Được biết, dự án chung cư AZ Sky Định Công (hay còn gọi là chung cư Ruby Định Công do Công ty CP bất động sản AZ làm chủ đầu tư. Dự án có địa chỉ tại khu đất CN1 khu đô thị Định Công (phường Định Công, Quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Chung cư AZ Sky Định Công được xây dựng trên tổng diện tích 6.315m2, bao gồm 1 tầng hầm và hai tháp cao 18 tầng. Với 2 tầng đế được bố trí làm trung tâm thương mại, bể bơi, nhà trẻ, phòng tập, cafe và 16 tầng trên là khu vực căn hộ để ở.
Theo dự kiến, dự án chung cư AZ Sky Định Công sẽ hoàn thành và bàn giao cho khách hàng vào quý II/2016, tuy nhiên đến nay, nhiều hạng mục còn chưa hoàn thiện, khiến cả khu chung cư trở nên nhếch nhác. Đặc biệt, theo ghi nhận của Reatime, dự án này đã được chủ đầu tư bàn giao căn hộ và cho dân vào ở từ cuối năm 2016.
Việc vừa thi công vừa cho dân vào ở đã gây bức xúc cho những cư dân sinh sống tại đây, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn và vi phạm các quy định khác về xây dựng.
Chủ đầu tư coi thường tính mạng cư dân! Theo Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), hành vi bàn giao căn hộ chung cư cho cư dân vào ở khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC là rất sự coi thường tính mạng, sức khỏe và tài sản của khách hàng (người mua nhà). Bởi việc này có thể gây ra những hậu quả khôn lường, những thiệt hại vô cùng lớn trong trường hợp xảy ra sự kiện cháy, nổ. Trong thực tế, sự nguy hiểm này cũng đã được chứng minh bằng liên tiếp các vụ cháy, nổ liên quan đến nhà chung cư khi chưa đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy nhưng đã tổ chức bàn giao cho cư dân về ở trong thời gian vừa qua. Với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng có lẽ do mức phạt quá nhẹ đã dẫn đến sự “nhờn luật” của các đơn vị kinh doanh nhà ở. Theo quy định của pháp luật hiện tại, với hành vi “đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy” chỉ bị phạt tối đa là 50 triệu đồng và hình thức xử phạt bổ sung là “buộc tổ chức để cơ quan quản lý nhà nước nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy” (khoản 6 và điểm b khoản 7 Điều 36 Nghị định số: 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy; Phòng, chống bạo lực gia đình). Tuy nhiên, thời hạn để “buộc tổ chức để cơ quan quản lý nhà nước nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy” này lại chưa được pháp luật quy định một cách cụ thể". Còn khi xảy ra thiệt hại nghiêm trọng về người hoặc tài sản do vi phạm về phòng cháy, chữa cháy thì những đối tượng liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 1999. Người phạm tội có thể phải đối diện với mức án cao nhất là 12 năm. Ngoài ra, Điều 240 Bộ luật Hình sự còn quy định, “phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm”. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể “bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”. Tuy nhiên, trong trường hợp đã bị xử lý hình sự về tội này thì thường hậu quả đã là rất lớn và rất khó khắc phục" - luật sư Trần Tuấn Anh phân tích./. |
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.