Năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công còn “bấp bênh”
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công là những vấn đề quan trọng bởi đây là một kênh có tác động lan tỏa tốt, giúp thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong tình hình kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường với các yếu tố rủi ro gia tăng.
Thế nhưng, trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong năm 2022, tiến độ giải ngân đầu tư công còn chậm và kém hiệu quả. Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề 3 “Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra, tỷ lệ giải ngân đầu tư công qua các năm vẫn rất “bấp bênh”. Đây không phải là vấn đề mới mà “đã bàn nhiều, nói nhiều” nhưng chưa giải quyết được căn cơ.
Dẫn chứng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả chưa cao qua các năm, ông Hưng cho biết, năm 2017, đầu tư công giải ngân đạt 73%, đến năm 2018 tỷ lệ này giảm xuống 66%, năm 2019 tăng lên là 67%, năm 2020 là 82%, sang năm 2021 lại giảm xuống 72% và đặc biệt 11 tháng năm 2022 mới đạt trên 53,8%.
Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công “bấp bênh” nói trên đã được các bộ, ngành, địa phương có báo cáo Chính phủ với 25 - 30 khó khăn, vướng mắc, trong đó chia ra 3 nhóm lĩnh vực.
Nhóm thứ nhất liên quan đến thể chế, pháp luật chính sách thiếu đồng bộ, quy định phức tạp về ngân sách, đất đai, đấu thầu, môi trường, giải phóng mặt bằng...
Nhóm thứ hai là tổ chức thực thi, cùng hệ thống pháp luật như nhau, nhưng có tỉnh triển khai rất tốt, có bộ, ngành, địa phương còn kém. Chẳng hạn như: Thanh tra Chính phủ có tỷ lệ giải ngân đạt 100%, Tiền Giang đạt 82%... trong khi đó có 12 bộ và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp chỉ hơn 30%. Thực tế này cho thấy, quá trình tổ chức thực thi của các cơ quan cũng là một trở ngại, cần sự quyết tâm vào cuộc trong việc quyết liệt triển khai đầu tư công.
Nhóm thứ ba là các yếu tố khách quan, đặc thù trong năm 2022. Đơn cử như giá nguyên vật liệu, xăng dầu, cước phí vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng cao... Bối cảnh này đã ảnh hưởng lớn đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công chậm trong năm 2022.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cũng nhìn nhận, Chính phủ đã có chủ trương đúng đắn là tập trung đẩy mạnh đầu tư công để phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022. Quyết tâm rất cao của Chính phủ thể hiện rõ là nguồn vốn luôn sẵn sàng để tung ra thị trường, đồng thời luôn đôn đốc quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện chỉ tiêu kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công. Mặc dù vậy, kế hoạch giải ngân đầu tư công dù được cải thiện nhưng vẫn rất chậm so với yêu cầu.
Đến hết tháng 11/2022 giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước là 338 nghìn tỷ đồng chỉ đạt 58,33% kế hoạch năm mặc dù kế hoạch được chuẩn bị là 550 nghìn tỷ đồng.
“Đây thật sự là một vấn đề đáng ngạc nhiên khi có tiền mà không tiêu được”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Với vai trò là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, việc chậm triển khai giải ngân vốn đầu tư công chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến tốc độ phát triển kinh tế, cũng như thực hiện các mục tiêu xã hội. Vì vậy, giới chuyên gia cho rằng, năm 2023 phải khắc phục thực trạng này, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công một cách hiệu quả. Đặc biệt, khi năm 2023 được dự báo sẽ đối diện với không ít thách thức và biến động từ bối cảnh bên ngoài, đầu tư công càng cần thể hiện rõ vai trò của mình.
