Aa

Dự án đô thị ven sông Hồng: Bài toán dứt khoát phải giải

Thứ Năm, 24/01/2019 - 06:00

Quy hoạch hai bờ sông Hồng là một chủ trương đúng, phù hợp với sự phát triển của xã hội, tuy nhiên để có một TP hai bên sông Hồng chúng ta phải tính toán, giải quyết nhiều vấn đề quan trọng.

GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Theo nguyên lý xưa “nhất cận thị, nhị cận giang”, một đô thị có phát triển được hay không cũng nhờ vào con sông. Hà Nội là một đô thị nhưng lại phát triển không bình thường, không phát triển 2 bên bờ sông. Cùng với sức ép của dân số, phát triển thời kỳ đô thị hóa đã tạo ra một không gian dân cư rất lộn xộn 2 bên bờ sông và để lại “di sản” lớn hiện nay.

“Nút thắt” được gỡ

Trước khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011, có nội dung quy hoạch khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, đã có rất nhiều đề án được đưa ra nhưng chưa đề án nào được phê duyệt.

Ý tưởng lập quy hoạch hai bờ sông Hồng nhiều lần bị vỡ kế hoạch do vướng vào quy hoạch thoát lũ sông Hồng, sông Đáy. Tuy nhiên, vướng mắc trên được tháo gỡ, sau khi Chính phủ phê duyệt đổi chỉ giới theo hướng giảm bớt số lượng các khu dân cư bị ảnh hưởng từ 1.300 điểm xuống 9 điểm dân cư.

Vừa qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội đã tổ chức khảo sát tại huyện Hoài Đức, Đông Anh, Thường Tín và quận Long Biên để chuẩn bị đóng góp ý kiến cho thành phố trình HĐND thành phố thông qua chủ trương. Khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có số liệu chính xác liên quan đến lưu lượng xả lũ ở 7 đập ngăn trên thượng nguồn sông Hồng (thuộc Trung Quốc) nên cần phải nghiên cứu, nếu họ xả lũ sẽ rất nguy hiểm.

Phối cảnh dự án quy hoạch hai bên sông Hồng được đưa ra lấy ý kiến

Phối cảnh dự án quy hoạch hai bên sông Hồng được đưa ra lấy ý kiến

Liên quan đến việc lập đề án quy hoạch hai bên sông Hồng, Sở QH&KT Hà Nội là đơn vị đầu mối chủ trì phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị liên quan tập hợp các tài liệu, thông tin liên quan phục vụ cho công tác nghiên cứu, lập đồ án quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội là đơn vị chịu trách nhiệm về các vấn đề chuyên môn và tham mưu trực tiếp cho thành phố, việc nghiên cứu, tập hợp tài liệu vẫn đang được tiến hành theo trình tự.

Trong khi đó, đại diện cho 3 nhà đầu tư được thành phố giao tài trợ kinh phí cho việc lập quy hoạch hai bên sông Hồng (Sungroup, Geleximco, Vingroup) chỉ thực hiện nhiệm vụ tài trợ kinh phí cho TP. Hà Nội nghiên cứu, lập quy hoạch hai bờ sông Hồng. Còn lựa chọn đơn vị nào, quy trình thực hiện ra sao thuộc thẩm quyền của UBND TP. Hà Nội.

Cần lộ trình và tầm nhìn lâu dài

Việc nghiên cứu quy hoạch hai bên bờ sông Hồng là cần thiết, không thể kéo dài tình trạng như hiện nay vì dòng sông này có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của TP. Khi nghiên cứu lập quy hoạch sông Hồng được triển khai cần tính đến vấn đề di dân ở khu vực lòng sông.

Ở khu vực này hiện nay dân cư được chia thành nhiều nhóm. Có nhóm là dân tứ xứ đến lấn chiếm đất bãi sông Hồng cư ngụ không chính thức, cũng có nhóm nhà nước bố trí tái định cư... do vậy GPMB là bài toán vô cùng khó khăn. Tuy nhiên đây là bài toán dứt khoát phải giải bởi vì nếu cứ để khu vực bãi sông Hồng như thế này thì không phải là một TP phát triển.

Chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư tuy có rồi nhưng áp dụng trong môi trường đô thị phức tạp này cũng là điều cần cân nhắc kỹ. Có thể có nhiều vấn đề về chính sách chưa đúng với hoàn cảnh bãi sông Hồng hiện nay, nhất là những trường hợp mà lấn chiếm đất đai, chưa có hộ khẩu chính thức. Diện này khá nhiều, thậm chí có nơi còn chứa chấp cả tệ nạn xã hội. Do vậy, nếu GPMB được thì chúng ta đã giải quyết được vấn đề quan trọng không chỉ cho dự án mà còn là bài toán mà Hà Nội phải làm.

Khi lập quy hoạch sẽ phải dự trù bài toán quỹ đất để di dời cho bà con đến khu vực khác. Cũng có thể không nhất thiết phải di cư mà có thể kiến tạo ngay một khu đô thị ven sông để tái định cư tại chỗ. Tất nhiên phải điều chỉnh kế hoạch chung thì mới có thể có hướng giải quyết thích hợp nhất.

Việc giao cho doanh nghiệp tham gia vào dự án còn tùy thuộc vào từng mảng và thế mạnh của họ. Nhưng nếu ta giao phó hoàn toàn cho doanh nghiệp làm thì rủi ro nhiều hơn mặc dù ta đánh giá rất cao vai trò của doanh nghiệp tham gia vào chương trình, nhưng những lợi ích của doanh nghiệp rất dễ đánh đổi những giá trị mà chúng ta đang bàn tới.

Việc giải quyết không thể làm ngay, làm nhanh mà cần phải có một lộ trình và tầm nhìn lâu dài. Nguy hiểm nhất là chúng ta chỉ có cái nhìn ngắn hạn, theo nhiệm kỳ.

Vướng mắc căn cơ được giải quyết

"Rõ ràng với quy hoạch mới chúng ta sẽ phải làm, nhưng làm như thế nào và kế thừa đến đâu lại là một chuyện khác, bởi Hà Nội có rất nhiều dự án. Lần này, khi hành lang thoát lũ đã được duyệt cùng với quyết định cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sau đó Hội đồng Nhân dân ra Nghị quyết về giải phóng mặt bằng và lập khu tái định cư mới đối với các hộ dân trong diện di dời, đồng thời ra chủ trương sớm hoàn thiện khu vực ổn định để cấp sổ đỏ cho các hộ dân đang trong tình trạng chưa được cấp sổ đỏ nhiều năm nay… thì vướng mắc sẽ được tháo gỡ. Khi những vướng mắc được giải quyết sẽ tiến tới triển khai dự án".

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội

GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top