UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn thông báo nội dung kết luận của Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa liên quan đến dự án công viên Sài Gòn Safari tại huyện Củ Chi.
Theo đó, chấp thuận cho công ty Vinpear (thuộc tập đoàn Vingroup) thuê đơn vị tư vấn nước ngoài để nghiên cứu điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch và lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 công viên Sài Gòn Safari tại huyện Củ Chi bằng nguồn kinh phí mà công ty này chi trả.
UBND TP.HCM chấp thuận, về cơ cấu sử dụng đất, tỷ lệ đất dành cho khu Safari là từ 60 - 70% so với tổng diện tích đất và xây dựng công trình thấp tầng cho phù hợp với khu sinh thái.
UBND TP.HCM giao Sở Tài nguyên và môi trường phối hợp với UBND huyện Củ Chi công bố công khai cho nhân dân về kế hoạch sử dụng đất và thực hiện các thủ tục đăng ký bổ sung kế hoạch sử dụng đất hàng năm, trình UBND thành phố phê duyệt danh mục dự án sử dụng đất trong tháng 9/2016.
Giao Sở Giao thông vận tải nghiên cứu phương án kết nối giao thông từ khu vực trung tâm thành phố và các khu vực lân cận đến dự án; trong đó có nghiên cứu phương án bố trí tuyến xe buýt nhanh và mở rộng tuyến đường Nguyễn Thị Rành.
Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng yêu cầu UBND huyện Củ Chi hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trong tháng 9/2016.
Được biết, dự án Sài Gòn Safari do Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích 485ha nằm tại địa bàn hai xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, Huyện Củ Chi. Dự án được giới thiệu là Công viên khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, dù được cấp phép từ năm 2004 nhưng đến nay, sau hơn 10 năm dự án vẫn chỉ ở tình trạng dở dang, hoang hóa. Hiện dự án công viên Sài Gòn Safari đã được thành phố hoàn tất công tác rà phá bom mìn, xây dựng được gần 92% hạng mục hàng rào, đã chi hết gần 600 tỉ đồng tiền đền bù giải tỏa, đã chi trả bồi thường hỗ trợ giải tỏa được 686/705 hộ dân trong vùng dự án và đã bàn giao được hơn 400ha đất sạch cho TP.HCM.
Nguyên nhân khiến dự án này vẫn chưa thể triển khai vì chậm giải phóng mặt bằng. Việc dự án chậm triển khai đã dẫn đến tình trạng tái lấn chiếm đất diễn ra phức tạp. Ngoài ra, việc tìm kiếm một nhà đầu tư có tiềm lực, nguồn vốn và kinh nghiệm để triển khai dự án cũng là một thách thức.
Ngày 18/2/2016, tại cuộc làm việc với chính quyền huyện Củ Chi, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cũng đã có chỉ đạo các đơn vị liên quan trong 6 tháng tiếp theo phải có giải pháp xử lý triệt để nhằm tạo chuyển biến tình hình, nhất là chấm dứt tình trạng quy hoạch "treo", đầu tư xây dựng các khu tái định cư cho người dân...