Năm 2023 trông chờ vào đầu tư công
Đưa ra những dự đoán về bức tranh kinh tế năm 2023, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, giảng viên Học viện Tài chính cho biết, năm 2023 tổng cầu suy giảm, dự báo tăng trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho các nước đều giảm. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng năm 2022 thấp nhất trong mấy chục năm qua. Năm 2023 dự báo sẽ khá hơn, nhưng vẫn thấp hơn trung bình 10 năm trước. Đây là những thách thức rất lớn, ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam.
Theo đó, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng, năm 2023 Việt Nam sẽ có thể đối diện với một số thách thức:
Thứ nhất, thách thức với tăng trưởng năm 2023 do tổng cầu quốc tế suy giảm mà Việt Nam lại là quốc gia phụ thuộc xuất khẩu.
Thứ hai là tốc độ lạm phát bên ngoài đã chậm lại, nhưng vẫn ở mức cao, một số chi phí đầu vào đang có sức ép tăng như giá điện.
Thứ ba, lãi suất của Việt Nam cao so với các nước trong khu vực sẽ làm tăng chi phí đầu vào, giảm đầu tư.
Vì vậy, chuyên gia này cho rằng, để đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 2023 đạt 6,5% mà Quốc hội đề ra, rất cần các giải pháp đúng đắn, đồng bộ và kịp thời. Cần có các giải pháp nhằm củng cố lòng tin của người dân, doanh nghiệp vào chính sách, đặc biệt là vào các chính sách của Chính phủ. Đối với các gói hỗ trợ về chính sách tài khóa và tiền tệ, chính sách tài khóa cần tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi sau Covid-19 như miễn giảm thuế, phí… cần có sự quyết liệt để thực thi các chính sách, đảm bảo tính nhất quán từ hoạch định đến thực thi chính sách. Ngoài ra, chính sách tiền tệ năm 2023 cần rất linh hoạt để giữ mục tiêu là ổn định giá trị đồng tiền, nhưng không gây khó khăn cho thanh khoản của hệ thống tài chính...
Đặc biệt, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường nhấn mạnh, cần đẩy mạnh hiệu quả triển khai công tác đầu tư công, luôn đặt đầu tư công như một động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội.
“Để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế năm 2023, cần tiếp tục cải cách thể chế để giải ngân vốn đầu tư công được tốt hơn, đúng kế hoạch chứ không phải dồn vào cuối năm, cần giải ngân đều, nhanh trong 4 quý của năm để tăng hiệu quả hấp thụ của nền kinh tế. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cần cắt giảm bớt các thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp”, ông Cường chia sẻ.
Bày tỏ quan điểm về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2023, TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, đẩy mạnh đầu tư công chính là một trong những động lực giúp thực hiện chương trình phục hồi của Chính phủ.
“Năm 2022, chúng ta đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận như tăng trưởng kinh tế trên 8%, lạm phát được duy trì ở mức ổn định. Tuy nhiên, khi nhìn lại tôi cũng có sự tiếc nuối, giá như chúng ta thực hiện được chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh và mạnh hơn; nếu thực hiện được đầu tư công hiệu quả hơn, kết quả phục hồi chắc chắn sẽ còn tốt hơn và đặt thêm nền tảng cho những năm sau.
Vì vậy, để rút kinh nghiệm cho năm 2023, tôi hy vọng thời gian tới, việc triển khai đầu tư công sẽ hoàn thành kế hoạch, sẽ được chú trọng và thực hiện có hiệu quả; chương trình phục hồi sẽ được triển khai nhanh hơn”, ông Thành nói.
Vào tháng 11 vừa qua, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021 (năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025).
Đây cũng là năm phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, trong khi hoạt động đầu tư công vẫn còn nhiều hạn chế đã tồn tại từ lâu, chưa xử lý được trong thời gian ngắn như giải phóng mặt bằng, chất lượng chuẩn bị dự án, năng lực ban quản lý dự án, nhà thầu...
Có thể thấy, với kế hoạch đề ra và tinh thần quyết tâm thực hiện của cơ quan lãnh đạo, năm 2023 có cơ sở để hy vọng sẽ thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy kinh tế hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ./.