Aa

Dự án 102 Trường Chinh: Mâu thuẫn nội bộ, “treo” quyền lợi cư dân

Thứ Hai, 01/10/2018 - 09:30

Những bất đồng trong quá trình thực hiện Dự án 102 Trường Chinh (Hà Nội) giữa các bên trong nội bộ Chủ đầu tư đã khiến quyền lợi của hàng nghìn khách hàng “treo” khi chủ đầu tư vừa lôi nhau ra tòa, vừa lâm vào tình trạng khó khăn, chưa hoàn thành nộp tiền sử dụng đất cho ngân sách dẫn đến tình trạng cư dân chưa thể làm sổ hồng.

Chủ đầu tư lôi nhau ra tòa

Công ty cổ phần Formach (Formach) có trụ sở tại thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội vừa có đơn khởi kiện Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô (Kinh Đô) lên Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) khi cho rằng, đơn vị này đã vi phạm hợp đồng hợp tác đầu tư số 68/HĐLD ký ngày 24/10/2008. Đây là hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng tòa nhà Trung tâm thương mại – Văn phòng – Căn hộ cao cấp tại ngõ 102 đường Trường Chinh, phường Phương Mai, quận Đống Đa, TP. Hà Nội.

Thông tin tại văn bản do ông Phạm Văn Cường – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Formach cho thấy, thỏa thuận ban đầu giữa Formach và Kinh Đô, Formach góp 5.098m2 đất tại ngõ 102 Trường Chinh để đầu tư xây dựng Dự án (ban đầu có tên gọi là Formach – Kinh Đô Tower, nay được đổi tên là Capital Garden). Công ty Kinh Đô có nghĩa vụ huy động đủ vốn để xây dựng hoàn thành công trình theo tiến độ đã thống nhất (ngày 1/1/2013).

Theo Hợp đồng Liên danh, Công ty cổ phần Formach sẽ được phân phối 30% tổng diện tích sàn của công trình Capital Garden với giá thấp hơn 13% so với giá bán kinh doanh thực tế cho các khách hàng thông thường. Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần Formach thì phía Kinh Đô đã bán hết số diện tích này nên Công ty Formach không còn hàng để bán.

Về phía đối tác bị Công ty Formach khởi kiện, ông Trần Đức Minh – Tổng giám đốc Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô cho biết, Công ty Kinh Đô sẵn sàng “hầu kiện” bởi trong vụ việc này bởi Công ty Kinh Đô chưa bán hết diện tích sàn dự án như phía Formach cáo buộc. Theo ông Minh, Dự án Capital Garden, phía Formach góp vốn đầu tư 37 tỷ đồng trong tổng số 57 tỷ đồng giá trị quyền thuê đất và giá trị còn lại của tài sản gắn liền trên đất. Phía Kinh Đô góp vốn bằng tiền và khối lượng xây dựng và chi phí có liên quan. Vốn góp của Bên A là cố định trong suốt quá trình đất tư. Vốn góp của Bên B được tăng, giảm đủ để đầu tư hoàn thành công trình. “Ngay sau khi Hợp đồng Liên danh được ký, Kinh Đô đã chuyển cho Formach số tiền 20 tỷ đồng tiền đặt cọc. Để giải quyết dứt điểm các vướng mắc giữa 2 bên tại Kinh Đô cũng đã nhiều lần thỏa thuận bằng văn bản với đối tác Formach nhưng Formach sau đó đã không thực hiện khiến tranh chấp giữa 2 bên rơi vào bế tắc. Trong quá trình thực hiện Dự án, hàng loạt vấn đề phát sinh khiến dự án bị chậm tiến độ cũng đã được Kinh Đô giải quyết nhưng không được Formach ghi nhận”, ông Minh nói.

Khách hàng đứng trước nhiều rủi ro

Theo đơn kiến nghị của cư dân Dự án gửi cơ quan chức năng, chung cư Capital Garden được thiết kế xây dựng gồm 21 tầng (+1 tầng cây xanh + 2 tầng kỹ thuật). Nhưng thực tế, khi bàn giao căn hộ cho khách hàng, tầng thương mại (theo thiết kế quy hoạch) được bố trí ở tầng 2A (tức tầng 3 thang máy) đã bị chuyển đổi thành sàn căn hộ ở để bán. Tầng kỹ thuật 1 (theo thiết kế phê duyệt) được bố trí ở tầng 2 (thang máy đánh số là tầng 4) cũng "hóa thành" các căn hộ thương mại. Tương tự, tầng cây xanh và bể bơi (theo thiết kế là đặt tại tầng 3A) cũng bị chuyển đổi thành căn hộ để bán. Chưa hết, tầng kỹ thuật 2 (quy hoạch bố trí tại tầng 20 – thực tế là tầng 24) bị biến thành sàn căn hộ để bán. Tầng cây xanh mái (theo thiết kế quy hoạch) được bố trí trên tầng thượng… chủ đầu tư cũng chưa hoàn thiện.

Ông Nguyễn Văn Giang, cư dân tại Dự án chung cư Capital Garden chia sẻ, từ khi người dân chuyển vào sinh sống tại khu chung cư 102 Trường Chinh, dự án phát sinh nhiều vấn đề trong xây dựng, quản lý, vận hành, phòng cháy, chữa cháy… dẫn đến các cuộc tập trung đông người, căng băng rôn, biểu ngữ phản đối gây nỗi bất an thường trực cho người dân sinh sống trong tòa nhà. “Những kiến nghị của người dân trước đây, chủ đầu tư đã thờ ơ, các đơn thư, khiếu kiện của cư dân không được giải quyết một cách thỏa đáng thì với việc chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất, kiện tụng ra tòa như hiện nay, việc đấu tranh cho quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân chắc chắn sẽ còn kéo dài”, ông Giang bức xúc.

Ngoài ra, cáo buộc của Công ty cổ phần Formach gửi Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng cho rằng, Công ty Kinh Đô đã không thực hiện việc phân chia lợi ích khiến Formach số tiền 63,3 tỷ đồng và không có kinh phí để thực hiện nộp tiền sử dụng đất trong các năm từ 2009 đến 2013. Cũng theo hồ sơ gửi tòa án của công ty Formach thì Công ty ty Kinh Đô phải hoàn trả lãi suất khoản tiền 37 tỷ đồng góp vốn đầu tư xây dựng Dự án, tiền thuê đất và tiền phạt chậm nộp cùng nhiều vi phạm khác với tổng số tiền lên đến 96,6 tỷ đồng. “Do Công ty Kinh đô không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, Công ty Formach không có nguồn thu từ Dự án để thanh toán tiền thuê đất. Nghiêm trọng hơn, Công ty còn bị Chi cục Thuế quận Đống Đa tiến hành phong tỏa tài khoản để thực hiện việc cưỡng chế nợ tiền thuê đất tại ngõ 102 đường Trường Chinh, quận Đống Đa. Vụ việc khiến hơn 200 người lao động của Công ty đứng trước nguy cơ mất việc làm, doanh nghiệp phá sản”- văn bản do ông Cường ký cho biết.

Theo quy định, khi Chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, cư dân Dự án sẽ không được làm giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà/đất tại Dự án đó.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top