghiệm du lịch di sản tại các khu vực như trên?

Ông Bùi Văn Doanh: Việt Nam là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước. Vì vậy cuộc sống của người dân luôn nương theo các dòng sông và các lưu vực sông chính là các vùng đất trù phú, phát triển bậc nhất. Nước không chỉ là nhu cầu tối thiểu của con người để ăn uống, không chỉ là điều kiện tối cần thiết để sản xuất, trồng cấy mà còn là đường giao thông quan trọng từ thời cổ đại; đặc biệt còn là môi trường sản sinh, nuôi dưỡng và lưu giữ văn hóa. Múa rối nước, các điệu hò mái nhì, mái đẩy… đều gắn liền với sông nước. Ngay cả các làn điệu chèo, quan họ, đờn ca tài tử, vọng cổ… nếu không có bối cảnh sông nước, cây đa bến nước hay dòng kinh rợp bóng cây… cũng mất đi cái hồn trong đó.

Một trong những hồn cốt của lễ hội chùa Hương (Hà Nội), tuyến du lịch Tràng An, Tam Cốc – Bích Động, Vườn chim Thung Nham (Ninh Bình), Mũi Cà Mau (Cà Mau), rừng tràm Trà Sư (An Giang)… chính là sự trải nghiệm sông nước với thiên nhiên hoang sơ và không gian đượm màu cổ tích. Ở đây, những con thuyền, xuồng ghe… không còn là phương tiện di chuyển mà đã là một phần cấu thành của sản phẩm du lịch, đồng thời còn là phần quan trọng.

Nhưng du lịch sông nước không chỉ có ngồi trên thuyền du ngoạn. Nó còn là các hoạt động gắn liền với sông nước, là những trải nghiệm như quăng chài, kéo lưới, câu cá… và rất nhiều hoạt động khác nữa. Rất tiếc trong thực tế, yếu tố sông nước chưa được khai thác nhiều trong du lịch nói riêng và kinh tế nói chung. Vì vậy, nếu tạo lập được các công trình kiến trúc biểu tượng kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố nghỉ dưỡng hoàn hảo và trải nghiệm du lịch di sản tại các khu vực Ba Vì nói chung và chân núi Ba Vì nói riêng sẽ là một điều rất tốt. Điều đó vừa phát huy được giá trị phong thủy của vùng đất linh thiêng này, vừa khai thác được lớp trầm tích về văn hóa, tâm linh, đồng thời mở ra xu hướng mới về phát triển kinh tế sông nước.

- Có nghĩa là chúng ta đang thiếu những đô thị ven sông theo hướng du lịch, nghỉ dưỡng, sinh thái, đặc biệt là trải nghiệm di sản, văn hóa?

Ông Bùi Văn Doanh: Đúng vậy. Việc phát triển kinh tế xã hội nói chung và đô thị nói riêng từ trước đến nay chúng ta thường mới chỉ chú trọng đến việc khai thác triệt để giá trị của đất đai. Việc này cũng là bình thường và tất yếu bởi thường là dễ làm, hiệu quả cao, thu hồi vốn nhanh. Tuy nhiên đất đai có hạn, khai thác mãi rồi cũng cạn kiệt. Mặt khác, càng khai thác đất đai triệt để bao nhiêu thì không gian sống, môi trường sống của con người càng bị thu hẹp, bức bối… bấy nhiêu. Trong khi đó, đời sống càng được nâng cao bao nhiêu thì nhu cầu con người càng cần có môi trường và không gian sống trong lành, thân thiện, gần gũi với thiên nhiên bấy nhiêu. Vì vậy, kinh tế sông nước, tôi tạm gọi như vậy, trong đó bao gồm cả kinh tế biển, sẽ là xu hướng tất yếu trong giai đoạn tới.

Chúng ta nằm trong vùng nhiệt đới, có nghĩa “nước” là yếu tố chủ đạo trong cả đời sống, xã hội và kinh tế. Vì vậy, cần phải chú trọng phát huy đồng thời với khai thác yếu “nước” để phát triển, và đây là hướng phát triển bền vững. 

Rất tiếc là đến nay, chúng ta đang thiếu, thậm chí là chưa có những đô thị ven sông với đúng nghĩa của nó. Nói “đúng nghĩa của nó”, nghĩa là những đô thị này không phải chỉ là được xây dựng dọc theo bờ sông mà quan trọng là phát huy và khai thác được tối đa những giá trị của sông nước, và những gì mà sông nước có phải mang lại và trở thành nguồn lợi, nguồn thu, nguồn sống chính của cư dân ở thành phố đó.

