Trải qua năm 2016 - năm được đánh giá là có nhiều biến động chính trị bất ổn nhất trong thời gian gần đây - nền kinh tế toàn cầu quý I/2017 đã có những dấu hiệu khả quan hơn so với dự đoán trước đó. Theo JLL, với các chỉ số kinh tế được cải thiện ở Châu Âu, sự tiếp nối các Hiệp định thương mại của Trump tại Mỹ và Úc đã thiết lập một kỷ lục thế giới mới với tốc độ tăng trưởng GDP liên tiếp.
Và trong bối cảnh kinh tế tích cực này, các hoạt động đầu tư BĐS đang dần xuất hiện. Dù lượng giao dịch toàn cầu quý I/2017 ghi nhận mức giảm nhẹ, đạt 134 tỷ USD, thấp hơn 2% so với quý I/2016 nhưng dự báo trong các quý còn lại của năm, thị trường sẽ chứng kiến nhiều chuyển biến tích cực.
Theo JLL, tiền lệ hàng năm cho thấy các họat động đầu tư vốn thường diễn ra chậm nhất trong quý I. Ông David Green-Morgan, Giám đốc Nghiên cứu Thị trường vốn Toàn cầu của JLL nhận định rằng mặc dù lượng giao dịch quý I ghi nhận giảm nhưng thị trường BĐS toàn cầu có thể sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng tới.
"Chúng tôi đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của đầu tư chứng khoán vì các nhà cung cấp đang tận dụng lợi thế của việc mức giá tăng kỷ lục tại nhiều thị trường cùng với sự gia tăng các hoạt động đầu tư. Đặc biệt ở Châu Âu, Châu Mỹ và Úc - con số này sẽ được ghi nhận tại quý III và quý IV trên tổng lượng giao dịch.
Các cuộc đàm phán Brexit, cuộc bầu cử ở châu Âu và việc tăng lãi suất của Hoa Kỳ đã tạo ra một bầu không khí đầy thú vị trong quý này. Ngoài ra, sự bùng nổ của thị trường chứng khoán và lợi suất trái phiếu đang trì trệ đã tiếp tục cho thấy BĐS vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhờ vào hiệu suất đầu tư", ông David Green-Morgan nhận định.
Dự báo tỷ trọng giao dịch BĐS trên thế giới cho cả năm 2017 vẫn ổn định ở mức khoảng 650 tỷ USD và có thể cao hơn. Tại Châu Á - Thái Bình Dương, khối lượng giao dịch BĐS quý I đạt 25 tỷ USD, ngang với quý I/2016. Dẫn đầu khu vực là Hồng Kông và Nhật Bản đều ghi nhận mức tăng trưởng 33% theo quý và tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó Singapore ghi nhận lượng giao dịch gần 2 tỷ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù thị trường BĐS Úc được kỳ vọng sẽ cải thiện trong năm 2017, nhưng với mức giảm 40%, thị trường này vẫn sụt giảm mạnh so với năm ngoái do sự thiếu hụt cổ phiếu đầu tư. Trung Quốc và Hàn Quốc ghi nhận lượng giao dịch thấp hơn so với Qúy I/2016.
Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi (EMEA) đạt tăng trưởng tốt nhất trên toàn thế giới. EMEA là khu vực duy nhất ghi nhận tăng theo năm tại mức 6% so với quý I/2016, đạt 53 tỷ USD. Biến động Brexit bắt đầu có dấu hiệu giảm nhẹ, do đó Anh đã ghi nhận lượng giao dịch lớn nhất trong quý qua kể từ quý IV/2015 tính theo đồng nội tệ.
Cả thị trường Pháp và Đức đều đang chạy đua trước tốc độ đầu tư năm 2016 khi thị trường Đức ghi nhận quý I tăng trưởng mạnh nhất. Tuy nhiên có thể phải cẩn trọng với cả hai quốc gia đang phải đối mặt với cuộc bầu cử trong những tháng tới. Bắc, Trung và Đông Âu tiếp tục phát triển mạnh mẽ từ năm ngoái, với sự có mặt của Thụy Điển và Cộng hòa Czech tại mỗi tiểu vùng.
Với khối lượng giao dịch là 55 tỷ USD, Châu Mỹ là khu vực năng động nhất trong quý đầu tiên. Qúy I/2017 ghi nhận giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, thị trường Mỹ suy giảm lượng giao dịch 12% so với cùng kỳ. Mexico là một trong những điểm sáng của khu vực với mức tăng hơn gấp đôi kể từ quý I/2016 cũng như thị trường Canada ghi nhận tăng nhẹ với 2,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó thị trường luôn biến động Braxin ghi nhận giá trị giao dịch 500 triệu USD trong quý I, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2016.