Trong tình trạng thiếu những đô thị ven sông, đặc biệt chúng ta lại càng thiếu những đô thị ven sông theo hướng du lịch, nghỉ dưỡng, sinh thái và nhất là trải nghiệm di sản, văn hóa. Trong du lịch nói riêng và đời sống nói chung, yếu tố mới lâu dần sẽ thành cũ, yếu tố lạ lâu dần sẽ thành quen. Nhưng di sản và văn hóa thì càng khai thác sẽ càng phát hiện, khám phá chiều sâu của lớp trầm tích và càng làm giàu thêm ý nghĩa của di sản và văn hóa đó. Mặt khác, con người càng phát triển, càng văn minh thì càng có xu hướng muốn tìm về cội nguồn của mình. Vì vậy, nếu kết hợp được yếu tố sông nước với du lịch, nghỉ dưỡng, sinh thái, đặc biệt là trải nghiệm di sản, văn hóa thì sẽ đón đầu được xu hướng phát triển của nền kinh tế sông nước.

- Chúng ta không chỉ cần một, mà cần nhiều hơn những đô thị ven sông. Nghĩa là cần đến sự liên kết, kết nối những đại đô thị. Và đó cũng là sự tiếp nối và liên kết dòng chảy di sản, văn hóa, trong một diện mạo khác: Hiện đại và thông minh hơn, biết áp dụng công nghệ 4.0 để tạo nên các giá trị to lớn hơn?

Ông Bùi Văn Doanh: Bản thân yếu tố “nước” đã mang trong mình sự kết nối, liên kết. Bản chất của nước là không thể chia cắt. Nếu nước bị giam hãm một chỗ mà không lưu chuyển là nước tù. Các nền văn minh lớn của nhân loại đều nương theo các dòng sông và là dòng chảy liên tục cả về không gian và thời gian. Vì vậy, có thể liên hệ, một nền kinh tế sông nước phải là sự liên kết, kết nối của chuỗi các đô thị ven sông, không những chỉ là sự kết nối theo dòng chảy, theo lưu vực của một con sông mà còn là và phải là sự kết nối của cả vùng. Các nền văn minh đều bắt đầu từ các con sông nhưng sau đó lan tỏa ra cả khu vực, thậm chí là cả những khu vực rất xa nữa. Do đó, nếu chia cắt, cô lập các con sông, thậm chí từng khúc sông, thì cũng có nghĩa là đã chia cắt dòng chảy di sản, văn hóa và như thế đã đánh mất ít nhất tới 90% ý nghĩa của di sản.

Như trên đã nói, nền văn minh nhân loại là dòng chảy liên tục cả về không gian và thời gian. Điều đó có nghĩa, ngày nay chúng ta vẫn đang tiếp nối dòng chảy nhân loại khởi phát từ hàng nghìn năm trước. Điều đó cũng có nghĩa, trong từng giai đoạn, lịch sử sẽ mang trong mình cả yếu tố truyền thống và yếu tố thời đại ở thời điểm mà nó chảy qua. Do đó, di sản, văn hóa ở thế kỷ XXI cũng sẽ phải xuất hiện trong diện mạo có yếu tố của kỷ nguyên 4.0. Đừng sợ hiện đại sẽ phá vỡ di sản, phá vỡ văn hóa. Ngược lại, nếu biết dung hòa giữa truyền thống và hiện đại thì sẽ càng phát huy được giá trị truyền thống của di sản và văn hóa.

Lấy một ví dụ đơn giản, nếu chỉ bàng phương pháp truyền thống, khi đến với Ba Vì, Tản Viên, du khách sẽ chỉ được ngắm nhìn khung cảnh và nghe thuyết minh về câu chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh… Nhưng nếu kết hợp với công nghệ 3D, 4D, chỉ với chiếc kính đơn giản con người cùng đã được đắm chìm vào không gian cổ tích với thực tế ảo sống động… Mở rộng ra, yếu tố hiện đại, thông minh của một đô thị, trong từng không gian, thiết bị và dịch vụ không hề bài trừ yếu tố truyền thống, không những không ảnh hưởng đến di sản, văn hóa mà nếu biết kết hợp hài hòa nó sẽ càng làm tăng thêm giá trị của sự trải nghiệm và ý nghĩa của di sản, văn hóa.

- Ông đánh giá ra sao về cơ hội đầu tư vào các sản phẩm bất động sản ven sông trong tương lai?

Ông Bùi Văn Doanh: Tôi cho rằng, đó là xu thế tất yếu. Lý do: Thứ nhất là như trên đã nói, quỹ đất đang ngày càng cạn kiệt. Thứ hai, và đây mới là lý do quan trọng, không gian sống trong các đô thị đang ngày càng chật hẹp, bức bối cùng với cường độ làm việc và áp lực cuộc sống gia tăng sẽ khiến con người có xu hướng tìm đến với môi trường trong lành, tìm về với những không gian mở, sự yên tĩnh, gần gũi, thân thiện, hòa mình với thiên nhiên để lấy lại sự cân bằng; và yếu tố sông nước đáp ứng được tương đối đầy đủ nhu cầu này. Do đó, đầu tư vào bất động sản ven sông không còn là tương lai nữa mà là xu hướng mang lại nhiều cơ hội.

Tuy nhiên, sông nước mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ lại nằm trong tay chủ dự án. Đó là phải làm sao phát huy, khai thác, kết hợp được hài hòa giữa yếu tố phong thủy, văn hóa, di sản, với yếu tố văn minh, hiện đại và đặc biệt là môi trường.

Ở đây, môi trường có vai trò rất quan trọng, có thể nói là then chốt cho sự thành công của một dự án. Nó không chỉ là sự bảo vệ, thân thiện, hài hòa mà còn là làm sao phát huy được môi trường sông nước một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt ở Việt Nam nói chung và miền Bắc nói riêng, yếu tố khí hậu chi phối rất nhiều đến việc khai thác lợi thế của các dòng sông. Dòng chảy, thủy văn của các con sông không điều hòa, thường là hung dữ vào mùa mưa và cạn kiệt vào mùa khô. Vì vậy, việc khai thác và sử dụng dòng chảy các con sông giữa các mùa trong năm là không giống nhau. Các con sông lớn lại đều có đê điều bảo vệ. Đây có thể là lợi thế, cũng có thể là trở ngại cho việc phát huy yếu tố sông nước trong việc phát triển bất động sản ven sông. Và điều đó có thể đi đến một nhận định rằng, đây là sân chơi cho những nhà phát triển có tầm nhìn thông minh và năng lực triển khai các dự án thông minh.

Chốt lại, muốn nói gì thì nói, bất động sản ven sông sẽ trở thành xu hướng trong tương lai gần. Còn thành công đến đâu phụ thuộc vào cái tâm và cái tầm của lãnh đạo chính quyền và chủ dự án.

Câu chuyện phát triển đại đô thị ven sông như thế nào, các chuyên gia bất động sản, kinh tế đã bàn rồi. Nhưng vẫn cần thêm những lý giải dưới góc nhìn lịch sử và văn hóa. Bởi lẽ, dòng sông chính là cội nguồn của lịch sử và văn hóa. Có lẽ, nhà sử học gạo cội, GS. Lê Văn Lan là người hiểu rõ hơn ai hết câu chuyện này…

“Các dòng sông làm nên chiều dài lịch sử, văn hóa và sự phát triển đô thị. Đó là điều không phải bàn cãi. Minh chứng là xuôi theo dòng chảy của sông Hồng, nơi đâu cũng để lại những giá trị văn hóa đặc sắc, đặc biệt là bồi đắp phù sa, hình thành nên vùng đất trù phú là Hà Nội.

Và tại Hà Nội, những trầm tích văn hóa – đời sống bên sông Hồng, sông Đáy - nơi từ đó hình thành những làng mạc, đô thị trù phú khi xưa và nay, những mốc phát triển có ý nghĩa lịch sử. Có thể thấy rằng, đô thị ven sông, theo dòng chảy của thời gian, đã hấp thụ trong nó tâm hồn - văn hóa, là nơi kết nối sâu sắc con người và vùng đất, tạo nên một bức tranh di sản giàu có và xuyên suốt trong tâm thức...

Nếu cứ nhìn thuần vào vùng văn hóa tam giác đồng bằng châu thổ sông Hồng thì đỉnh đầu tiên là vùng Việt Trì – nơi hội linh của ba dòng sông. Về mặt lịch sử, đó cũng là đỉnh thứ nhất của sự phát triển dần từ người Việt cổ thành người Việt (chính là thời đại Hùng Vương – nước Văn Lang).

Xuôi xuống đến vùng sông Hồng chảy giữa tam giác ấy thì một bên là sông Đáy chảy ngang, cắt sang bên kia là sông Cà Lồ, sông Đuống, chúng ta có đỉnh thứ hai của tam giác châu thổ sông Hồng (chính là thời đại An Dương Vương - vùng Cổ Loa, Hà Nội). Tìm về cội nguồn lịch sử, những di chỉ khảo cổ tại Cổ Loa cho thấy, con người đã xuất hiện ở khu vực Hà Nội ngày nay từ trước Công nguyên, giai đoạn của nền văn hóa Sơn Vi. Cư dân thời kỳ đó sinh sống nhờ trồng trọt, chăn nuôi và chài lưới. Giai đoạn tiền sử này tương ứng với thời kỳ của các Vua Hùng trong truyền thuyết.

Và từ đỉnh thứ hai nhích xuống một chút là Đại La, Thăng Long - đây cũng là một bộ phận của đỉnh thứ hai theo địa lý tự nhiên và theo sự phát triển lịch sử, từ cổ đại Hùng Vương, kết thúc bằng An Dương Vương, mở ra Đại La và Thăng Long.

Năm 2010, khi Thăng Long- Hà Nội tròn 1000 năm tuổi, các nhà khoa học đã phát hiện thêm dưới lòng đất nhiều công trình kiến trúc, di tích, di vật khảo cổ vô cùng quý giá về Hoàng thành Thăng Long. Đây là những bằng chứng khoa học khẳng định nơi đây liên tục là trung tâm kinh đô của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Các di tích phát hiện như một cuốn sách được mở ra, có lớp lang, trật tự. Dưới 4 mét là tầng văn hoá khảo cổ của thành Đại La, thời kỳ tiền Thăng Long. Ở độ sâu 3 mét là tầng văn hoá thời Lý thế kỷ 11-12, còn lên đến 2 mét là lớp văn hoá thời Trần (thế kỷ 13).

Hà Nội còn có Hồ Tây – một phần của sông Hồng, một vùng huyền thoại trong văn hóa thi ca, cảnh quan, khi mấy chục ngôi chùa đẹp nhất đều dựa trên bờ Hồ Tây, dựa trên con đường nước.

Trong khi đó, nói đến sông Đáy là nói tới nơi giao với sông Hồng, vùng đất trù phú, nhiều tài lộc và cũng nhiều thần thoại. Ở chiều ngược lại, sông Đáy đổ xuống phía Nam ra biển ở cửa Thần Phù.

Hát Môn vốn là cửa của sông Đáy, mà một tên gọi khác chính là sông Hát. Vùng đất Hát Môn mở rộng là nơi hợp của hai con sông giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng, góp phần làm nên một huyệt đạo. 

Về vùng đất Ba Vì – Hồ Tây, GS. Lê Văn Lan đã nhận định đó là trục Long mạch thần đạo của nước Việt, với những giá trị văn hóa, địa chí, lịch sử... giàu có. Mời độc giả đọc chi tiết TẠI ĐÂY.

Đó là một vùng đất "rồng thiêng hạ thủy" hiện thuộc địa bàn các xã kéo từ Hát Môn đến Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ. Đó là vùng đất được thừa hưởng thế an toàn về mặt quân sự của Sơn Tây - luôn là trung tâm quân sự có tầm chiến lược. Chúng ta làm Đại lộ Thăng Long, con đường rộng nhất, ngắn nhất từ Hà Nội lên đến Sơn Tây cũng bởi lẽ đó.

Có thể thấy, Sơn Tây là căn cứ quân sự hết sức quan trọng của Hà Nội. Xứ Đoài, Sơn Tây luôn nổi lên với vài trò là vùng chiến lược quân sự đặc biệt quan trọng.

Tiềm năng nổi bật thứ hai, và cũng chính là giá trị của vùng đất mà bạn nói, chính là văn hóa. Càng về sau, càng có nhiều dấu tích làm vẻ vang thêm cho văn hóa Xứ Đoài.

Chúng ta, rất cần những tầm nhìn thông minh, những trí tuệ lớn đến đánh thức vùng đất này. Và chắc chắn, đó phải là những người có tâm và tầm nhìn bảo tồn di sản, lưu giữ không gian giá trị truyền thống.

Có lẽ, câu chuyện "đánh thức sông trong phố" vẫn cần thêm thời gian, nhưng tin rằng, với dòng chảy lịch sử, văn hóa và những tâm huyết của những trái tim thổn thức về sự phát triển của Thủ đô, không lâu nữa, một diện mạo mới bên sông sẽ hình thành.

Trân trọng cảm ơn sự chia sẻ của các chuyên gia!

Nguyễn Thành Công
Anh Tú
15/09/2020 10:00


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top